Bảo vệ pháp lý cho lao động tự do trong kinh tế nền tảng

                                                                       ThS. Bùi Đức Nhưỡng
Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thập kỷ qua, các nền tảng trực tuyến sử dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả thuật toán, để phù hợp với cung và cầu lao động đã phát triển nhanh chóng trên thế giới và ở Việt Nam. Mặc dù có những kết quả rất khả quan, nhất là đối với người lao động tự do, tự kinh doanh, nhưng kinh tế nền tảng cũng thể hiện một số hạn chế, cần làm rõ và sớm được khắc phục để giảm thiểu thiệt hại, trong đó có công tác an toàn lao động cho người lao động tham gia kinh tế nền tảng.

Từ khóa: Bảo vệ pháp lý; lao động tự do; kinh tế nền tảng; công nghệ số; hợp đồng lao động.

1. Đặt vấn đề 

Hiện nay, các quy định về lao động vẫn tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ người lao động bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động với các doanh nghiệp, trong khi quyền và trách nhiệm của người lao động không có hợp đồng lao động chưa được quy định đầy đủ, ảnh hưởng lớn đến mức lương xứng đáng, khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác mà họ nên có. Nghiên cứu xem xét các tác động và thách thức mà người lao động không có hợp đồng lao động phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ của mình trong kinh tế nền tảng, cũng như đưa ra các giải pháp khả thi để tăng cường bảo vệ họ thông qua việc cải thiện các quy định lao động toàn diện và đáp ứng hơn.  

2. Kinh tế nền tảng

Các công nghệ kỹ thuật số, như trí tuệ nhân tạo (AI), robot tiên tiến, bộ xương ngoài, thiết bị di động và nền tảng trực tuyến đang phát triển với tốc độ thay đổi nhanh chóng. Trong nghiên cứu về “Quy định về nền tảng lao động” R. Collier1 cho biết, những công nghệ mới như vậy đang mở đường cho các phương thức tổ chức và kiểm soát tính chất công việc mới, trong đó có lao động tự do, điều này làm tăng thêm sự phức tạp cho quy trình làm việc và do đó đặt ra những thách thức mới cho việc quản lý rủi ro an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động (an toàn vệ sinh lao động, theo Điều 3, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, là các giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, các yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động). Hơn nữa, những công nghệ kỹ thuật số đã cho phép xuất hiện nhiều nền tảng kỹ thuật số khác nhau, được gọi là kinh tế nền tảng.

Trong thập kỷ qua, các nền tảng trực tuyến sử dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả thuật toán, để phù hợp với cung và cầu lao động đã phát triển nhanh chóng trên thế giới và ở Việt Nam. Với tính chất đột phá, tăng trưởng nhanh, khả năng hiển thị cao và tập trung vào các lĩnh vực có truyền thống được quản lý chặt chẽ, nền tảng lao động kỹ thuật số nhanh chóng xuất hiện, không nằm trong sự ràng buộc truyền thống của quan hệ lao động, mối ràng buộc của người sử dụng lao động với người lao động không chặt chẽ, không được các chính sách pháp luật đã có đề cập đầy đủ đến, làm bộc lộ các vấn đề, như: cạnh tranh, thuế, việc làm hình thức và điều kiện làm việc cho người lao động. 

Theo “Chỉ thị cải thiện điều kiện làm việc trong công việc nền tảng” của Liên minh châu Âukhác với nền kinh tế truyền thống, người lao động trong nền kinh tế nền tảng có thể linh hoạt, tự do tiếp nhận các công việc thay vì công việc cố định, nhận các hợp đồng ngắn hạn, thực hiện công việc theo yêu cầu. Theo đó, các công ty, doanh nghiệp chỉ thuê lao động để thực hiện một “hợp đồng công việc” cụ thể, vào thời điểm cụ thể, thay vì trở thành mối quan hệ lao động với người lao động dài hạn như ở nền kinh tế truyền thống. 

Người lao động trong nền kinh tế nền tảng có thể được coi là lao động tự do, không có quan hệ lao động, bởi vì họ nằm trong “vùng xám” giữa tư cách là người làm công và người tự kinh doanh vì mối quan hệ lao động như người sử dụng lao động, người lao động và người tự kinh doanh không dễ dàng áp dụng trong nền kinh tế nền tảng. Cũng vì họ hoạt động giống như một doanh nhân độc lập nên người ký hợp đồng công việc với họ không có trách nhiệm bảo vệ họ trước các rủi ro về tai nạn lao động và bệnh tật do lao động gây ra. 

