Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Satra Slất Rịt – văn bản lá Buông của người Khmer ở vùng Nam Bộ

TS. Phú Văn Hẳn
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
ThS. Trương Quang Đạt 
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh lá Buông (tiếng Khmer gọi là Satra Slất Rịt), là loại tài liệu cổ và loại chữ viết, chữ khắc trên lá được người Khmer lưu giữ, lưu truyền từ nhiều đời nay tại các tư gia trong cộng đồng và các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer ở vùng Nam Bộ. Đây là nguồn tài liệu vô cùng quý báu, chứa đựng nhiều tri thức về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học và văn hóa dân tộc. Nổi bật trong các văn bản Satra Slất Rịt là nguồn ngữ liệu giáo huấn răn dạy con người (Satra Chbắp). Hầu hết, tài liệu Satra được lưu giữ tại các chùa Khmer ở Nam Bộ cho đến nay vẫn chưa được sưu tầm, tập hợp đầy đủ và giải mã, nghiên cứu, đánh giá có hệ thống. Bài viết nghiên cứu làm rõ các giá trị văn học, văn hóa và tri thức trong di sản văn hóa Satra Slất Rịt – Kinh Lá Buông và đề xuất một số giải pháp quản lý nhà nước về di sản văn hóa này. 
Các bộ kinh lá buông được trưng bày bên lề hội thảo tại Chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: baotintuc.vn
Đặt vấn đề

Người Khmer là dân tộc Việt Nam sinh sống tập trung ở các Phum Srok (làng xóm/thôn/ấp Khmer), phần lớn quay quần bên các chùa Phật giáo Theravada (Nam Tông) ở vùng Nam Bộ, đông nhất ở vùng Tây Nam Bộ (trong đó ở các tỉnh gồm An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ…). Đồng bào Khmer trong quá trình hình thành và phát triển của mình ở Việt Nam đã sáng tạo một nền văn hóa dân tộc độc đáo, đa dạng trên cả phương diện vật thể và phi vật thể.  Trong đó, Satra Slất Rịt (còn gọi là Văn bản lá buông) chứa đựng kho tàng tri thức Khmer vô cùng quý báu về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, giáo lý, văn học, giáo huấn… được lưu giữ tại các chùa Phật giáo Nam Tông và các tư gia, trong cộng đồng Khmer, là văn bản quý hiếm, chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng, là thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Khmer ở Việt Nam. 

Satra Slất Rịt – Văn bản lá Buông của người Khmer

Văn bản lá Buông trong tiếng Khmer gọi là Satra Slất Rịt hoặc gọi tắt Satra. Đây là văn bản, tài liệu được viết hoặc khắc trên lá Buông. Ngoài các văn bản khắc lên các vật cứng như mu rùa, trên gỗ, trên đá, việc ghi chép trên lá buông là hình thức phổ biến, lâu đời trước khi có giấy của con người, cụ thể đối với phương Đông và cư dân Đông Nam Á.

“Satra” có nghĩa là kinh, là sách, là văn bản, là tài liệu; “Slất” là lá, Slất là loại lá được lấy từ cây “t’răn”, cây có dạng khá giống với cây thốt nốt, có độ lâu bền và ở đây là loại lá khá phổ biến ở vùng Tây Nam Bộ. 

“Rịt” là ép, nẹp, buột lại cho chặt, cho lá Buông thẳng và mặt lá buông phẳng. 

Satra Slất Rịt là văn bản được người Khmer viết, chép hoặc khắc trên lá Buông. Ngoài ghi chép kinh Phật, hầu hết ghi chép kinh Phật giáo Nam Tông, Satra Slất Rịt còn chứa đựng nội dung về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, giáo lý, văn học, lời giáo huấn và kinh nghiệm sống. 

