Bồi dưỡng giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan các nhà trường quân đội trong thời kỳ mới

Thượng tá, ThS Nguyễn Văn Hùng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Học viên hệ đào tạo sĩ quan là cán bộ tương lai của quân đội, lực lượng lòng cốt kế thừa, phát huy giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan ở nhà trường quân đội luôn là nội dung quan trọng, cần được quan tâm. Bài viết phân tích vị trí, vai trò của giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” đối với phát triển nhân cách học viên sĩ quan ở các nhà trường quân đội, đề xuất giải pháp giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan ở các nhà trường quân đội trong thời kỳ mới.
Ảnh minh họa (Trần Sâm).
Đặt vấn đề

“Bộ đội Cụ Hồ” là hình mẫu về giá trị nhân cách của quân nhân cách mạng, được hun đúc, hình thành, kết tinh qua hoạt động xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là danh hiệu cao quý được Nhân dân tin yêu, trao tặng cho Quân đội ta. Do vậy, định hướng và phát huy giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” là yêu cầu tất yếu khách quan đối với mọi quân nhân nói chung và sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng quân đội trong giai đoạn mới. 

Học viên sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là những thanh niên, hạ sĩ quan, binh sĩ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông tư tuyển sinh của Bộ Quốc phòng1, được đào tạo ở một học viện, trường sĩ quan nhất định với mục tiêu tốt nghiệp trở thành người sĩ quan có trình độ đại học đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cấp phân đội và các chức vụ chuyên môn ở các đơn vị cơ sở.

Giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” của học viên sĩ quan, đó là kết tinh những phẩm chất tốt đẹp phản ánh bản chất, đặc trưng truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được hình thành, phát triển trong hoạt động theo chức trách, nhiệm vụ của học viên sĩ quan. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục, định hướng hình thành và phát huy giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị. 

Trong tình hình mới hiện nay, Đảng ta xác định: “xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ”, cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của then chốt, theo đó, cần “tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”2. Đối với Quân đội, hiện nay sự tác động từ mặt trái cơ chế thị trường tới nhiều mặt đời sống cán bộ chiến sĩ đã làm phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực về phẩm chất đạo đức, lối sống; các thế lực thù địch tăng cường chống phá bằng “diễn biến hòa bình”, trong đó, tập trung vào mặt trận chính trị, tư tưởng, khoét sâu vào những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ. Quân ủy Trung ương đã xác địnhphát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp thiết, vừa thường xuyên nhằm xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú; góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại3.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan

Thứ nhất, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, tinh thần tiền phong gương mẫu của cán bộ chủ trì các cấp trong nhà trường quân đội.

Giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan muốn đạt được kết quả cần phải làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và các tổ chức đoàn thể về tầm quan trọng của giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đúng vị trí, vai trò cũng như nội dung, yêu cầu giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan, xác định rõ trách nhiệm và nâng cao khả năng hành động đúng mới áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả. 

Đối với tổ chức đảng, cần phải thường xuyên nắm chắc tình hình, sự vận động của thực tiễn cách mạng, nhiệm vụ của quân đội và của đơn vị để đề ra nghị quyết lãnh đạo nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Hệ thống chỉ huy các cấp cần cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan. Căn cứ vào chức trách,nhiệm vụ và trình độ của từng cán bộ để có kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục cho học viên sĩ quan. Theo đó, cần có cơ chế cụ thể trong phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, chỉ huy trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan; gắn trách nhiệm đó với thực tiễn công tác giáo dục và kiểm tra đánh giá cán bộ hằng quý, hằng năm, coi đó là một tiêu chí đánh giá cán bộ chủ trì ở đơn vị cơ sở.

Phát huy đúng vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm hoàn thiện giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tạo ra phong trào hoạt động tự giác, sôi nổi, sáng tạo, diễn ra thường xuyên của toàn thể cán bộ, học viên trong toàn đơn vị. 

Thứ hai, đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan.

Giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan được thực hiện bởi nhiều chủ thể, lực lượng, bằng nhiều con đường, biện pháp với những nội dung, hình thức hết sức đa dạng, phong phú. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan cần phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

Thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung, các cơ quan, đơn vị, các chủ thể cần căn cứ vào những ưu điểm, hạn chế trong nội dung giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan để đổi mới mạnh mẽ các nội dung giáo dục, bảo đảm tính toàn diện, cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm. Việc đổi mới nội dung giáo dục cần hướng mạnh vào các nội dung cấu thành giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” của học viên sĩ quan, gắn với chức trách, nhiệm vụ học tập. Trong đó, tập trung củng cố vững chắc sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; luôn có động cơ trong sáng, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có trách nhiệm cao hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, tích cực, chủ động tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.Nâng cao tinh thần đoàn kết nội bộ, thương yêu đồng chí, đồng đội. Nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực hành tốt dân chủ, chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác. Giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng của học viên sĩ quan. 

Thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan cần thông qua các hoạt động thực tiễn để bồi dưỡng những bài học và tình huống cụ thể nhằm giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”. Trên cương vị chức trách được giao, thông qua hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị, người chỉ huy cấp trên là chủ thể trực tiếp trong giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan. Giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan cần phải tính đến sự phù hợp của các đối tượng, bám sát đặc thù hoạt động của từng nhóm đối tượng. 

Đa dạng, hình thức giáo dục, tránh lối mòn, dập khuôn, xơ cứng, cần phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ nói chung, học viên sĩ quan nói riêng. Các chủ thể giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan cần nghiên cứu vận dụng và cải tiến hình thức, tổ chức giáo dục cho phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị và trình độ nhận thức của học viên sĩ quan. Đồng thời, cách thức tổ chức phải kích thích được tính tích cực, sáng tạo và ý thức tự hoàn thiện giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” của học viên sĩ quan; kết hợp giáo dục chung theo tập thể đơn vị, tổ, nhóm công tác với các hình thức khác, trong đó, cần tổ chức giáo dục như: diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, trao đổi theo chuyên đề, tham quan các địa danh lịch sử, nghe kể chuyện lịch sử thông qua các nhân chứng sống, tuyên truyền về những tấm gương tiêu biểu, thi tìm hiểu, các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu kết nghĩa… 

Phương pháp giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan phải thực sự phù hợp chú trọng phương pháp thuyết phục. Thuyết phục bằng lời nói, việc làm và bằng những sự kiện điển hình làm khơi dậy tình cảm, khởi động trí tuệ của mỗi cá nhân, chuyển hoá những giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” thành động cơ bên trong của hành vi, chỉ đạo hành động và cách ứng xử của học viên sĩ quan. Trong đó, cần sử dụng các phương pháp khác, thông qua tiếp xúc với đối tượng giáo dục, kịp thời động viên khuyến khích, khích lệ họ trong công việc để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Thứ ba, xây dựng môi trường thuận lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của học viên sĩ quan.

Giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan muốn có kết quả tốt phải có môi trường thuận lợi cho sự phát triển đó. Vì vậy, cần quan tâm xây dựng môi trường trong giáo dục, rèn luyện giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” của học viên sĩ quan là việc làm hết sức quan trọng. Trong đó, cần phát huy và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh trong đơn vị; tích cực xây dựng đơn vịvững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và kỷ luật. Các đơn vị cơ sở, nơi học viên sĩ quan học tập, công tác cần xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh, dân chủ, thiết lập được cơ chế “phòng ngừa”, “miễn dịch” với những hành vi phản giáo dục, phản văn hóa, phi đạo đức, ngăn chặn có hiệu quả những tác động xấu ở đơn vị. Xây dựng môi trường văn hóa quân sự ở các đơn vị cơ sở phải tính đến ảnh hưởng của môi trường xã hội, của điều kiện kinh tế – xã hội và đặc điểm, nhiệm vụ của từng nhà trường. 

Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, dân chủ và cởi mở, trên tình yêu thương đồng chí, đồng đội và được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật, điều lệnh, kỷ luật quân đội, đồng thời cũng phải phù hợp với những giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc, phù hợp với truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Mối quan hệ tốt đẹp là cơ sở để hình thành bầu không khí tích cực, do vậy, để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp cần xây dựng và thực hiện các chế độ, nề nếp giáo dục, huấn luyện và sinh hoạt một cách khoa học, thống nhất; duy trì nghiêm các nề nếp chế độ quy định, kỷ luật quân đội; Quân đội phải “quân lệnh như sơn” nghĩa là, “lệnh cấp trên đã ra thì vô luận thế nào cũng phải làm” và “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh”4. Làm tốt điều này, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc duy trì và rèn luyện kỷ luật cho toàn thể cán bộ, học viên nói chung, học viên sĩ quan nói riêng. 

Thứ tư, phát huy vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện không ngừng hoàn thiện giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” của học viên sĩ quan.

Giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan muốn có hiệu quả cần sự nỗ lực của chủ thể trực tiếp thực hiện. Cần giáo dục cho học viên sĩ quan thấy được sự cần thiết và vinh dự, trách nhiệm của bản thân được mang danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, ý thức sâu sắc về vai trò của bản thân về việc tự giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”. Trên cơ sở của sự hiểu biết và nhận thức sâu sắc về vinh dự, tự hào mà học viên sĩ quan xác định đúng, phương hướng, biện pháp tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyênMỗi học viên sĩ quan cần xác định nội dung, biện pháp phù hợp để tự giáo dục, tự rèn luyện. Trong quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện, cần phải thực hiện nghiêm nhiệm vụ học tập, tự đặt ra yêu cầu cao về tự học, tự rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ, hoàn thiện phẩm chất, năng lực của bản thân; luôn gắn mình với chức trách, nhiệm vụ được giao, khép mình vào kỷ luật, nguyên tắc mà đơn vị, nhà trường quy định. Trên cơ sở nhận thức đúng nhiệm vụ, học viên sĩ quan phải tự điều chỉnh suy nghĩ, hạnh động cho phù hợp với quy định của Quân đội, của nhà trường, của đơn vị, tự điều chỉnh mình cho phù hợp với chuẩn mực giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, chủ động kiểm soát, tự đánh giá, tự uốn nắn những suy nghĩ, hành động không phù hợp với chuẩn mực giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”. Sự tích cực, chủ động đó của học viên sĩ quan sẽ làm cho kết quả giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” đối với bản thân thu được kết quả như mong muốn. 

Kết luận

Trước tác động của tình hình quốc tế, khu vực, tình hình trong nước và yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới, giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan là yêu cầu khách quan, cấp thiết, là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả các tổ chức, lực lượng nói chung, của từng nhà trường trong Quân đội nói riêng. Bởi vì, đó là một trong những yếu tố góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp. Theo đó, việc giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan cần tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó, giáo dục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng đến xây dựng môi trường thuận lợi là những nội dung, biện pháp cơ bản, hàng đầu, có tính đột phá. Mặc dù, các giải pháp trên có tính độc lập tương đối nhưng nằm trong một chỉnh thể thống nhất, có tác động tương trợ nhau. Cho nên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ bảo đảm hoạt động giáo dục giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan có hiệu quả cao, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành đối với Tổ quốc, với Đảng, với Nhà nước và Nhân dân.

Chú thích:
1. Thông tư số 02/2023/TT-BQP ngày 12/01/2023 của Bộ Quốc phòng quy định về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 229.
3. Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
4. Hồ Chí Minh (1952). Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 483.