Một số giải pháp phát huy mặt tích cực của phạm trù “hiếu, đễ” đối với việc xây dựng hệ giá trị gia đình ở Việt Nam hiện nay

ThS. Hoàng Thị Bích Toàn
Trường Cao đẳng Xây dựng số 1
(Quanlynhanuoc.vn) – Giá trị đạo đức về “hiếu, đễ” đối với xây dựng hệ giá trị gia đình ở Việt Nam hiện nay đang đứng trước thách thức, trước sự xâm lấn của những quan niệm tư tưởng mới, lối sống mới, sự xâm nhập của lối sống phương Tây và những tác động mặt trái của cơ chế thị trường đang làm suy thoái đạo đức trong gia đình truyền thống. Bài viết đề cập một số giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực của phạm trù “hiếu, đễ” đối với việc xây dựng hệ giá trị gia đình trong bối cảnh hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

“Hiếu, đễ” chính là cội nguồn của “nhân nghĩa”. “Hiếu” được hiểu là báo đáp tình yêu thương, lòng tôn kính đối với cha mẹ; còn “đễ”, chỉ tình yêu thương, tình thân thiết giữa anh chị em, cũng bao hàm cả tình cảm giữa bạn bè. Đạo đức “hiếu, đễ” là nền tảng nhân văn tốt đẹp của hệ giá trị gia đình từ trước đến nay, vẫn được nhiều thế hệ đề cao. Trong những năm gần đây, điều kiện kinh tế phát triển, một số gia đinh cuốn vào hoạt động kinh tế, ít quan tâm, săn sóc ông bà, cha mẹ, không muốn làm nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Từ chỗ đặt “lợi ích kinh tế” lên trên hết, trước hết đã giáo dục các thành viên trong gia đình đối xử với lớp người già (ông bà, cha mẹ) theo nguyên tắc trao đổi sòng phẳng. Lấy tiêu chí kinh tế là thước đo tình cảm trong mối quan hệ cha mẹ, anh, chị, em. Một số gia đình các con ngược đãi cha mẹ già, anh chị em xung đột nhau chỉ vì của hồi môn, đất đai thừa kế.

Để xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc thì mỗi gia đình, các bậc cha mẹ cần ý thức được trách nhiệm của mình; xác định rõ các mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn phát triển, trưởng thành của con cái, phù hợp tâm sinh lý và lứa tuổi để chúng tiếp cận giá trị tinh hoa của “hiếu, đễ” một cách có hệ thống, việc học tập, làm theo tấm gương của ông bà, cha mẹ cũng giống như “mưa dầm, thấm lâu”; khắc phục tình trạng gây áp lực quá lớn cho con cái.

Trong giáo dục đạo đức “hiếu, đễ” xây dựng hệ giá trị gia đình cần phải có cái nhìn theo khuynh hướng của sự phát triển và tính chất kế thừa của sự phát triển, nghĩa là phải biết gạt bỏ những tư tưởng lỗi thời, giữ lại những giá trị tinh hoa, bổ sung những yếu tố mới phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại. Khắc phục tình trạng giáo dục áp đặt, lấy quan điểm chủ quan của mình hoặc lấy phương thức sống của thời đại mình để áp đặt cho con trẻ. Xây dựng hệ giá trị gia đình ở Việt Nam hiện nay cần kết hợp hài hòa, linh hoạt một số giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực của phạm trù “hiếu, đễ”.

Xây dựng gia đình văn hóa mới kiểu mẫu trên nền tảng của giá trị đạo đức truyền thống

Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu, chọn lọc những tinh hoa văn hóa truyền thống, bổ sung những giá trị mới để xây dựng gia đình văn hóa kiểu mẫu hiện đại. Gia đình văn hóa kiểu mẫu ở Việt Nam hiện nay là gia đình kết hợp giữa yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại làm nền tảng của hệ giá trị gia đình, sự kết hợp ấy diễn ra một các biện chứng tạo ra một chỉnh thể thống nhất trong gia đình; giải quyết các xung đột gia đình trên cơ sở hài hòa sự khác biệt về thế hệ. Nghiên cứu, chuẩn hóa hệ giá trị gia đình phù hợp với chuẩn mực đạo đức con người mới, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam phù hợp với nền tảng văn hóa mới hiện nay.

Thứ hai, cụ thể hóa, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình văn hóa ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về vấn đề xây dựng hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đối với xây dựng gia đình và công tác gia đình, nhất là những vấn đề liên quan đến gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình theo “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế;… “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Xây dựng hệ giá trị gia đình trên cơ sở dân chủ, bình đẳng, hòa thuận, yêu thương nhau và các thành viên trong gia đình chia sẻ với nhau những áp lực về kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.

Thứ ba, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể đối với việc bình xét gia đình văn hóa. Các tổ chức đoàn thể đóng vai trò quan trọng đối với bình xét gia đình văn hóa. Bởi vì, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương là những người gần gũi nhất đối với Nhân dân, là cầu nối chuyển các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới gia đình, là ban hòa giải công bằng của các gia đình mỗi khi xảy ra xung đột. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa và đời sống kinh tế – xã hội hiện nay.