Theo Bregiannis, F, trong “ Người lao động trong nền kinh tế nền tảng” nhiều quốc gia thành viên EU đã thừa nhận sự tồn tại của nhóm thứ ba trên thị trường lao động hoạt động trong “vùng xám” giữa người làm công và người tự kinh doanh, và đưa vào các văn bản pháp lý các thuật ngữ: người tự làm chủ một mình, người tự làm thuê và người tự làm chủ phụ thuộc về mặt kinh tế và một số một số thuật ngữ tương tự được sử dụng để mô tả những người lao động này.

Chính nền tảng cơ bản này không những tạo ra thêm tài nguyên, sản phẩm và tài sản mới mà còn tác động mạnh mẽ đến các nguồn lực xã hội bao gồm các thể chế, cấu trúc chính trị – xã hội và đặc biệt là mô hình kinh tế. Kinh tế nền tảng (platform economy) đã trở thành một mô hình kinh tế mới trong thế kỷ 21 và thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiến hành sản xuất kinh doanh. Mô hình hoạt động như một nền tảng tập trung liên kết người bán và người mua đa dạng, cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.

Một trong những nền tảng lao động nổi tiếng nhất ở nước ta là dịch vụ taxi dựa trên ứng dụng Grab. Grab chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014. Grab hiện cung cấp đa dịch vụ: di chuyển, giao hàng, giao nhận thực phẩm, đi chợ online và đang hợp tác cùng một số đối tác để cung cấp các dịch vụ tài chính. Chỉ sau 5 năm hoạt động, thương hiệu này khẳng định đã có đến 25% dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ và khoảng 200.000 đối tác tài xế tham gia hệ sinh thái của ứng dụng này. Báo cáo nghiên cứu thị trường của ABI Research 2021 cho biết, trong lĩnh vực gọi xe công nghệ ở Việt Nam, Grab chiếm tới 74,6% thị phần dịch vụ, Be chiếm 12,4% và Gojek chiếm 12,3% thị phần. Hiện nay có khoảng gần 300 ngàn đối tác tài xế taxi và xe máy đang hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nền tảng3.

Kinh tế nền tảng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập và mang lại sự linh hoạt cho những người lao động thường bị loại khỏi thị trường lao động khó tính. Ví dụ: kinh tế nền tảng sẽ cho phép người lao động khuyết tật có được công việc trực tuyến bổ ích về thiết kế hoặc lập trình web. Kinh tế nền tảng sẽ trao nhiều quyền tự chủ hơn cho những người lao động muốn làm một lượng công việc cố định và chỉ vào những thời điểm cụ thể. 

Kinh tế nền tảng tạo điều kiện phát triển cho người lao động dựa trên năng khiếu kỹ thuật số của họ trong việc điều khiển công nghệ thay vì khả năng thể chất để cung cấp lao động chân tay siêng năng. Do đó, có thể gây ra sự chênh lệch về thu nhập và sức khỏe nghề nghiệp trong thị trường lao động truyền thống bằng cách loại những người lao động có trình độ thấp, trình độ học vấn thấp và không hiểu biết về công nghệ khỏi việc kiếm được công việc có thu nhập. Những người lao động truyền thống không thể thích ứng với kinh tế nền tảng sẽ bị đẩy vào các công việc bấp bênh với thu nhập thấp và các biện pháp bảo vệ an toàn vệ sinh lao động mong manh. 

3. Các nguy cơ gây tai nạn và ảnh hưởng sức khỏe ở những người lao động tự do trong kinh tế nền tảng

Theo nghiên cứu “bằng chứng về điều kiện làm việc của công nhân nền tảng” của Kilhoffer4, những lao động tự do tham gia vào công việc trên nền tảng là những người có nguy cơ chấn thương lao động cao hơn so với các nghề làm việc ở văn phòng. Vì thế rất cần việc nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động và cho đối tượng này khi làm việc thông qua nền tảng kỹ thuật số để họ tự biết cách bảo vệ mình và thường xuyên kiểm tra nhận thức về các nguy cơ rủi ro gây tai nạn và bệnh tật trong quá trình làm việc của họ.

