Tổ chức và hoạt động Thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2022: Một số vấn đề đặt ra

TS. Bùi Thị Thanh Thuý
Học viện Hành chính Quốc gia 
(Quanlynhanuoc.vn) – Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống quy định hướng dẫn. Bài viết trình bày một số điểm mới về tổ chức và hoạt động thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2022, nêu ra những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và trên cơ sở đó có những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý để nhằm hướng dẫn triển khai những điểm mới của Luật Thanh tra hiện hành.
Ảnh minh hoạ.
Đặt vấn đề

Ngày 14/11/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Thanh tra năm 2010; cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, chính sách của Đảng như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Ðảng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước.

Nội dung Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều quy định mới về tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, để triển khai những quy định mới này sẽ có những vướng mắc nhất định về thực tiễn, đòi hỏi các nhà quản lý cần phải tiếp tục tháo gỡ.

Điểm mới về tổ chức thanh tra và những vấn đề đặt ra

Về tổ chức, điểm mới nổi bật là quy định thành lập lại thanh tra ở Tổng cục, cục và việc tổ chức linh hoạt thanh tra ở các sở.

Theo Điều 18 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 3 trường hợp sau đây: (1) Theo quy định của luật; (2) Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (3) Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Việc ghi nhận tổ chức thanh tra ở Tổng cục, Cục của Luật Thanh tra năm 2022 đã phản ánh yêu cầu của thực tiễn quản lý khi mà trước đó, Luật Thanh tra năm 2010 quy định một Bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, không có tổ chức thanh tra độc lập.

Đối với Thanh tra sở, Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định khá linh hoạt về việc thành lập. Cụ thể tại khoản 2 Điều 26, thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: “i) Theo quy định của luật; ii) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; iii) Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao”.

Đối với quy định Luật Thanh tra năm 2010, Thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật. Việc sửa đổi như trên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với biên chế, khối lượng việc được giao, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Như vậy, UBND cấp tỉnh đã được giao quyền chủ động thành lập thanh tra sở (trước kia thực hiện theo sự ủy quyền) nhưng việc thành lập phải căn cứ theo luật định. Những điểm mới về tổ chức và hoạt động thanh tra sở phản ánh một tinh thần mới trong việc xây dựng tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Đó là thiết kế mô hình tổ chức bộ máy linh hoạt, phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực và địa phương; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, trao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh trong thiết kế “sở cứng, sở mềm”.

 Tuy nhiên, khi triển khai tổ chức thanh tra ở Tổng cục, cục và sở có một số vướng mắc, đó là: chưa có bộ tiêu chí cụ thể để xác định những tổng cục, cục và sở nào được thành lập tổ chức thanh tra và ngược lại. Do đó, đãdẫn tới tình trạng quyết định lựa chọn không bảo đảm tính khách quan, thậm chí không loại trừ “lobby” chính sách.

Hiện nay, không thành lập thanh tra sở dễ nảy sinh một số vấn đề như: bổ sung nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh có thẩm quyền thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra. Quy định này có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ và đội ngũ nhân sự thanh tra tỉnh có bảo đảm đáp ứng yêu cầu hay không? Ví dụ, Bắc Kạn biên chế thanh tra tỉnh là 29 người, Cà Mau: 32 người, Điện Biên: 29 người, Ninh Bình: 34 người1.

Điểm mới về hoạt động thanh tra và những vấn đề đặt ra

Một là, chức năng cơ quan thanh tra.

Theo Điều 5 Luật Thanh tra năm 2022: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật”. Luật cũng đã bổ sung thêm cụm từ “tiêu cực” trong chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan thanh tra. Việc quy định trên phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không chỉ phòng, chống tham nhũng mà cả tiêu cực. Tuy nhiên, rà soát toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật chưa có quy định thế nào là “tiêu cực” cũng như nhận diện tiêu cực là gì để phòng, chống (hiện chỉ có Luật Phòng chống tham nhũng). Như vậy, khi chưa có quy định pháp luật cụ thể sẽ rất khó cho cơ quan thanh tra trong quá trình triển khai nhiệm vụ2.

Hai là, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra.

Nếu như Luật Thanh tra năm 2010 quy định, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà  nước cùng cấp, thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được quyền ban hành quyết định thanh tra thì Luật Thanh tra năm 2022 quy định: thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra (theo khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra năm 2022).

Việc quy định trên tăng tính chủ động, tính độc lập tương đối của thủ trưởng cơ quan thanh tra trong hoạt động thanh tra; hạn chế một phần sự can thiệp trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra.

Tuy nhiên, trong tương quan với các quy định pháp lý khác cũng như thực tiễn triển khai thì lại có những vướng mắc nhất định. Theo Điều 97 Luật Thanh tra năm 2022: “Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra ra quyết định giao công chức hoặc thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (sau đây gọi chung là người thực hiện giám sát), trong đó xác định rõ nội dung, thành phần, thời gian và phương thức giám sát. Quyết định giám sát được ban hành cùng thời điểm ban hành quyết định thanh tra hoặc trong quá trình tiến hành thanh tra khi có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về hoạt động của Đoàn thanh tra”. Việc giám sát hoạt động động của Đoàn thanh tra đã được quy định tại Điều 98 Luật Thanh tra năm 2022 với nội dung như sau:

(1) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.

(2) Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo.

(3) Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.

Hiện nay, thanh tra huyện, sở về số lượng biên chế có những đơn vị chỉ 3-5 người; trong đó chỉ có 1 – 2 thanh tra viên. Ví dụ, như Bắc Kạn từ 2 – 3 biên chế, Cao Bằng từ 3 – 4 biên chế, Quảng Trị 3 – 4 biên chế. Chẳng hạn, biên chế thực tế năm 2020 của Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau là 1 người, Điện Biên, Yên Bái, Tây Ninh, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trà Vinh, Lào Cai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hưng Yên là 2 người. Biên chế năm 2020 của Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa là 1 người; các tỉnh: Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Dương là 2 người. Thanh tra Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang là 2 người, các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Phước, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đồng Tháp là 1 người. Thanh tra Ban Dân tộc các tỉnh Trà Vinh, Quảng Bình, Bình Phước, Tuyên Quang là 2 người; Hậu Giang là 1 người3

Trong bối cảnh đó, trưởng đoàn thanh tra phải là thanh tra viên nên nhiều đơn vị Chánh thanh tra huyện, Chánh thanh tra sở vừa là người ra quyết định thanh tra đồng thời là trưởng đoàn thanh tra. Những thành viên khác trong đơn vị hoặc là trẻ, mới được bổ nhiệm ngạch thanh tra hoặc bị kỷ luật không tham gia được đoàn thanh tra được. Khi đó xảy ra tình trạng không có người thực hiện hoạt động giám sát đoàn thanh tra vì người ra quyết định thanh tra đồng thời là trưởng đoàn thanh tra thì không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Kết luận

Về tổng thể, Luật Thanh tra năm 2022 có rất nhiều quy định đổi mới thể hiện tư duy mới trong tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, khi mà hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và thực tiễn triển khai chưa đáp ứng kịp thời những thay đổi sẽ gây những vướng mắc, khó khăn cho đội ngũ công chức thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, tuy nhiên đến nay vẫn chưa chưa hoàn thiện về quy định hướng dẫn. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý để hướng dẫn triển khai những điểm mới quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra trong Luật Thanh tra hiện nay.

Chú thích:
1, 3. Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Thanh tra năm 2010 của Thanh tra Chính phủ.
2. Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thanh tra năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
2. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
3. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.