Dự báo tình hình tội phạm gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và đề xuất giải pháp phòng ngừa

TS. Nguyễn Phương Anh
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) Trong bài viết, tác giả đưa ra một số dự báo về tình hình tội phạm gian lận trong kinh doanh bảo hiểm thời gian tới ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp phòng ngừa có hiệu quả đối với tội phạm này; kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, phát huy vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng trong việc giám sát, ngăn ngừa hành vi gian lận của các chủ thể tham gia bảo hiểm; xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi gian lận bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ bảo hiểm.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề                                            

Sau 30 năm hình thành thị trường bảo hiểm, ở Việt Nam hiện tượng gian lận bảo hiểm diễn ra ngày càng nhiều trên diện rộng, số vụ gian lận bảo hiểm bị phát hiện ngày càng nhiều, gia tăng nhanh qua các năm. Hành vi gian lận bảo hiểm không chỉ do khách hàng gây ra mà còn xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm như lợi dụng chức vụ, sự tin tưởng của khách hàng, đồng nghiệp; sự hiểu biết về quy trình, hệ thống nhằm thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền, tài sản của doanh nghiệp. Hành vi gian lận bảo hiểm đã, đang xảy ra ở hầu hết các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó bảo hiểm xe cơ giới diễn ra thường xuyên nhất với số tiền trục lợi ước tính hàng năm chiếm khoảng 15% tổng mức bồi thường; hành vi gian lận xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 10%, còn lại 90% hành vi gian lận từ bên ngoài doanh nghiệp1. Đồng thời, hành vi này không còn xảy ra rời rạc, riêng lẻ mà ngày càng tinh vi, phức tạp, có sự thông đồng chặt chẽ đã làm mất dần niềm tin của khách hàng, của nhà đầu tư vào doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Nội dung dự báo về tình hình tội phạm gian lận trong kinh doanh bảo hiểm thời gian tới

Dựa trên kết quả nghiên cứu, khảo sát về tình hình kinh tế, xã hội, sự phát triển của thị trường kinh doanh bảo hiểm trong thời gian tới và những phân tích về thực tiễn tình hình tội phạm gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này của các cơ quan chức năng trong thời gian qua, có thể đưa ra một số dự báo, cụ thể như sau:

Về xu hướng: tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao, nguồn thực phẩm bị ô nhiễm, tai nạn giao thông đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng con người. Trong thời gian tới, khi thị trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam phát triển, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ở Việt Nam tăng nhanh, nhu cầu người dân tham gia bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng xuất phát từ nhu cầu bảo vệ sức khỏe, tiết kiệm, đầu tư, sở hữu xe ô tô…Thị trường bảo hiểm sức khỏe có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhờ tốc độ phát triển của số hóa và tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngoài các sản phẩm bảo hiểm truyền thống, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ xuất hiện nhiều loại hình bảo hiểm mới. Các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý phân phối, các kênh phân phối khác có xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh trực tuyến giúp họ tiếp cận được đa dạng đối tượng khách hàng; ví dụ như đã bắt đầu có sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh Shoppee, Tiki… và bắt đầu mang lại hiệu quả nhất định về doanh thu cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo dự báo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nếu hiện mới chỉ có 10% dân số Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng lên tới gần 15%2. Thị trường bảo hiểm trong nước sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới nhất là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới; nhiều nghiệp vụ bảo hiểm mới xuất hiện, kênh phân phối được mở rộng, các sản phẩm bảo hiểm có sự đan xen với nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là các sản phẩm của dịch vụ tài chính, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Dự báo số vụ phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô lớn hơn, mức độ thiệt hại cao hơn với tính chất nghiêm trọng hơn, có xu hướng hình thành những đường dây, tổ chức tội phạm móc nối giữa các đối tượng thoái hóa, biến chất trong các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan nhà nước với các đối tượng bên ngoài xã hội.

