Digital marketing góp phần nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên

ThS. Nguyễn Thị Kim Tuyến
Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông – Đại học Thái Nguyên
(Quanlynhanuoc.vn) – Digital marketing1 hay marketing số là một trong những công cụ không thể thiếu đối với các doanh nghiệp hiện nay. Một số công cụ digital marketing, như: Social media marketing, Seo, Sem, tiếp thị liên kết, mobile marketing, PR trực tuyến… Digital marketing sẽ giúp cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình trên nền tảng không gian số hay nói cách khách là trên môi trường internet. Thái Nguyên là một tỉnh có tiềm năng rất lớn về sản phẩm chè và để thương hiệu chè Thái Nguyên được nhiều người người biết tới, qua đó nâng cao doanh thu ngành chè cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác marketing, đặc biệt là Digital marketing.
Ảnh minh họa (vietnamnet)
Đặt vấn đề

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, Thái Nguyên là địa phương có sản lượng, diện tích chè dẫn đầu cả nước. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản lượng đạt 20,9 nghìn ha2. Với tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng các đề án, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng để từ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thực trạng marketing và digital marketing ngành chè Thái Nguyên

Xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, trong nhiều năm qua tỉnh đã quan tâm, tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển ngành chè; đồng thời, xác định cây chè là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Toàn tỉnh phấn đấu tới năm 2025 tổng diện tích chè đạt 23.500 ha, sản lượng búp tươi đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha3. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo và yêu cầu các doanh nghiệp chú trọng vào marketing phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên với những hoạt động cụ thể:

Một là, tổ chức thành công các kỳ Fetival Trà Quốc tế (theo định kỳ 2 năm/lần). Fetival đã nhận được sự quan tâm lớn từ các khách hàng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như quốc tế. Đây là niềm tự hào của những người trồng chè cả nước nói chung, người trồng chè tỉnh Thái Nguyên nói riêng, là cơ hội kết nối người trồng chè – nhà sản xuất – doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hai là, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên. Các hội chợ triển lãm thương hiệu chè Thái Nguyên đã được quảng bá rộng rãi tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước: Hà Nội, TP: Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Phú Thọ… Tổ chức hội chợ triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm trà với sự tham gia của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Cùng với đó, tỉnh còn tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại tại nước ngoài, như: hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Mát-xơ-cơ-va (Nga) năm 2015; hội chợ quốc tế chè và cà phê tại Ba Lan năm 2016… Thông qua chương trình, một số đơn vị sản xuất chè Thái Nguyên đã tìm được đối tác ký hợp đồng xuất khẩu và tiêu thụ được nhiều sảm phẩm hàng hóa.

Ba là, tổ chức các hội nghị, hội thảo về Chè Thái Nguyện. Đơn cử: Hội nghị bàn giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên (tổ chức tháng 02/2023) do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức; Hội nghị giữa nhiệm kỳ và giao thương – kết nối tiêu thụ sản phẩm chè (tổ chức ngày 17/11/2023)… 

Bốn là, tổ chức tuyên truyền, quảng bá các thương hiệu “chè Thái Nguyên”, Trà Thái Nguyên, Trà Xanh Thái Nguyên, Trà Tân Cương Thái Nguyên: (1) Thông qua Bản tin Kinh tế Công Thương được xuất bản định kỳ hằng tháng (phát hành miễn phí cho các tổ chức, doanh nghiệp); (2) Xuất bản cấc ấn phẩm chuyên đề, như: “Tiềm năng xuất nhập khẩu Thái Nguyên”, “Thế mạnh chè Thái Nguyên”… bằng song ngữ Việt – Anh; (3) Quảng bá trên nền tảng internet thông qua các website của các cá nhân, doanh nghiệp, như: tancuongxanh.vn, trathainguyen.net, vietcotra.vn… (4) Quảng bá trên các kênh mạng xã hội, như: facebook, tiktok, hay được bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, như: shopee, lazada…

