Quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan – bước tiến mới trong thi hành Điều lệ Đảng hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 117-QĐ/TW ngày 18/8/2023 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam có quy định có về nội dung này. Bài viết tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến Quy định số 117-QĐ/TW của Bộ Chính trị và ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức thực hiện Quy định này đối với các tổ chức đảng và đảng viên hiện nay.
Ảnh minh họa (TTXVN)
Đặt vấn đề

Quá trình tổ chức thực hiện Điều lệ Đảng trong một số nhiệm kỳ gần đây cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập do các quy định cụ thể hóa Điều lệ Đảng chưa thực sự đồng bộ và thống nhất, còn thiếu có những quy định đối với những tình huống đã xảy ra trong thực tế. Đặc biệt, đối với công tác kiểm tra, giám sát, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Trong các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng có nội dung chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh, khi áp dụng còn lúng túng, vướng mắc, khó thực hiện. Việc thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chưa nghiêm, hiệu quả còn hạn chế”1. Một trong những nguyên nhân của hạn chế nêu trên là: “Những vướng mắc, bất cập nêu trên chủ yếu liên quan đến nội dung trong các quy định, hướng dẫn của Trung ương”2. Quy định số 117-QĐ/TW ngày 18/8/2023 của Bộ Chính trị về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan (Quy định số 117-QĐ/TW) nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một nội dung khá nhạy cảm trong thi hành kỷ luật đảng, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn qua nhiều nhiệm kỳ còn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sự cần thiết ban hành Quy định số 117-QĐ/TW

Một là, về mặt lý luận, kỷ luật đảng có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm cho mọi hoạt động của Đảng được thực hiện một cách nghiêm, túc, bài bản và chặt chẽ. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức đảng, đảng viên. Tất cả các tổ chức đảng cần nắm vững và thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật của Đảng và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đảng, chống mọi biểu hiện lệch lạc trong việc thi hành kỷ luật của Đảng, làm cho tổ chức Đảng luôn trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”3.

Hai là, thực tế cho thấy, thi hành kỷ luật đảng là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp có thẩm quyền phải xem xét một cách thận trọng, nghiêm túc, khách quan, bảo đảm nguyên tắc, thủ tục và theo quy trình, không được làm tắt, làm ngang hoặc có thái độ chủ quan, định kiến dẫn đến bỏ qua các thủ tục cần thiết trong quá trình xem xét. Trong toàn bộ quá trình thi hành kỷ luật đảng cần tiến hành nghiêm túc, ngăn ngừa những hậu quả khó lường làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng có thẩm quyền nói riêng và uy tín lãnh đạo của Đảng nói chung. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”4. Tự giác nhận sai lầm, khuyết điểm và tìm cách sửa chữa sai lầm, khuyết điểm chính là phẩm chất tốt đẹp của một Đảng cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Việc Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Quy định số 117-QĐ/TW chính là sự tiếp nối truyền thống cách mạng và khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hun đúc nên trong suốt chiều dài lịch sử.

Ba là, bước vào thời kỳ mới, việc để xảy ra những sai phạm trong thi hành kỷ luật đảng đến mức thi hành kỷ luật oan vẫn còn xảy ra. Trong các quy định thi hành Điều lệ Đảng hai nhiệm kỳ gần đây đã nêu ra việc cần thiết phải xây dựng quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Theo Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng:“Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định. Đảng viên bị kỷ luật oan phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị”. Bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có các nội dung quy định tại Điều 9 nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng: “Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định. Đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị”.

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương về xây dựng quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Sau gần hai nhiệm kỳ nêu ra chủ trương về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, Quy định số 117-QĐ/TW được ban hành là rất cần thiết và đáp ứng yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn mà công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đặt ra.

Một số nội dung chính của Quy định số 117-QĐ/TW

Về phạm vi điều chỉnh, Quy định số 117-QĐ/TW quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Về đối tượng áp dụng: bao gồm các tổ chức đảng bị kỷ luật oan (tổ chức đảng đã giải tán, giải thể, kết thúc hoạt động, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập về tổ chức). Áp dụng với đảng viên bị kỷ luật oan (bao gồm cả đảng viên không còn sinh hoạt đảng, đã qua đời, mất năng lực hành vi dân sự, tòa án tuyên bố mất tích). Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng giải quyết khiếu nại kỷ luật). Ngoài ra, Quy định số 117-QĐ/TW còn áp dụng với tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan và các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quy định số 117-QĐ/TW nêu ra 6 nguyên tắc (Điều 3) thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên. Ngoài các nguyên tắc chung mang tính phổ biến, như: kịp thời, công khai, khách quan thì điểm đáng chú ý là nguyên tắc về xin lỗi trong cả trường hợp đảng viên đã chết: “đảng viên bị kỷ luật oan đã qua đời, toà án tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi đối với thân nhân đảng viên”. Bên cạnh đó xác định 2 căn cứ để xin lỗi và phục hồi quyền lợi là: (1) Kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. (2) Kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan. Kinh phí để thực hiện bồi thường được quy định rõ là theo quy định của pháp luật: “Việc bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Đây cũng là bước tiến về việc đồng bộ hóa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Điều đáng chú ý là Quy định số 117-QĐ/TW nêu rõ hình thức xin lỗi: “Tổ chức hội nghị công khai xin lỗi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan”. Nguyên tắc công khai trong việc xin lỗi được thực hiện từ việc tổ chức hội nghị, nơi tổ chức hội nghị; thành phần hội nghị; nội dung hội nghị cho đến công bố công khai việc xin lỗi: “Tổ chức đã quyết định kỷ luật oan công bố nội dung xin lỗi gửi các tổ chức đảng trực thuộc; đãng công khai trên báo chí của địa phương, trang thông tin điện tử (nếu có) của cấp ủy cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật oan, nơi đang cư trú hoặc làm việc” (Điều 11). Việc phục hồi quyền lợi cũng được quy định khá chi tiết đối với tổ chức đảng, đối với đảng viên kể cả trong trương hợp tổ chức đảng đã kết thúc hoạt động, giải thể, chuyển giao, chia tách, sáp nhập (Điều 12).

