Bài học giải quyết thành công những vấn đề tư tưởng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa đối với xây dựng quân đội hiện nay 

Đại tá, PGS, TS. Phạm Đình Nhịn
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã để lại nhiều bài học quý, đặc biệt là bài học về thực hiện tốt công tác tư tưởng, gắn chặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính sách, công tác thi đua, khen thưởng và bài học về sự nhạy bén trong lãnh đạo tư tưởng, giáo dục quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội… Những bài học ý nghĩa còn nguyên giá trị đối với việc xây dựng quân đội hiện nay.  

Từ khóa: Chiến dịch Điện Biên Phủ; vấn đề tư tưởng; xây dựng quân đội.

1. Đặt vấn đề

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 -1954, là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954). Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được bắt nguồn từ sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sức mạnh tổng hợp của nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, quân sự và ngoại giao; của nhiều mặt công tác: công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ, công tác chính sách… Trong đó, việc giải quyết thành công những vấn đề tư tưởng trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch, đã tạo nên “Sự thống nhất về tinh thần và chính trị của Nhân dân và Quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách, khó khăn không thể tưởng tượng được và tạo ra những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”1.

2. Chiến dịch Điện Biên Phủ – Bài học giải quyết thành công những vấn đề tư tưởng có ý nghĩa đối với xây dựng quân đội 

Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, mà các tướng, tá Pháp và Mỹ rêu rao là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp ở Đông Dương. Tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ, quân và dân ta phải chiến đấu với lực lượng địch rất đông và mạnh, được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại với hệ thống công sự, trận địa kiên cố đã được chuẩn bị trước (bao gồm: 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc; tổng số binh lực là 16.200 tên bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 40 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng với 8 cụm cứ điểm họp thành ba phân khu, 80% lực lượng không quân ở Đông Dương và nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Pháp và Mỹ đã được đưa vào tác chiến ở Điện Biên Phủ…)2 và trong điều kiện địa hình hiểm trở của vùng rừng núi Tây Bắc, nằm xa hậu phương chiến lược gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về tác chiến, bảo đảm hậu cần, đời sống, sinh hoạt của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… lại luôn bị máy bay, pháo binhđịch oanh tạc, đánh phá…

Chính vì vậy, rất nhiều vấn đề về tư tưởng của bộ đội, của các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu đặt ra trước Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy các cấp, đòi hỏi phải được giải quyết nhằm phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí chống ngoại xâm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ, nhất là ở mặt trận chính Điện Biên Phủ, để đánh bại thực dân Pháp cùng sự giúp sức, can thiệp của đế quốc Mỹ. Bằng các mặt hoạt động của công tác tư tưởng, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy các cấp đã giải quyết rất thành công những vấn đề tư tưởng đặt ra. Cụ thể: 

Thứ nhấtthành công của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội và các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cần phải có sự thống nhất cao độ về chính trị tư tưởng, xây dựng được ý chí quyết chiến, quyết thắng, khơi dậy được trí thông minh, sáng tạo và tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh của quân và dân ta. Vì vậy, công tác giáo dục chính trị có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao giác ngộ đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng,khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quân đội, chú trọng giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Qua đó, xây dựng lập trường tư tưởng vững vàng, ý chí quyết chiến, quyết thắng và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. 

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quân đội ta đánh vào một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, lại phải chiến đấu kéo dài, liên tục trong những điều kiện gian khổ, thiếu thốn về nhiều mặt, cùng với thời tiết không thuận lợi khiến một bộ phận cán bộ, chiến sĩ xuất hiện tâm lý hoang mang, dao động, giảm sút ý chí tiến công, thiếu tích cực tiêu diệt địch, bi quan, hoài nghi vào thắng lợi… Khắc phục tình trạng đó, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy các cấp đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng tại tất cả các đơn vị trong và ngoài mặt trận, đến toàn bộ các lực lượng tham gia chiến dịch, nhất là các đơn vị bộ đội nhằm đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực. Với tinh thần phê bình và tự phê bình nghiêm khắc, thẳng thắn, cấp trên làm gương cho cấp dưới, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhau, tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực từng bước được đẩy lùi, tinh thần hăng hái xung phong của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được xốc lại, là nhân tố quan trọng giúp quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thứ hai, thành công của công tác tuyên truyền, cổ động chiến trường.

Để động viên, giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên chiến trường Điện Biên Phủ, các cấp ủy, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy các cấp rất coi trọng công tác tuyên truyền, cổ động, động viên chiến trường, thường xuyên cổ động các đơn vị, các lực lượng tham gia chiến dịch, động viên bộ đội dũng cảm chiến đấu. Đảng ủy, Bộ chỉ huy Chiến dịch, cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy các cấp  đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động bằng nhiều biện pháp, phương thức hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, trước khi mở màn Chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận đã nhận được Thư của Bác Hồ. Trong thư Bác viết: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”3. Những lời dạy của Bác là nguồn động viên vô cùng to lớn tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho bộ đội. 

Việc tuyên truyền, cổ động đã bám sát diễn biến chiến đấu trên từng hướng, từng mũi, diễn ra sôi nổi, rộng khắp qua từng tình huống chiến đấu, từng trận đánh và trong suốt chiến dịch với những nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp. Nội dung tuyên truyền, cổ động tập trung vào tuyên truyền, phổ biến kịp thời những bức thư của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Bộ Chỉ huy mặt trận và của đoàn thể; những thắng lợi của ta, sự nguy khốn của địch, những thành tích chiến đấu của đơn vị, tấm gương anh dũng, tinh thần vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến… với nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú, như: khẩu hiệu, bảng tin, tranh cổ động với những nội dung: “Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”, “Địch cố thủ ta quyết đánh”, “Địch bỏ chạy ta quyết truy”, “Kiên quyết cắm cờ “Quyết chiến, quyết thắng” lên sở chỉ huy của địch tại Điện Biên Phủ”… Đặc biệt, trong công tác địch vận, các cấp ủy, cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy đã chỉ đạo tăng cường kêu gọi những người Việt đi lính cho Pháp “Không theo giặc Pháp bắn đồng bào”, “Không làm bia đỡ đạn cho giặc Pháp”, “Anh em Khố đỏ hãy quay súng bắn lại giặc Pháp”, “Bỏ hàng ngũ giặc Pháp quay về với Tổ quốc”… đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên những chiến thắng trên chiến trường.

Thứ bathành công trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đấu tranh giải quyết tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, củng cố quyết tâm chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến ngay tại mặt trận và trong suốt quá trình thực hiện Chiến dịch.

Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã  phân tích, thảo luận, đánh giá tình hình địch, tình hình ta, điều kiện địa hình, thời tiết và các lực lượng liên quan; thống nhất phương châm, cách đánh của chiến dịch là:“đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Đó là sự lựa chọn phù hợp với tình hình địch và cũng sát hợp với tình hình tư tưởng của bộ đội lúc đó. Nhưng, khi tình hình địch thay đổi, lực lượng được tăng cường và hệ thống phòng thủ của chúng đã được củng cố vững chắc, trong khi công tác chuẩn bị của ta chưa hoàn tất, ta đã kịp thời thay đổi, chuyển sang phương châm: “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định rất khó khăn, táo bạo, nhưng hết sức cần thiết của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Tuy nhiên, khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chúng ta gặp trở ngại không nhỏ về tư tưởng bộ đội. Quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”  đã gây xáo trộn lớn về tư tưởng bởi bao nhiêu mồ hôi và xương máu của hàng ngàn con người đã đổ xuống trên đường kéo pháo, bao nhiêu gian khổ đã vượt qua… giờ lại phải kéo pháo ra. Nắm vững tình hình tư tưởng diễn biến không có lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã kịp thời triệu tập Hội nghị cán bộ các cấp để thống nhất nhận thức về cách đánh mới, đồng thời đấu tranh với những nhận thức, tư tưởng lệch lạc. Đây là cách làm sáng tạo về hoạt động công tác chính trị trong chiến đấu. Hội nghị thành công đã tạo được sự thống nhất, đoàn kết và niềm tin của bộ đội vào phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nhờ đó, chúng ta đã giành thắng lợi ngay trong đợt 1 của Chiến dịch. 

Nhưng sau những thắng lợi bước đầu đó, trong bộ đội và các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu lại xuất hiện tư tưởng chủ quan, coi thường địch và tiếp đó khi gặp khó khăn trong một số trận đánh ở đầu giai đoạn 2 của Chiến dịch thì bộ đội lại có tư tưởng bi quan, đánh giá cao địch, thiếu niềm tin vào chiến thắng,… Trước diễn biến bất lợi đó, đồng thời nhận thấy rõ tầm quan trọng của yếu tố tư tưởng, của ý chí quyết tâm chiến đấu, Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận đã triệu tập Hội nghị Bí thư Đại đoàn ủy để tiến hành kiểm điểm và sửa chữa những tư tưởng sai lầm, hữu khuynh, tiêu cực, củng cố quyết tâm hoàn thành bằng được yêu cầu nhiệm vụ của Chiến dịch. Để phát huy kết quả của công tác tư tưởng, Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận còn kịp thời chỉ đạo kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và chính sách. Một mặt, lựa chọn những vụ việc điển hình về vi phạm kỷ luật chiến trường, vi phạm chính sách để thi hành kỷ luật, nhằm giáo dục chung; mặt khác, kịp thời kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng, chấn chỉnh công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, chăm sóc thương bệnh binh, giải quyết vấn đề chiến thuật, tổ chức bồi dưỡng và rút kinh nghiệm hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh với pháo binh, công binh và các lực lượng bảo đảm,… Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, bằng nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo nên đã làm chuyển biến tình hình mọi mặt, giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm Chiến dịch phát triển thuận lợi và giành chiến thắng.

