Phát huy giá trị văn hóa của đàn nguyệt đối với thế hệ trẻ hiện nay

Nguyễn Hải Nam
Trường Đại học FPT Quy Nhơn
(Quanlynhanuoc.vn) –  Đàn nguyệt là một trong những nhạc cụ dân tộc tiêu biểu của Việt Nam, được ông cha ta rất coi trọng. Theo năm tháng, đàn nguyệt dần dần bị lãng quên và chỉ còn đọng lại ở những người cao tuổi. Bài viết đề xuất một số giải pháp phát huy giá trị văn hóa của đàn nguyệt đối với thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ảnh minh họa (quynhon.binhdinh.gov.vn)
Khái quát về giá trị, ý nghĩa của đàn nguyệt trong đời sống văn hóa của giới trẻ hiện nay

Trong xã hội hiện nay, với sự không ngừng tiến lên và hội nhập về mọi mặt thì lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng có những nét thay đổi. Sự đa dạng và bùng nổ các thể loại văn hóa giải trí, nhạc cụ phương tây, các dụng cụ nhạc hiện đại được du nhập vào Việt Nam ồ ạt và nhanh chóng phổ biến. Với đặc điểm sôi động, bắt tai dần định hình mỹ quan thưởng thức ở đa số bạn trẻ Việt Nam.  Đàn nguyệt – một trong những nhạc cụ truyền thống nổi bật, có sức ảnh hưởng trong việc duy trì và phát triển văn hóa dân tộc đang có xu hướng không còn được sử dụng rộng rãi như trước. Chính những yếu tố khách quan cùng thực trạng thưởng thức âm nhạc của xã hội khiến đàn nguyệt đang gặp khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm và yêu thích của giới trẻ. Sau đây là giới thiệu đôi nét về đàn nguyệt, lợi ích cùng những khó khăn và đề xuất một số giải pháp giúp cây đàn nguyệt được tiếp cận gần hơn đến các bạn trẻ Việt Nam, góp phần giảm thiểu sự hao mòn bản sắc vốn là thứ cốt lõi, giá trị của một dân tộc.

Việt Nam vốn được biết đến với rừng vàng, biển bạc, thiên nhiên ưu đãi, con người thân thiện đã tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng. Song hành với điều đó thì âm nhạc là thứ không thể tách rời, luôn vun đắp cho văn hóa truyền thống thêm tốt đẹp. Và đàn nguyệt – nhạc cụ dân tộc được coi trọng và góp phần làm đa dạng văn hóa tinh thần của người Việt, đồng thời là biểu tượng của sự thanh tao, sâu sắc và tinh tế trong âm nhạc Việt Nam.

Những giá trị của văn hóa dân tộc, gắn bó mật thiết với nguồn cội cần được nhận thức, giữ gìn và phát triển, mà không ai khác chính là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.  đàn nguyệt nói riêng và các loại nhạc cụ dân tộc nói chung chính là biểu tượng của dân tộc, hồn cốt của đất nước. Việc truyền đạt, hiểu biết và lan tỏa cây đàn nguyệt một cách rộng rãi trong thế hệ trẻ cũng là hình thức lưu giữ và làm sáng ngời, rạng rỡ nét đặc sắc văn hóa Việt ra thế giới. 

Đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ XI, không chỉ được biết đến với một số tên gọi ấn tượng như đàn kìm, Quân Tử Cầm, Vọng Nguyệt Cầm mà màu âm cũng rất đẹp. Với lợi thế sở hữu 3 khoảng âm tạo ra tiếng đàn trầm lặng, sâu lắng ở khoảng dưới, thanh thoát, ngân vang ở khoảng giữa và trong sáng ở khoảng cao, giúp người chơi đàn dễ dàng bộc lộ ý điệu, cảm xúc, tâm tư được linh hoạt và sâu sắc. Ngoài ra, nghệ sĩ dùng đàn nguyệt để độc tấu, hòa tấu, đệm hát với nhiều ngón chơi độc đáo, đa dạng như: ngón vê, ngón luyến, ngón nhấn…