Với sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, sự nỗ lực của các doanh nghiệp chè cùng với những hoạt động digital marketing, ngành Chè Thái Nguyên đã có chỗ đứng vững trên thị trường; khẳng định được thương hiệu với người tiêu dung trong và ngoài nước. Tuy vậy, hoạt động digital marketing ngành chè vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định: 

(1) Sản phẩm chè đã được quảng bá trên các nền tảng số nhưng vẫn mang tính tự phát, đa số là do các doanh nghiệp đơn lẻ tự quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mình. Tỉnh vẫn chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tạo các website mang tính tập thể, theo quy mô lớn của tổ chức. Chính bởi vậy, thương hiệu “chè Thái Nguyên” vẫn chưa được quảng bá tích cực và mạnh mẽ tới người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thương hiệu chè Thái Nguyên vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết tới cũng như chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, khi họ tham gia vào quá trình mua bán trên môi trường mạng.

(2) Các doanh nghiệp đã ứng dụng quảng bá sản phẩm chè trên kênh mạng xã hội, như: facebook, tiktok… nhưng vẫn còn sơ sài, chưa có sự đầu tư, chưa có các page chè lớn có sự đại diện của cơ quan, ban, ngành tỉnh Thái Nguyên. 

(3) Sản phẩm chè Thái Nguyên đã có bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, như: shopee, tiki… nhưng vẫn chưa có sự kiểm định, cũng như một sàn giao dịch thương mại dành riêng cho sản phẩm chèNgười bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử chủ yếu vẫn là đơn lẻ nên chưa nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Sản phẩm chè được bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử chung chung với các mặt hàng khác, dẫn tới khách hàng khó tìm sản phẩm. Khách hàng chưa có kênh bán hàng chuyên về chè Thái nguyên, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Người bán chủ yếu vẫn là đơn lẻ nên chưa nhận được sự tin tưởng của khách hàng. 

(4) Tỉnh chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng thương hiệu Chè Thái Nguyên qua nền tảng số, như: xây dựng các kênh sáng tạo nội dung về cây chè, các bài báo PR về chè Thái Nguyên… Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa sử dụng tới các hình thức digital marketing, như: content marketing, mobile marketing, email marketing, tiếp thị liên kết, SEO, PPC để quảng bá thương hiệu “Chè Thái Nguyên”.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả Digital marketing thương hiệu Chè Thái Nguyên

Theo thống kê  tổng hợp của tổ chức We are Social Việt Nam 2023,  tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77.93 triệu người sử dụng internet, tương đương 79.1% so với tổng dân số, tăng thêm 5.3 triệu người (+7.3%) so với đầu năm 20224.

Về thời gian sử dụng Internet mỗi ngày, báo cáo của We Are Social Việt Nam 2023 cho thấy người dùng tại Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút để lướt Internet, trong đó 55.4% thời gian sử dụng internet thông qua các thiết bị di động5.

Do vậy, để thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng được đông đảo khách hàng biết tới, cũng như để sản phẩm chè Thái Nguyên được tiêu thụ mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp chè nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Các doanh nghiệp chè cũng như lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cần tích cực hơn trong công tác marketing ngành chè, đặc biệt nên chú trọng vào digital marketing bởi digital marketing là giải pháp vô cùng hiệu quả trong công cuộc marketing, quảng bá sản phẩm. 

Thứ nhất, chú trọng hơn nữa vào việc kết nối các doanh nghiệp chè, tổ chức và xây dựng các hoạt động thường xuyên của hội chè để phát huy sức mạnh đoàn kết của các doanh nghiệp chè Thái Nguyên.

Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp: xây dựng website, sàn giao dịch thương mại điện tử; thực hiện công cụ digital marketing, như: SEO, PPC; xây dựng các fanpage bán hàng chính thống trên các nền tảng mạng xã hội, áp dụng công cụ content marketing; xây dựng các kênh sáng tạo nội dung với chủ đề “Chè Thái Nguyên”… phù hợp với xu thế hiện nay để các doanh nghiệp và khách hàng có thể vào tham gia mua bán chè. Người bán sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá sản phẩm, chào hàng cho các khách hàng tiềm năng; người mua có cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp uy tín lớn nhỏ khác nhau. Khách hàng sẽ dễ dàng tìm sản phẩm chè, dễ dàng so sánh giá cả và dễ dàng tìm được sản phẩm chè chất lượng và phù hợp. 

Thứ ba, thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm thường xuyên trên nền tảng mạng xã hội, tổ chức các sự kiện online có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, có sự quản lý của cơ quan, ban, ngành tỉnh Thái Nguyên. Quảng bá rộng rãi tới khách hàng về sự kiện, có tặng quà khuyến mại để khuyến khích khách hàng tham gia sự kiện.

Thứ tư, tỉnh cần chủ động xây dựng kênh “chè Thái Nguyên” chính thống trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, như: shopee, tiki, lazada… Với các kênh thương mại điện tử có sự quản lý của tỉnh, có sự kiểm định về chất lượng, mẫu mã và giá thành sản phẩm sẽ giúp cho người tiêu dùng tin tưởng và yên tâm khi lựa chọn sản phẩm.

Thứ năm, chú trọng hơn nữa hình thức PR trực tuyến để PR sản phẩm chè Thái Nguyên. Booking quảng cáo thông qua truyền thông báo chí, hay hơn nữa là booking các influencer để quảng bá về chất lượng, hình ảnh chè Thái Nguyên. Báo chí và người ảnh hưởng là bên thứ 3, chính vì vậy hoạt động PR của họ sẽ mang tính khách quan. Điều này tạo được sự tin tưởng lớn cho khách hàng. Không chỉ vậy, người ảnh hưởng và các tờ báo chính thống còn là kênh digital marketing nhận được sự quan tâm đông đảo của khách hàng. Chính bởi vậy, PR trực tuyến là công cụ digital marketing mang lại hiệu quả vô cùng lớn.

Thứ sáu, mở rộng digital marketing bằng cách xây dựng app chè Thái Nguyên cho nền tảng mobile. Trên app chè Thái Nguyên sẽ có kết nối nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động bán sản phẩm dựa trên sự kiểm soát của tỉnh. Đây là một công cụ digital marketing có hiệu quả rất cao, trong thời buổi hiện nay, tỷ lệ người dùng điện thoại để tham gia vào môi trường internet là vô cùng lớn. Nhờ có app chè Thái Nguyên, khách hàng có thể dễ dàng tiếp xúc với các sản phẩm và có thể dễ dàng mua các sản phẩm chè ưng ý.

Thứ bảy, chú trọng vào xây dựng khu du lịch sinh thái chè Thái Nguyên có quy mô lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp để khách hàng có thể vừa tới tham quan, thư giãn, vừa có thể thưởng thức Trà Thái Nguyên. Điều này, sẽ gây ấn tượng khó phai và luôn nhớ tới thương hiệu “chè Thái Nguyên”.

Kết luận

Ngày nay, internet phát triển vô cùng mạnh mẽ, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lên ngôi thì digital marketing là công cụ mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho các doanh nghiệp. Digital marketing giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quảng bá sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp với chi phí tiết kiệm hơn so với marketing truyền thống. Chính vì vậy, tỉnh Thái Nguyên, các doanh nghiệp chè Thái Nguyên cần tập trung chú trọng đầu tư vào digital marketing để nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên trong nước và trên cả thế giới.

Chú thích:
1. Digital marketing hay marketing điện tử, là quá trình lập kế hoạch về sản phẩm, giá, phân phối và xúc tiến đối với sản phẩm, dịch vụ và ý tưởng để đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân dựa trên các phương tiện điện tử và Internet. (G.T.Waghmare, 2012, E-commerce; A Business Review and Future Prospects in Indian Business. Internet Marketing in India, Indian Streams Research Journal, vol. 2, no. IV, (pp. 1-4).
2. Phát huy lợi thế, xây dựng chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia. https://thainguyen.gov.vn, ngày 15/10/2023.
3. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 đạt sản lượng trên 270 nghìn tấn chè búp tươi. https://thainguyen.gov.vn, ngày 28/02/2023.
4, 5. Số liệu thống kê của We Are Social: Vietnam Digital 2023. https://sanmedia.vn, truy cập ngày 12/12/2023.