Về địa bàn: đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu ở các địa bàn thành phố, thị xã, các trung tâm kinh tế, trong đó Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng…là những địa bàn trọng điểm. Đây là nơi tập trung các hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Những số liệu về tốc độ đô thị hóa và chỉ số đóng góp GDP từ khu vực thành thị đã cho thấy người dân khu vực thành thị có mức thu nhập và chi tiêu cao hơn mặt bằng chung cả nước, với tỷ lệ người thuộc tầng lớp trung lưu cao hơn. Nhu cầu bảo vệ sức khỏe, tích lũy, gia tăng tài sản và bảo vệ tài chính từ đó cũng lớn, tạo cơ sở để kinh doanh bảo hiểm phát triển. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ giúp khách hàng thành thị dễ dàng tiếp cận các thông tin hữu ích của bảo hiểm và dần thay đổi nhận thức, cũng như đơn giản hóa quy trình mua bảo hiểm, phù hợp nhịp sống hiện đại, năng động tại các thành phố lớn. Ngoài ra với xu hướng quốc tế hóa như hiện nay có thể nảy sinh tội phạm xuyên quốc gia vì doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cấp phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Về đối tượng:

(1) Quốc tịch: Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm chủ yếu là người Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sẽ xuất hiện nhu cầu mua bảo hiểm của những người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nảy sinh đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này là người nước ngoài.

(2) Độ tuổi: đối tượng thực hiện hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm chủ yếu trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhóm đối tượng dưới 30 tuổi sẽ tăng nhanh vì có những lợi thế như: độ tuổi càng trẻ mức phí đóng bảo hiểm càng thấp với thời gian được bảo vệ dài, tỷ lệ người trẻ tuổi được công ty bảo hiểm chấp thuận bảo vệ cao hơn, thủ tục nhanh chóng vì quá trình thẩm định sức khỏe hầu như được rút ngắn hoặc bỏ qua trừ những hợp đồng có mệnh giá bồi thường rất lớn.

(3) Nghề nghiệp: số đối tượng phạm tội tiếp tục tập trung ở hai nhóm chính

Một là, người trong doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: cán bộ, nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm, cán bộ làm công tác giám định thiệt hại, thẩm định hồ sơ yêu cầu bồi thường, đại lý bảo hiểm lợi dụng chức vụ, quyền hạn thông đồng với khách hàng để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc lợi dụng vị thế công tác chiếm đoạt chính số tiền của khách hàng thông qua việc cung cấp các thông sai lệch về sản phẩm, loại hình bảo hiểm.

Hai là, người ngoài công ty bảo hiểm gồm người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, các nhà cung cấp dịch vụ, những người làm nhiệm vụ đánh giá tổn thất đối tượng được bảo hiểm như bác sỹ, cán bộ giám định, thanh tra bảo hiểm…

Về phương thức, thủ đoạn: bên cạnh những thủ đoạn truyền thống như giả mạo hồ sơ để tham gia bảo hiểm khi có tai nạn đã xảy ra, người đã bị tử vong, thương tật hoặc tài sản đã hỏng, tổn thất mới mua các gói bảo hiểm; có tổn thất nhưng khai khống giá trị tổn thất, tự hủy hoại tài sản để đòi bồi thường…sẽ còn xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn như việc tận dụng triệt để những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; có sự phân công, tổ chức chặt chẽ của các đối tượng trong một đường dây phạm tội; sử dụng công nghệ cao trong thực hiện hành vi vi phạm, ứng dụng công nghệ thông tin để phạm tội một cách có tổ chức hoặc liên kết tội phạm giữa các quốc gia để hoạt động lừa đảo.

Về hậu quả: ngành bảo hiểm là tấm lá chắn kinh tế cho nền kinh tế xã hội trước các rủi ro, thiên tai, tai nạn bất ngờ. Càng về sau này, khi quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, các vi phạm xảy ra sẽ gây hậu quả lớn hơn cả về kinh tế và chính trị, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế như các vụ án kinh tế thông thường mà mang tính chất lây lan, dây chuyền tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho môi trường kinh doanh cạnh tranh không công bằng, thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển của các tổ chức tài chính tín dụng bảo hiểm khác, cũng như lợi ích của nhiều tầng lớp dân cư, gây mất ổn định nền kinh tế, chính trị của đất nước.

