Một số mô hình tổ chức của cơ quan báo chí hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện và mạng internet, các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số sẽ được áp dụng vào quy trình xuất bản và phát hành tác phẩm, ấn phẩm báo chí. Do vậy, mô hình chuyển đổi số có sự tác động sâu sắc đến sự vận động, phát triển của cơ quan báo chí địa phương ở nước ta hiện nay. Bài viết giới thiệu một số mô hình tổ chức của cơ quan báo chí hiện nay và áp dụng mô hình để phù hợp với xu hướng phát triển cơ quan báo chí của Việt Nam.
Ảnh minh hoạ: tuyengiao.vn.
Mô hình các cơ quan báo chí truyền thống

Mô hình này còn gọi là mô hình cơ quan báo chí hình tháp (tower-office) được áp dụng ngay từ thời kỳ đầu tiên khi ra đời báo chí định kỳ, hiện đại (đầu thế kỷ XVII) ở các nước châu Âu, như: Đức, Bỉ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Mô hình này được áp dụng phổ biến trong cấu trúc tổ chức bộ máy hoạt động công sở nói chung, trong đó cấu trúc bởi 3 bộ phận: (1) Bộ phận lãnh đạo, quản lý; (2) Bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ; (3) Bộ phận hỗ trợ, phục vụ.

Mô hình này trước đây có nhiều lợi thế nhưng ở thời điểm hiện tại, đã dần dần ít còn phù hợp, do đó, đã có sự thay thế bằng mô hình mới, hiện đại hơn. Hầu hết cơ quan báo chí địa phương ở Việt Nam vẫn đang áp dụng mô hình này. Đối với cơ quan báo chí địa phương, theo Quy định số 338-QĐ/TW ngày 26/11/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định về tổ chức bộ máy cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức bộ máy và biên chế, bao gồm:

Cơ cấu tổ chức gồm lãnh đạo cơ quan báo: có tổng biên tập, từ 1 – 3 phó tổng biên tập; các bộ phận cấu thành là 7 phòng chức năng: phòng Hành chính – Trị sự; phòng Thư ký tòa soạn; phòng Xây dựng Đảng – Nội chính; phòng Kinh tế; phòng Văn hóa – Xã hội; phòng Bạn đọc – Tư liệu; phòng Báo điện tử. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và khả năng tài chính, được cấp ủy tỉnh, thành phố và các cơ quan có thẩm quyền đồng ý thì có thể lập thêm một số bộ phận công tác hoặc phòng chuyên đề.

Về biên chế nhân sự: căn cứ chức năng, nhiệm vụ, số kỳ phát hành trong tuần (không tính các ấn phẩm khác), cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố được giao biên chế theo định hướng: Báo phát hành dưới 5 kỳ/tuần: biên chế từ 30 – 40 nhân sự; phát hành 5 – 6 kỳ/tuần: biên chế từ 41 – 45 nhân sự; phát hành hằng ngày: biên chế từ 46 – 50 nhân sự. Lãnh đạo cơ quan báo căn cứ nhiệm vụ được giao và khả năng tự chủ về kinh phí hoạt động để thực hiện hợp đồng lao động, cộng tác viên theo quy định.

Theo Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ quy định về cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh – Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh cụ thể như sau:

Cơ cấu tổ chức gồm lãnh đạo Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh: có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc. Giám đốc, các phó giám đốc do UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông. Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh là người chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan. Các phó giám đốc giúp giám đốc, chịu trách nhiệm trước giám đốc và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh được thành lập thống nhất gồm 7 phòng: phòng Tổ chức và hành chính; phòng Thời sự; phòng Biên tập; phòng Truyền thông – điện tử; phòng Văn nghệ và giải trí; phòng Kỹ thuật và công nghệ; phòng Dịch vụ và quảng cáo. Các phòng được thành lập thêm phù hợp với đặc điểm của các địa phương trên nguyên tắc bao quát đầy đủ các lĩnh vực hoạt động, chức năng, nhiệm vụ phải rõ ràng, không chồng chéo. Số lượng, tên gọi các phòng chuyên môn, nghiệp vụ được thành lập thêm do giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh phối hợp với giám đốc sở Nội vụ trình UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật. Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, trách nhiệm của người đứng đầu các phòng theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị sự nghiệp thuộc Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh (nếu có) gồm: trung tâm sản xuất phim truyền hình; các đơn vị sự nghiệp khác. Các đơn vị sự nghiệp trên do UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Về biên chế: biên chế của Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh là biên chế sự nghiệp, do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật. Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh bố trí, sử dụng viên chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch viên chức theo quy định của pháp luật.

