Một số giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia 

ThS. Nguyễn Thị Lê
Nguyễn Thị Huyền Trang 
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sinh viên, giúp sinh viên có cơ hội áp dụng lý thuyết vào thực hành, ứng dụng công nghệ, phát huy khả năng tư duy phục vụ quá trình học tập và nghiên cứu. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, bài viết đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện. 

Từ khóa: Năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới sáng tạo; sinh viên; Học viện Hành chính Quốc gia.

1. Khái quát chung

Đổi mới sáng tạo là quá trình doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay hệ thống quản lý mới để đáp ứng các yêu cầu do sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ hay mô hình cạnh tranh1.

Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ năm 2013: Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.  Đổi mới sáng tạo được hiểu đơn giản là việc đổi mới, tạo ra hoặc thay đổi phương pháp nào đó mới mang lại hiệu quả cao trong sự phát triển về khoa học – công nghệ, tư duy, phương pháp quản lý,… 

Đối với sinh viên, năng lực đổi mới sáng tạo không chỉ bao gồm khả năng tạo ra ý tưởng mới mẻ mà còn là khả năng suy nghĩ sáng tạo và đổi mới trong việc giải quyết vấn đề. Từ đó, yêu cầu sự linh hoạt trong tư duy và khả năng áp dụng kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên được hình thành, phát triển từ tố chất sẵn có và quá trình học tập rèn luyện, đáp ứng những yêu cầu về sự thay đổi công nghệ, vươn lên của khoa học – kỹ thuật.

2. Thực trạng về năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia

Qua khảo sát thực trạng năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia bằng bảng hỏi (thời gian khảo sát từ tháng 01/2024 – 3/2023), với tổng số phiếu phát ra: 430 phiếu (trong đó 400 phiếu từ sinh viên và 30 phiếu từ giảng viên), thu về: 430 phiếu (100%) cho biết thực trạng về nhận thức và hoạt động ứng dụng năng lực đổi mới của sinh viên. Cụ thể:

Thứ nhất, nhận thức của sinh viên về năng lực đổi mới sáng tạo.

Khi sinh viên được hỏi: “Bạn đánh giá mức độ hiểu biết về khái niệm “Đổi mới sáng tạo của bản thân ở mức độ nào?”. Kết quả: có 32% sinh viên hiểu biết ở mức độ tổng quan và chỉ 2% hiểu biết chuyên sâu:

Bảng 1. Nhận thức của sinh viên về khái niệm “Đổi mới sáng tạo”

Mức độ hiểu biết NgườiTỷ lệ (%)
Hiểu biết chuyên sâu82
Hiểu biết tổng quan12832
Hiểu biết cơ bản22456
Không hiểu biết4010

Đối với giảng viên khi được hỏi: “Thầy/cô hãy đánh giá mức độ nhận thức về năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên”. Kết quả: có 10% giảng viên đánh giá ở mức tốt; 63,33% đánh giá mức trung bình; 26,67% đánh giá mức yếu.

Bảng 2. Mức độ nhận thức về năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên

Mức độ nhận thức NgườiTỷ lệ (%)
Rất tốt00
Tốt310
Trung bình1963,33
Yếu826,67
Rất yếu00

Thứ hai, biểu hiện năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên

Với câu hỏi: “Bạn hãy đánh giá mức độ biểu hiện năng lực đổi mới sáng tạo của mình theo các cấp bậc của thang BLOOM dưới đây” Nhóm tác giả nhận về kết quả 58% sinh viên áp dụng, 21% hiểu biết và 10% chỉ dừng lại ở ghi nhớ. 

         Bảng 3. Mức độ biểu hiện năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên

Mức độ biểu hiện NgườiTỷ lệ (%)
Ghi nhớ4010
Hiểu biết8421
Áp dụng23258
Phân tích246
Đánh giá123
Sáng tạo82

Khi được hỏi “Thầy/cô hãy cho biết sinh viên đang biểu hiện ở những cấp độ nào về năng lực đổi mới sáng tạo?”. Kết quả: đa số lựa chọn sinh viên biết ghi nhớ (97%), hiểu biết (60%), áp dụng (33%), phân tích (13%) và không có lựa chọn nào ở mức độ biểu hiện đánh giá và sáng tạo. Điều này cho thấy, có sự nhận định khác nhau giữa giảng viên và sinh viên khi đánh giá về mức độ biểu hiện năng lực đổi mới sáng tạo.

