Mặt nạ trong đời sống văn hóa tâm linh của một số Nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn ở Việt Nam

TS. Bàn Tuấn Năng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong phát triển đất nước hiện nay, trong đó có những biểu tượng tâm linh tiêu biểu, ảnh hưởng đến giá trị và hành vi văn hóa của con người trong cộng đồng dân tộc đó. Bài viết tập trung nghiên cứu về giá trị, đặc trưng tiêu biểu của mặt nạ trong đời sống văn hóa tâm linh của một số Nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn ở Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và công tác quản lý nhà nước về văn hóa trong bối cảnh phát triển của đất nước hiện nay.
Đôi mặt nạ “màn sấy, krồng gì”. Ảnh: vov.vn.
Đặt vấn đề

Trong lễ cấp sắc của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn có một nhân vật khá đặc biệt, được gọi là Hìu, Kadong hoặc Karong… Nhân vật này được hóa trang, đeo mặt nạ gỗ hoặc mặt nạ giấy để diễn trò và thực hiện một số việc như cúng bái, trò diễn khôi hài, khiến cho đám cấp sắc thêm phần vui nhộn. Các trình diễn của nhân vật đeo mặt nạ này có thể được xem như một sân khấu nhỏ, với sự tham gia của vai diễn giấu mặt hài hước. Vậy, vai diễn đeo mặt nạ này đảm nhiệm vai trò gì trong lễ cấp sắc, tại sao lại chỉ có trong các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn và không có trong đám cấp sắc của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền? Trong đời sống văn hóa tâm linh của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn, nhân vật Hìu (Kadong, Karong…) có vai trò như thế nào? Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu cụ thể để lý giải về nhân vật đặc biệt này, góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc này trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Khái quát về người Dao ở Việt Nam

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Dao ở Việt Nam có 891.151 người. Hiện nay, người Dao cư trú tại 61/63 tỉnh, thành phố. Là tộc người có nhiều nhóm địa phương, nên di sản văn hóa Dao hết sức đa dạng. Ở mỗi nhóm Dao địa phương, dù là cùng một nghi lễ nhưng hình thức và nội dung biểu đạt có khi lại rất khác nhau.

Hiện nay, căn cứ theo phương ngữ, người Dao ở Việt Nam được chia thành 2 nhóm lớn là Mùn và Miền. Trong nhóm lớn này, có nhiều nhóm địa phương được định danh bằng các tên gọi khác nhau như sau:

(1) Phương ngữ Miền (đây là nhóm có dân số đông hơn): có các nhóm như Dao đỏ (căn cứ theo trang phục phụ nữ, hiện có ít nhất 6 tiểu nhóm Dao đỏ có trang phục khác nhau); Dao tiền (có 3 tiểu nhóm có trang phục khác nhau), Dao Thanh phán (có 2 tiểu nhóm là Thanh Phán đầu cao và Thanh Phán vấn khăn), Dao Lù gang (Ô gang, Lô gang), Dao quần chẹt (bao gồm cả Dao Nga Hoàng), Dao Lù đạng (Dụ Kùn), Dao Tả pan, Dao đen (nhóm này cư trú tập trung tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái và hiện được định danh bằng hai tên gọi: Dao đỏ hoặc Dao đen, do trang phục có nhiều họa tiết, hoa văn màu đỏ, nhưng thân áo có màu đen là chủ đạo)…

(2) Phương ngữ Mùn: có các nhóm như Dao Thanh y (có 2 tiểu nhóm), Dao quần trắng, Dao họ, Dao đầu bằng, Dao Tuyển (Dao Làn tẻn), Dao áo dài.

Đặc trưng nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh của người Dao là lễ cấp sắc. Đây là một nghi lễ chuyển đổi có màu sắc Đạo giáo, nhưng đã được người Dao tiếp thu thêm cả Nho giáo, Phật giáo và một số tín ngưỡng bản địa, trong đó đậm nét nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nếu như lễ cấp sắc của các nhóm Dao được chia thành các cấp độ là 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn, thì các nhóm Dao tại phương ngữ Mùn chỉ có hai cấp độ là Tam Nguyên và Tam Thanh. Lễ cấp sắc của nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn luôn buộc phải có một nhân vật đặc biệt, đeo mặt nạ và hóa trang tựa như người hành khất (trên người đeo một số đồ gia dụng như nồi niêu, xoong chảo, và cung tên…) để diễn trò và thực hiện một vài nghi lễ cúng bái. Sự hiện diện của nhân vật đặc biệt này trong đời sống văn hóa tâm linh của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn hẳn có lý do riêng. Nghiên cứu, giải mã để tìm ra nguyên nhân, lý do và cách cảm, cách nghĩ của các nhóm Dao này sẽ giúp chúng ta có thêm các cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người, thông qua những di sản văn hóa đặc trưng, đa dạng và thống nhất trong quá trình phát triển của xã hội hiện đại.

Nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của một số nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn ở Việt Nam hiện nay

Lâu nay, khi nghiên cứu về người Dao, các học giả đều thừa nhận rằng, lễ cấp sắc là đặc trưng văn hóa quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tâm linh của tất cả các nhóm Dao. Căn cứ theo tiêu chí ngôn ngữ để phân loại các nhóm địa phương, các nhà nghiên cứu đã phân chia người Dao ở Việt Nam thành 2 phương ngữ Mùn và Miền. Lễ cấp sắc của các nhóm Dao thuộc 2 phương ngữ này có khá nhiều điểm khác biệt.

Nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền chia lễ cấp sắc thành 3 cấp bậc: cấp sắc 3 đèn (có 36 binh mã), cấp sắc 7 đèn (có 72 binh mã), cấp sắc 12 đèn (có 120 binh mã). Một số nhóm địa phương cấp sắc ghép giữa 3 đèn và 7 đèn (Dao Lô Gang, Dao Quần chẹt…), một số nhóm địa phương lại cấp sắc ghép giữa 7 đèn và 12 đèn (Dao Tiền khăn trắng, váy dài ở khu vực Cao Bằng, Bắc Kạn), một số nhóm địa phương hiện tại tổ chức cấp sắc 12 đèn vượt ra khỏi ranh giới dòng họ, mỗi đám có thể cấp cho khoảng 50 cặp vợ chồng ở nhiều dòng họ khác nhau (Dao đỏ ở tỉnh Yên Bái)…

Nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn lại chia lễ cấp sắc thành 2 trạng thái: cấp sắc Tam Nguyên (do bên Sư đảm nhiệm – tức là bên thấy cúng và các thầy pháp, thầy của các thầy cúng, có nơi gọi là thầy Mo) và cấp sắc Tam Thanh (do bên Đạo đảm nhiệm, có nơi gọi là thầy Tào). Trong đám cấp sắc của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn, có một nhân vật dẫn đường hết sức quan trọng, đóng vai trò “nửa thần tiên, nửa ma quỷ”, đeo mặt nạ để trình diễn các trò diễn khôi hài, tạo không khí khôi hài, náo nhiệt. Tùy từng nhóm Dao địa phương mà tên gọi có thể hơi khác nhau chút như:

Thứ nhất, nhóm Dao Áo dài ở các huyện Bắc Mê, Yên Minh (tỉnh Hà Giang), huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) gọi nhân vật này là Kadong.

Thứ hai, nhóm Dao Quần trắng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu gọi là Karong, Hìu.

Thứ ba, nhóm Dao Tuyển ở tỉnh Lào Cai cùng gọi là Hìu.

Thứ tư, nhóm Dao Thanh y quần dài ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang gọi là Dẳn kẻo.

Thứ năm, nhóm Dao Thanh y quần cộc ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh gọi là Chôn lu, Dẳn kẻo.

Đây là nhân vật riêng có tại đám cấp sắc (chay sấy, tổ cải…) của nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn. Điểm đặc biệt của nhân vật này trong khi trình diễn, múa, biểu diễn các trò khôi hài, vui nhộn… là buộc phải đeo mặt nạ. Mặt nạ của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn có 2 loại: mặt nạ gỗmặt nạ giấy. Các nhóm Dao Áo dài, Dao Tuyển, Dao Quần trắng làm mặt nạ bằng gỗ, còn Dao Thanh y lại làm mặt nạ bằng việc bồi giấy bản.

Cũng theo tất cả các thầy cúng của nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn cho biết, thì nhân vật đeo mặt nạ trong lễ cấp sắc (kể từ đây, chúng tôi tạm gọi tên thống nhất là Kadong) đều phải là người đã có tên âm, tức là buộc phải trải qua nghi lễ cấp sắc. Tất cả các thầy cúng khi được hỏi đều thống nhất rằng, đây là đệ tử của bên Sư (bên Mo) chứ không phải bên Đạo (bên Tào).

Hiện nay, rất nhiều nhóm Dao khi kháo sát về nhân vật Kadong đều phải sử dụng tư liệu hồi cố. Lý do là bởi ngày nay, nhiều bài bản trong lễ cấp sắc đã bị cắt gọt đi cho giản tiện nhất có thể. Trước đây, thông thường đám cấp sắc diễn ra ít nhất 3 đêm 3 ngày thì ngày nay, nhiều nơi chỉ còn được diễn ra gọn trong 2 đêm 1 ngày. Thậm chí có nơi chỉ còn 1 ngày 1 đêm.

Các tư liệu trong bài viết này được khảo sát tại nhóm Dao áo dài (tự gọi là Shan chỉ mùn – tức Sơn tử nhân – người ở trên núi cao) tại khu vực huyện Bảo Lạc tỉnh (Cao Bằng) và các huyện Bắc Mê, Yên Minh (tỉnh Hà Giang).

Trong đám cấp sắc của nhóm Dao Áo dài, có các thầy cúng sau:

(1) Bên Đạo có các thầy:

– Thầy tào cả: mặc áo và làm miếu thờ màu vàng, đây đồng thời cũng là màu tượng trưng cho vị thánh Nhuầy thành coỏng ( 玉清, tức Ngọc thanh nguyên thủy thiên tôn).

– Thầy tào thứ hai: mặc áo màu đỏ và làm miếu thờ màu đỏ, đây đồng thời cũng là màu tượng trưng cho vị thánh Giàng thành coỏng (上清, tức Thượng thanh linh bảo thiên tôn).

– Thầy tào thứ ba: mặc áo màu xanh và làm miếu thờ màu xanh, đây đồng thời cũng là màu tượng trưng cho vị thánh Tai thành coỏng (太清, Thái thanh đạo đức thiên tôn – tức Thái thượng lão quân).

(2) Bên Sư có các thầy:

– Thầy mo cả mặc áo màu vàng, được ghi sớ Gang nhùn chiang (上元 Thượng nguyên).

– Thầy mo thứ hai mặc áo màu đỏ, được ghi sớ Trang nhùn chiang (中元 trung nguyên).

– Thầy mo thứ ba mặc áo màu xanh, được ghi sớ Gia nhùn chiang (下元 Hạ nguyên).