Thứ tư, thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác thi đua, khen thưởng.

Bám sát diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, cấp ủy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy các cấp thường xuyên coi trọng phát động, duy trì phong trào thi đua lập công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thưởng phạt kịp thời, nghiêm minh, phát huy được chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Nhờ đó, đã huy động được tối đa sức người, sức của. Hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị, cùng với bộ đội đào giao thông hào, làm đường dã chiến trong điều kiện mưa rét, thiếu thốn đủ đường. Bộ đội và thanh niên xung phong đã mở hàng trăm tuyến giao thông hào, sửa chữa hàng trăm km đường từ Tuần Giáo tới Điện Biên Phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng và xe kéo pháo, đặc biệt là pháo hạng nặng có thể triển khai vào trận địa an toàn, bí mật, đẩy quân Pháp vào thế bị động, bất ngờ. Bộ đội pháo binh đã lập ra các trận địa giả, nghi binh, làm cho khoảng 80% bom, đạn của quân Pháp không đánh trúng mục tiêu, bảo vệ thành công những khẩu trọng pháo quý giá và những mục tiêu quân sự quan trọng.

 Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường đã có nhiều tấm gương anh hùng: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Chu Văn Mùi 3 ngày chịu đói vẫn chiến đấu giữa vòng vây địch, rồi gọi pháo bắn ngay vào vị trí của mình để tiêu diệt địch; anh dân công hỏa tuyến Ma Văn Thắng (Phú Thọ) bằng xe đạp thồ đã chở được 350 kg gạo một chuyến lên chiến trường trong điều kiện gian khổ, ác liệt; chị Tô Thị Ngải (dân tộc Mường – Hòa Bình) vận chuyển hàng suốt mười ngày đêm không ngủ…  Những hành động anh hùng đó không chỉ có sức cổ vũ to lớn đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn lan tỏa trong toàn dân, toàn quân, trên khắp các mặt trận, trở thành nguồn sức mạnh to lớn động viên quân và dân ta thi đua giết giặc lập công, giành chiến thắng ở trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

3. Vận dụng bài học giải quyết thành công vấn đề tư tưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đối với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

Nhiều thập kỷ đã trôi qua, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã để lại nhiều bài học quý, đặc biệt là bài học về thực hiện tốt công tác tư tưởng, gắn chặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính sách, công tác thi đua, khen thưởng và bài học về sự nhạy bén trong lãnh đạo tư tưởng, giáo dục quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện phương châm và kế hoạch tác chiến để giành thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch đã góp phần tích cực củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy các cấp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của Quân đội ta”4.

Hiện nay, trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam phải được xây dựng tinh, gọn, mạnh, hiện đại nhất là quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Quán triệt sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp sáp nhập thành lập đơn vị mới, sắp xếp lại theo hướng tinh, gọn hoặc giải thể một số đơn vị, điều chuyển nhiệm vụ hoặc giải quyết chế độ, chính sách với không ít sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng…

Bên cạnh sự thống nhất cao về nhận thức của phần lớn cán bộ, chiến sỹ với chủ trương chiến lược của Đảng, cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề về tư tưởng cần tập trung giải quyết về nhận thức, ý thức trách nhiệm và quyết tâm ở các cơ quan, đơn vị hiện nay. Vận dụng bài học giải quyết thành công vấn đề tư tưởng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với xây dựng quân đội hiện nay đòi hỏi các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần: 

Một là, tập trung quán triệt sâu sắc, thấm nhuần hơn nữa và thống nhất ý chí, hành động hơn nữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới. 

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên trì, kiên quyết thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại của Đảng cho đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

Ba là, kịp thời phát hiện, nắm bắt những vấn đề tư tưởng nảy sinh, nhất là những vấn đề về nhận thức, trách nhiệm và đề xuất, thực hiện chủ trương, biện pháp giải quyết hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từng cơ quan, đơn vị và từng đối tượng.   

Bốn là, thực hiện tốt chế độ, chính sách bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhất là các đơn vị sáp nhập, giải thể, rút gọn và các đối tương thuộc diện điều chuyển nhiệm vụ, tinh giản biên chế hoặc giải quyết chế độ, chính sách của các cơ quan, đơn vị hiện nay. 

4Kết luận

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sức mạnh tổng hợp của nhiều lĩnh vực, nhiều mặt công tác. Trong đó, việc giải quyết thành công những vấn đề tư tưởng trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch là mấu chốt mang đến thành công của Chiến dịch. Những bài học của công tác giải quyết vấn đề tư tưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác tư tưởng trong quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh và hiện đại hiện nay.

Chú thích: 
1, 3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 55, 433.
2. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. https://dangcongsan.vn, ngày 08/10/2019.
4. Võ Nguyên Giáp. Vài hồi ức về Điện Biên Phủ. H. NXB Quân đội nhân dân, 1977, tr. 80.