Đề án 06 và ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh điện tử để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội

Trung tá, ThS. Đoàn Ngọc Cảnh
Cục C06 – Bộ Công an
(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với xu hướng Chuyển đổi số quốc gia và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì các ứng dụng, tiện ích của công nghệ đang ngày càng đi vào đời sống, thói quen và hành vi của người dân. Bài viết đề xuất giải pháp triển khai Đề án 06 về ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh điện tử để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Mục tiêu của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia

Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Bộ Công an, ngày 06/01/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030” (gọi tắt là Đề án số 06). Đề án có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm nhiệm vụ chính: phục vụ dịch vụ công; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; phục vụ bổ sung, làm giàu dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phục vụ phát triển công dân số; phân tích, tổng hợp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và phát triển đất nước.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu “gốc” của toàn bộ công dân Việt Nam. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là cơ sở dữ liệu dùng chung của Chính phủ để kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương tạo nên sự liên thông dữ liệu phục vụ quản lý dân cư bằng phương thức hiện đại, làm căn cứ cho cơ quan nhà nước khai thác, giúp giảm bớt các giấy tờ, khai báo thông tin, đơn giản hóa các hoạt động hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, hệ thống đã triển khai kết nối với các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện nhằm phát huy những giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó tập trung:

(1) Kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

(2) Kết nối với Văn phòng Chính phủ để xác thực thông tin người dân đăng ký, sử dụng và điền vào biểu mẫu góp phần đơn giản hóa các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, thúc đẩy các dịch vụ công toàn trình (cấp độ 4).

(3) Kết nối với Bộ Tư pháp cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh, trao đổi thông tin hộ tịch của người dân.

(4) Kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin người tham gia bảo hiểm, đồng bộ thông tin về mã số định danh cá nhân.

(5) Kết nối với tập đoàn điện lực Việt Nam để xác thực thông tin và cấp định mức điện, cấp điện mới cho người dân.

 (6) Triển khai các phần mềm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

(7) Kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai đăng ký thi trực tuyến.

(8) Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ việc chi trả tiền trợ cấp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, xây dựng các phân hệ quản lý vùng dịch để hỗ trợ kiểm soát, truy vết người nghi nhiễm Covid-19…

Bộ Công an cũng xây dựng thành công hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, đến nay đã chính thức cấp hơn 82,8 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam1. Thẻ có nhiều ưu điểm nổi bật (gắn chip điện tử với phương án bảo mật cao; bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế, tính thẩm mỹ, bền, đẹp…). Việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Với nền tảng của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử để phổ cập danh tính số, định danh một cá nhân, tổ chức trên môi trường số, đồng thời xác thực thông tin của cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như tham gia các giao dịch điện tử, giao dịch thương mại, an sinh xã hội… Tính đến ngày 22/8/2023, toàn quốc đã thu nhận 60,5 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt 38,6 triệu tài khoản (chiếm 63,8% tổng tài khoản phê duyệt)2.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, đến nay, qua hơn một năm triển khai thực hiện, các mục tiêu của Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng, đi vào thực chất, đã phát huy tác dụng tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, chuyển đổi số quốc gia.

Đối với lĩnh vực ngân hàng: đây là lĩnh vực đi đầu, chuyển đổi số mạnh mẽ, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân vào các hoạt động của ngành ngân hàng như xác thực chủ thẻ căn cước công dân tại quầy thông qua thiết bị đối sánh sinh trắc học có trong thẻ căn cước công dân gắn chip với sinh trắc học của chủ thẻ, hay sử dụng thẻ căn cước công dân để rút tiền, nạp tiền vào tài khoản ngân hàng như thẻ ATM do ngân hàng phát hành, thực hiện một số giao dịch, thanh toán tại các ATM của ngân hàng (tiết kiệm tiền in thẻ, khoảng 50.000đ/thẻ), qua đó góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng…

Đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế triển khai tích hợp thông tin bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước công dân gắn chip để thí điểm ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp vào thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong công tác khám, chữa bệnh. Tính đến ngày 24/8/2023, toàn quốc đã có 12.584 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân (đạt 98% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc), với 39.570.926 lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế3. Với giải pháp này, người dân chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip khi đi khám, chữa bệnh là có thể vừa bảo đảm thông tin khám, chữa bệnh, thông tin bảo hiểm y tế và có thể thực hiện chi trả qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, giúp người dân tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký, khám, chữa bệnh, đồng thời, mang lại tiện ích trong khâu quản lý bệnh nhân của các cơ sở khám, chữa bệnh.

 Đối với dịch vụ công: Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công theo Quyết định số 430/QĐ-BCA ngày 26/01/2023 trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, đạt tỷ lệ 100%. Đã tiếp nhận, giải quyết 26,8 triệu hồ sơ, tăng 5,6% so với tháng 12/2022, trong đó 19,4 triệu hồ sơ trực tuyến (đạt tỷ lệ 72,5%), 7,3 triệu hồ sơ trực tiếp4.