Ngoài ra, còn có các nhân vật sau:

– Hai người giúp việc cho các thầy bên Tào và bên Mo (đù đáy).

– Hai đứa trẻ là nam, đóng giả cặp vợ chồng trẻ (màn sấy, krồng gì).

– Cuối cùng là người đệ tử thụ lễ.

Nhóm Dao Thanh Y quần đùi ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, trong một đám có thể cấp sắc cho 3 đứa trẻ (7 – 12 tuổi), nhóm Dao Thanh Y quần dài ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang thường chỉ cấp cho một đứa trẻ trong gia đình. Các nhóm Dao Tuyển, Dao Áo Dài thì người được cấp thường là thanh niên chưa vợ. Cá biệt cũng có trường hợp đo điều kiện kinh tế mà có thể được cấp sau khi đã lấy vợ.

Tại đám cấp sắc, thông thường, nhân vật Kadong xuất hiện trong nghi lễ vào đêm thứ 2, lúc trời vừa tối hẳn. Trước đây, các thầy cúng kể rằng vào thời khắc đó, sẽ có 1 hoặc 2 Kadong từ trong rừng hóa trăng sẵn, đeo mặt nạ hình các con thú với vẻ mặt dữ dằn chạy về nhà giao chiến với các Kadong ở trong đám cấp sắc. Sau một hồi đánh nhau giả vờ, các Kadong từ rừng về sẽ giả vờ thua, chịu quy phục và cùng đám Kadong ở trong nhà tạo nên một đêm diễn náo nhiệt.

Về nguyên tắc, Kadong chỉ xuất hiện sau khi đám cấp sắc đã tiến hành cúng, bói và đặt tên âm cho người đệ tử thụ lễ. Do đó, cần phải thấy rõ vai trò của Kadong ở đây là xuất hiện trước hết là để bảo trợ cho người thụ lễ trong đám cấp sắc. Tuy nhiên, ngoài mặt nạ, Kadong ở hầu hết các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn còn phải đeo rất nhiều đồ gia dụng lỉnh kỉnh trên người (có thể tạm hình dung như những thứ đồ dùng của một người hành khất), có nhóm còn đeo cả sinh thực khí nam to đùng ở phái trước bụng để khi diễn trò tăng thêm độ vui nhộn.

Mặc dù, Kadong là nhân vật của bên Sư, nhưng để Kadong được xuất hiện, đích thân thầy Tào cả phải tiến hành sắp lễ, chuẩn bị cho việc cúng một bài cúng, có tên là Coỏng đào màn bà. Sắp lễ xong thì một thầy cúng phụ (có thể chọn trong đám người giúp việc nhưng gia chủ phải cho họ khoảng 10 nghìn đồng để trả công)Ka đong đảm nhiệm cùng cúng lễ. Mục đích của bài cúng này là cúng tạ ơn tổ tiên, nhờ ma Coỏng đào (các nhóm Dao tiền, Dao đỏ gọi là ma Công dồ, tức ma đưa thư) đi thông báo lần lượt tới tận nơi ở của tổ tiên và các thần thánh những công việc đã được tiền hành tại đám cấp sắc. Việc thực hiện bài cúng này do ông Màn bàKa đong cùng thực hiện. Tại bài cúng này, lễ vật cúng gồm có một chõ xôi, trong khi cúng Ka đong phải cầm một tờ sớ nhỏ, ghi các công việc đã được tiến hành tại đám lễ, sớ này được quấn, gài thêm vài cọng cỏ tranh. Trong quá trình đọc bài cúng, Ka đong sẽ cùng Màn bà nhún nhảy theo nhịp chiêng, trống. Những người giúp việc sẽ cùng nhún nhảy và rót rượu ra mời Ka đong cùng Màn bà. Khi gần kết thúc bài cúng, người ta còn lấy bánh cúng (xôi nếp gói trong lá dong) ra để vừa ăn, vừa nhét vào mồm Ka đong, Màn bà để tạo thành một trò diễn khá vui nhộn. Kết thúc bài cúng, ông Màn bà sẽ đứng dậy đi thu dọn còn ông Ka đong đi đốt tiền giấy. Trong khi các trò diễn vui nhộn đang diễn ra, ông tào cả, mo cả cùng hai người giúp việc sẽ ra miếu đối diện với miếu chính (già pạ tàn), vốn được coi là chỗ nấu cơm, nấu rau cho cho thần thánh để cúng ma Coỏng đào của mình (theo quan niệm, ma Coỏng đào của bên tào có riêng, bên mo cũng có riêng).

Tại bài cúng này, có một sự khác biệt về mặt trang phục của nhân vật có tên Ka đong. Đó là, người được phân công đóng vai Ka đong sẽ phải choàng trên người một dải vải trắng, dài chừng 2m, hai đầu gắn những chùm tua rua dài… màu ngũ sắc, nhìn rất sặc sỡ, bắt mắt (lặp pè). Sự xuất hiện của Ka đong được đánh dấu cho sự mở đầu của một hệ thống trò diễn vui nhộn, hoạt náo, đầy chất trí tuệ, nhân văn của nghi lễ. Cần nói thêm rằng, nếu tại ngày mở đầu, các nghi lễ tại lễ cấp sắc chủ yếu chỉ tập trung vào việc xác lập địa điểm, thời gian, cẩn cáo với thần linh về các công việc chuẩn bị tiến hành thì ở ngày thứ hai này, nghi lễ tập trung vào việc đặt tên âm (pháp danh) cho người đệ tử thụ lễ, tập trung vào việc tổ chức các nghi lễ để “đầu thai, sinh ra” một “hài nhi” ở bên cõi âm – tức là linh hồn, pháp danh… của người đệ tử thụ lễ. Sự xuất hiện của Ka đong được coi như là sự xuất hiện của người đỡ đầu – dạy bảo… những tri thức sơ khai cho linh hồn của người đệ tử thụ lễ…