Mô hình Tòa soạn “đảo (island-office)

Mô hình này được báo chí ở các nước phương Tây áp dụng khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, điển hình là ở Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Đan Mạch… Ở châu Á, các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a cũng đã áp dụng mô hình này. Các tập đoàn truyền thông ở Mỹ như CNN (Cable News Network), AP (Associated Press) cũng đã sớm áp dụng mô hình này để quản trị truyền thông, báo chí hiệu quả. Mô hình được cấu trúc hoạt động báo chí chung trong một không gian, tạo ra các “hòn đảo”. Về bản chất, giống như một cái “chợ”, một “công xưởng” sản xuất các sản phẩm báo chí mang tính chất “công nghiệp” làm báo1.

So với mô hình truyền thống thì mô hình này đã giảm bớt sự cồng kềnh về bộ máy lãnh đạo, quản lý, người làm chuyên môn; giảm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; thể hiện tính dân chủ, công bằng trong lao động báo chí; hình thành môi trường văn hóa báo chí, khích lệ sự sáng tạo của đội ngũ nhà báo; bước đầu đã ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị cơ quan báo chí hiệu quả, đồng thời hình thành một nền “công nghiệp báo chí” mang tính chất hoạt động kinh tế thương mại báo chí rõ ràng.

Tuy nhiên, mô hình tòa soạn đảo chỉ phù hợp triển khai áp dụng được ở một số quốc gia phát triển. Trước đây, ở Việt Nam, cũng đã có một số tòa soạn thực nghiệm, tuy nhiên, hiệu quả thấp (do trình độ quản trị cơ quan báo chí và vấn đề ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới cho quản trị cơ quan báo chí chưa đáp ứng) nên phải chuyển đổi về mô hình cơ quan báo chí truyền thống (việc sáng tạo tác phẩm và tổ chức sản xuất chủ yếu mang tính thủ công, trên nền tảng kỹ thuật giản đơn).

Mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện

Thuật ngữ truyền thông đa phương tiện (multi-media) xuất hiện ở Mỹ từ những năm 50 của thế kỷ XX. Đến thập niên 1990, công nghệ thông tin bùng nổ, internet phát triển, tòa soạn đa phương tiện được áp dụng các nước: Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a để quản trị tòa soạn có ít nhất từ hai loại hình báo chí trở lên2. Hiện nay, ở Việt Nam, một số cơ quan báo chí cũng đã thực nghiệm tổ chức theo mô hình này. Về bản chất của mô hình là “hiện đại hóa” mô hình cơ quan báo chí hình tháp và mô hình tòa soạn đảo dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Theo đó, có chứa đủ 5 chữ “đa” (multi), bao gồm:

(1) Cơ quan báo chí có khả năng tích hợp sản xuất đa loại hình báo chí (từ 2 loại hình báo chí trở lên) trong một tòa soạn.

(2) Sản phẩm báo chí tích hợp biểu đạt bằng đa ngôn ngữ (text, image, audio clip, video clip, interactive…).

(3) Sử dụng kỹ thuật công nghệ cao trong quản trị sản xuất sản phẩm báo chí dựa trên đa nền tảng của công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Trong cơ quan báo chí áp dụng mô hình quản trị này, nhà báo không chỉ là người sáng tạo nội dung mà còn phải là một chuyên gia về công nghệ.

(4) Hình thành nhà báo đa năng, đáp ứng việc sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện và tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình trong điều kiện chuyển đổi từ mô hình cơ quan báo chí truyền thống sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, trong điều kiện không cho phép “phình to” tổ chức bộ máy cũng như tăng nhân lực lao động báo chí.

(5) Khả năng tương tác đa chiều trong các sản phẩm, tác phẩm báo chí cũng như các dịch vụ xã hội để kéo gần khoảng cách giữa công chúng với báo chí, tạo nên sự dân chủ hóa trong truyền thông và tăng hiệu quả, hiệu lực hoạt động của báo chí.

Mô hình Tòa soạn hội tụ (focus-office)

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, mô hình này ra đời và ở các nước phương Tây và Mỹ và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XXI, khi ngành công nghệ thông tin phát triển ở mức độ cao: các đường truyền internet băng thông rộng có dây và không dây cũng như các thế hệ máy tính có cấu hình cao, nhiều ứng dụng phần mềm tiện ích tạo điều kiện để các nhà báo tác nghiệp.