Giải pháp phòng, chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

(1) Đối với Bộ luật hình sự năm 2015: Hiện nay, Bộ luật hình sự năm 2015 đã luật hóa tội danh “ Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” tại Điều 213. Trong thời gian tới cần bổ sung khái niệm gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, cụ thể hóa các dạng hành vi gian lận bảo hiểm trong các văn bản pháp luật liên quan như Luật kinh doanh bảo hiểm 2015, Bộ luật hình sự 2015 để nhằm thống nhất về nhận thức và cách thức xử lý hành vi vi phạm, nâng cao tính răn đe trong việc thực thi pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc triển khai thực hiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm. Tham mưu cho cơ quan chức năng xác định và phân biệt hành vi “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 213 BLHS với hành vi chiếm đoạt của các tội phạm khác vì khách thể mà điều luật này bảo vệ không chỉ là quan hệ sở hữu tài sản mà còn là hoạt động bình thường của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Hành vi “chiếm đoạt” ở đây cần được quy định cụ thể theo hướng là việc đã hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục đối với cá nhân để nhận tiền bồi thường bảo hiểm và đã rút được tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm; đối với doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối chi trả; hoặc đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục nhưng chưa rút được tiền bồi thường bảo hiểm do lý do khách quan, ngoài ý muốn.

(2) Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm: Tham mưu sửa đổi Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo hướng kéo dài thời hạn có thể lên đến 30 ngày, vụ việc phức tạp có thể lên đến 60 ngày để phù hợp với thực tiễn. Với khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp mới có đủ quỹ thời gian cần thiết điều tra đầy đủ về những vụ có dấu hiệu gian lận hoặc có cơ sở để nghi ngờ trước khi quyết định việc trả tiền bảo hiểm. Đối với quy định về quản lý kênh trung gian bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, để đảm bảo các kênh trung gian hoạt động đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho các bên mà mình đại diện, tham mưu bổ sung quy định về việc Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với các đơn vị thực hiện dịch vụ phụ trợ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải nộp phí về doanh nghiệp bảo hiểm ngay sau khi thu được phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, cần bổ sung thời hạn của chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo hướng: Đại lý bảo hiểm không hoạt động liên tục hoặc không tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm tổ chức trong thời hạn một (01) năm có trách nhiệm tham gia khóa học và thi lấy chứng chỉ đại lý bảo hiểm tại cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

(1) Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các cơ quan chức năng còn buông lỏng; công tác quản lý nội bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm còn nhiều sơ hở, thiếu sót là điều kiện để nảy sinh hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính cần ban hành các văn bản pháp luật về việc tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra hoạt động trong các doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến các nội dung như quy trình quản lý nội bộ, nguyên tắc quản lý tài chính kế toán, quy trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ đăng ký bảo hiểm và hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm; quy định cụ thể trách nhiệm của những người có liên quan khi để xảy ra tội phạm gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

(2) Khuyến nghị các cơ quan quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm như Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm để tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như IAIS (Hiệp hội Quốc tế các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để tăng cường năng lực quản lý, giám sát cho đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực quản trị doanh nghiệp cho thị trường bảo hiểm. Phối hợp với các đối tác, các nhà tài trợ xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu, bám sát các mục tiêu trong Chiến lược và giải pháp phát triển của thị trường bảo hiểm, tăng cường chất lượng chuyên gia tư vấn quốc tế, đa dạng hóa hình thức hỗ trợ, đặc biệt là hình thức hỗ trợ đào tạo dài hạn gắn với thực hành, thực tập.