Chính những ưu điểm đó giúp đàn nguyệt sớm được ưa chuộng ở cả 3 miền đất nước. Ở miền Bắc, đàn nguyệt được dùng trong hát chèo, đặc biệt đóng vai trò trung tâm trong diễn hát Chầu Văn, trong khi ở miền Trung thì lại gắn bó mật thiết với ca Huế, cung đình; còn miền Nam nơi sông nước hữu tình, trù phú thì đàn nguyệt nổi bật trong dàn nhạc tài tử, cải lương. Qua đó thấy được đàn nguyệt đã từng có giai đoạn huy hoàng, trải qua thời gian dài gắn bó trong đời sống của nhiều lớp người Việt, cùng đi qua những khắc nghiệt của lịch sử, vượt qua những biến cố, khói lửa chiến tranh chia cắt, thật đáng để nâng niu và gìn giữ.

Thế hệ trẻ tiếp cận và gần gũi hơn với đàn nguyệt mang lại giá trị tinh thần nội tại cho chính bản thân người nghe, người chơi đàn. Dần dần hình thành nên một thế giới quan, nuôi dưỡng phẩm chất tâm hồn và góp phần vào đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh. Sự đa dạng của các làn điệu, các tác phẩm, dân ca có tính chất vùng miền độc đáo, đặc trưng riêng biệt được thể hiện thông qua cây đàn nguyệt giúp mở rộng hiểu biết thêm về âm nhạc, khơi gợi tinh thần dân tộc, hướng về nguồn cội, vun đắp lý tưởng sống tốt đẹp, cùng lòng yêu đất nước, tiếp tục truyền lửa vào thế hệ tương lai. Lợi ích trực tiếp nữa đến từ việc chơi đàn nguyệt đối với các bạn trẻ, đó chính là rèn luyện khả năng tập trung, hun đúc lòng say mê tìm tòi, cảm thụ âm nhạc. Văn hóa, văn nghệ là lĩnh vực có tính chất nhóm, hội, cộng đồng rất bổ ích để tạo nên sự tự tin trước đám đông, kỹ năng ứng xử văn minh, lịch sự, góp phần tích cực hình thành bản lĩnh sống trong tương lai.

Những khó khăn trong phát huy giá trị văn hóa của đàn nguyệt đối với thế hệ trẻ 

Thứ nhất, đàn nguyệt là loại nhạc cụ “hiếm” và “khó” học đối với thế hệ trẻ.

Các bạn trẻ có thể bắt gặp nhiều người chơi Guitar, Organ… ở ngay cuộc sống đời thường hoặc đẳng cấp hơn là Piano, sang trọng như Violin, Saxophone… ở các chương trình, hội nghị, hội diễn, nhà hàng cao cấp… Tuy nhiên, đàn nguyệt thì lại thưa vắng người thưởng thức và ít xuất hiện hơn, đặc biệt ở giới trẻ, bởi lẽ sự ưa chuộng, tính hợp thời, hợp xu thế của các loại dụng cụ âm nhạc hiện nay rất đa dạng để lựa chọn, tính ứng dụng và nghề nghiệp cao. Ngoài ra, bộ môn đàn nguyệt giàu giá trị nghệ thuật, nếu không chuyên sâu khó cảm nhận hết được, đòi hỏi người chơi có năng khiếu, khả năng thẩm âm, tính kiên trì và theo đuổi đam mê trong thời gian dài (nếu theo học chuyên nghiệp khoảng 10 năm) cùng với đó là chăm chỉ, sáng tạo cũng là điều không thể thiếu dù ở bất cứ lĩnh vực nào. 

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, nếu các bạn thực sự quan tâm và yêu thích nét hoài cổ thì đàn nguyệt lại là một trong số những nhạc cụ dân tộc nổi bật để bạn hướng tới. 

Thứ hai, xu hướng giải trí hiện đại đang tạo khoảng cách xa hơn trong việc tiếp cận đàn nguyệt của giới trẻ.

Đứng trước ảnh hưởng mạnh mẽ của âm nhạc hiện đại, phong cách trình diễn đẹp mắt, hiệu ứng cuốn hút nhắm vào tâm lý lứa tuổi mới lớn và thanh thiếu niên, khiến đàn nguyệt ít được quan tâm hoặc chưa biết đến. Các thể loại nhạc sáng tác thì đa phần dành cho các nhạc cụ phương Tây nên đất diễn của nhạc cụ dân tộc nói chung và của đàn nguyệt nói riêng lại càng bị ít đi.

Thứ ba, nguồn nhân lực về bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa của đàn nguyệt có xu hướng già đi và giảm về số lượng.

Hiện nay, ngoài các cơ sở đào tạo nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp như các Học viện, đại học, cao đẳng, trung cấp thì các nghệ nhân, nghệ sĩ biết sử dụng, biểu diễn đàn nguyệt đang dần ít. Điều này ảnh hưởng lớn đến lớp người kế thừa, những ngón đàn hay, sự độc đáo, riêng biệt dễ bị mai một, thất truyền.Đặc biệt là các nghệ nhân dân gian làm đàn và sửa đàn cũng ngày một ít đi, các bí quyết làm đàn cũng sẽ dần bị thất truyền. Sự “cổ kính” mẫu mực của lớp nghệ sĩ “vang bóng một thời” dần bị quên lãng. Dù họ có sẵn lòng truyền dạy cho lớp trẻ song lực bất tòng tâm.

Thứ tư, sự xuất hiện của đàn nguyệt trước truyền thông, truyền hình, mạng xã hội, trong đời sống cộng đồng còn đơn điệu và thưa thớt.

Bản thân đàn nguyệt chưa được phổ biến rộng rãi và dễ tiếp cận như dòng nhạc cụ hiện đại. Cách thức truyền tải giá trị và đầu tư cho đàn nguyệt có phần chưa được chú trọng và toàn diện. Các sân chơi, đất diễn, “đất dụng võ” cho những bạn trẻ còn rất hiếm. Những hội nhóm, các Fanpage về  đàn nguyệt cũng ít xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. 

Thứ nămcông tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng giá trị văn hóa của đàn nguyệt chưa được coi trọng trong thực tiễn.

Các trường công lập trên toàn quốc hầu như không có bộ môn nhạc cụ dân tộc để giảng dạy mà chỉ có môn âm nhạc. Đây cũng là sự thiếu xót trầm trọng cho nền nhạc cụ nước nhà. Các trung tâm âm nhạc mở ra rất nhiều nhưng đa số là để giảng dạy thanh nhạc và nhạc cụ phương Tây. Những câu lạc bộ Guitar, trống cajon,… xuất hiện khắp các nơi nhưng câu lạc bộ  đàn nguyệt thì chỉ lẻ tẻ và số lượng thành viên không có nhiều.

Giải pháp phát huy giá trị văn hóa của đàn nguyệt đối với thế hệ trẻ

Trước thực trạng đầy trăn trở và lo lắng về sự tách rời giữa đàn nguyệt và các bạn trẻ thì cần có thời gian khá dài, ổn định, liên tục, nhiều biện pháp tích cực để có thể tiếp tục duy trì, bảo tồn toàn diện những giá trị đặc sắc của cây đàn nguyệt, giúp giữ vững vị thế trước các tác động từ yếu tố khách quan và trào lưu của thế giới. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đàn nguyệt nói riêng và nhạc cụ dân tộc nói chung cần có sự chung tay của cả cộng đồng, liên kết mật thiết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Cụ thể cần triển khai các giải pháp sau:

Một là, chăm lo đào tạo thế hệ nghệ sỹ trẻ có chuyên môn cao.

Giáo dục – đào tạo chuyên sâu luôn là yếu tố mũi nhọn để xây dựng một hệ thống, nền móng vững chắc. Quá trình gìn giữ, phát triển là hành trình kế tục và phát huy từ lớp người trước cho lớp người sau, thuận theo dòng chảy của thời gian. Từ đó sẽ lan rộng những hiểu biết, kỹ năng nghe và sử dụng đàn nguyệt ra cộng đồng được phù hợp và rộng rãi hơn. Để tạo nên sự thành công của giải pháp này thì Nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc coi trọng công tác giáo dục và đào tạo nhạc cụ dân tộc. Những yếu tố về nhân lực, thu hút tài năng trẻ, đời sống của giảng viên, giáo viên cần được quan tâm hơn để có thể chuyên tâm nghiên cứu, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với sinh viên học môn nhạc cụ đàn nguyệt thì tiếp tục được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi như: học bổng, giảm học phí, được tham gia cuộc thi nhạc cụ dân tộc nói chung và đàn nguyệt nói riêng.

Hai là đưa đàn nguyệt vào giáo dục học đường.

Thiết nghĩ, ngay bậc tiểu học, chúng ta nên đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn nguyệt vào giảng dạy. Các em chính là mầm non tương lai của đất nước, những định hướng giáo dục sớm về nhạc cụ truyền thống, văn hóa dân gian được dẫn dắt khéo léo, tạo hứng thú giúp các em được sáng tạo, linh hoạt và cảm thấy đàn nguyệt gần gũi hơn, tạo nhu cầu tìm hiểu và sử dụng đàn nguyệt trong đời sống. Mục đích nâng cao trí tuệ, thưởng thức âm nhạc lành mạnh, hoàn thiện vẻ đẹp chân – thiện – mỹ, hướng về cội nguồn, dân tộc. 

Tổ chức các buổi ngoại khóa, tham quan tìm hiểu về đàn nguyệt, được tận mắt nhìn thấy và hiểu biết cơ bản về cấu tạo của đàn, thưởng thức các buổi biểu diễn độc tấu, hòa tấu đàn nguyệt, tái hiện lại không gian văn hóa chầu văn, chèo, ca huế, cải lương, … tiếp đó là giao lưu, nói chuyện với các nghệ sỹ. Kết thúc ngoại khóa, ban tổ chức có thể đặt ra các câu hỏi ngắn, phiếu trắc nghiệm, khảo sát mức độ quan tâm, tiếp thu, hào hứng từ các em để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp.

Hiện nay, cơ sở đào tạo của Trường Đại học FPT tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hồ Chí Minh và Cần Thơ) đang là điểm sáng toàn quốc khi đưa nhạc cụ dân tộc làm môn học chính khóa và bắt buộc từ năm 2014.  đàn nguyệt, sáo trúc, tỳ bà, nhị, tranh, bầu, trống là 7 nhạc cụ để các em lựa chọn học theo ý thích. Mô hình đào tạo này được đánh giá rất cao khi các em có “một cái đầu công nghệ và một trái tim hướng về truyền thống dân tộc”. Giảng dạy môn đàn nguyệt và các môn nhạc cụ dân tộc tại Trường Đại học FPT là những giảng viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành từ Nhạc Viện Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế… cùng nghiệp vụ sư phạm tốt. Suốt quá trình công tác luôn phải nâng cao kỹ năng, trình độ, giữ vững nhiệt huyết với sinh viên. Tất cả các sinh viên của Trường được học nhạc cụ dân tộc trong tâm thế say mê, tự tin với những điều kiện tốt nhất mà FPT mang lại. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động âm nhạc lớn nhỏ cho các em trải nghiệm thực tế, ví dụ như “FPT Edu tích tịch tình tang 2022”. Đặc biệt, năm 2023, Trường Đại học FPT kỷ niệm 35 năm thành lập, đánh dấu hành trình rực rỡ kết hợp tôn vinh giá trị truyền thống thông qua các hoạt động, trong đó nổi bật với màn đồng diễn của 1.350 sinh viên, giảng viên với 7 nhạc cụ, thời lượng 7 phút trong MV “Thiên Âm”. Xuyên suốt MV giới thiệu vẻ đẹp non nước, con người Việt Nam, ca ngợi bản sắc dân tộc tinh túy, lan tỏa đam mê nhạc cụ dân tộc, niềm tự hào, niềm tin yêu đất nước.

Ba là, cần mở rộng không gian văn hóa sinh hoạt cho đàn nguyệt và “Se duyên” cho đàn nguyệt với âm nhạc đương đại.

“Se duyên” cho đàn nguyệt với âm nhạc đương đại để tạo nên những sản phẩm âm nhạc ấn tượng, thu hút sự chú ý từ giới trẻ, khơi nguồn cảm hứng mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thưởng thức ngày càng đa dạng. Giúp các bạn trẻ nhận thấy rằng đàn nguyệt không nhàm chán hay khô khan, cũ kỹ, dần dần đánh thức tình yêu nhạc cụ dân tộc trong giới trẻ. Năm 2016, chàng trai Trung Lương 19 tuổi (sinh viên Học viện Âm Nhạc quốc Gia Việt Nam) lọt vào chung kết chương trình Tìm kiếm Tài Năng Việt Nam đã vụt sáng trở thành một hiện tượng khi làm “trẻ hóa cây đàn nguyệt” bằng cách thể hiện tiết mục độc tấu đàn nguyệt theo phong cách đương đại. Điều này đã tạo nên cơn sốt tìm kiếm theo trên Youtube với gần 9 triệu lượt xem (tính đến năm 2023) và nhận được nhiều lời khen ngợi của Ban giám khảo, khán giả trong và ngoài nước về sự sáng tạo, bản lĩnh. Giờ đây, việc “khoác bộ áo mới” cho các bài nhạc truyền thống, tuy nhiên vẫn giữ lại bản chất, nét đặc sắc vốn có một cách khéo léo là một phương án có tính chiến lược, hợp thời.

Tích cực mở rộng không gian văn hóa sinh hoạt cho đàn nguyệt, kết nối các nghệ sỹ, các bạn trẻ được tương tác, giới thiệu, nghiên cứu và thực hành, chia sẻ những sáng tạo, đưa ra những ý tưởng, suy tư giúp nhân rộng giá trị vốn có từ lâu. Sau giải pháp đẩy mạnh truyền thông, sự hiện hiện của đàn nguyệt trên phương diện thông tin đại chúng đạt được hiệu quả. Những bạn trẻ có nhu cầu được tiếp xúc, được học, được chơi đàn thì không gian văn hóa sinh hoạt chính là điểm hẹn lý tưởng trong chuỗi giải pháp này. 

Thế hệ trẻ tiếp cận với đàn nguyệt hình thành nên văn hóa thưởng thức âm nhạc lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn, góp cho cuộc sống vui tươi. Vậy nên, các bạn có thể không đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp nhưng vẫn có những hiểu biết nhất định về đàn nguyệt, chơi được những lối đơn giản, cơ bản tại các nhóm sinh hoạt tập thể, biểu diễn quần chúng. Với không gian văn hóa này thì việc lan tỏa cái hay, nét đẹp cũng như bản sắc văn hóa được dễ dàng và gần gũi hơn.

Tổ chức các buổi biểu diễn, cuộc thi đàn nguyệt có tính chất hướng về nguồn cội từ cơ sở xã, huyện, tỉnh, khu vực… Gây dựng phong trào theo hướng tích cực, mở rộng, khuyến khích sự tham gia của thanh thiếu niên, khai thác, phát hiện các tài năng trẻ chớm nở, nhanh chóng bồi dưỡng và tạo điều kiện phát triển ngay trong không gian văn hóa cộng đồng.

Bốn là, có chiến lược đầu tư có hệ thống trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đàn nguyệt.

Chiến dịch đầu tư cho đàn nguyệt, tăng cường nguồn lực, chính sách hỗ trợ để giúp những hoạt động bảo tồn và phát triển di sản văn hóa âm nhạc được kế thừa, bền vững và phát triển. Tại cơ sở đào tạo các cấp, phòng học nhạc cần được trang bị nhạc cụ đàn nguyệt, tranh ảnh, máy nghe nhạc, loa, máy chiếu… giúp phương pháp học trực quan sinh động, tạo điều kiện giúp các em say mê, hào hứng.

Đầu tư, thu hút những sinh viên có năng khiếu, nâng cao chất lượng đầu vào, tạo điều kiện để sinh viên được giao lưu ở các địa phương giàu nghệ thuật truyền thống như: Nam Định (chầu văn), Thái Bình (chèo), Huế (nhã nhạc, ca Huế), Tiền Giang (cải lương, tài tử), Bắc Ninh (quan họ)…. Đồng thời để các em được yên tâm theo học đàn nguyệt, không bị phân tán bởi vòng xoáy câu hỏi “học xong làm ở đâu, lương ra sao”, để giải quyết nỗi băn khoăn này thì Nhà nước, các cấp, các ban, ngành cần có sự phối hợp, quan tâm, bố trí “đất dụng võ”, phân tích đầu ra cho các em có thể lựa chọn nơi công tác phù hợp: giảng dạy ở các cấp, cung văn hóa, đoàn nghệ thuật, nhà văn hóa, phụ trách biên tập, dàn dựng, biểu diễn ở các cơ sở, hội nghị,…

Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đàn nguyệt.

Đẩy mạnh truyền thông, công tác tuyên truyền; tạo nhiều sân chơi thực tế về đàn nguyệt trên truyền hình cho những người trẻ với nội dung, hình thức sáng tạo hướng đến sự quan tâm, theo dõi của chính các khán giả đồng lứa tuổi. 

Tổ chức các Talkshow có chủ đề hay, hấp dẫn với những khách mời nổi tiếng trong lĩnh vực đàn nguyệt, nhạc cụ dân tộc, mang đến những góc nhìn đa chiều, mở mẻ, thú vị. Người xem được lắng nghe những trải nghiệm, kỹ năng bổ ích… xoay quanh cây đàn nguyệt. Bố trí các chương trình ngắn về biểu diễn hòa tấu, độc tấu của đàn nguyệt diễn ra trong khung giờ đẹp hằng ngày, hằng tuần nhằm tăng tần suất hiện diện trên truyền hình, đưa nhạc cụ này tiến gần hơn đến công chúng.

Kết luận

Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho sự nghiệp gìn giữ văn hóa qua các thời kỳ, cùng với đó là sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, sự kết hợp giữa đàn nguyệt với hình thức du lịch quảng bá, trải nghiệm, khám phá là hướng đi tiềm năng lớn. Mục tiêu phát triển theo hướng cộng đồng bền vững, lan rộng quy mô, giữ gìn nét đẹp và làm phong phú sản phẩm du lịch.

Với niềm tin vào vị thế, giá trị của cây đàn nguyệt Việt Nam xuyên suốt nghìn năm, góp phần rạng rỡ văn hóa truyền thống dân tộc cùng với niềm tin vào tài năng, tinh thần của thế hệ trẻ sẽ giúp tiếng đàn nguyệt được bay xa hơn, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vì giá trị văn hóa và tầm quan trọng của đàn nguyệt cần triển khai các giải pháp giúp đàn nguyệt được yêu thích và phổ biến hơn trong xã hội ngày nay. Mong rằng đàn nguyệt nói riêng và nhạc cụ dân tộc nói chung sẽ ngày càng được quan tâm, thế hệ trẻ ngày càng hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa truyền thống nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo: 
1. Đàn nguyệt. Wikipeida.org.wiki.
2. Cồ Huy Hùng. Đàn nguyệt trong một số phong cách nhạc cổ truyền người Việt, luận án tiến sỹ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 2016.
3. Xuân Khải. Sách học đàn nguyệt. Nhạc viện Hà Nội. H. NXB Âm nhạc, 1994.
4. Tô Ngọc Thanh – Hồng Thao. Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền. Tập I. H. NXB Văn hoá, 1985.
5. Hành trình đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng trẻ của FPT Edu. https://fpt.edu.vn, ngày 06/9/2022.