Năm 1983, giáo sư Ithiel de Sola Pool của Học viện Công nghệ Hoa Kỳ (MIT) chính thức đưa ra khái niệm truyền thông hội tụ và dự đoán rằng, với sự phát triển của kỹ thuật số, sẽ khiến các loại hình truyền thông vốn được phân chia rạch ròi, nay hội tụ với nhau3. Kevin L.McCrudden cho rằng: “truyền thông hội tụ là sự giao thoa giữa mô hình truyền thông mới và truyền thông truyền thống4.

Mô hình truyền thông hội tụ lấy internet là phương tiện truyền thông mạnh mẽ nhất từng được tạo ra, bởi vì có thể bắt chước tất cả phương tiện truyền thông khác, còn các phương tiện khác không thể bắt chước internet, các phương tiện truyền thông mới và truyền thống có thể tương tác theo sự phát triển của công nghệ số hóa. Điều đó đã khiến báo in, phát thanh – truyền hình từng bước bị internet “tấn công” mạnh mẽ và trong môi trường truyền thông hội tụ đó; công chúng có thể tự do tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhất trên các phương tiện truyền thông mà họ ưa thích.

Trong mô hình này sẽ có một bàn “siêu biên tập” (super desk), hội tụ tất cả tin tức, dữ liệu thông tin từ các nguồn khác nhau về, sau đó, các biên tập viên sẽ tổ chức biên tập, đăng tải trên các định dạng sản phẩm tương thích với các loại hình báo chí khác nhau cùng các tính năng cung cấp thông tin tin tức báo chí nhanh nhất và được quản trị hệ thống bằng công nghệ với các phần mềm tiện ích; đồng thời, còn có khả năng cung cấp các dịch vụ xã hội, văn hóa – giải trí trực tuyến, quảng cáo, tài trợ… điều này các tòa soạn báo chí truyền thống ít có khả năng làm được.

Đặc trưng của mô hình tổ chức cơ quan báo chí hội tụ, bao gồm:

(1) Hội tụ về không gian làm việc: trong mô hình cơ quan báo chí hội tụ, lãnh đạo và nhân viên cùng làm việc trong một không gian. Các phóng viên tác nghiệp các loại hình truyền thông khác nhau như phát thanh – truyền thông, báo in, báo điện tử cùng hợp nhất địa điểm làm việc trong một văn phòng lớn. Theo thiết kế, giữa trung tâm điều hành tin tức là khu vực lãnh đạo có một bàn siêu biên tập (super desk), nơi được coi là “sở chỉ huy” của cơ quan, giúp lãnh đạo đưa ra chỉ thị một cách nhanh nhất khi tác nghiệp. Với cách sắp xếp trên một mặt phẳng, cơ quan báo chí hội tụ buộc phải tích hợp công nghệ và kỹ thuật. Tất cả các công nghệ để sản xuất ra một bài báo in hay báo mạng hoặc clip truyền hình, audio phát thanh đều được tích hợp trong một văn phòng. Việc quản lý chất lượng tập trung sẽ bảo đảm được những thông tin nhất quán trên mọi loại hình và kênh thông tin của các phương tiện truyền thông. Áp dụng chung một kế hoạch thống nhất sẽ bảo đảm nguồn cung cấp ổn định thông tin độc quyền về những vấn đề đang được công chúng quan tâm nhất. Đây là hướng đi của báo chí hiện đại trên thế giới và cả Việt Nam.

(2) Hội tụ trong phương thức tác nghiệp của nhà báo: trong cơ quan báo chí hội tụ, phóng viên, biên tập viên, phóng viên ảnh, phóng viên video cùng hợp tác làm tin, bài thay vì hoạt động độc lập như trước. Khi xảy ra sự kiện có tính thời sự trên một địa bàn cụ thể, một nhóm phóng viên cùng thu thập tin tức, đồng thời chia sẻ những thông tin đã thu thập được và thống nhất chọn cách tốt nhất để đưa tin. Các nhà báo sẽ phải làm việc “đa năng” hơn và thích ứng với hình thức hội tụ đa phương tiện.

