Kết quả thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế ở tỉnh Quảng Ninh

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế với 12 đối tượng. Và “Biên chế” sử dụng trong nghị định này được hiểu gồm: biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật. “Tinh giản biên chế” được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 108.

(QLNN)- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế với 12 đối tượng. Và “Biên chế” sử dụng trong nghị định này được hiểu gồm: biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật. “Tinh giản biên chế” được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 108.

  1. Là tỉnh có nhiều đổi mới và thu được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên thực tiễn phát triển của Quảng Ninh cho thấy những tồn tại, hạn chế trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị.

Thứ nhất, chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa một số cơ quan tham mưu giúp việc khối đảng và cơ quan chuyên môn khối chính quyền. Cơ quan uỷ ban kiểm tra cấp uỷ với thanh tra cùng cấp có cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong trùng khớp (văn phòng và các phòng nghiệp vụ khu vực), cùng mục tiêu làm rõ và ngăn ngừa các sai phạm; kiểm soát hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ CBCC, viên chức nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ (trong đó có 76% là đảng viên). Tuy nhiên, quy trình, thủ tục, nguyên tắc xử lý khác nhau, nhiều vụ việc cơ quan uỷ ban kiểm tra không thừa hưởng các kết quả của thanh tra và ngược lại dẫn đến chồng chéo về nghiệp vụ, nhưng không thống nhất giữa xử lý kỷ luật hành chính và kỷ luật đảng. Ban tổ chức cấp uỷ với cơ quan nội vụ cùng được giao tham mưu, quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, đội ngũ CBCC, viên chức; cùng thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác cán bộ nên trùng nhau một số khâu trong tổ chức bộ máy; lặp lại quy trình và thủ tục trong các khâu về công tác cán bộ (bổ nhiệm, miễn nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ…). Tổ chức bộ máy của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nặng tính hành chính, cơ cấu trùng lặp (tuyên giáo, phong trào, kiểm tra, chính sách, tư vấn pháp luật). Bộ máy phục vụ (văn phòng, tổ chức) chiếm tỷ lệ cao (20-30% tổng biên chế)… nhưng thiếu phối hợp hành động dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa phát huy tính “tự nguyện” trong hoạt động.

Thứ hai, tổ chức đảng có mặt còn chưa gắn với bộ máy cơ quan chuyên môn của chính quyền làm giảm vai trò và hiệu quả lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất qua tổ chức, hoạt động của Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh. Thiếu sự gắn kết giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với sự điều hành về chuyên môn, không bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, chủ yếu thực hiện công tác đảng vụ.

Thứ ba, tổ chức bộ máy với những quy định cứng nhắc về chức năng, nhiệm vụ, tạo ra nhiều khâu trung gian trong quá trình đưa nghị quyết cấp uỷ vào thực tiễn. Cấp uỷ ra chủ trương, nghị quyết; chính quyền thể chế hoá thành nghị quyết của hội đồng nhân dân (HĐND) và các quyết định của ủy ban nhân dân (UBND); các sở, ngành căn cứ nội dung tổ chức thực hiện. Hệ quả là họp nhiều nhưng về cơ bản vẫn là những cán bộ chủ chốt đó với những tư cách khác nhau. Việc thể chế hoá, cụ thể hoá mất nhiều thời gian, đôi khi không chuyển tải hết ý nghĩa, nội dung chủ trương lãnh đạo. Phản hồi từ thực tiễn cũng qua những khâu tương tự theo chiều ngược lại, không thuận lợi cho sự nắm bắt, điều chỉnh của cấp uỷ, đôi khi kém sát thực.

Thứ tư, thiếu các cơ chế mở rộng dân chủ trực tiếp trong phát hiện, lựa chọn, giới thiệu cán bộ và giám sát quy trình thực hiện, nhất là việc cử tri bầu trực tiếp chủ tịch UBND. Đổi mới hệ thống chính trị chưa phù hợp và tương xứng với đổi mới kinh tế (kinh tế thị trường đa thành phần, đa sở hữu nhưng công tác cán bộ còn khép kín). Cơ chế, chính sách còn cứng nhắc, hạn chế khả năng vận dụng linh hoạt theo điều kiện đặc thù.

  1. Xuất phát từ những hạn chế, bất cập của đội ngũ lao động trong bộ máy nhà nước nói trên, năm 2014 tỉnh xác định chủ đề công tác năm: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp” quyết tâm xây dựng Đề án: “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25) và sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 03/3/2015 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Với những đặc thù của từng địa phương trong tỉnh, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực về đổi mới hoạt động của chính quyền và tinh giản bộ máy, biên chế góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

Mô hình đổi mới của Quảng Ninh được đánh giá là phù hợp xu hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới, làm tốt 3 mục tiêu: tinh giản bộ máy, bảo đảm sự giám sát của người dân đối với các tổ chức Đảng và đảng viên, tiết kiệm nguồn lực cũng như sự đóng góp của người dân. Đề án bước đầu đạt kết quả tích cực:

Một là, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, tránh trùng chéo, bao gồm: sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm” (đã giảm được 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 118 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương); thực hiện mô hình bộ phận tài vụ phục vụ chung đối với các ban xây dựng đảng, đảng ủy khối thuộc tỉnh ủy và huyện ủy, UBND ở những nơi đã thực hiện nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cấp ủy với chính quyền; thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và chính quyền (bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 33,87% địa phương; đồng thời chuẩn bị để cơ bản thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trong đó kiêm chủ tịch UBND ở 25% đơn vị cấp huyện và 50% đơn vị cấp xã;  bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố và bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận ở 499 (31,83%) thôn, bản, khu phố;  nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như: trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc (MTTQ) ở 9 địa phương (64,29%); chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra ở 7 địa phương (50%); trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng Nội vụ ở 5 địa phương (35,71%); trưởng (phó) Ban Tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 8 địa phương (57,14%); thực hiện kiêm nhiệm 50% cán bộ ở ba chức danh thôn, bản, khu phố); điều chỉnh quy mô tổ chức, biên chế, trang thiết bị phục vụ đối với trạm y tế cấp xã theo 3 mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể về địa lý để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn (75/184 trạm y tế xã ở xa thực hiện đầy đủ các chức năng nhiệm vụ, 57 trạm y tế thuận lợi không thực hiện đỡ đẻ thường; 52 trạm y tế phường ngay sát các bệnh viện không đỡ đẻ thường, không khám bệnh thông thường, chỉ duy trì phòng dịch và các dịch vụ khác); sắp xếp lại các trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, chính sách nội trú, bán trú dân nuôi và hỗ trợ phương tiện đi lại để các cháu có điều kiện tiếp cận với môi trường giáo dục đầy đủ hơn (đã giảm 7 trường, 88 điểm trường, 384 lớp học); thí điểm xây dựng cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho khối MTTQ và các đoàn thể cấp huyện tại 8/14 địa phương có đủ điều kiện (có trụ sở tập trung, đã nhất thể hóa chức danh trưởng ban dân vận; đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ).

Hai là, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ: (1) Ban hành bộ tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm làm căn cứ đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm và thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng. (2) Xây dựng quy hoạch và đề án nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực; dành nguồn lực lớn để bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ cơ sở và lao động nông thôn ở trong, ngoài nước (hoàn thành quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án phát triển toàn diện nguồn nhân lực đến năm 2020 và dành nguồn lực lớn 2 nghìn tỷ để triển khai thực hiện đề án). Năm 2015 đã tổ chức 12 đoàn với 285 đồng chí đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài theo đề án của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng 4.508 lượt CBCC cấp xã; 1.764 lượt bí thư chi bộ, 497 lượt trưởng ban công tác mặt trận và 1.229 trưởng thôn, bản, khu phố. (3) Rà soát, tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm; thực hiện tinh giản 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động (trong đó, số đề nghị giải quyết theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ  là 244 người), tiết kiệm được gần 300 tỷ đồng. Đồng thời, đã thực hiện cơ cấu lại, tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức có trình độ để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến nay đã giảm 498 biên chế công chức, viên chức so với trước khi thực hiện Đề án 25; giảm phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 vị trí không chuyên trách ở cơ sở  (chi hội trưởng, chi hội phó các thôn, bản, khu phố: 14.307 người; tổ trưởng tổ dân phố, xóm trưởng khu dân cư: 3.390 người; phó thôn, bản, khu phố: 1.222 người).

  1. Với chủ đề công tác năm 2016 là: “Nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công; xây dựng thành phố du lịch Hạ Long”, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU, tập trung vào những nội dung: đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy; đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế, cụ thể là:

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở theo Nghị quyết số 19-NQ/TU và Đề án 25 của các địa phương, cơ quan, đơn vị đã được Ban Thường vụ tỉnh ủy phê duyệt; đồng thời bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không bỏ sót nhiệm vụ, bộ máy tinh gọn hơn; tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung đối với khối MTTQ và các đoàn thể ở 8 địa phương đã được phê duyệt đề án (TP. Móng Cái, Uông Bí, huyện Hoành Bồ, Cô Tô, Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà). Các địa phương khác tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện để có thể triển khai mô hình này.

Đến năm 2021, tỉnh dự kiến thực hiện tinh giản 10% biên chế. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có; thực hiện nguyên tắc số công chức, viên chức được tuyển dụng mới không quá 50% số công chức, viên chức đã ra khỏi biên chế, trong đó dành từ 15% đến 20% để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; 50% số biên chế còn lại được cắt giảm, đưa vào biên chế dự phòng chung của tỉnh để điều hòa tổng số biên chế chung của tỉnh theo đúng số lượng đã được trung ương giao; giảm dần số lượng viên chức không làm nhiệm vụ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo (y tế, kế toán, thư viện…) theo hướng tăng cường kiêm nhiệm và hợp đồng lao động đối với một số vị trí phù hợp; tăng cường thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy với chính quyền ở những địa phương, đơn vị có điều kiện thuận lợi.

Trên cơ sở thực tiễn của tỉnh, đề xuất, kiến nghị với trung ương một số nội dung sau:

Thứ  nhất, theo quy định Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì tỉnh Quảng Ninh có 50 xã, phường, thị trấn được bố trí 2 phó chủ tịch UBND. Nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành quy định: xã loại I được bố trí 2 phó chủ tịch; xã loại II và loại III chỉ được bố trí 1 phó chủ tịch. Theo đó, 50 xã, phường, thị trấn này thuộc nhóm xã loại II và loại III nên chỉ được bố trí 1 phó chủ tịch UBND, do vậy sẽ thừa ra 50 phó chủ tịch UBND và phải thực hiện bố trí công việc khác. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; nếu 50 xã, phường, trị trấn này chỉ được bố trí 1 phó chủ tịch UBND sẽ khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ban Tổ chức trung ương báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép Quảng Ninh được giữ nguyên số lượng phó chủ tịch UBND ở các xã, phường, thị trấn như hiện nay.

Thứ  hai, sớm tham mưu xây dựng và thực hiện đề án nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo tinh thần Kết luận số 37 của Ban Chấp hành trung ương khóa X.

Thứ ba, tham mưu tăng cường phân cấp triệt để về quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế gắn với thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát và quy định rõ trách nhiệm quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2016).
  2. Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế;
  3. Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội;
  4. Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh
  5. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 31/3/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.