Khoảng 21h30, Ka đong mang ra giữa nhà một cái “rế” nhỏ, đan bằng cọng cỏ tranh. Bên trong “rế” nhỏ đó đặt một cái sớ (sằm pín) để tạ ma coỏng đào đã giúp gia chủ đi thông báo đến khắp nơi về những công việc quan trọng này. Lúc này, Ka đong tay cầm cái “rế” đựng sớ nhún nhảy theo nhịp trống, chiêng và tiết tấu của bài cúng, có lúc đi vắt chéo chân xung quanh người đệ tử thụ lễ. Trong lúc Ka đong cúng tạ ơn ma coỏng đào thì tại miếu chính, ông tào cả vẫn tiếp tục cúng bài dìu tìn. Trên tay ông thầy lúc này cầm một chiếc đèn dầu đã được thắp sáng, hươ qua hươ lại… nhằm mục đích soi tỏ các ngõ ngách trong ngục tối để tìm và chuộc linh hồn những tổ tiên vẫn còn bị ma ác giam giữ, không cho về đoàn tụ, hạnh ngộ cùng tổ tiên.

Khoảng 21h40, Ka đong tiếp tục nhảy múa, trên tay vẫn cầm sớ viết tạ ơn ma coỏng đào, đã đi đến nhiều nơi để thông báo cho tổ tiên, thần thánh cùng biết. Trong lúc Ka đong nhảy múa, những người giúp việc (đù đáy) sẽ cùng tham gia nhảy múa và mời rượu Ka đong trong không khí vui nhộn. Mục đích của việc nhảy múa, làm trò vui là để ma coỏng đào nhìn thấy vui, đi thông báo đến các thần thánh, tổ tiên… ở mọi nơi về cùng chung vui, hợp sức để kêu gọi và chuộc hồn cho tổ tiên, để ma tổ tiên khỏi đi lạc lối, nhầm đường… Kết thúc bài cúng và quá trình nhảy múa, những người giúp việc sẽ đem sớ coỏng đào ra trước cửa miếu tin đành tho để đốt. Sớ này dài chừng khoảng 1m, trong đó ghi lại nơi ở của các thần thánh, tổ tiên… những nơi mà ma coỏng đào đã đi tới để thông báo, kèm theo những lời tạ ơn chân thành của gia chủ tới ma coỏng đào về những công việc quan trọng mà ma đã làm giúp cho gia chủ. Hóa sớ xong, Ka đong đi vào nhà. Ở trong nhà, ông tào cả cho gọi con trai trưởng ra để cùng cắt một sợi chỉ. Hành động này được coi như việc cắt đứt đường trở về chốn cũ (lao ngục), không cho linh hồn tổ tiên có đường quay lại, cho dù các loại ma ác còn lôi kéo hay tìm cách dụ dỗ… Kết thúc công việc này, mọi người cùng tham gia vào một màn múa có tính chất tập thể, gọi là Tìu bà coỏng đào.

Điệu múa Tìu bà coỏng đào được mọi người cùng tham gia múa ngay tại khu vực giữa ngôi nhà sàn 5 gian của gia chủ. Trong nhịp chiêng, trống… những người giúp việc sẽ cùng với Ka đong nhảy múa. Họ vừa nhảy múa, vừa bốc bánh cúng (xôi nếp gói trong lá dong) để ăn và nhét vào mồm nhau tạo nên một không khí hết sức vui nhộn. Trong lúc mọi người nhảy múa, ăn xôi… thì ông thầy tào cả, tào hai, tào ba và mo cả sẽ đảm nhiệm việc cúng tạ ơn bà mụ đã đỡ đầu, cho linh hồn người đệ tử đã được sinh ra và mạnh khỏe. Ở phần bên miếu mo, ông mo cả đảm trách việc cúng bài hò lào, bên miếu tào các ông tào sẽ tiến hành cúng bài hì đào pày thây.

Cả hai bài cúng này được bắt đầu tiến hành từ khoảng 22h10 của buổi tối ngày thứ 2. Khi cúng bài hò lào, ông mo cả phải choàng trên người dải vải trắng, hai đầu có đính tua rua ngũ sắc (lặp pè) mà khi trước Ka đong đã choàng. Nội dung bài cúng tập trung vào việc tạ ơn bà mụ đã đỡ đầu, chăm sóc hài nhi từ trong trứng nước. Nay lại tiếp tục cầu bà mụ quan tâm, bảo vệ cho đứa trẻ lớn lên, khỏe mạnh, thông minh, làm được nhiều việc thiện, việc tốt, giúp ích cho đời.

Bước sang ngày thứ 3, vào khoảng gần 12h00, màn trình diễn vui vẻ, sôi động nhất của nghi lễ chính thức bắt đầu với sự xuất hiện của nhân vật Ka đong tại khu vực ngù đài. Kể từ đây cho đến khi kết thúc nghi lễ cấp sắc, nhân vật Ka đong giữ một vai trò quan trọng kể cả về tâm linh cũng như âm hưởng, nhạc điệu và các tiết tấu vui cho nghi lễ. Theo người dân và các thầy cúng cho biết, tùy điệu kiện và gia cảnh của gia chủ mà số lượng người được mời làm nhân vật Ka đong có thể nhiều hay ít. Tại các đám lớn, gia chủ có điều kiện, số lượng Ka đong có thể có tới bảy người. Với những đám cấp sắc nhỏ, số lượng Ka đong có thể ít hơn, nhưng ít nhất cũng phải là một người. Về bản chất, như đã trình bày sơ qua ở phần trên, có thể coi Ka đong như lá một nhân vật bán thần, có nhiều điểm tương đồng của con người, nhưng cũng còn có khá nhiều tàn tích của hình ảnh một nhân vật nửa người – nửa thú, với khá nhiều biểu hiện bản năng linh hoạt, thể hiện từ nhiều sự đúc rút khác nhau về tri thức cuộc sống, tri thức nhận biết thế giới sơ khai. Vậy nên, dù là hình ảnh hóa trang theo mặt quỷ dữ tợn, trang phục gớm ghiếc…, nhưng hành động của Ka đong lại chất chứa rất nhiều biểu đạt dễ thương, gần gũi, hài hước… trong đời sống con người.

Buổi chiều ngày thứ 3, sau khi người đệ tử ra ngù đài thụ lễ, đoàn của Ka đong, màn sấy và Krồng gì, tổng cộng ba người sẽ dưới khe suối đi lên gồm:

– Ka đong, tay cầm cây cung giả, trang phục kỳ quặc, có thắt lưng dây để đeo cái chuông ở đuôi. Trên trang phục trang trí nhiều màu sắc bằng giấy xanh đỏ, đeo mặt nạ có hai cái sừng nhìn khá gớm ghiếc.

– Một cậu bé địu em nhỏ (bé giả, làm bằng gối hoặc chăn nhỏ) – màn sấy.

– Một cậu bé giả gái, vợ của màn sấy – krồng gì, trên tay cầm con dao.

Ba người này xếp thành đoàn, đi đầu là vợ của màn sấy (tức krồng gì), phía sau là cậu bé địu đứa trẻ (giả), tức màn sấy. Đi sau cùng là Ka đong, tay cầm cây cung nhỏ được trang trí thêm bằng giấy xanh đỏ. Lên đến trước ngù đài, lúc này ở phía sau – nơi đặt chiếu cho đệ tử ngồi đã có thêm ông mo thứ hai giả vờ nằm ngủ cạnh người đệ tử để yểm trợ cho linh hồn của anh ta.

Lên đến ngù đài, Ka đong bắt đầu diễn các trò như bắn cung, vác đất đá làm bẫy, chặt cây mang vác về nhà… Nhìn chung, đây là các hành vi lao động khá quen thuộc nhằm bảo đảm cuộc sống tối thiểu của mỗi người kể từ khi sinh ra, lớn lên và xác lập cho mình một địa bàn, môi trường sống cụ thể. Trong khi Ka đong bê đá, bắn cung, vác cây… thì màn sấykrồng gì đứng trước miếu ngù đài, trên tay màn sấy vẫn cầm theo một con dao quắm.

Các trò diễn của Ka đong được thực hiện khá vui nhộn. Đầu tiên, Ka đong có thể giương cung bắn lên trên ngù đài một vài lần, nhưng lần đầu do dây cung không căng nên bắn trượt, sau đó phải chỉnh lại dây cung thì mới bắn được sóc bay, cầy bay… Kế đó, Ka đong đi bê đá kè ruộng, kê đá đặt bẫy… để săn bắn hươu nai… Việc làm vui nhộn này đã khiến cả ông mo thứ hai đang ngủ để canh giữ linh hồn cho người đệ tử thụ lễ cũng phải thức giấc, dõi theo… Có lúc, do dây cung chùng, nên để bắn được tên lên đến nóc ngù đài, ka đong phải đu cả lên trên bậc của đài cao… Các trò diễn ít nhiều biểu đạt những nhận thức ngô nghê, sơ khai ban đầu về thế giới tự nhiên này luôn tạo ra sự vui nhộn cho đám lễ. Bên cạnh đó, sự biểu đạt về tính cách của Ka đong còn liên tưởng đến sự biểu đạt tính cách của những đứa trẻ mỗi khi dỗi hờn, sự hăng hái của tuổi mới lớn khi bắt đầu tham gia vào việc khai phá và làm chủ một vùng đất mới… Vì vậy, Ka đong được biểu đạt dưới khá nhiều góc cạnh đa chiều của cuộc sống, của đời sống sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt ứng xử với môi trường tự nhiên.

Kết thúc từng trò diễn, Ka đong lại giả bộ làm trò, có lúc anh ta nằm lăn ra ăn vạ, có lúc lại tìm kiếm, tự nhận biết ra những điều kỳ thú, mới lạ, tỏ vẻ ngạc nhiên với những gì mà mình vừa phát hiện ra. Chẳng hạn, sau khi săn bắn, anh ta phát hiện ra sợi chão to hơn cổ tay người lớn, bện làm miệng cái “lưới” còn nguyên vẹn thì vác dao chặt nhỏ ra, vừa chặt vừa xem vết chặt, như điều gì đó rất lạ lẫm mà anh ta vừa phát hiện ra vậy. Sự ngộ nghĩnh ấy đã khiến cho không khí của lễ hội càng thêm phần vui vẻ. Sau khi trình diễn, đoàn người ghép lại, đi đầu là vợ của cậu bé (krồng gì), kế đó là cậu bé đang địu con (giả) rồi mới tới Ka đong, họ đi vòng quanh miếu ngù đài ba vòng theo chiều ngược kim đồng hồ để chuẩn bị cho việc lên đường trở về nhà sau quá trình người đệ tử đã tiến hành thụ pháp – hành lễ tại không gian thiêng của trời và đất (thông thiên). Trước khi về nhà, mọi người đứng dàn hàng ngang trước miều ngù đài để ông mo cả tay cầm con dao hươ về phía trước để chấn trị, xua đuổi tà ma, không cho tà  ma theo đoàn người trở về nhà. Về đến nhà, đoàn 7 người gồm đệ tử và ba ông mo, hai vợ chồng đứa trẻ cùng Ka đong sẽ phải đi vòng quanh miếu tin đành tho ba vòng theo chiều kim đồng hồ, sau đó đứng dàn hàng ngang trước miếu vái tạ trước khi lên nhà.

Đêm thứ 3, vào khoảng 22h30, Ka đong lại xuất hiện. Đứa trẻ khi trước do cậu bé địu giờ được coi như là con của Ka đong. Thông qua đứa trẻ (giả) này, các câu chuyện về sự giáo huấn, dạy bảo con người trong đối nhân xử thế, dạy bảo con người những mưu mẹo, thủ thuật… trong cuộc sống… được Ka đong thể hiện qua đối thoại, tạo nên trò vui những cũng đầy giá trị giáo dục ngay từ trong nghi lễ. Cuộc đối thoại được bắt đầu từ khi đứa trẻ con của Ka đong sinh ra, được Ka đong đón nhận và dạy dỗ, giáo huấn… Bắt đầu từ hành động căng võng, ru con… đứa con vừa sinh ra đã biết ăn học, học giỏi… Trong quá trình đóng vai, Ka đong trở thành một người thông minh – ngốc ngếch, một nhân vật mặt quỷ dễ thương, đầy tình người và tính người. Có thể diễn tả một đoạn đối thoại và làm trò:

– Hút thuốc: phải nghiêng cổ đi, dí điếu thuốc vào miệng qua cái mặt nạ.

– Uống rượu: phải lấy ống hút, vì vướng mặt nạ không uống được.

– Dạy con: đi tán gái mà trèo lên sàn nhà thì phải nằm ngang người ra mà dịch dần vào buồng con gái, kẻo người già không ngủ được nghe thấy, tưởng trộm lại vác gậy đánh cho…

– Có lúc lăn đùng ra hờn dỗi như trẻ con.

– Có lúc diễn tả những triết lý nhân sinh rất sâu sắc.

– Có lúc lại hành động hăng hái (đi săn, bẫy đá…) như một người lao động khỏe mạnh, đích thực…

Tổng hợp các điệu múa của Kadong lúc này bao gồm: các động tác chăm trẻ nhỏ sơ sinh như tắm, bón cháo, bón sữa… sau đó là các bài múa đi cày, đi bừa, đi cấy, đi gặt; tập võ, đi săn… và cuối cùng là dạy đứa trẻ đi tán gái, giao hợp giả vờ với bé trai giả gái để tiếp tục sinh con cái, duy trì giống nòi…

Khi chuẩn bị kết thúc nghi lễ, một tiết mục khá vui được diễn ra là màn các thầy cúng phải trả tiền, cảm ơn sự có mặt của Ka đong trong đám lễ. Có khi, các thầy cũng cố tình trêu Ka đong, đưa ra 1 – 2 nghìn tiền lẻ. Vậy là Ka đong dỗi, không nhận. Mà theo lệ, chỉ khi Ka đong nhận tiền cảm ơn của các thầy, các thầy mới được gói ghém đồ cúng tế cùng tư trang của mình để chuẩn bị ra về. Vậy nên, đây cũng được coi như một đoạn diễn khá hay. Thông thường, các thầy cũng chỉ cảm ơn Ka đong tối đa là 20 nghìn, tuy giá trị vật chất là vậy, nhưng những đối thoại lúc này lại tạo nên sự sảng khoái cho mọi người đang cùng tham dự, đang chuẩn bị ăn bữa mặn để chia tay đám cấp sắc trước khi trở về nhà của mình.

Thông thường, các trò vui này chỉ diễn ra tới 23h30 là kết thúc. Sau đó, ông thầy phụ đóng vai màn bà (tạm gọi là thầy thứ tư) sẽ cùng Ka đong nhảy múa vui nhộn. Trong lúc này, những người đệ tử giúp việc sẽ dỡ miếu đem đi đốt. Khoảng sau 24h00, người giúp việc sẽ tiến hành đốt các miếu đàn ở ngoài trời. Đốt xong, người giúp việc quay về bày đồ ăn trước miếu (thường là một mâm cỗ giống như mâm ăn của mọi người) để các thầy cúng, báo cáo về tất cả những công việc đã hoàn thành tại đám lễ. Đến đây, khi mọi việc đã xong các thầy sẽ xin phép thánh thần cho mở lễ chay, con cháu không phải kiêng kỵ gì nữa (màn pạ). Mọi người khi này sẽ bắt đầu bữa ăn khóa lễ trong không khí đầm ấm, vui vẻ, trong niềm mơ ước về một tương lai đầy hạnh phúc và tươi sáng ở phía trước.

Một số vấn đề thảo luận

Tất cả các dân tộc trên thế giới, khi phải sử dụng mặt nạ trong những trò diễn, ở bất cứ không gian nghi lễ hoặc lễ hội nào đó, đều tự thừa nhận rằng: bản thân cá nhân đeo mặt nạ đang được biểu đạt cho một cá nhân khác, không phải họ. Ở đó, họ được hóa thân để trở về với nhiều căn tính gốc, tự nhiên hơn. Mặt nạ của nhân vật được gọi là Hìu (kadong, karong) của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn cũng không nằm ngoài biểu đạt trên.

Với tập hợp hành vi nghi lễ của nhân vật Kadong đã được mô tả trong đám cấp sắc, có thể thấy rõ vai trò của Kadong được thể hiện như là một người giấu mặt, đứng ra bảo trợ, dạy dỗ người đệ tử thụ lễ quá trình làm một người đàn ông trưởng thành. Để là một người đàn ông Dao, họ buộc phải biết chăm sóc và dạy bảo con cái, buộc phải hung dữ khi cần thiết để bảo vệ giống nòi, phải biết săn bắn, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch mùa màng, phải biết đối nhân xử thế… và sau cùng, phải biết khôn khéo để tìm cho mình người vợ tốt mà mình đem lòng yêu thương. Để từ đó lại tiếp tục chu trình sinh trưởng tiếp nối. Đó là thiên chức, là bổn phận… của một người đàn ông trong gia đình, cộng đồng và cũng là những ý nghĩa trong đời thực.

Kadong, một sự tái hiện ký ức di cư khốc liệt thủa xa xưa. Điều này có thể thấy rõ nhất ngay từ màn mở đầu với trò diễn chiến đáu giữa “Kadong rừng” và Kadong nhà”. Di cư với các nhóm nhỏ tộc người đến vùng đất mới luôn tiềm ẩn những nguy cơ chiến tranh, nhất là trong trường hợp vùng đất ấy đã có chủ. Nghĩa là, ở trong một trạng thái nhất định, những người đàn ông sẽ buộc phải hung dữ hơn để bảo vệ gia đình, dòng họ, làng bản… trước những cuộc tấn công bất ngờ từ chốn đại ngàn. Nếu như ở ý nghĩa trên, người đàn ông Dao là thiên thần, thì ở đây, họ buộc phải biến thành ác quỷ trong cuộc chiến sinh tồn để bảo vệ giống nòi. Điều này được củng cố hơn khi xem xét đến những đồ dùng lỉnh kỉnh mà Kadong đeo trên người khi hóa trang để làm trò diễn. Đó là những đồ dùng gia dụng hàng ngày, từ cái chổi, cái nồi, cái thìa múc canh… Tất cả chụm lại để cùng biểu đạt thông điệp: – đây là nhóm Dao di cư sau, khi các vùng đất mới gần như đã có chủ nhân. Tuy nhiên, Dao là dân tộc hiền hậu, giỏi nghề thuốc (khác với người Mông, giỏi võ và giỏi nghề luyện thép, luyện dao, luyện binh khí…), nên mặt nạ Dao thực ra chỉ là cái biểu đạt một cấp độ dữ dằn cần phải có trong hành trình di cư, chứ không phải là tàn tích của tục săn đầu như một số học giả từng đưa ra giả định này trong hướng nghiên cứu.

Ngoài các ý nghĩa trên, có lẽ do di cư muộn hơn, nên các nhóm Dao được tiếp nhận thêm tinh hoa văn hóa của một số dân tộc cư trú cận kề. Do đó, Kadong mặc dù là nhân vật của nghi lễ, nhưng đã được nâng tầm thành sân khấu – sân khấu trong nghi lễ. Khác với đám cấp sắc của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền, hầu như vắng bóng tiếng cười, lễ cấp sắc của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn luôn có tiếng cười vui, sảng khoái khi Kadong xuất hiện. Đây là một biểu đạt quan trọng về trình độ biểu diễn của người nghệ sĩ đặt trong một không gian thiêng, làm cho lễ cấp sắc, dù là sản phẩm của Đạo giáo được trở nên đời hơn, gần gũi hơn với đời sống thường nhật. Qua đó, các giáo lý về con người, về lẽ sống được trao truyền đầy đủ hơn, nhân văn hơn, dễ nhớ và dễ hiểu hơn. Giá trị của Kadong cũng là giá trị đặc biệt và riêng có của lễ cấp sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn ở Việt Nam.

Kết luận

Trong đời sống văn hóa tâm linh của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn, nhân vật đeo mặt nạ tại lễ cấp sắc được coi là của bên Sư (Tam Nguyên, bên thờ cúng các pháp sư của thầy cúng Dao). Do đó, nếu xét riêng trong góc độ nghi lễ tôn giáo thì đây là bên gần với đời hơn, do bên Thánh (Tam Thanh) là thế giới riêng của các thánh thần thuộc đấng tối linh.

Di cư để từ đó dần tự hình thành các nhóm địa phương là câu chuyện dễ tìm thấy trong nhiều tộc người. Nhưng di cư đến mức làm biến đổi ngôn ngữ thì có lẽ chỉ thấy trong tộc Dao. Người Dao ở hai phương ngữ này chỉ có thể tạm hiểu được khoảng 30% ngôn ngữ giao tiếp của nhau. Để dễ giao tiếp, họ thường buộc phải dùng đến ngôn ngữ thứ ba trong nhiều trường hợp, ngữ cảnh… Lịch sử di cư hàng nghìn năm, tính đến hiện tại, nhóm Dao ở phương ngữ Miền chiếm số đông đã cho thấy rằng: yếu tố gốc của ngôn ngữ nằm ở nhóm thuộc phương ngữ Miền. Ngay cả các nhóm Dao ở phương ngữ Mùn, trong điều kiện mạng xã hội phát triển như hiện nay, họ cũng chỉ tìm thấy một bộ phận nhỏ đồng tộc cư trú tại khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc (nhóm này ở Trung Quốc được xếp vào tộc Mông). Tiếp cận với người Dao ở Việt Nam, nhiều học giả người dao ở Mỹ (nằm trong Hội người Dao thế giới) cũng rất ngạc nhiên khi biết đến nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn ở Việt Nam. Do đó, có thể hiểu rằng đây là một nhóm nhỏ, chịu ảnh hưởng văn hóa của nhiều tộc người cư trú cận kề, di cư muộn hơn nên ngôn ngữ đã bị biến đổi mạnh.