(3) Hội tụ về nội dung: các tác phẩm báo chí được trình bày dưới dạng đa phương tiện, kết hợp chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, liên kết đến các trang video, audio trực tuyến. Việc hội tụ về nội dung cho thấy, tin tức rõ ràng và nhất quán trên tất cả các thiết bị và loại hình báo chí sẽ góp phần củng cố thương hiệu cho cơ quan báo chí địa phương bằng cách cơ quan báo chí hội tụ có thể sử dụng các khả năng và thế mạnh của các kênh khác nhau, tiếp cận đối tượng ở bất cứ đâu và lúc nào thông qua các phương tiện truyền thông thích hợp nhất.

(4) Hội tụ phương thức truyền tin: thông tin không chỉ được truyền qua các công cụ chính thống như báo in, báo điện tử, phát thanh – truyền hình mà còn được truyền qua các công cụ không chính thống là các mạng xã hội (như facebook, zalo, google, thư điện tử…), có thể đưa các công cụ không chính thống này vào phương thức truyền tin bằng cách chia sẻ lên mỗi bài báo.

(5) Thúc đẩy vai trò của công chúng với báo chí: các kênh thông tin trực tuyến mở ra nhiều cơ hội cho công chúng có thể tiếp nhận trực tiếp thông tin từ các nguồn tin, đồng thời lựa chọn những thông tin thiết thực, phục vụ cho nhu cầu cụ thể và được chuyển tải dưới những hình thức ngắn gọn, chính xác, thuận lợi cho việc tiếp cận.

Đối với nhóm công chúng địa phương hiện nay cần có sự quan tâm về nhu cầu và điều kiện tiếp nhận thông tin một cách cụ thể. Internet đã phủ sóng khắp toàn quốc, người dân có thể lựa chọn các hình thức, kênh khác nhau để tiếp nhận thông tin. Quá trình hội tụ truyền thông hiện nay đang tạo ra những hệ quả đòi hỏi báo chí phải thích ứng. Việc tích hợp các loại hình viễn thông, báo chí khác nhau trên cùng một thiết bị còn có thể tạo ra những thay đổi quan trọng, tạo cơ sở cho sự ra đời của những dịch vụ mới ngày càng tiện ích hơn. Cơ quan báo chí không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin đơn thuần mà còn cần chú trọng đến hình thức chuyển tải thông tin mang tính hiện đại như kết hợp âm thanh, hình ảnh, chữ viết, đồ họa… trên nền tảng Internet, đồng thời đưa thông tin lên các trang mạng xã hội để tranh thủ thêm lượng công chúng mới.

Một ưu điểm nữa của mô hình cơ quan báo chí hội tụ, bằng cách cho phép công chúng liên kết qua trang web, các tòa soạn có thể thu thập thêm được những nguyên liệu thông tin mới mẻ nhất. Thực tế, hoạt động của đội ngũ phóng viên dù có hiệu quả đến đâu cũng không thể bao quát hết được những thông tin đa dạng, phong phú của đời sống xã hội. Trong khi đó lượng độc giả với nhu cầu tìm kiếm thông tin ngày một lớn, có thể là một nguồn cung cấp thêm những dữ liệu cho các tòa soạn. Điều này cũng sẽ góp phần tạo nên sự gắn bó, tương tác hiệu quả hơn giữa công chúng với các cơ quan báo chí.

Mô hình Tập đoàn truyền thông (media-group)

Bản chất của mô hình này là hoạt động sản xuất – kinh doanh báo chí được áp dụng phổ biến ở các nước phương Tây và Mỹ5. Ban đầu là các cơ quan báo chí hoạt động kinh doanh, tạo dựng được thương hiệu, thâu tóm các đơn vị báo chí nhỏ lẻ, thành lập tập đoàn kinh doanh báo chí, trong đó chú trọng tính độc quyền hóa và thương mại hóa thông tin. Cơ chế báo chí ở Việt Nam không áp dụng được mô hình tập đoàn báo chí.

Mô hình Trung tâm truyền thông (media-center)

Bản chất của mô hình này là cấu trúc thành một tổ chức truyền thông để hình thành các dịch vụ thông tin báo chí và tin tức với các loại hình, sản phẩm truyền thông khác nhau. Trước đây, ở các nước phương Tây, Mỹ và một số nước ở châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Thái Lan cũng đã hình thành mô hình “trung tâm truyền thông”, sau đó dần bị thay thế bởi mô hình “tập đoàn truyền thông” (media-group).