Phần lớn Satra được phát hiện, sưu tầm và lưu giữ tại các chùa Phật giáo Theravada Khmer thuộc vùng Nam Bộ, nhiều hơn vẫn thuộc các địa phương có người Khmer cư trú đông. Thực tiễn, tại không gian văn hóa Khmer ở tỉnh Trà Vinh, cho thấy: Chùa Kompong Đôn, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần hiện còn lưu giữ các bộ Satra: Ma-hô-sat, Kao-va-đa, Thom-ma-sam-phôt, Lbơk Chhu-chuôk, A-ni-song-phi-đan, Chbắp Vithu-ban-đit, Chbắp Maha-nết-sua-sđây, A-ni-song Phrah, A-ni-song-phnum-khsach, Chbắp Krom, Vi-va-ră-thomabot, Kompi Phrah Viney, Neak-khă-sên, Mia-lai-khìa-tha, Phrah A-phi-thom, Vê-son-đo Chea-đok, A-ni-song Vê-son-đo Chea đok và còn một số bộ Satra chưa được sắp xếp theo từng loại; chùa Chum Nit, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú hiện lưu lại được một bộ Satra: Satra A-ni-song Vê-son-đo Chea đok; chùa Kosla, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú có lưu giữ một bộ Satra nhưng không phải bộ trọn vẹn mà là các lá Satra của các cuốn khác nhau, được chùa cất giữ để trưng bày. 

Một là, số lượng và cách thức lưu giữ Satra tại các chùa Khmer ở Nam Bộ cũng không đồng bộ.  Có chùa hiện còn lưu giữ lại được nhiều bộ Satra có chùa ít hoặc không có bộ Satra nào. 

Hai là, cũng có bộ Satra được lưu giữ tương đối nguyên vẹn, rõ chữ nhưng cũng có chùa chỉ lưu lại vài các mảnh ghép từng lá có chữ chứ không phải Satra, bộ Satra nguyên bộ. 

Ba là, có bộ Satra là các văn bản xưa (hơn trăm năm) được lưu lại, cũng có những bản Satra được ghi chép lại của các chức sắc, tu sĩ, người Khmer những thế hệ gần đây.

Bốn là, các bộ Satra được lưu giữ trong các chùa đều đặt ở vị trí trân trọng song các cách thức được lưu trữ mà chúng ta đang nhìn thấy hiện nay trong các chùa đều chịu nhiều thách thức với thời gian, sự thay đổi thường xuyên và bất thường của khí hậu đòi hỏi sớm có giải pháp khắc phục.

Những nội dung của Satra ở dân tộc Khmer vùng Nam Bộ

Các văn bản Satra hiện đang tồn tại ở vùng người Khmer thuộc các tỉnh Tây Nam Bộ được các chức sắc, tu sĩ, trí thức người Khmer sưu tập và phân thành bốn nhóm sau đây:  

(1) Satra Tes: đây là văn bản lá buông ghi chép kinh Phật, ghi chép lời dạy của Đức Phật. Người Khmer và các tu sĩ rất xem trọng loại kinh lá buông Satra Tes. 

(2) Satra Rương: đây là văn bản ghi lại những mẩu chuyện được các chức sắc, sư sãi, người Khmer sử dụng đọc, giảng cho tín đồ; ông bà kể lại cho con cháu nghe. Nhiều tác phẩm văn học trong đó được biên soạn thành kịch (như tuồng Lô-khôn) khi đem biểu diễn (sân khấu) mang nhiều giá trị thực tiễn và văn hóa nghệ thuật. 

(3) Satra Lơ-beng: đây là văn bản lá buông ghi chép nội dung giải trí bao gồm các trò chơi dân gian, các hoạt động thể dục thể thao dân gian (như đá gà, đánh cầu, đấu vật, đá kiện, thả diều…), những câu chuyện phản ánh sinh hoạt lao động, việc cưới xin, hội hè của cộng đồng người Khmer. 

(4) Satra Chơ-bắp: là văn bản lá buông ghi chép những lời giáo huấn đối với người tu hành, ghi chép, lưu truyền lời hay ý đẹp, khuyên bảo sống cho “tốt đạo đẹp đời” của cộng đồng Khmer.