Bảng 4. Giảng viên đánh giá biểu hiện năng lực đổi mới sáng tạo 

Mức độ biểu hiện NgườiTỷ lệ (%)
Ghi nhớ2997
Hiểu biết1860
Áp dụng1033
Phân tích413
Đánh giá00
Sáng tạo00

Thứ ba, năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên

Trong học tập, hoạt động ứng dụng năng lực đổi mới sáng tạo trong học tập của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia ở mức độ trung bình, còn nhiều khó khăn cần khắc phục (xem Hình 1).

Trong hoạt động ngoại khóa, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia chưa bộc lộ hết năng lực đổi mới sáng tạo của mình, sinh viên còn khá rụt rè để bước ra khỏi rào cản về tính cách cũng như thiếu thốn về nguồn lực (xem Hình 2).

Trong nghiên cứu khoa học, hoạt động ứng dụng năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên khá tích cực, nhận thức và hiểu cách vận dụng sáng tạo vào quá trình nghiên cứu, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều sinh viên nghiên cứu khoa học nhưng không mang đúng tâm thế, mục đích của nghiên cứu mà chỉ tham gia với mục đích cá nhân khác (xem Hình 3).

Trong tìm kiếm việc làm, hoạt động ứng dụng năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia được đánh giá khá thấp, sinh viên chủ yếu dừng lại ở mức biết nhưng điều cơ bản vẫn còn tìm kiếm việc làm theo cách truyền thống thay vì áp dụng các phương pháp độc đáo, đa dạng hơn (xem Hình 4).

Từ kết quả nghiên cứu trên cho thấy, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia đã có sự hiểu biết khái quát về thuật ngữ “Đổi mới sáng tạo” cũng có nhu cầu khá đa dạng trong các hoạt động ứng dụng đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: nhận thức về đổi mới sáng tạo của sinh viên chưa đầy đủ và chuyên sâu; mức độ sáng tạo của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia chưa cao; hoạt động ứng dụng năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên còn khiêm tốn, chưa trở thành động lực để phát triển… Vì vậy, cần có các giải pháp để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên Học viện trong tương lai.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia

Một là, áp dụng mô hình SCAMPER vào giáo dục, điều đó giúp sinh viên nhận biết được cách nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo được xếp theo mô hình BLOOM. Thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống bằng các phương pháp mới, hiện đại, như: sử dụng trò chơi, phương pháp kết nối bài giảng của internet hoặc phần mềm thực tế ảo để kích thích tư duy sáng tạo của sinh viên. Từ đó, giảng viên, sinh viên dễ dàng theo dõi quá trình học tập và thực hành tạo cơ hội tự đánh giá và phản hồi chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng với nhau.

Hai là, Học viện, doanh nghiệp, gia đình cần hỗ trợ hơn nữa và cung cấp các nguồn lực cần thiết nhằm giúp sinh viên có đủ nguồn lực về tài chính, vật chất, tinh thần,… để phục vụ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo qua tổ chức, cung cấp quỹ nghiên cứu để tài trợ các dự án, hoạt động đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Ba là, duy trì và thúc đẩy hoạt động ứng dụng năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên, thông qua việc phát triển tư duy bằng mô hình học tập kiến tạo. Tổ chức môi trường học tập mà trong đó đặt sự chủ động và tự quản lý học tập của sinh viên là trung tâm, thúc đẩy sự tương tác và cộng tác, tìm kiếm kiến thức qua thực hành.

Bốn là, Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xem xét mở thêm một số phòng, như: phòng hội nghị giả định, phòng thực tế ảo,… Tạo lập môi trường, giúp sinh viên học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế với các kịch bản khác nhau.

Chú thích: 
1. D’Aveni, R. A. (1994). Hypercompetition: Managing the Dynamics of Strategic Manoeuvring. New York: The Free Press, 262p.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Bá Chiến. Học viện Hành chính Quốc gia – từ truyền thống hướng tới hành trình mới. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 328 (5/2023).
2. Đào Thị Ái Thi. Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong trường đại học, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và Phát triển, Tập 2 – Số 1/2023. 
3. Nguyễn Đăng Quế. Định hướng phát triển Học viện Hành chính Quốc gia trong bối cảnh mới. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 324 (1/2023).
4. Lại Đức Vượng. Một số giải pháp quản trị sự thay đổi tại Học viện Hành chính Quốc gia trong giai đoạn mới. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 324 (1/2023).
5. Đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 18/10/2022. 
6. Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân trong bối cảnh kinh tế số. https://tapchicongthuong.vn, ngày 19/3/2021. 
7. Sinh viên Thủ đô tiên phong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. https://doanthanhnien.vn, ngày 26/10/2023.