Trong kinh tế nền tảng, các công việc phải làm việc trên máy tính có thể so sánh với các công việc bàn giấy trong nền kinh tế truyền thống, vốn dễ mắc phải một số vấn đề khác, như: tư thế lao động sai, cường độ làm việc cao, chất lượng không khí trong nhà, thời gian làm việc dài, các nhiệm vụ ít vận động và công việc đơn độc. Do đó, dễ mắc các rối loạn về cơ xương và tâm lý xã hội. Giống như những người lái xe chuyên nghiệp trong gọi xe công nghệ, những người lao động cung cấp dịch vụ trực tuyến phải chịu sự đánh giá và giám sát liên tục, điều này có thể làm tăng thêm mức độ căng thẳng tâm lý xã hội.

Nghiên cứu của Ropponen5 về “Sức khỏe, phúc lợi và an toàn của người lao động trong nền kinh tế nền tảng” cho thấy công việc ít vận động là nguy cơ lớn do gánh nặng toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm. Người lao động tự do trên nền tảng trực tuyến ít vận động nên thường mắc các bệnh mạn tính. Nghiên cứu cho thấy, việc làm không theo tiêu chuẩn như công việc tạm thời có nguy cơ chấn thương cao hơn so với những công việc lâu dài. Hơn nữa, công việc tạm thời, cộng với mức lương thấp và nỗi lo sợ mất việc không ngừng nghỉ là nguyên nhân gây ra căng thẳng tâm lý kéo dài. Căng thẳng mãn tính dẫn đến phản ứng sinh học làm tăng lượng hormone cortisol quá mức, gây ra các tình trạng suy nhược, như: bệnh tim mạch, tăng huyết áp và tiểu đường.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy các nguy cơ gây rủi ro cho người lao động tự do trong kinh tế nền tảng có thể tập trung vào bốn nhóm sau:

Một là, nguy cơ do rủi ro vật chất.

Loại bỏ hoặc giảm thiểu rủi ro vật chất là một lĩnh vực trọng tâm trong an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Môi trường vật chất hoặc nơi làm việc bao gồm “các mối nguy hiểm về thể chất và điều kiện vật chất để thực hiện công việc”. Hầu hết người lao động làm việc trên nền tảng trực tuyến đều thực hiện công việc của họ trên đường, tại cơ sở của người khác hoặc tại nhà của họ. Các rủi ro vật chất đến với họ đều xảy ra bên ngoài một cơ sở sản xuất  phụ thuộc vào nhiệm vụ được thực hiện. 

Theo M.Tran và RK Sokas trong công trình” Nền kinh tế tự do và công việc ngẫu nhiên: Đánh giá sức khỏe nghề nghiệp”6 thì rủi ro về sức khỏe và an toàn có thể tồi tệ hơn trong công việc tự do vì không được bảo vệ theo một hệ thống quản lý sản xuất ở doanh nghiệp, nhất là khi họ làm việc trên đường, ở nơi công cộng. Theo Gillis và cộng sự7 khi nghiên cứu công trình “Rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của công việc giao bưu kiện được tổ chức thông qua nền tảng lao động kỹ thuật số” thấy rằng, trong công việc giao hàng, rủi ro tiềm ẩn bao gồm rủi ro về tư thế lao động, gánh nặng lao động liên quan đến việc vận hành phương tiện hoặc xử lý bưu kiện, rủi ro từ điều kiện đường xá và thời tiết cũng như những thách thức liên quan đến tương tác với khách hàng

Còn theo Ivan Williams Jimenez8, trong nghiên cứu về “Ngăn ngừa và quản lý rủi ro về sức khỏe và an toàn trong công việc trên nền tảng kỹ thuật số” đối với người lao động làm việc trên máy tính, do làm việc liên tục, ít vận động trong thời gian dài, thực hiện các công việc trên bàn làm việc có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như rối loạn cơ xương, mệt mỏi thị giác và các vấn đề về gánh nặng lao động khác.

Hai là, nguy cơ do áp lực hiệu suất công việc.