Hiện nay, ở Việt Nam, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực nghiệm áp dụng mô hình Trung tâm truyền thông trên cơ sở sáp nhập Báo Quảng NinhĐài Phát thanh và Truyền hình Quảng NinhBáo Hạ LongCổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh thành Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Qua một thời gian ngắn, Trung tâm này chưa chính thức tổng kết, đánh giá về tính khả thi, hiệu quả thực tế, do đó chưa thể khẳng định được đây là mô hình lý tưởng để các cơ quan báo chí áp dụng, nhất là đối với các đơn vị báo chí địa phương và các đơn vị báo chí trực thuộc các bộ, ngành, trong đó kể cả các đơn vị báo chí được xác định là chủ lực trong thực hiện quy hoạch báo chí.

Đánh giá chung

Với 6 mô hình tổ chức hoạt động nêu trên, các cơ quan báo chí địa phương có thể tham khảo, cân nhắc và quyết định lựa chọn để xây dựng, tổ chức mô hình hoạt động hiệu quả. Bên cạnh một số cơ quan báo chí địa phương đã bước đầu đề ra và thực hiện các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động (điển hình như Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh, báo Nghệ An, báo Lạng Sơn) thì nhiều cơ quan báo chí vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trong việc cải cách, đổi mới tổ chức cơ quan báo chí địa phương cho phù hợp với xu thế hiện đại, hướng tới bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc triển khai mô hình cơ quan báo chí hội tụ hoặc truyền thông đa phương tiện ở các cơ quan báo chí địa phương nước ta hiện nay được thể hiện rõ nhất đó là nội dung báo in được xuất bản dưới hình thức điện tử, phát hành qua môi trường mạng để hỗ trợ cho phát hành báo in. Các đài phát thanh – truyền hình chuyển tải các chương trình phát thanh – truyền hình lên mạng internet. Như vậy, cùng một nội dung thông tin nhưng công chúng dễ dàng tiếp nhận bằng các phương thức khác nhau như đọc, nghe, xem. Phần lớn các cơ quan báo chí địa phương đã xuất bản song song hai hình thức, đó là hình thức báo in hoặc phát thanh – truyền hình truyền thống và hình thức điện tử.

Tuy nhiên hiện nay, một số cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí còn lúng túng trong việc tổ chức mô hình hoạt động, thậm chí, ngay cả cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng còn gặp khó khăn khi giải quyết một số vấn đề thực tiễn đối với các cơ quan báo chí khi triển khai thực hiện quy hoạch báo chí (Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025). Điều này cho thấy, trong ban hành chính sách về báo chí, chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo để thống nhất đưa ra một mô hình tổ chức cơ quan báo chí chuẩn mực của quốc gia và tính đặc thù để các cơ quan báo chí vận dụng hiệu quả, phù hợp với quy chuẩn hoạt động báo chí quốc tế và trong khu vực để phát triển vững mạnh.

Chú thích:
1,2. Hà Huy Phượng – Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cần chuẩn hóa mô hình tòa soạn để báo chí hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Tạp chí Tuyên giáo số ra ngày 04/12/2020.
3. Lê Thị Nhã. Lao động nhà báo – Lý thuyết và kỹ năng cơ bản. H. NXB Chính trị – Hành chính, 2010.
4,5. Nguyễn Thành Lợi. Sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường hội tụ truyền thông. https://nguoilambao.vn, ngày 01/3/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Dững (chủ biên). Truyền thông – Lý thuyết và kỹ năng cơ bản. H. NXB Lý luận chính trị, 2006.
2. Nguyễn Bá Dương. Giáo trình Khoa học tổ chức. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Nguyễn Hữu Hải (chủ biên). Giáo trình Hành chính nhà nước. Học viện Hành chính Quốc gia, 2010.
5. Nguyễn Thành Lợi. Sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường hội tụ truyền thông. https://nguoilambao.vn, ngày 01/3/2017.
6. Luật Báo chí năm 2016.
7. Dương Xuân Sơn. Cơ sở lý luận báo chí truyền thông. H. NXB Văn Hóa Thông Tin, 1995.
8. Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông. Một số nội dung cơ bản về nghiệp vụ báo chí, xuất bản. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2013.
9. G.Endruweit và G.Trommsdorff chủ biên. Từ điển xã hội học dịch từ tiếng Đức. NXB Thế giới, 2002.
10. P.M. Kecgientxev. Những nguyên lý của công tác tổ chức. H. NXB Thanh niên, 1999.
ThS. Đỗ Xuân Hoà
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên