Trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của nhóm địa phương trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

TS. Bàn Tuấn Năng
Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa tộc người có vai trò vô cùng quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của từng nhóm tộc người ở các địa phương còn có nhiều bất cập. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp trưng bày, giới thiệu các nhóm địa phương của từng tộc người tại các không gian di sản hiện nay.
Ảnh minh họa (laichau.gov.vn).
Đặt vấn đề

Những năm qua, hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa tộc người trong các bảo tàng, các khu trưng bày ngoài trời… đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều chủ sở hữu, của các nhà quản lý cùng với du khách. Mặc dù, đã đạt những kết quả, tuy nhiên, vấn đề di sản văn hóa của từng nhóm tộc người ở các địa phương trong việc trưng bày, giới thiệu triển khai vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay. Tình hình này dẫn đến một thực tế là đối với tộc người có nhiều nhóm địa phương, khi đến tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa của chính cộng đồng mình, lại ít thấy hoặc không tìm thấy bóng dáng văn hóa của chính mình, của tổ tiên mình được soi chiếu tại các di sản văn hóa đang được tôn vinh tại nơi trưng bày, triển lãm… Từ đó, có một số dân tộc thiểu số chưa nhận biết được các tương đồng văn hóa giữa các nhóm dân tộc khác, tại nơi đang được cộng đồng khác cùng tìm hiểu và chiêm ngưỡng, khám phá, tôn vinh. Khiến cho các di sản văn hóa rất thiếu sức sống nội sinh, bởi nguyên nhân chính chưa nhận được sự tiếp sức từ các chủ thể văn hóa.

Sơ lược về nhóm địa phương của một số tộc người ở khu vực miền núi phía Bắc

Do nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó vấn đề lớn nhất vẫn là do lịch sử để lại, thần quyền gắn liền với vương quyền, nên hầu hết cả các triều đại phong kiến đều sử dụng khá triệt để các hình thức tâm linh, như: cúng, bói, ban chiếu dụ, sắc phong… để bình ổn xã hội. Thông qua thờ cúng, tục lệ… để bói, cúng và chia nhóm tộc người thành những nhóm nhỏ với các loại hình ký hiệu học khác nhau: trang phục, tên đệm, tục thờ và các kiêng kỵ trong nội bộ từng nhóm, từng dòng họ, tộc người… Việc làm này của nhà nước phong kiến trước đây là nhằm mục đích chia nhỏ khối cộng đồng tộc người để dễ bề quản lý. Do đó, với một số dân tộc thiểu số, các nhóm địa phương thường có những đặc trưng văn hóa riêng, mang sắc thái riêng, tạo sự gắn kết giữa các tộc người, củng cố niềm tin cộng đồng qua các tương đồng văn hóa tộc người.

Điều này được thể hiện khá rõ ở các nhóm địa phương trong nội bộ cộng đồng một số dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc, như:

Dân tộc Thái: có các nhóm Thái đen và Thái trắng.

Dân tộc Nùng: có một số nhóm địa phương như Nùng Dín, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Quý Rịn…

Dân tộc Lô Lô: có các nhóm Lô Lô đen và Lô Lô hoa.

Dân tộc Mông: có các nhóm Mông đen, Mông trắng, Mông Hoa và Mông Na miểu.

Dân tộc Dao là tộc người có nhiều nhóm địa phương nhất (nếu căn cứ từ trang phục truyền thống). Ngay trong ngôn ngữ, vốn được coi là khó biến đổi nhất thì người Dao ở Việt Nam cũng có đến 2 phương ngữ và Mùn và Miền. Người Dao ở 2 phương ngữ này chỉ có thể hiểu được khoảng 30 – 40% ngôn ngữ của nhau qua giao tiếp thường nhật. Riêng về trang phục, Dao cúng là tộc người đa dạng nhất về trang phục, với sự hiện diện của khoảng trên 25 loại hình trang phục khác nhau, tính riêng trong nội bộ người Dao ở Việt Nam.

Thực trạng trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của nhóm địa phương trong các dân tộc thiểu – nghiên cứu trường hợp tộc Dao và các nhóm địa phương ở Việt Nam

Vấn đề định danh các nhóm tộc người

Người Dao ở Việt Nam được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Căn cứ vào các yếu tố như ngôn ngữ, trang phục, thời điểm chuyển cư… nên có những cách định danh khác nhau về các nhóm Dao như:

Một là, cách định danh căn cứ vào trang phục: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần chẹt, Dao Thanh y, Dao Sừng…

Hai là, cách định danh căn cứ vào địa bàn cư trú: Cần đông (người ở rừng), Cần khau (người ở trong khe, lũng sâu), Cần téo chèn (người đeo tiền).

Ba là, cách định danh căn cứ vào địa điểm cư trú: Dao Nga Hoàng, Dao Hoành Bồ, Dao Tam Đảo, Dao Lam Điền…

Bốn là, cách định danh căn cứ vào thời điểm chuyển cư: Lù Gang (hoặc Ồ Gang, Lô Gang, nghĩa là nấn ná ở lại, đi sau)…

Năm là, cách định danh ảnh hưởng lối nhân xưng có tính chất miệt thị, kỳ thị: Mán, Trại, Động, Xá…

Sáu là, cách định danh theo tên tự gọi của từng nhóm Dao, chủ yếu do người Dao thực hành: Dụ Tsiăng, Dụ Nhja, Dụ Kjùn, Lù Gang Miền, Lù Đạng Miền, Dụ Ton, Èng Bò Miền, Quầy Liềm Miền…

Chính vì các cách định danh chưa thống nhất của cộng đồng cư dân, cùng với truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các không gian trưng bày di sản… đã tạo cho người xem, người nghe, người tìm hiểu… chưa hiểu rõ về diện mạo văn hóa người Dao.

Các nhóm địa phương của dân tộc Dao từ góc nhìn ngôn ngữ – trang phục

Trên thực tế, tộc danh Dao là tên gọi đã có từ lâu đời. Trong các sách cổ, người Dao tự gọi mình là Dao nhân (đọc là Dào nhần). Cùng với quá trình thiên di, họ còn tự gọi mình là Sơn tử (con của núi) hoặc Sơn chí (ở núi). Sách “Tuy thư địa lý chí” viết: “Người Di Dẫn lập cư ở quận Trường Sa có tên gọi là Mạc Dao, họ cho rằng tổ tiên họ có công nên thường được miễn giao dịch do vậy họ lấy đó mà đặt thành tên”. Căn cứ theo diễn trình lịch sử do các thư tịch cổ ghi chép lại, chúng ta có thể thấy, Dao chính là tên tự gọi của người Dao. Việc có các tên gọi khác hoặc có các cách định danh khác nhau thường là do sự nhận biết chưa đầy đủ về người Dao hoặc đứng trên quan điểm, sự nhận biết cụ thể để định danh về từng nhóm Dao. Bởi việc hình thành các nhóm Dao thường căn cứ theo điều kiện, hoàn cảnh thực tế của lịch sử thiên di cùng với quá trình tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến văn hóa tại các khu vực cư trú mới. Tuy nhiên, quá trình thiên di này dù đã xảy ra từ rất lâu, nhưng ít nhất nó cũng diễn ra trước hoặc song hành với quá trình người Dao thâu nhận Đạo giáo như một tôn giáo chính thống”1.

Hiện tại, các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa thống nhất được tiêu chí phân loại các ngành, nhóm Dao. Đây là mấu chốt quan trọng, khiến việc nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá về văn hóa Dao ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, thiếu tính đồng bộ ngay từ việc định danh các nhóm nhỏ trong nội bộ tộc người.

Ở phương diện ngôn ngữ, có thể chia người Dao thành hai nhóm phương ngữ:

Nhóm Dao sử dụng phương ngữ Mùn, gồm có: Dao Họ, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y (Dao Thanh Y quần đùi và Dao Thanh y quần dài), Dao Làn Tẻn (Dao Áo dài, Dao Tuyển).

Nhóm Dao sử dụng phương ngữ Miền, gồm có: Dao Đại bản và Dao Tiểu bản (Nhóm Đại bản bao gồm một số ngành như: Dao Đỏ, Dao Lù đạng (Coóc Mùn), Dao Lù gang (còn gọi là Dao Lô gang, Ô gang), Dao Quế Lâm, Dao Tam Đảo, Dao Nga Hoàng, Dao Hoành Bồ… Nhóm Tiểu bản chỉ có một tên gọi là Dụ Ton; căn cứ theo cách bài trí những đồng tiền bằng bạc trắng trên trang phục, người ta thường gọi nhóm Dao này là Dao Tiền).

Ở góc nhìn về trang phục, do di cư và tục cúng bói trong đạo giáo mà người Dao được coi là tộc người đa dạng nhất về các loại hình trang phục ở Việt Nam. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy như sau:

Phương ngữ Miền có các nhóm trang phục sau:

Dao Thanh Phán: trong nhóm Thanh Phán được chia thành 2 tiểu nhóm trang phục là Dao Thanh Phán đầu cao (Bình Liêu – Quảng Ninh) và Dao Thanh Phán vấn khăn (Ba Chẽ – Quảng Ninh).

Dao Lô Gang: cư trú tại các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Trang phục của nhóm Dao Lô Gang cũng không thật đồng nhất.

Dao đỏ: tên gọi Dao đỏ thực chất là do tộc người khác căn cứ vào màu đỏ chủ đạo trên trang phục để định danh, lâu dần thành quen khiến tộc người cũng tự sử dụng tên gọi này như một thói quen. Trên thực tế, nếu căn cứ vào trang phục và sự khác biệt trên trang phục, có thể thống kê như sau:

– Dao đỏ Cao Bằng có 2 tiểu nhóm: Dụ lảy miền (Dao Quế Lâm) và Dụ Siang miền.

– Dao đỏ Bắc Kạn, Tuyên Quang có 2 tiểu nhóm như của Cao Bằng, nhưng phần khăn đội đầu và quả bông len tết trước ngực trang phục phụ nữ đã được trang trí khác đi chút ít.

– Dao đỏ ở Lạng Sơn: có 2 tiểu nhóm – nhóm ở Tràng Định và Đình Lập.

– Dao đỏ ở Hà Giang: có ít nhất 2 tiểu nhóm – nhóm ở Hoàng Su Phì và nhóm ở Quản Bạ (nhóm ở Quản Bạ còn gọi là Dao Tả Pan).

– Dao đỏ ở Yên Bái: có ít nhất 2 tiểu nhóm, trang phục khác nhau (nhóm ở Văn Yên và nhóm ở Văn Chấn).

– Dao đỏ ở Lào Cai: có ít nhất 4 tiểu nhóm, trang phục khác nhau (nhóm ở Sa Pa, Thanh Bình, Bát Xát và Tả Phìn).

– Dao đỏ ở Lai Châu (còn gọi Dao sừng): ở Sì Lờ Lầu – Phong Thổ.

– Dao đỏ ở Mường Lát (Thanh Hóa) và Điện Biên.

Như vậy, ngay trong tên gọi Dao Đỏ ở Việt Nam, đã có đến 14 loại hình trang phục khác nhau.

Dao Khâu: cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu.

Dao Lù Đạng (Coóc Mùn, Dụ Kùn): cư trú ở các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn.

Dao quần chẹt: cư trú tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa và Ba Vì (TP. Hà Nội).

Dao Tiền gồm có Dao tiền khăn đen, cư trú tại hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình; Dao tiền khăn trắng: tiểu nhóm Dao tiền khăn trắng váy dài, cúc bạc hình tròn cư trú tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn; tiểu nhóm Dao Tiền khăn trắng váy ngắn, cúc bạc hình bán nguyệt cư trú tại phía nam tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang.

Phương ngữ Mùn có các nhóm trang phục sau:

Dao đầu bằng: cư trú chủ yếu tại tỉnh Lai Châu.

Dao quần trắng: cư trú chủ yếu tại tỉnh Yên Bái.

Dao Thanh y: có 2 tiểu nhóm. Dao Thanh y quần dài cư trú tại tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh. Dao Thanh y quần đùi cư trú tại huyện Ba Chẽ – Quảng Ninh.

Dao Áo dài: cư trú tại tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

Dao Tuyển/Dao Làn Tẻn: cư trú tại tỉnh Lào Cai, Lai Châu.

Thống kê sơ bộ cho thấy, nếu chỉ tiếp cận trực quan từ vấn đề trang phục phụ nữ của các tiểu nhóm Dao, đã thấy sự đa dạng của bản sắc tộc người. Do đó, khi trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa tộc người, rất cần một cái nhìn từ tổng thể đến các giới hạn chi tiết, giúp cho người xem không bị lẫn lộn về nét văn hóa đặc thù của từng tộc người cụ thể.

Lễ cấp sắc – nghi lễ đặc trưng của dân tộc Dao và sự khác biệt cơ bản giữa các nhóm tộc người

Thứ nhất, nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền

Lễ cấp sắc được chia thành 3 cấp chính là 3 đèn (người đệ tử sẽ được cấp 3 miến đèn và 36 binh mã), 7 đèn (người đệ tử sẽ được cấp 7 miếu đèn và 72 binh mã) và 12 đèn (người đệ tử sẽ được cấp 12 miếu đèn và 120 binh mã). Quy định chung là vậy, nhưng tùy từng tiểu nhóm mà các cấp bậc này lại có các biểu đạt khác nhau như:

Nhóm Dao Tiền khăn trắng váy ngắn chỉ có lễ cấp sắc 3 đèn. Nhóm Dao Tiền khăn trắng váy dài lại có đủ từ cấp sắc 3 đèn, đến 7 đèn và 12 đèn. Nhưng do quy định rằng do chuyển cư xa, nên phải khất nguyện (thiếu), nên lễ cấp sắc 12 đèn của nhóm Dao Tiền lại chỉ được cấp 11 đèn, không được phép dâng đủ cả 12 đèn trong nghi lễ.

Hầu hết, các nhóm Dao khác ở phương ngữ Miền hiện chỉ duy trì lễ cấp sắc 7 đèn. Cách đây khoảng 20 năm, để khôi phục lễ cấp sắc 12 đèn, nhóm Dao đỏ ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã cùng nhau khôi phục lại, nhưng lễ cấp sắc 12 đèn lại được tổ chức ở phạm vi nhiều dòng họ, với sự tham gia của nhiều đệ tử, cá biệt có đám có tới 50 cặp vợ chồng cùng tham gia cấp sắc. Điểm này hoàn toàn khác với lễ cấp sắc 12 đèn của nhóm Dao Tiền khăn trắng: chỉ tổ chức trong phạm vi nội bộ dòng họ, với sự tham gia của 12 hoặc 14 cặp vợ chồng đệ tử.

Vì các quy định riêng của từng dòng họ nên hệ thống bài bản, nghi lễ của lễ cấp sắc giữa các tiểu nhóm, thậm chí giữa các dòng họ cũng có những điểm khác biệt nhất định.

Thứ hai, nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn

Khác với nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền, các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn chỉ có 2 cấp bậc trong lễ cấp sắc là Tam Nguyên và Tam Thanh. Tam Nguyên là cấp độ nhỏ, Tam Thanh là cấp độ lớn. Người đệ tử thị lễ buộc phải trải qua lễ cấp sắc Tam Nguyên thì mới được cấp sắc Tam Thanh. Một nghi lễ đặc trưng của lễ cấp sắc bên nhóm Mùn là múa mặt nạ (bao gồm mặt nạ giấy và mặt nạ gỗ). Điều này hoàn toàn vắng bóng trong các lễ cấp sắc của nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền.

Những điểm chung của lễ cấp sắc trong đời sống văn hóa tâm linh người Dao:

Cấp sắc là một nghi lễ chuyển đổi pha trộn giữa tín ngưỡng bản địa người dao với Đạo giáo. Ở đó có tổ hợp nghi lễ dành cho tưởng nhớ tổ tiên (Piền Hùng/Phàn Hung) và các nghi lễ của Đạo giáo với các vị thánh thần tối thượng là Tam Thanh, Ngọc Hoàng (Ngọc Hoàng thực chất là sản phẩm của Nho giáo, được đưa vào sau, xếp ngang hang với Tam Thanh). Bởi trong Đạo giáo nguyên thủy, Ngọc Hoàng chỉ là vị thần xếp sau Tam Thanh, ở vào hang Tứ Ngự.

Người được cấp sắc sẽ được đặt tên âm (pháp danh) để điều hành các công việc bên cõi âm. Được coi là người đàn ông trưởng thành trong cộng đồng.

Lễ cấp sắc và hệ thống nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên trong lễ cấp sắc chính là sợi dây mong manh còn sót lại để liên kết cộng đồng Dao, cho dù trên thực tế đời sống văn hóa – phong tục của họ đã có nhiều dịch chuyển, khác biệt.

Như vậy, qua các góc nhìn về ngôn ngữ – trang phục và nghi lễ đặc trưng, việc định hình về bản sắc văn hóa Dao nếu chỉ soi chiếu qua một hiện tượng ở một nhóm Dao địa phương chắc chắn sẽ gây ra sự khó hiểu cho người xem, người nghe… nếu bản thân độc giả, du khách có thêm các sự so sánh với các nhóm Dao khác. Vì vậy, trưng bày, giới thiệu di sản tộc người rất cần có cái nhìn tổng thể và chi tiết, với những giới hạn nhất định, tránh được sự băn khoăn hoặc hiểu sai vấn đề… của các chủ thể đang tìm hiểu và tiếp nhận thông điệp từ di sản.

Giải pháp trưng bày, giới thiệu các nhóm địa phương của từng tộc người tại các không gian di sản

Khái quát về nhóm địa phương của dân tộc Dao ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy, quá trình trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa tộc người tại các không gian trưng bày di sản còn một số vấn đề cần quan tâm. So với năng lực sưu tầm, trưng bày, giới thiệu và quảng bá tại các bảo tàng, các khu trưng bày… hiện có về văn hóa tộc người ở Việt Nam, đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay, cần tiếp tục quan tâm triển khai một số vấn đề sau:

Một là, tập trung số hóa di sản văn hóa tộc người, từ đó, từng bước nghiên cứu, giải mã… để tìm ra những ý nghĩa, thông điệp chung mang tính nhân văn, đại diện cho tộc người.

Hai là, để nhận diện những điểm chung, khái quát nhất về từng tộc người, đặc biệt là những tộc người có nhiều nhóm địa phương như Dao, Mông, Lô Lô, Thái, Nùng… cần có các chuyên gia về lĩnh vực dân tộc tìm hiểu cặn kẽ về những điểm chi tiết và khái quát nhất của từng tộc người cụ thể. Từ đó, xây dựng trang bách khoa toàn thư mở để giới thiệu tổng thể về các nhóm địa phương và địa vực cư trú, phân bố. Coi đây là chìa khóa mở đầu trước khi tiếp cận vào kho tàng di sản văn hóa của từng tộc người cụ thể.

Ba là, đối với hồ sơ di sản, cần chi tiết và đưa ra các giới hạn, để người xem, người nghe hiểu hơn về một di sản, dễ định hình khi tiếp cận tư liệu, tài liệu. Từ đó, có thể đưa ra các so sánh, đối chiếu (nếu có) với các di sản văn hóa tương đồng của các nhóm địa phương liên quan.

Bốn là, đa dạng văn hóa của các nhóm địa phương là nhân tố quan trọng để kích thích sự tìm hiểu của du khách, trong quá trình giới thiệu cần tìm ra các điểm chung, lý giải nguyên nhân tạo nên sự khác biệt, nét đẹp đặc trưng văn hóa của tộc người… góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Chú thích:
1. Bàn Tuấn Năng (chủ biên), Bản sắc và truyền thống văn hóa các dân tộc huyện Bắc Sơn. H. NXB Văn hóa Dân tộc, 2014, tr 229.
Tài liệu tham khảo
1. Trương Thái Du. Khảo chứng tiền sử Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp, 2018.
2. Diệp Đình Hoa. Người Dao ở Trung Quốc (qua những công trình nghiên cứu của học giả Trung Quốc). H. NXB Khoa học xã hội, 2002.
3. Nhiều tác giả. Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. H. NXB Văn hóa dân tộc, 2000.
4. Bàn Tuấn Năng. Lễ cấp sắc của người Dao ở Việt Nam. H. NXB Văn hóa dân tộc, 2019.