Các dịch vụ công trực tuyến ngành Công an đã cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; công khai, minh bạch góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng vặt, phục vụ xây dựng nền hành chính văn minh. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội: tiếp nhận 14,5 triệu hồ sơ, trong đó có 8,5 triệu hồ sơ trực tuyến (đạt tỷ lệ 59%)5. Người dân thực hiện các thủ tục về đăng ký cư trú hoàn toàn trên môi trường điện tử; không phải khai báo lại các thông tin về nhân thân, nơi cư trú khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt, các dịch vụ công về con dấu, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã cắt giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư kinh doanh. Điển hình, như: dịch vụ đăng ký tạm trú có tỷ lệ trực tuyến đạt 81,84%6. Giá trị mang lại giúp tự động điền các thông tin của công dân, khi đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp đã được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, giảm thời gian, chi phí đi lại để thực hiện thủ tục.

Về phát triển các tiện ích khác: Bộ Công an đã triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các bệnh viện trên toàn quốc từ tháng 3/2023, đến nay, đã có 48.936 cơ sở lưu trú được rà soát, đối sánh với 168.383 công dân sử dụng7; qua đó giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú hoạt động kinh doanh và gửi thông báo lưu trú đến cơ quan Công an nhanh chóng, kịp thời, đồng thời giúp công dân có thể tự khai báo thông tin lưu trú của mình hoặc các loại biểu mẫu kê khai khác mà không cần đến trực tiếp tại cơ quan công an, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại để thực hiện thủ tục.

Đã triển khai thí điểm xác thực sinh trắc học khi công dân đi tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Nội Bài, Phú Bài, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại khu vực kiểm soát an ninh, khu vực làm thủ tục, tiết kiệm nhân sự, tự động hóa khu vực kiểm soát an ninh và khu vực vực lên tàu bay mà không cần kiểm tra lại giấy tờ tùy thân. Đồng thời, xây dựng giải pháp xác thực tài khoản VNeID thông qua thiết bị đọc mã QR để phục vụ hành khách làm thủ tục đi tàu bay tại các sân bay trên toàn quốc. Đã phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam triển khai chính thức sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 cho khách đi tàu bay tại tất cả các cảng hàng không trên cả nước (đối với các chuyến bay nội địa) từ ngày 02/8/2023.

Đã phối hợp với Bộ Tài chính kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng eTax Mobile để sử dụng các dịch vụ về thuế điện tử dành cho cá nhân từ ngày 05/8/2023. Đến nay, đã có 40.000 tài khoản định danh điện tử đăng nhập ứng dụng eTax Mobile để sử dụng8

Bên cạnh những kết quả tích cực đem lại, việc ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh điện tử để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng còn những hạn chế nhất định, nhất là việc các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu chưa được hoàn thiện dẫn đến một số dịch vụ công chưa triển khai được toàn trình, chưa đáp ứng yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Nguy cơ người dân chưa được hưởng đầy đủ giá trị của các tiện ích mang lại; cán bộ giải quyết thủ tục hành chính vẫn thực hiện các bước thủ công…

Một số giải pháp trong triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử

Để ngày càng đem lại nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là trong phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi số quốc gia, một số giải pháp trong triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu cấp tài khoản an sinh xã hội gắn liền với cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân để hỗ trợ chi trả nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng, kịp thời hỗ trợ người dân, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mỗi người dân có một tài khoản an sinh xã hội để nhận tiền trợ cấp từ Chính phủ bảo đảm chính xác, hiệu quả, nâng cao công tác phòng ngừa việc trục lợi của các đối tượng.

Thứ hai, tiếp tục triển khai mở rộng các ứng dụng xác thực, định danh khách hàng trên nền tảng thẻ căn cước công dân gắn chíp với các giải pháp cụ thể như: Bệnh viện một thẻ; người dân thanh toán, giao dịch với ngân hàng bằng một thẻ; tích hợp các giấy tờ như bằng lái xe, đăng ký xe, thẻ hội viên trên căn cước công dân để giao dịch trên một thẻ.

Thứ ba, triển khai thu nhận hồ sơ, phê duyệt tài khoản định danh điện tử mức 1, 2 cho công dân; nghiên cứu giải pháp tích hợp, cấp chứng chữ ký số miễn phí cho người dân gắn với tài khoản định danh điện tử với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển, đẩy mạnh các dịch vụ công trên môi trường điện tử, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các tội phạm trên không gian mạng.

Thứ tư, phát triển, khai thác tối đa ứng dụng VneID để người dân sử dụng các tiện ích. Tích hợp ví điện tử, đăng ký, kê khai thuế; tính năng thông báo lưu trú tự động trên ứng dụng VNeID. Tích hợp với ngân hàng, mobile money, chữ ký số, thuê bao di động để phục vụ xác thực, mở tài khoản qua VNeID.

Thứ năm, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, có sự kết nối, chia sẻ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Khẩn trương đồng bộ dữ liệu chuyên ngành về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm giàu dữ liệu phục vụ phân tích, dự báo, chỉ đạo điều hành, chia sẻ dữ liệu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Chú thích:
1,2,3. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 trong lực lượng Công an nhân dân 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, ngày 15/8/2023.
4,5,6,7,8. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Sơ kết công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ngày 02/7/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
2. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ “về việc ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030”.
3. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ “về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”.
4. Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ “về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước”.