Khi Kilhoffer “Nghiên cứu thu thập bằng chứng về điều kiện làm việc của công nhân nền tảng”9,cho biết, người lao động trong kinh tế nền tảng có thể bị chịu áp lực từ các yêu cầu về hiệu suất như lao động cảm xúc, cường độ làm việc cao (làm việc với tốc độ cao hoặc hướng tới thời hạn chặt chẽ) và thời gian làm việc kéo dài (thời gian làm việc trong ngày dài, số giờ làm việc trong tuần lớn…), lương nhận được thấp cho mỗi nhiệm vụ và sự cạnh tranh giữa các cá nhân do ganh đua làm việc nhiều giờ và có hành vi chấp nhận rủi ro, bị kìm nén cảm xúc do luôn phải làm hài lòng khách hàng, kể cả khi họ sai; bị ảnh hưởng bởi hệ thống xếp hạng khen thưởng theo dấu sao do khách hàng ghi nhận nhằm giữ cho tài khoản của họ không bị vô hiệu hóa. 

Nghiên cứu về “Sức khỏe, An toàn và Hạnh phúc trong công việc qua nền tảng” của Marie Nilsen10, cho thấy rủi ro liên quan đến áp lực hiệu suất công việc đối với người lao động trong kinh tế nền tảng có thể cao hơn so với người lao động truyền thống do tác động tổng hợp của điều kiện làm việc (không an toàn trong công việc, thời gian làm việc không thường xuyên và kéo dài, cường độ làm việc cao), hệ thống phân bổ nhiệm vụ và hệ thống đánh giá theo ý chí của khách hàng.

Người lao động trên nền tảng kỹ thuật số thường xuyên trải qua tình trạng bất ổn về công việc và thu nhập. Điều này là do họ phải cạnh tranh gay gắt với những người lao động khác, đảm nhận nhiều công việc tạm thời và ngắn hạn, thường không kiểm soát được số lượng công việc họ có thể thực hiện và không thể xác định được mức lương của mình. Điều này còn được biết là gây lo lắng, căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Ba là, nguy cơ do tải nhận thức.

Tải nhận thức là số lượng suy nghĩ mà người lao động cần tập trung để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể. Đối với người lao động công nghệ nền tảng, tải nhận thức được xác định là yêu cầu lọc lượng lớn thông tin được cung cấp bởi công nghệ kỹ thuật số ở các định dạng và nguồn khác nhau. Cũng theo A, Ropponen11 các lao động trong kinh tế nền tảng cũng có nhiều công việc đáng kể phải làm mà không được trả lương, như chờ đợi hoặc tìm kiếm các nhiệm vụ liên quan; các yêu cầu sàng lọc các nhiệm vụ phù hợp, thực hiện các bài kiểm tra trình độ, đọc đánh giá của người giao hàng, đảm bảo tính toán thanh toán chính xác và công việc hành chính với tư cách là một nhà thầu độc lập. Ngoài tình trạng quá tải thông tin dẫn đến cảm giác không có khả năng đáp ứng nhu cầu, căng thẳng tài chính cũng thể hiện rõ ở những người lao động tự do mà các quyết định của họ dẫn đến lãi hoặc lỗ kinh tế. 

Việc sử dụng thuật toán để phân bổ, giám sát và đánh giá lao động, hiệu suất và hành vi của người lao động nền tảng ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực giữa người lao động, nền tảng và khách hàng có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi và trầm cảm, làm suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần, sự an toàn và sức khỏe tổng thể của người lao động.

Ngoài ra, khi công việc trên nền tảng gặp khó khăn, thì người lao động bị hạn chế hoặc không thể tiếp xúc với các nhân viên nền tảng khác, thiếu sự hỗ trợ xã hội nói chung, dẫn đến tâm thần bất an, rối loạn giấc ngủ, kiệt sức, khó phục hồi sau công việc, căng thẳng, trầm cảm, kiệt sức, cô đơn và không hài lòng chung với công việc cũng như cuộc sống cá nhân.

Bốn là, nguy cơ do nhu cầu vật chất.

Đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thường cung cấp cho người lao động của mình các công cụ và thiết bị cần thiết để thực hiện lao động theo công việc được sắp xếp theo tiêu chuẩn tổ chức doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất, người sử dụng lao động phải chú trọng tới công tác phòng ngừa và kiểm soát mối nguy của doanh nghiệp, nhằm bảo đảm thiết bị, máy móc hoạt động bình thường và ngăn ngừa sự cố gây tai nạn do lỗi trong quá trình bảo trì thiết bị, máy móc. Tuy nhiên, trong công trình “Thị trường lao động kỹ thuật số trong nền kinh tế nền tảng Florian A. Schmidt12, cho thấy, công nghệ nền tảng, người lao động tự do phải tự cung cấp phương tiện sản xuất để nhấn mạnh trách nhiệm của họ với tư cách là nhà thầu độc lập. Việc thiếu bảo trì để giảm chi phí dịch vụ và sử dụng các công cụ, thiết bị không đạt tiêu chuẩn có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho người lao động.