Thứ tư, xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”,Gia đình truyền thống Việt Nam gắn với tình làng, nghĩa xóm từ buổi đầu dựng nước. Ở Việt Nam, gia đình với xóm làng có sự gắn kết chặt chẽ, ngoài yếu tố là láng giềng tốt của nhau, còn có mối quan hệ huyết thống tạo nên dòng tộc, dòng họ, tính cố kết cộng đồng làng xóm tạo nên tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong hoạt động sản xuất cũng như chống lại thiên tai, địch họa.

Đưa vấn đề giáo dục “hiếu, đễ” trở thành bộ phận quan trọng để giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ xây dựng hệ giá trị gia đình

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường – xã hội nhằm giáo dục đạo đức gia đình cho thế hệ trẻ, làm cho thế hệ trẻ nhận thức đúng về những giá trị nhân văn của “hiếu, đễ” trong việc thiết lập hệ giá trị gia đình trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Phát huy những ưu điểm của từng môi trường giáo dục, chỉ ra những hạn chế đối với việc giáo dục đạo đức gia đình đối với thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, giáo dục đạo đức gia đình thông qua tấm gương sáng của cha mẹ, ông bà, xây dựng môi trường gia đình bình đẳng mọi thành viên trong gia đình; yêu thương, trách nhiệm với nhau, thực hiện lối sống gia đình lành mạnh. Phương thức giáo dục đạo đức gia đình cho đời sau không chỉ là những lời dạy bảo mà quan trọng hơn cả là cha mẹ, ông bà phải luôn luôn là tấm gương sáng cho con, cháu noi theo, làm theo những hành vi tốt đẹp nhất của cha mẹ, ông bà thực hiện lối sống “phụ hiền, tử hiếu”, “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.

Để xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc thì mỗi gia đình, các bậc cha mẹ cần ý thức được trách nhiệm của mình; xác định rõ các mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn phát triển, trưởng thành của con cái, phù hợp tâm sinh lý và lứa tuổi để chúng tiếp cận giá trị tinh hoa của “hiếu”, “đễ” một cách có hệ thống, việc học tập, làm theo tấm gương của ông bà, cha mẹ cũng giống như “mưa dầm, thấm lâu”; khắc phục tình trạng gây áp lực quá lớn cho con cái.

Trong giáo dục đạo đức “hiếu”, “đễ”  xây dựng hệ giá trị gia đình cần phải có cái nhìn theo khuynh hướng của sự phát triển và tính chất kế thừa của sự phát triển, nghĩa là phải biết gạt bỏ những tư tưởng lỗi thời, giữ lại những giá trị tinh hoa, bổ sung những yếu tố mới phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại. Khắc phục tình trạng giáo dục áp đặt, lấy quan điểm chủ quan của mình hoặc lấy phương thức sống của thời đại mình để áp đặt cho con trẻ.

Thứ ba, nhà trường phải xem việc giáo dục đạo đức “hiếu, đễ” trong xây dựng hệ giá trị gia đình cho thế hệ trẻ là việc làm thường xuyên, cần đưa chuyên đề này lồng ghép với môn giáo dục công dân ở các trường phổ thông. Phương thức giáo dục đạo đức gia đình trong nhà trường cũng phải thực hiện một cách khoa học phù hợp với thời đại, lấy học sinh làm trọng tâm để giáo dục, rèn luyện tính kỷ luật, kỹ năng sống cho học sinh biết tôn trọng các thành viên trong gia đình, nhất là cha mẹ, ông bà, anh chị em. Tạo điều kiện và hướng dẫn cho học sinh thực hành các hành vi đạo đức của mình đối với ông bà, cha mẹ vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm liên quan đến gia đình.

Nâng cao nhận thức và tuyên truyền về ý nghĩa của phạm trù “hiếu, đễ” đối với xây dựng hệ giá trị gia đình

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về ý nghĩa của phạm trù “hiếu, đễ” đối với giáo dục hệ giá trị ở gia đình Việt Nam hiện nay. Cụ thể:

(1) Nâng cao nhận thức về giá trị của “hiếu, đễ” trong gia đình. Ngày nay, nước ta bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, điều kiện sống của người dân đã sung túc hơn thời kỳ trước đổi mới rất nhiều, việc tiếp cận những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại đã giúp chúng ta loại bỏ được những tư tưởng lạc hậu không còn phù hợp với thế giới hiện đại. Trong quan niệm về “hiếu”, “đễ” có rất nhiều những yếu tố tích cực nhưng cũng không phải là không tồn tại những tư tưởng lạc hậu, lỗi thời. Do vậy, việc nhận thức đúng đắn “hiếu”, “đễ” để phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể là vấn đề cấp thiết đối với việc xác lập hệ giá trị gia đình ở Việt Nam trong gia đoạn hiện nay.

(2) Nhận thức đúng đắn về mối quan hệ huyết thống để ứng xử theo “đễ” cho phù hợp với đời sống xã hội hiện nay. Nhận thức giá trị của chữ “đễ”, anh, chị, em trong gia đình phải sống “chính danh” sống đúng bổn phận của mình. Người làm anh phải là tấm gương sáng, biết bao bọc, chở che cho em, mỗi khi em gặp khó khăn phải biết chia sẻ, em sa ngã anh phải biết nâng lên. Bởi vì, người anh sinh trước, từng va chạm, trải nghiệm, có nhiều kinh nghiệm sống sẽ đưa ra những lời khuyên nhủ đúng đắn cho người em. Trong lúc khó khăn, khi cha mẹ vắng nhà, hoặc cha mẹ qua đời, đạo làm anh phải thay mặt cha, mẹ gánh trên vai trách nhiệm của mình, yêu thương, dạy dỗ, chỉ bảo cho em những điều hơn, lẽ thiệt ở đời. Ngược lại, người em phải biết nhận thức lời khuyên đúng đắn của anh, kính trọng anh và cũng sẵn sàng tương trợ giúp đỡ anh khi gặp khó khăn.

(3) Nhận thức đúng đắn về hệ giá trị gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là kết hợp hợp hòa các chuẩn mực đạo đức, trong đó giá trị đạo đức “hiếu, đễ” phù hợp với các chuẩn mực của đạo đức cách mạng. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác của mọi tầng lớp nhân dân trong việc rèn luyện, tiếp thu các chuẩn mực, giá trị tinh hoa của đạo đức “hiếu, đễ”  đối với việc thiết lập hệ giá trị gia đình trong thời đại mới. Nâng cao nhận thức cho mỗi thành viên trong gia đình hiểu sâu sắc về nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, để xây dựng hệ giá trị gia đình hiện đại, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tốt đẹp, gia đình văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng không để lạc hậu, lỗi thời bởi những tư tưởng cũ.

Thứ hai, nâng cao công tác tuyên truyền về ý nghĩa của phạm trù “hiếu, đễ” đối với xây dựng hệ giá trị gia đình hiện nay. Tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân hiểu về hệ giá trị gia đình truyền thống có những mặt tích cực không thể phủ nhận được. Nhiều giá trị đạo đức gia đình truyền thống quý báu đã được nhiều thế hệ cha ông sáng tạo, học hỏi và tích lũy được, là những di sản quý báu cần được kế thừa và phát huy, giáo dưỡng, truyền thụ cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cần tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ đạo đức và giá trị đạo đức trong gia đình không phải là phạm trù vĩnh viễn mà nó luôn biến đổi không ngừng để phù hợp với hoàn cảnh sinh hoạt vật chất của con người. Do vậy, mỗi thành viên trong gia đình phải coi trọng dạy cho thế hệ sau những giá trị đạo đức như: ngoan ngoãn lễ phép, khiêm tốn trong cư xử biết trên kính, dưới nhường, hướng thiện, trung thực, lòng nhân ái, lễ nghĩa, bao dung, độ lượng, tính cần cù, vượt khó, giúp đỡ đồng loại

Các cơ quan truyền thông cần xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình về xây dựng đạo đức gia đình. Tăng cường tuyên truyền chiến lược xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề xây dựng hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến đạo đức gia đình. Qua đó, tuyên truyền cho người dân có kiến thức hiểu biết về các điều luật liên quan đến phân chia tài sản, hạnh phúc, hôn nhân, quyền thừa kế trong gia đình.

Vai trò của chính quyền địa phương đối với xây dựng hệ giá trị gia đình

Một là, nâng cao vai trò của các tổ chức ở địa phương đối với xây dựng hệ giá trị gia gia đình. Vận động các tổ chức xã hội, các hội ở địa phương, như: Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh; Hội Khuyến học…, tham gia phong trào quần chúng chăm lo xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Hai là, nâng cao chất lượng của Ban Hòa giải gia đình trong việc tuyên truyền đạo đức, pháp luật liên quan đến gia đình. Ban Hòa giải gia đình ở các địa phương cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải trong đó có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên luôn giữ vai trò trung tâm, trực tiếp thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến các mâu thuẫn về tranh chấp lợi ích trong gia đình nên việc nâng cao trình độ, kiến thức, hiểu biết pháp luật cho đối tượng này cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi vì, họ là người gần gũi trực tiếp nhất đối với các gia đình, họ có thể giúp các người thân trong gia đình tự điều chỉnh đạo đức, hành vi, phong cách, lối sống của mình cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Ba là, tăng cường giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Luật dựa trên những vấn đề về quyền con người. Bảo vệ quyền con người trong gia đình, chống lại các hành vi bạo lực, như: con cái với cha mẹ già, cha mẹ với con cái chưa đến tuổi vị thành niên; anh em, vợ chồng… Luật nhằm tăng cường bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương không có khả năng kháng cự.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền thừa kế. Ủy ban nhân dân các xã, phường cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật về quyền thừa kế gia sản, làm rõ các nội dung về quyền thừa kế và các hàng thừa kế gia sản cha mẹ để lại, phân tích rõ cho người dân hiểu luật thừa kế gia sản để tránh xảy ra xung đột gia đình.

Năm là, nâng cao công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình. Các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về các nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình, chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ thị số 49CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Nguyễn Thị Thọ. Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay. HNXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.