Dựa theo các nội dung ghi chép, lưu trên các văn bản Satra, người Khmer Nam Bộ chia thành ba nhóm: 

Nhóm thứ nhất: bao gồm các văn bản Satra ghi chép kinh Phật và Phật tích. Ngoài các Satra ghi kinh Phật giáo như Satra Tray-bi-đok (kinh Tam tạng), Satra Thom-ma-bot-thă-ka-tha (kinh Pháp cú); số còn lại được người Khmer ghi chép những chuyện kể về cuộc đời Phật Thích Ca – Satra Chea-đok (Phật tích).

Nhóm thứ hai: bao gồm các văn bản Satra ghi chép về văn hóa truyền thống (Satra Pa-vê-ney),  ghi chép những nội dung liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, tập quán, chuyện kể, sự tích, thần thoại… Ở thể loại này có thấy Satra rương (chuyện kể), Satra Cha-bắp (giáo huấn), Satra Khă-tês-lôk, Satra Lbơk, Satra Lơ-beng, Satra tha-nam (thuốc gia truyền), Satra thờ niệm, Satra Chmuos-sat (tên các con vật). 

Các bộ Satra thuộc nhóm này còn có những ghi chép các nội dung thuộc lĩnh vực văn học, trong đó, có thể kể đến các Satra nói về lời giáo huấn, như: Cha-bắp Pros (dành cho đàn ông) và Cha-bắp Sa-rây (dành cho phụ nữ), Cha-bắp Hay-Ma-ha-chun (dạy đời). Các văn bản Satra chứa đựng những dạy người là hết sức phong phú (Cha-bắp Bon-đam-âu-phụt (dạy con), Cha-bắp Kuon-chau-lbơk (dạy con cháu), Cha-bắp Thul-mean-khluon (dạy tu tâm), Cha-bắp Vi-thu-banh-đit (dạy trí thức), Cha-bắp Pheak-chas (truyền tục xưa), Cha-bắp Kê-kal (truyền nghề).

Có thể nói, các bộ Satra thuộc nhóm thứ hai này là hết sức phong phú. Với loại Satra Lbơk như Lbơk Chhuch Nưng Trây, Phê Nưng Cho-chot, Chke-cho-chot Nưng Kuon Chiem,… đều là những văn bản ghi chép những câu chuyện mà trong đó thường có hai con vật đảm nhiệm nhân vật chính, xoay quanh hai tuyến nhân vật đối lập nhau: một là những nhân vật đại diện cho kẻ tham lam, nóng nảy, ỷ quyền cậy thế và tuyến nhân vật thứ hai tiêu biểu cho người đường hoàng, lương thiện, thật thà chất phác, thương người, tâm trong sáng. 

Đối với Satra Lơ-beng là bộ văn bản lá buông ghi chép về những câu chuyện ngắn chứa đựng những kinh nghiệm trong cách đối nhân xử thế. Trong các Satra Lơ-beng như Hăng-don, Khdon-săng, Phôk-kul-ko-mar, Ka-kây, Phres-lek-sin-na-vong, Chin-na-vong… thường dựa trên cốt truyện từ kinh Phật giáo, tôn vinh hành thiện, tránh tà, diệt ác, người ở hiền luôn gặp phúc lành, ngược lại, người xấu xa ắt bị trừng phạt. Với Satra Lơ-beng theo cốt truyện ngắn, dễ nhớ, dễ kể, ngôn từ bình dân, dễ lưu truyền, sát thực tiễn, gần cuộc sống, dễ thâm nhập vào tâm tư nguyện vọng hành thiện, tránh ác đã tác động tích cực trong hình thành nhận thức về cách ứng xử “tốt đạo đẹp đời” ở đồng bào Khmer Tây Nam Bộ bao đời nay.

Nhóm thứ ba: là những Satra sêch-sa. Đây là những văn bản ghi chép nội dung về những bài học, bài hướng dẫn dạy tiếng Pali, là cơ sở khoa học ngôn ngữ cho việc dạy và học tốt tiếng Khmer. Với Satra Vai-dia-ko Pali (Ngữ pháp Pali), Theat-tu-sang-kros (Ngữ căn Pali) của văn bản Satra sêch-sa rất có giá trị cho các nghiên cứu, tham khảo và biên soạn các bài bản dạy và học tiếng Pali và tiếng dân tộc Khmer hiện nay. 

Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn bản Satra ở vùng Nam Bộ

Về lưu giữ văn bản Satra ở dân tộc Khmer ở vùng Nam Bộ

Hiện nay, người Khmer Nam Bộ vẫn tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm các văn bản Satra, tiếp tục ghi chép các câu chuyện cuộc sống đạo đời của dân tộc mình trên các văn bản Satra Lá Buông. Các văn bản Satra dù còn nguyên vẹn, hay rách nát đều được đồng bào Khmer trân trọng, tôn vinh, lưu giữ, dốc công tìm hiểu, sử dụng trong xây dựng và phát triển Phật giáo Nam Tông, nghiên cứu biên soạn tài liệu, giáo trình ngôn ngữ Khmer, dạy và học tiếng Khmer, phổ biến tri thức, kiến thức, phát triển cộng đồng dân tộc Khmer.

Nhiều văn bản Satra vẫn còn lưu giữ tại các tư gia dân chúng Khmer, một số rất ít được lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng trong tỉnh. Phần lớn các Satra được phát hiện, sưu tầm, tập hợp được cất giữ trong các chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở vùng Tây Nam Bộ. 

Các văn bản Satra tại các chùa Khmer cũng như tại các tư gia có điểm chung đều được người Khmer xem đây là tài sản quý báu nhất song các cách bảo lưu không giống nhau. Có nơi các văn bản Satra được sắp xếp gọn gàng, thứ tự theo thể loại, theo nội dung; có nơi thì chưa. Có nơi các văn bản Satra được đặt trong các tủ kính sang trọng, trong phòng có máy lạnh, thông thoáng và cũng có nơi được đặt trong không gian ẩm thấp, chịu nhiều thách thức với biến đổi thời tiết, khí hậu, không bảo đảm an toàn. 

Nhiều văn bản Satra cổ, cũ chưa thật sự được phân loại và lưu giữ phù hợp. Một số văn bản Satra rách, hư hỏng được khắc phục, hồi phục không đúng cách. Các văn bản Satra đang lưu giữ chưa được phân loại, hệ thống đúng giá trị theo khoa học. 

Việc sưu tầm, tập hợp các văn bản Satra như là di sản văn hóa dân tộc quy mô trên cả vùng Nam Bộ đã được quan tâm, tuy nhiên công tác bảo tồn, sử dụng, tận dụng, khai thác, phát huy giá trị các văn bản Satra trong thời kỳ hiện nay còn chưa tương xứng với giá trị di sản văn bản Satra để lại.

Về phát huy giá trị Satra Khmer ở vùng Tây Nam Bộ

Từ bao đời nay, người Khmer ở Tây Nam Bộ và rộng hơn vùng Nam Bộ và ở trong nước đều xem các văn bản Satra là những ghi chép cao quí, giá trị và thiêng liêng. Các văn bản Satra chứa đựng những nội dung của Phật giáo Nam Tông, lưu giữ giá trị truyền thống của cộng đồng Khmer. Từ rất sớm, trí thức, chức sắc, tu sĩ và đồng Khmer vùng Nam Bộ luôn đề cao, tôn vinh và tận dụng một cách trân trọng, xem các Satra như kim chỉ nam cho mọi hành động “tốt đạo đẹp đời”. Người Khmer cho đến nay không ngừng tìm kiếm, sưu tầm, tập hợp Satra lá buông, không ngừng tìm kiếm các hiểu biết của mình trong các Satra để tận dụng một cách hiệu quả các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, văn học, tri thức của nội dung văn bản Satra vào việc thuyết giảng, truyền đạt đến các phật tử, đồng bào, con cháu. Các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer, Đại học Trà Vinh, Trường Bổ túc Văn hóa  Pali Trung cấp Nam Bộ, Trường Trung cấp Pali tỉnh Trà Vinh, một số cơ sở đào tạo khác và nhiều tư gia ở vùng Nam Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc sưu tầm, tập hợp, phân loại, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, biên soạn, phổ biến, lưu truyền, giảng dạy cho đồng bào Khmer và những người quan tâm. Các giá trị nội dung của Satra luôn được các tu sĩ, chức sắc Khmer sử dụng vào tu luyện, giảng dạy, giới thiệu, hướng dẫn cho các Phật tử đọc, học và hành cũng như những thượng khách đến tìm hiểu, tham quan, du lịch vào các dịp lễ trọng đến chùa Phật giáo Nam Tông Khmer ở vùng Nam Bộ.

Cùng với các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer và các cơ sở đào tạo tiếng Khmer, tiếng Pali thuộc hệ thống quản lý của Nhà nước còn có nhiều sự hỗ trợ của ngành văn hóa, chính sách dân tộc và các cơ quan công tác tôn giáo, dân tộc từ trung ương đến địa phương luôn có những hoạt động đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Khmer, chùa Khmer, trí thức Khmer phát huy nội dung văn bản Satra vào cuộc sống tốt đạo đẹp đời ở vùng bào Khmer ở Nam Bộ. Kết quả từ các hoạt động này đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn bản Satra.

Satra Slất Rịt – Văn bản lá Buông, là tài sản – di sản vô cùng quý báu của đồng bào Khmer chứa đựng nhiều giá trị ngôn ngữ, triết lý, tôn giáo, đạo đức, dân tộc, văn học và gia huấn, hiện đang lưu giữ trong không gian văn hóa Khmer vùng Nam Bộ, là di sản văn hóa quốc gia, dân tộc. Ngoài những văn bản Satra ghi lại, chép tay trong thời gian gần đây, một số văn bản Satra cổ được lưu trữ trong chùa, còn lại nhiều văn bản Satra đang được lưu giữ tại tư gia hoặc thất lạc ở đâu đó trong vùng Nam Bộ chưa được khai quật, tập hợp đầy đủ đang nóng lòng chờ đợi sự vào cuộc của ngànhBảo tồn văn hóa.

Các văn bản Satra cổ chứa đựng nhiều giá trị cao quý, thiêng liêng liên quan dân tộc Khmer, Phật giáo Nam Tông Khmer, tiến trình văn hóa Khmer và nhiều giá trị khác trên vùng đất Nam Bộ, đã và đang chịu nhiều thách thức với thời gian, chịu nhiều thách thức với biến đổi thời tiết, khí hậusẽ mãi mãi đi vào quên lãng nếu không sớm có kế hoạch sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu, đánh giá, hệ thống, số hóa và có giải pháp bảo tồn phù hợp.

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các địa phương nói chung và vùng Nam Bộ nói riêng, để có đánh giá đầy đủ hơn, hiểu biết hệ thống hơn, có giải pháp bảo tồn và phát huy tích cực hơn, thiết nghĩ ngành văn hóa, các nhà khoa học, đồng bào Khmer, tổ chức các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, các tổ chức bảo tồn di sản văn hóa cần quan tâm hơn trong sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị Satra –  Satra Slất Rịt – Văn bản lá Buông ở vùng Nam Bộ trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình giảng dạy tiếng Khmer ở Trường trung học sư phạm. H. NXB Giáo dục, 2002.
2. Sơn Minh Thắng, Phú Văn Hẳn (đồng chủ biên). Văn hóa các dân tộc tại chỗ vùng Tây Nam Bộ – Những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững. H. NXB. Khoa học xã hội, 2017.
3. Thạch Dương Trung. Kinh lá Buông: Giá trị và giải pháp bảo tồn. Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: “Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ – Thực trạng và giải pháp”. Đại học Trà Vinh, 2020.
4. Giải pháp giảm nghèo bền vững đối với các tộc người thiểu số ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay. https://tapchimattran.vn, ngày 16/01/2021.