4. Một số giải pháp, đề xuất

Mặc dù gần đây mối quan tâm ngày càng tăng về điều kiện lao động và việc làm trong công việc trên nền tảng kỹ thuật số, những rủi ro an toàn vệ sinh lao động mà người lao động trên nền tảng kỹ thuật số phải đối mặt phần lớn vẫn bị bỏ qua và chưa được giải quyết. Điều này bao gồm tất cả các khía cạnh, từ phòng ngừa đến quản lý. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần phải quan tâm nhiều hơn đến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động tự do trên kinh tế nền tảng bằng cách đưa ra các biện pháp ràng buộc có thể giám sát và thực thi được. Nhất là về phòng ngừa rủi ro và áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật. Không nên chỉ bó hẹp trong việc cung cấp các bảo hiểm chống lại tai nạn và bệnh nghề nghiệp mà còn đề cập tới việc cung cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân cơ bản và đào tạo những ván đề cơ bản nhất về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động nền tảng. Khi ban hành chính sách cần có thêm điều khoản yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động nền tảng. Vì nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động đã được xác định là phổ biến đối với tất cả các loại hình lao động nền tảng.

Thứ hai, cần nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động của người lao động trên nền tảng lao động số, do hiện nay các cơ quan chức năng còn thiếu quan tâm đến các vấn đề an toàn vệ sinh lao động và tác động của nó đối với việc ngăn ngừa và quản lý rủi ro cho các nền tảng lao động kỹ thuật số. Việc nâng cao nhận thức này được thông qua phương thức cung cấp hướng dẫn và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trên công việc nền tảng của họ. Việc làm này rất cần thiết, vì các đơn vị chủ sở hữu các nền tảng lao động kỹ thuật số có thể sẽ không chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh lao động cho những lao động nền tảng của họ, vì họ không phải là người sử dụng lao động của những người lao động tự do hoạt động trên nền tảng của họ để phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. 

Các nghiên cứu đã cho thấy, các nhóm người lao động làm việc cho nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là những người lao động trẻ, ít kinh nghiệm và ít học vấn hơn, không nhận thức và đánh giá được những rủi ro an toàn vệ sinh lao động mà họ gặp phải, Vì thế, họ có thể không có khả năng tự bảo vệ mình đúng cách, có thể bị cắt giảm các biện pháp bảo vệ khi làm việc, hoặc có thể không có đủ phương tiện để tự bảo vệ mình. Cũng cần lưu ý, tác động tâm lý của những người lao động trên nền tảng số về các rủi ro xảy ra rất sâu sắc nhưng thường không được biết đến hoặc bị bỏ qua.

Thứ ba, các biện pháp tốt về phòng ngừa và quản lý rủi ro an toàn vệ sinh lao động cần được chia sẻ tích cực hơn cả trong nước và quốc tế để thúc đẩy việc học hỏi giữa các bên liên quan. Các biện pháp này cần được các tổ chức đại diện của người lao động nền tảng (tổ chức các nghiệp đoàn lao động nền tảng), hoặc mạng lưới nghề nghiệp (mạng lưới có sự tham gia của nhiều bên liên quan – bao gồm đơn vị nền tảng kỹ thuật số và người lao động nền tảng), nhằm thực hiện các chiến lược tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ các kinh nghiệm tốt về an toàn vệ sinh lao động trong phạm vi toàn quốc và quốc tế.

