Xây dựng môi trường văn hóa tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk

(QLNN) – Xây dựng môi trường văn hóa trường học không chỉ phụ thuộc vào tinh thần, thái độ và tính tích cực của chủ thể nhà trường mà còn phụ thuộc vào nhận thức và năng lực tổ chức của nhà quản lý. Nhận thức được điều đó, những năm qua, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk luôn có ý thức xây dựng môi trường văn hóa nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà trường và chất lượng giáo dục toàn diện trong điều kiện phát triển và hội nhập hiện nay.        

 

Môi trường văn hóa tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số  3224/QĐ-BGD&ĐT ngày15/6/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật  Đắk Lắk.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ, giáo viên, diễn viên có trình độ từ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng các chuyên ngành thư viện, sáng tác, lý luận, thanh nhạc… và nhiều ngành nghề khác liên quan đến nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật khu vực Tây Nguyên. Chính vì vậy, nhà trường luôn có ý thức xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) nhằm nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng giáo dục toàn diện ở một số lĩnh vực cụ thể:

Một là, xây dựng, phát triển (XDPT) đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý: công tác XDPT đội ngũ cán bộ và giảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, bởi nó quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo cũng như định hướng phát triển của nhà trường. Tính đến ngày 01/12/2017, tổng số công chức, viên chức (CCVC), người lao động của trường là 122 người. Trong đó, “có 51 nam (chiếm 41,8%), 71 nữ (chiếm 58,2%); 9 dân tộc thiểu số (chiếm 7,4%); biên chế 108 người (chiếm 88,5%), lao động hợp đồng 14 người (chiếm 11,5%).Về trình độ chuyên môn: trường có 1 tiến sỹ, 40 thạc sỹ, 68 đại học, còn lại là trình độ khác”[1].

Hằng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch cử cán bộ quản lý đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị; cử giáo viên trẻ có năng lực đi nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng gắn với việc giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của CCVC, người lao động nhằm tạo mối đoàn kết gắn bó trong đơn vị.

Hai là, công tác quản lý học sinh, sinh viên (HSSV): toàn trường hiện có 275 HSSV gồm nhiều lớp với các chuyên ngành đào tạo khác nhau: sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, thanh nhạc, quản lý văn hóa, múa… Nhà trường thường xuyên duy trì công tác giáo dục toàn diện cho HSSV. Triển khai “Tuần sinh hoạt công dân”, phổ biến các nội quy, quy định của nhà trường, của Bộ Giáo dục và Đào tạo…, công khai mọi quyền lợi và nghĩa vụ của HSSV để các em thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi cũng như bổn phận của mình trong quá trình học tập ở trường.

Bên cạnh đó, trường còn tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với đại diện HSSV. Thực hiện tốt công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, tổ chức sinh hoạt lớp định kỳ, phổ biến các quy định của nhà trường và nắm bắt, xử lý kịp thời những tình huống phát sinh nhằm hạn chế thấp nhất việc HSSV vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế của nhà trường. Đồng thời, các hoạt động phong trào thường xuyên được tổ chức: “Ngày chủ nhật xanh”, “Hội thi hóa trang với chủ đề về môi trường”, Hội thi giọng hát hay học sinh, sinh viên” nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017)… Qua các hoạt động phong trào, HSSV ý thức hơn về việc xây dựng môi trường sống, môi trường học tập, môi trường thực hành nghệ thuật nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, gắn học tập với thực hành nghề nghiệp chuyên môn.

Ba là, về công tác nghiên cứu khoa học: đã thực hiện triển khai Đề án Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của Ủy ban nhân dân tỉnh. Ứng dụng giá trị văn hóa nghệ thuật, các loại hình nhạc cụ dân tộc, như: cồng, chiêng, nhạc cụ tre, nứa… của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vào chương trình giảng dạy của nhà trường; tổ chức các hội thảo khoa học, các chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và đúc rút sáng kiến kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn hoạt động dạy, học tại trường.

Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy. Trang website của Trường được nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý chung cũng như chất lượng công tác truyền thông và quảng bá hình ảnh hoạt động của nhà trường. Tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh. Kết quả năm 2017, trường được Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột công nhận danh hiệu “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhà trường gặp không ít khó khăn: cơ sở, vật chất, trang thiết bị giảng dạy, phòng học tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu thốn; dự án xây dựng trường mới chưa có vốn đầu tư; đội ngũ giảng viên có trình độ cao, chuyên sâu chưa nhiều; chưa đáp ứng  được điều kiện mở mã ngành đào tạo; chưa có chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên. Công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn, số lượng thí sinh dự thi vào trường giảm nhiều và chưa đạt chỉ tiêu. Tổ chức bộ máy của trường chưa hoàn thiện, năng lực quản lý điều hành và tham mưu của các phòng, khoa, ban, tổ chuyên môn còn có những bất cập.

Những hạn chế trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân: MTVH đô thị thành phố Buôn Ma Thuột có những tác động làm ảnh hưởng đến MTVH nhà trường; công tác xây dựng MTVH là nội dung rộng, có liên quan đến mọi hoạt động, mọi chủ thể của nhà trường nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, lúng túng, hiệu quả đạt được không cao; quy mô đào tạo của nhà trường với các hệ, bậc khác nhau nên mức độ nhận thức cũng khác nhau.

Đồng thời, vai trò của các tổ chức đoàn thể khi triển khai thực hiện đôi lúc còn hạn chế; công tác truyền thông chưa hiệu quả; công tác giám sát, đánh giá không thường xuyên; một bộ phận nhỏ sinh viên có lối sống thực dụng, giao tiếp – ứng xử chưa đúng mực với thầy cô, thiếu trung thực trong thi cử, ít quan tâm đến xây dựng và thực hiện MTVH trong nhà trường.

Đề xuất giải pháp xây dựng môi trường văn hóa Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk

Thứ nhất, tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho mọi thành viên trong trường. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc định hướng giá trị văn hóa, đạo đức. Cần xây dựng kế hoạch giáo dục chính trị, tư tưởng định kỳ hàng năm, hàng tháng cho toàn thể CCVC, người lao động và HSSV. Tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt theo chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu, diễn đàn, đối thoại, hội thảo… theo những chủ đề. Phòng Tổ chức cán bộ cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, định kỳ, thường xuyên và phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và chính quyền địa phương để tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động xã hội. Ban cán sự  lớp đôn đốc các thành viên hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động xã hội do nhà trường phát động và tổ chức.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động văn hóa của trường. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa nhằm thu hút đông đảo sinh viên tham gia vào các hoạt động đó bằng nội dung phong phú, phù hợp với lứa tuổi. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong toàn trường về các kế hoạch tổ chức như dùng các khẩu hiệu, pa nô, áp phích, thông báo trên loa, trên bản tin của trường, và có thể gửi lịch tổ chức, mục đích cũng như nội dung lên các lớp thông qua website, giảng viên chủ nhiệm, cán bộ lớp…

Thứ ba, ban hành quy định về xây dựng MTVH. Hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong sinh viên. Ban Giám hiệu xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để mỗi tập thể, cá nhân phấn đấu đạt được; đồng thời phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Thứ tư, tổ chức các phong trào thi đua trong sinh viên. Xây dựng quy định công tác sinh viên cho phù hợp với các tiêu chí cụ thể để đánh giá, xét khen thưởng tập thể lớp hàng năm. Phát huy tính tích cực, vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trong công tác xây dựng MTVH. Theo đó, các tổ chức Đoàn, Hội có biện pháp cụ thể vận động các đoàn viên, hội viên hiểu và tự giác thực hiện. Đồng thời,  phát hiện, biểu dương gương điển hình người tốt, việc tốt trong các phong trào để khích lệ kịp thời nhằm nhân rộng những nhân tố tích cực, có sức lan tỏa trong việc xây dựng MTVH lành mạnh.

Xây dựng MTVH trường học không chỉ phụ thuộc vào tinh thần, thái độ và tính tích cực của chủ thể nhà trường mà còn phụ thuộc vào nhận thức và năng lực tổ chức, xây dựng MTVH của nhà quản lý. Phát triển văn hóa nói chung và MTVH nhà trường nói riêng là góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà trường và chất lượng giáo dục toàn diện trong điều kiện phát triển và hội nhập hiện nay là vô cùng quan trọng.

Chú thích:
1. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Báo cáo số 455/BC-CĐVHNT ngày 12/12/ 2017 về kết quả thực hiện nội vụ năm 2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/9/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Lưu Kiếm Thanh. Tập bài giảng văn hóa hành chính. H. NXB Lao động, 2012.
                                                                                                    ThS. Nguyễn Thị Phi
                                                                            Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk