Tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục hiện nay

ThS. Lương Thị Minh
Học viện Cảnh sát nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Điều 37 Hiến pháp năm 2023 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng đã liên tiếp xảy ra khiến cho các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại.

Từ khóa: Chính sách; pháp luật; bảo vệ trẻ em; Hiến pháp năm 2023.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (ngày 20/02/1990) mà không bảo lưu một điều khoản nào của bản công ước này. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm ngay từ những ngày đầu mới thành lập và thống nhất đất nước. 

Qua mỗi giai đoạn phát triển đất nước, quan điểm, chủ trương này ngày càng được thể hiện rõ trong các Văn kiện Đại hội Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) xác định: cần tạo môi trường lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Chú trọng bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em. Nhân rộng các mô hình làm tốt việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng1

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 01/6/2012 đã đề cập một số định hướng chính sách phát triển xã hội liên quan đến bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em, trong đó công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục được đề cập đến bảo đảm quyền trẻ em cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội liên quan đến ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm trẻ em, bảo đảm ổn định trật tự xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã khẳng định chủ trương: “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em – tương lai của đất nước”2. Vì vậy, chăm lo cho trẻ em ngày hôm nay cũng chính là chăm lo cho nguồn lực tương lai của đất nước để các em thực sự vững vàng về kiến thức, kỹ năng và về nhận thức, đặc biệt là có khát vọng và ý chí vươn lên đóng góp một cách có trách nhiệm, hiệu quả vào quá trình phát triển đất nước.

Như vậy, qua các kỳ Đại hội, quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước đặc biệt chú ý đến việc bảo đảm quyền trẻ em tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

2. Pháp luật về bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục

Để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác bảo vệ trẻ em, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm xác lập các quy tắc bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền bất khả xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ là một nguyên tắc hiến định được xác định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định về các biện pháp bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ xâm hại tình dục nói riêng. 

Để phòng ngừa các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, khoản 2 Điều 48 Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định các biện pháp nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Những biện pháp bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa đón đầu từ thời điểm các hành vi xâm hại còn chưa hình thành. Phạm vi đối tượng áp dụng của những biện pháp ở cấp độ phòng ngừa là rộng nhất, hướng tới toàn thể cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em. 

Với cấp độ bảo vệ phòng ngừa, các biện pháp được đưa ra là những biện pháp bảo vệ trẻ em một cách toàn diện và lâu dài. Đối tượng bảo vệ này hướng tới tất cả mọi trẻ em. Ngoài ra, Chính phủ ban hành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Vì vậy, thời gian qua, các chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em đã mang lại những kết quả tích cực. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức và kỹ năng về phòng, chống bạo lực trẻ em đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Sự nhận thức về phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại tình dục và xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về xâm hại tình dục trẻ em đến Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em (số 111), các kênh thông tin, truyền thông và các cơ quan chức năng đã được đẩy mạnh. Việc xử lý tin báo, tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực đã được chú trọng. Mô hình “Phòng điều tra thân thiện” đã được xây dựng để nâng cao nhận thức, năng lực và kỹ năng trong công tác tiếp nhận, xác minh, giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho lực lượng công an cấp cơ sở. 

Công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được triển khai thực hiện thường xuyên, các mô hình điều tra, xét xử thân thiện được xây dựng và áp dụng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm xâm hại trẻ em được thực hiện nhanh chóng, nghiêm minh. 

Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) đã quy định nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, tình hình xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, nhất là bóc lột sức lao động của trẻ em, các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em, bạo hành gia đình, bạo lực học đường… 

Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023, cả nước đã xảy ra 7.483 vụ xâm hại trẻ em, trong đó số vụ xâm tình dục trẻ em chiếm trên 80%3. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết phải kể đến:  

(1) Nhận thức của một số gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em còn chưa đầy đủ, họ còn cho rằng đánh con là việc “bình thường”. 

(2) Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực. 

(3) Một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện tốt việc tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm của mình; đồng thời, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em đã được thực hiện nhưng chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào các vi phạm hình sự nên tính phòng ngừa, răn đe chưa cao. Mặt khác, việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại chưa kịp thời đến các cơ quan chức năng. Những vấn nạn này dẫn đến hệ lụy cho sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ, làm tổn thương nghiêm trọng đến sự phát triển tâm lý, trí tuệ của các em. 

3. Một số giải pháp tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục 

Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, trong đó cần tăng cường xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này; đồng thời, xây dựng quy trình về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực và xâm hại. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn về xử lý các cơ quan, tổ chức, không tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại. 

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Trước hết là các quy định về giám định pháp y trong pháp luật về giám định tư pháp để bảo đảm các vụ việc được điều tra nhanh chóng, kịp thời. 

Hai là, các bộ, ban, ngành, địa phương, cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 và các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy định này. 

Ba là, tăng cường công tác giáo dục kiến thức về quyền trẻ em, các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em, giáo dục kỹ năng sống và có sự can thiệp hỗ trợ kịp thời đối với những trẻ em yếu thế có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục cao trong xã hội. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em nói chung và những trẻ em có nguy cơ bị bạo hành xâm hại tình dục nói riêng. Mặt khác, cần kiểm soát tốt các vật phẩm, ấn phẩm đồi trụy để tránh việc trẻ em bị dụ dỗ, tiếp cận với văn hóa phẩm này, dẫn đến suy nghĩ lệch lạc về hình thành nhân cách và lối sống. 

Kịp thời phát hiện, can thiệp đối với những trường hợp cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo có biểu hiện bệnh lý về tình dục, nhu cầu tình dục cao bất thường hoặc có những người biểu hiện bệnh lý dẫn đến nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục đối với trẻ em. 

Bốn là, thực hiện nhiều biện pháp, nhiều kênh truyền thông, giáo dục cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính trẻ em kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thông báo, tố cáo và cùng giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em; cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Ngoài ra, cần bổ sung, hoàn thiện chương trình giáo dục về kỹ năng sống trong nhà trường, đặc biệt là kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. 

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIIITập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021. tr. 168 – 169.
3. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo động về số vụ xâm hại tình dục trẻ em. https://vietnamnet.vn, ngày 16/11/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. 
2. Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
3. Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
4. Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 và các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.