Thứ tư, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, trường đại học cần tăng cường nỗ lực thu thập kiến thức và dữ liệu về các thách thức và cơ hội về an toàn vệ sinh lao động trong công việc trên nền tảng kỹ thuật số, cũng như phòng ngừa và quản lý rủi ro an toàn vệ sinh lao động cho người lao động tự do làm việc trong lĩnh vực này. Kiến thức và dữ liệu không chỉ về lao động trên nền tảng kỹ thuật số mà còn về cách phát hiện và phân loại mối quan hệ lao động giữa nền tảng lao động kỹ thuật số và người lao động trên nền tảng kỹ thuật số, cách giám sát và thực thi việc tuân thủ các quy tắc và quy định an toàn vệ sinh lao động, cách thực hiện giám sát,… sự thiếu hụt nghiêm trọng các dữ liệu về an toàn vệ sinh lao động đã được ghi nhận trong hầu hết các nghiên cứu trường hợp trong quá trình điều tra tai nạn và bệnh tật đối với người lao động nền tảng ở các nước châu Âu (theo báo cáo của cơ quan an toàn và sức khỏe nghề nghiệp châu Âu – EU-OSHA năm 2022).

5. Kết luận

Các nhà khoa học trên thế giới đã dự báo, trong tương lai gần, kinh tế nền tảng sẽ bao phủ phần lớn nền kinh tế thế giới. Với sự xuất hiện của phương tiện kỹ thuật số, kinh tế nền tảng đã, đang và sẽ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển, tồn tại của kinh tế nền tảng là một trong những hoạt động tất yếu của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng trong cuộc chạy đua theo quy luật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù có những kết quả rất khả quan, nhưng kinh tế nền tảng cũng thể hiện một số hạn chế, cần làm rõ và sớm được khắc phục để giảm thiểu thiệt hại, trong đó có công tác an toàn vệ sinh lao động của người lao động tham gia kinh tế nền tảng. Hiện nay, vẫn còn rất ít dữ liệu về rủi ro an toàn vệ sinh lao động của lao động trên nền tảng kỹ thuật số và tầm quan trọng của việc thay đổi quan hệ lao động đối với trách nhiệm của người lao động trong an toàn vệ sinh lao động của họ. Đối với nền tảng lao động kỹ thuật số, quan hệ việc làm có ba mặt, người lao động không chịu tác động chặt chẽ như của mối quan hệ lao động truyền thống, người sử dụng lao động chỉ ràng buộc họ trong công việc, tiền công, mọi thứ còn lại trong quan hệ lao động người lao động phải tự lo liệu và việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho họ cũng chưa được điều chỉnh trong các văn bản pháp quy. Chính vì thế, rất cần có một nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này.

Chú thích:
1. Collier R, Dubal, V., Carter C., Labor platform regulation: the politics of the Uber economy, University of California, Berkeley, Kauffman Foundation, 2017.
2. Jelena Starcevic, The EU proposal for a directive on improving working conditions in platform work,Comparative Labor Law & Policy Journal, No 40, January 2022.
3. Misa Amis, chiến lược thâm nhập thị trường của Grap – Siêu ứng dụng thay đổi người dùng Việt, truy cập ngày 28/12/2022.  https://amis.misa.vn/78907/chien-luoc-tham-nhap-thi-truong-cua-grab/.
4, 9, 10. Kilhoffer, Z., De Groen, W.P., Lenaerts, K., et al., 2019. Study gathering evidence on working conditions of platform workers VT/2018/032 Final report December 13 2019.
5, 11. Annina Ropponen, Jari J Hakanen, Laura Seppänen, Workers’ Health, Wellbeing, and Safety in the Digitalizing Platform Economy, Digital Work and the Platform Economy (pp.56-73), Finnish Institute of Occupational HealthNovember 2019.
6. M.Tran và RK Sokas, The gig economy and contingent work: Assessing occupational health, J. Occupy. Environment. Med., 59 (4) (2017), pp. e63 – e662017: 64.
7. Gillis, D., Lenaerts, K., Waeyaert, W., 2022. Occupational health and safety risks of parcel delivery work organized through digital labor platforms. Case study. European Agency for Safety and Health at Work (EU-OSHA). 
8. Ivan Williams Jimenez, Preventing and managing health and safety risks in digital platform work: examples of initiatives, practices and tools, European Agency for Safety and Health at Work April 2023.
9. Marie Nilsen, Trond Kongsvik, Health, Safety, and Well-Being in Platform-Mediated Work – A Job Demands and Resources Perspective, Safety Science, Volume 163, July 2023, 106130).
12. Florian A. Schmidt, Digital Labour Markets in the Platform Economy, Division for Economic and Social Policy Godesberger Allee 149/D-53175 Bonn, 2017.