Thứ ba, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiến hành các biện pháp chủ động phòng ngừa gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

(1) Doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu, bổ sung, xây dựng mới, rà soát và hoàn thiện quy trình quản trị nội bộ, quản trị rủi ro của mình. Doanh nghiệp bảo hiểm phải sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành quy trình làm việc chặt chẽ, ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, kết nối trong toàn hệ thống giúp quản lý thông tin khách hàng một cách chính xác, đầy đủ đồng thời thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát nhanh nhạy, đảm bảo mọi tình huống đều thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, phân tích, quản lý rủi ro hiệu quả. Doanh nghiệp bảo hiểm cần thống nhất trong cách giải thích, áp dụng quy tắc bảo hiểm, thống nhất các tiêu chí đánh giá hành vi liên quan đến gian lận bảo hiểm, xây dựng tiêu chí xếp loại đánh giá của các đơn vị giám định bảo hiểm hằng năm từ đó gia tăng chất lượng, sự cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp dịch vụ giám định.

(2) Doanh nghiệp bảo hiểm nên đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin nhằm theo dõi, quản lý và giám sát chặt chẽ quá trình khai thác bảo hiểm, hoạt động của đại lý bảo hiểm; từng bước chuyên môn hóa công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm nhất là các gian lận phát sinh từ đại lý thông qua việc thành lập những bộ phận chuyên trách như Tổ Chống gian lận bảo hiểm để ngăn chặn, điều tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu hay nghi vấn gian lận bảo hiểm. Khi phát hiện có hành vi gian lận, doanh nghiệp cần thông báo ngay cho lực lượng công an để kịp thời phối hợp điều tra, xử lý, tránh việc che giấu thông tin.

(3) Doanh nghiệp nên tập trung phát triển nguồn nhân lực: Tập trung cho công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ, nhân viên có đạo đức, lòng yêu nghề, tính tự trọng, tinh thần trách nhiệm với công việc; nâng cao trình độ nghiệp vụ đặc biệt đối với cán bộ làm công tác giám định, bồi thường, đảm bảo xử lý công việc công khai, minh bạch. Doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng văn hóa, chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chống gian lận bảo hiểm đến nhân viên; thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu về gian lận bảo hiểm cho các nhân viên chuyên trách nhằm tăng cường kỹ năng điều tra, thu thập chứng cứ để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Mặt khác, cần xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và sự gắn bó lâu dài với công việc của các đại lý bảo hiểm.

(4) Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán điện tử qua ngân hàng, giảm bớt giao dịch tiền mặt; áp dụng hệ thống cảnh báo rủi ro đối với thị trường bảo hiểm và thị trường tài chính như hệ thống cảnh báo sớm EWS (Easy Warning System), đồng thời duy trì chặt chẽ mối quan hệ với khách hàng, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân và tổ chức không thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm. Khuyến nghị doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng công tác giám định thông qua việc xây dựng một bộ phận có chức năng giám định bảo hiểm với số lượng, chất lượng cán bộ giám định, trang thiết bị công nghệ cần thiết phục vụ công tác giám định đảm bảo khoa học tiên tiến, quy trình giám định công khai, minh bạch, chính xác và được kiểm soát chặt chẽ; trong trường hợp cần thiết có thể thuê chuyên gia giám định, tổ chức giám định bên ngoài để tiến hành giám định bảo hiểm.

Chú thích:
1, 2. Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm – Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng và giải pháp phòng chống trục lợi bảo hiểm trong bảo hiểm xe cơ giới, tai nạn và chăm sóc y tế con người”, Nha Trang, 2012.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Tiến Anh, Phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội của lực lượng Cảnh sát kinh tế, luận án tiến sĩ, Học viện Cảnh sát nhân dân, 2018.
2. Bùi Thị Hằng Nga, Pháp luật kinh doanh bảo hiểm, NXB Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2015.
3. Doãn Hồng Nhung, Một số ý kiến hoàn thiện pháp luật về phòng, ngừa, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm trong kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc Gia Hà Nội, số 3 (30), 2014.
4. Nguyễn Thị Thủy, “Nhận diện hành vi trục lợi trong bảo hiểm tài sản”, Tạp chí Luật học, số 8(93), 2008, tr. 10.
5. Phạm Văn Tuyết, Bảo hiểm và pháp luật kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2007.