Trong lễ cấp sắc, nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn chia thành hai cấp độ, cấp Tam Nguyên ở bên Sư – dành cho pháp sư của thầy cúng. Đây là phần không có tại các nhóm Dao tại phương ngữ Miền, vốn chỉ có các nghi lễ liên quan trực tiếp đến Đạo – thánh thần. Điều này khiến cho sự xuất hiện của màn múa mặt nạ, của nhân vật đeo mặt nạ ở trong đám cấp sắc trở nên gần với đời thực hơn.

Trang phục của nhân vật đeo mặt nạ thường được đính kèm các đồ gia dụng, cung tên… nhìn bộ dạng gần giống như người hành khất, đôi khi họ còn đeo cả hình mô tả sinh thức khí nam lủng lẳng trước bụng, điều này giúp chúng ta hình dung rõ về ký ức di cư và vai trò của người đàn ông Dao trong việc bảo đảm đời sống trong quá trình di cư. Điều này giúp liên tưởng đến ký ức thiên di của người Dao. Và do đi sau, di cư sau, nhiều vùng đất màu mỡ đã có chủ nhân, nên chiến tranh giữa các nhóm nhỏ để giành và giữ đất buộc phải xảy ra. Vì vậy, việc đeo mặt nạ cũng là một thông điệp hóa thân, buộc họ phải trở nên dữ dằn hơn khi bảo vệ gia đình, dòng họ trước chiến tranh, trước các xung đột ở vùng đất mới. Nó giúp giải thích rõ hơn về tập tính, tính cách: các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn thường dễ có phản ứng nóng nảy hơn các nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền.

Trải dài trong lịch sử di cư, mặt nạ Dao (Hìu, Kadong, Karong…) được coi là nhân vật vừa có hình bóng của quỷ dữ, vừa có hình bóng của thiên thần. Để bảo đảm sự an toàn cho phụ nữ, trẻ nhỏ, cho gia đình, dòng họ Hìu (Kadong, Karong), họ buộc phải trở nền dữ dằn với hình ảnh phản chiếu từ các mặt nạ hình muông thú một sừng, hai sừng dữ tợn. Đồng thời, người đàn ông Dao phải biết chăm lo con cái, giúp đỡ người phụ nữ trong việc dạy và rèn luyện con cái thông qua các màn múa mô tả hành vi lao động, tập võ, dạy con trẻ biết ăn nói, biết tán gái, biết lo lắng và gánh vác công việc gia đình. Trên hết, đây là những giá trị nhân văn hết sức đặc sắc, riêng có, được các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn sáng tạo và gửi gắm qua hình ảnh chiếc mặt nạ trong nghi lễ cấp sắc, một nghi lễ quan trọng để đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông Dao trong đời sống.

Chú thích:
1. Lào Cai: Độc đáo Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tuyển ở huyện Bảo Yên. https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn, ngày 01/9/2023.
2. Ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn và Bảo Lâm, Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có một nhóm tộc người tự gọi mình là Shan chỉ mùn (山子人). Phiên âm theo âm Hán Việt là Sơn tử nhân – Con của núi. Đây là cách định danh của nhiều nhóm Dao. Họ thường tự nhận mình là Kiềm miền, Kìm mùn (con của núi rừng). Do tự nhận như vậy, nên khi phát âm sẽ gần giống như tộc danh Sán Chỉ. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1979 đã phát hiện ra, các nhà Dân tộc học đã tổ chức Hội nghị tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Bắc Thái (cũ) để thống nhất định danh là Dao Sán Chí. Tuy nhiên, trên thực tế của đời sống không hề có tộc danh có tên ghép hai tộc người như vậy, nên bà con vẫn quen gọi mình bằng tên cũ là Shan chỉ mùn. Lâu dần, địa phương đã định danh trong các hồ sơ, lý lịch cá nhân là Sán Chỉ, tên một nhóm tộc người khác nằm trong dân tộc Sán Chay. Trong đời sống, bà con ở đây có quan hệ thân tộc, huyết thống với người Dao áo dài ở các huyện Bắc Mê, Yên Minh của Hà Giang.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Văn Dương. Thầy cúng của người Dao Họ ở Lào Cai (qua nghiên cứu một số trường hợp cụ thể). Luận án tiến sỹ Văn hóa học. Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, 2010.
2. Phan Ngọc Khuê. Lễ cấp sắc của người dao Lô gang ở Lạng Sơn. H. NXB Văn hóa thể thao, 2003.
3. Bàn Tuấn Năng. Lễ cấp sắc của người Dao ở Việt Nam. H.NXB Văn hóa dân tộc, 2019.
4. Phạm Quang Hoan, Hùng Đình Quý (đồng chủ biên). Văn hóa truyền thống người dao ở Hà Giang. H. NXB Văn hóa dân tộc, 1999.