Xây dựng văn hóa bền vững tại các cơ quan báo chí

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều 15/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo tổ chức tọa đàm Chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự.

Các diễn giả bao gồm các nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng, Báo Nhân Dân; Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa; Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa; Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Thanh Hóa; Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật; Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên Môi trường.

Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm Xây dựng môi trường văn hoá báo chí. Ảnh: Thế Anh.

Những gam màu sáng tối trong văn hóa báo chí

Phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, phiên thảo luận xây dựng môi trường văn hóa báo chí trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024 lần này là hết sức có ý nghĩa cho các đồng chí, đồng nghiệp. Báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa, tác phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa tinh thần phổ biến nhất trong xã hội hiện tại. Báo chí cũng là tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng, tích cực quảng bá và góp phần phát triển các loại hình văn hóa khác.

Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích về mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của Nhân dân; bù đắp nền tảng tinh thần, những thay đổi lớn cho môi trường kinh tế – xã hội; tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở, tốt đẹp hơn.

Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với cái thách thức, những hệ lụy mặt trái của sự phát triển, trong đó, nổi lên hiện tượng một bộ phận báo chí xa rời, tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với công chúng, bạn đọc của mình, tìm đến các thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập; tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng. Theo đó, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân đã phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, đồng thời công bố Bộ Tiêu chí thực hiện cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Việt Nam, trong đó có sáu điểm dành cho cơ quan báo chí và sáu điểm dành cho người làm báo.

Cho đến nay, có thể khẳng định, phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí đã nhận được sự hướng tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của hầu hết cho các cơ quan báo chí các cấp, Hội Nhà báo trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực cho đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng bước đầu đã tạo được điều chuyển mới, tích cực, tạo được nhận thức và hành động trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày. Đặc biệt hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận với chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”.

Để có một nền báo chí Việt Nam thật sự hiện đại, nhân văn, các cơ quan báo chí cần nhận diện rõ các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ những người làm báo, thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển, phát huy giá trị văn hóa nhân văn của con người Việt Nam, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần có những chiến lược, kế hoạch để xây dựng môi trường báo chí nhân văn, hiện đại, chuyên nghiệp.

Tính gương mẫu của người đứng đầu

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật cho rằng, có nhiều nguyên nhân để báo chí thay đổi đáp ứng yêu cầu của xã hội, thời cuộc và các sản phẩm báo chí cũng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Vì thế việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần phù hợp với thời cuộc nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc. Xây dựng văn hóa tại cơ quan báo chí nếu chỉ kêu gọi chung chung thì sẽ rất khó, trong khi nhiều cơ quan báo chí hiện nay đang thiếu cơ chế và các nguồn lực để xây dựng môi trường văn hóa. Theo đó, cần chú trọng đến những vấn đề thiết thực liên quan đến công tác xuất bản của tòa soạn, quy trình, hỗ trợ đời sống cho các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên. Mỗi cơ quan cần có một cách thức, chiến lược để xây dựng văn hóa khác nhau.

Ông Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại tọa đàm.

Ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa cho biết, hiện nay có tình trạng dẫn link bài báo một đường nhưng nêu ý kiến một nẻo để dẫn dắt dư luận. Cũng có tình trạng về việc “ảo tưởng quyền lực” của một số nhà báo để lèo lái dư luận. Đó là thực trạng đáng lo ngại nếu đặt bên cạnh những quy chuẩn của đạo đức nhà báo và những đồng nghiệp làm việc với nghề chân chính.

Nhà báo Thanh Trang, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm, khi có tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, các cơ quan báo chí cần phát động việc xây dựng văn hóa bằng cách xây dựng các quy tắc, chuẩn mực để tuân thủ các quy định; xây dựng môi trường đoàn kết, vì sự nghiệp chung… để quán triệt, giáo dục đến tất cả các cán bộ, phóng viên trong các cơ quan báo chí.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa báo chí là rất quan trọng. Nhiều năm nay, Hội Nhà báo đã nỗ lực xây dựng tiêu chí này để làm trong sạch môi trường báo chí. Yếu tố đạo đức và văn hóa đan xen, bổ trợ, tạo nền tảng cho nhau để nâng cao chất lượng văn hóa của người làm báo. Và Người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng văn hóa cho các đồng nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần phải được thực hiện lâu dài, thường xuyên để đạt được những hiệu quả thực sự cho người làmbáo Việt Nam.

PV