Ý nghĩa của việc ban hành Quy định số 117-QĐ/TW

Một là, hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước.

Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật số 10/2017/QH14: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, các quy định của Đảng về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan mới chỉ dừng lại ở chủ trương mà chưa có quy định cụ thể. Quy định số 117-QĐ/TW được ban hành cho thấy tính đồng bộ về thể chế giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời thể hiện rõ quan điểm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay, đó là: đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đạt hiệu quả cao.

Hai là, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức đảng và đảng viên.

Việc thi hành kỷ luật phải bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục mà Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đảng đã quy định. Cần đấu tranh chống các khuynh hướng không công bằng, buông lỏng hoặc quá khắt khe và các khuynh hướng sai lầm khác trong việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Quy định số 117-QĐ/TW cũng chính là bảo đảm cho việc thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện đồng bộ và nghiêm túc; xác định giới hạn và là “lời cảnh báo” đối với tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật và cán bộ đóng vai trò tham mưu kỷ luật nhằm tránh hiện tượng làm việc tùy tiện, bất chấp quy định của Đảng, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến oan sai cho tổ chức đảng, đảng viên.

Ba là, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Tăng cường kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mọi tổ chức Đảng và đảng viên để nâng cao tính đảng, tính giai cấp, giữ vững kỷ cương của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo và xây dựng đảng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường kỷ luật không có nghĩa là phải thi hành kỷ luật cho nhiều, cho nặng mà chủ yếu là phải thường xuyên giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị, giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm để các tổ chức đảng và đảng viên nghiêm túc và tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng. Nhưng nếu tổ chức đảng và đảng viên vi phạm tới mức phải thi hành kỷ luật thì cần phải xử lý nghiêm để giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức đảng và đảng viên.

Việc thi hành kỷ luật phải bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục mà Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đảng đã quy định. Cần đấu tranh chống các khuynh hướng không công bằng, buông lỏng hoặc khắt khe và các khuynh hướng sai lầm khác trong việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Nếu tổ chức đảng thực hiện việc thi hành kỷ luật oan đối với tổ chức đảng, đảng viên thì cần phải thực hiện nghiêm việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Quy định số 117-QĐ/TW gắn quyền với trách nhiệm, là các biện pháp xử lý đối với tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật oan, giúp công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng hoàn thiện và chặt chẽ hơn.

Bốn là, ngăn chặn, phòng ngừa những khuyết điểm, vi phạm từ đầu, từ xa, từ sớm.

Quy định số 117-QĐ/TW góp phần làm rõ mối quan hệ giữa tập trung với dân chủ, đoàn kết với kỷ luật. Đoàn kết và kỷ luật, dân chủ và kỷ luật luôn luôn đi liền với nhau, không tách rời nhau. “Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật” và “muốn có dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán bộ phải gương mẫu tự phê bình và phê bình”. Kỷ luật đảng là một nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt bảo đảm cho Đảng tồn tại, hoạt động, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình. Tăng cường kỷ luật của Đảng là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác lãnh đạo và xây dựng Đảng. Có thiết lập được trật tự, kỷ cương trong Đảng mới có thể lãnh đạo được xã hội, giữ vững trật tự, kỷ cương.

Thi hành kỷ luật có mục đích cao nhất là để giáo dục, giúp đỡ đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Quy định số 117-QĐ/TW cùng với các quy định về thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, giáo dục cán bộ, đảng viên; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương; thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của Đảng; góp phần củng cố sự vững chắc, tính nghiêm minh, sự nghiêm túc của tổ chức đảng, đảng viên trong việc chấp hành kỷ luật Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, làm hạt nhân cho việc giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Nhà nước, quy định của các đoàn thể chính trị – xã hội và toàn xã hội.

Kết luận

Quy định số 117-QĐ/TW nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức đảng, đảng viên. Tất cả các tổ chức đảng cần nắm vững và thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục trong thi hành kỷ luật của Đảng. Phải tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đảng, chống mọi biểu hiện lệch lạc trong việc thi hành kỷ luật của Đảng; không để xảy ra sai phạm đến mức phải tiến hành xin lỗi và phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, làm cho mỗi tổ chức đảng, từng đảng viên xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 289, 300.
3, 4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 523 – 524. 301.
PGS.TS. Lê Văn Cường
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Lê Ngân Hà
Học viện Báo chí và Tuyên truyền