Đào tạo nguồn nhân lực hành chính cấp chiến lược – nhiệm vụ quan trọng của Học viện Hành chính Quốc gia

(QLNN) – Đào tạo nguồn nhân lực cấp chiến lược nói chung và nhân lực hành chính cấp chiến lược nói riêng hiện nay vẫn là một vấn đề mới ở nước ta. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi phải có chiến lược và sự nghiên cứu tỉ mỉ, chi tiết, đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng của cơ sở đào tạo nói riêng và sự quan tâm ủng hộ của cả hệ thống chính trị nói chung. Đây là nhiệm vụ cấp bách, cần phải nhanh chóng thực hiện nhằm hỗ trợ trực tiếp cho quá trình hoạch định và triển khai các ý tưởng cải cách hành chính, hướng tới một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trụ sở Học viện Hành chính Quốc gia tại số 77 – Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa – Hà Nội
Sự cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực chiến lược cho bộ máy hành chính nhà nước

Xác định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”nên trong tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác cán bộ, coi đó là một trong những yếu tố quyết định thành công của cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1996) đã khẳng định, đất nước đang chuyển sang một thời kỳ phát triển mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ ngang tầm cả về bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, năng lực, kỹ năng, được quan tâm xây dựng theo một chiến lược dài hạn, bài bản, khoa học.

Vì vậy, “toàn Đảng phải hết sức chăm lo xây dựng thật tốt đội ngũ cán bộ, chú trọng đội ngũ cán bộ kế cận vững vàng, đủ bản lĩnh về các mặt. Sớm xây dựng cho được một chiến lược cán bộ của thời kỳ mới”2 .

Thực hiện yêu cầu này, Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 18/6/1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” để thể chế hóa đường lối cán bộ của Đảng, nhằm tạo ra bước chuyển biến căn bản và toàn diện của đội ngũ cán bộ phục vụ cho tiến trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Qua hơn 20 năm thực hiện, Chiến lược này đã xác lập định hướng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, góp phần quan trọng hình thành một đội ngũ cán bộ vững mạnh, có phẩm chất và năng lực lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Về cơ bản, “chiến lược đã tạo bước chuyển biến căn bản và toàn diện của đội ngũ cán bộ trong hai thập kỷ và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, tạo khung thể chế cho sự định hình và phát triển đội ngũ cán bộ của thời kỳ phát triển mới của đất nước”3.

Thực trạng nguồn nhân lực hành chính hiện nay

Bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung và bộ máy hành chính nhà nước nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, cụ thể: chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” còn xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược có năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Những khuyết điểm, yếu kém nêu trên của đội ngũ cán bộ đã hạn chế việc phát huy khả năng, thế mạnh khi thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước; làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thậm chí có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu được xác định là: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh”4.

Xuất phát từ lý do này, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó khẳng định cán bộ cấp chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng, có trách nhiệm lớn đối với vận mệnh của Đảng, tương lai của đất nước, nhất là trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Những thay đổi trong bối cảnh chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và những tác động của cách mạng khoa học – công nghệ đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước những năng lực và phẩm chất mới, phải ở một tầm cao mới. Chính vì vậy, Đảng ta đã xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”5.

Học viện Hành chính Quốc gia (NAPA) và những hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực hành chính cấp chiến lược

Được thành lập từ năm 1959, Học viện Hành chính Quốc gia đã có gần 60 năm truyền thống, luôn giữ vị trí quan trọng là cơ sở đào tạo quốc gia về hành chính công và quản lý nhà nước. Vị trí này đã tiếp tục được khẳng định trong Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia, trong đó chỉ rõ: Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ, là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Trong quá trình đổi mới và tăng cường cải cách hành chính hiện nay, vị trí của Học viện trong ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức nói chung và ĐTBD nguồn nhân lực hành chính chiến lược nói riêng ngày càng được khẳng định. Trong tương lai, Học viện Hành chính Quốc gia sẽ hướng tới trở thành trung tâm ĐTBD cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực.

Học viện đang phấn đấu đảm nhận việc đào tạo nguồn nhân lực hành chính ở tầm chiến lược, đáp ứng các đòi hỏi của đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới, vừa có tư duy chiến lược để hoạch định chủ trương, đường lối, vừa có đủ năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ và có đủ bản lĩnh, phẩm chất chính trị, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Đây là yêu cầu cấp bách và khách quan, không chỉ để khẳng định vị trí cơ sở ĐTBD hàng đầu quốc gia, ngang tầm khu vực về hành chính mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Việc đào tạo nguồn nhân lực chiến lược cho bộ máy hành chính được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng với những mô hình hết sức khác nhau. Nhìn chung, ở hầu hết các nước phát triển đều có những chương trình đào tạo chuyên sâu cho các nhà quản lý công ở cấp chiến lược. Các khóa đào tạo nguồn nhân lực cấp cao (chiến lược) về hành chính hiện nay tại Học viện Hành chính Quốc gia đều hướng vào việc xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược cho đội ngũ nhân sự và thường được thực hiện theo hình thức gắn liền việc đào tạo với thực tiễn quản lý.

Một trong những mô hình được nhắc tới nhiều là mô hình đào tạo cán bộ lãnh đạo nguồn tại Đại học Khoa học Hành chính Đức Speyer có tên gọi là Chương trình Đào tạo lãnh đạo (FKS). Mục tiêu của chương trình đào tạo được thiết kế gồm 12 tuần học kéo dài trong hai năm và đào tạo nâng cao cho các nhà quản lý hành chính chiến lược tiềm năng để đảm nhận các vị trí chủ chốt trong bộ máy hành chính.

Việc thiết kế chương trình ngắt quãng, không liên tục giúp cho các nhà quản lý có khả năng đối chứng và vận dụng các kiến thức được học vào môi trường làm việc thực tiễn, nâng cao tính ứng dụng của chương trình. Địa điểm học thường được thực hiện tại Đại học Khoa học Hành chính Đức Speyer nhưng tùy điều kiện cụ thể có thể diễn ra tại các bang có học viên tham gia và trong mỗi khóa học đều có đi thực tiễn ở nước ngoài hoặc khảo sát tại các tập đoàn tư nhân lớn nhằm mở rộng tầm nhìn và tư duy chiến lược cho học viên.

Hay chương trình ĐTBD cán bộ, công chức hợp tác với Tổ chức Hỗ trợ Đại học thế giới (WUS) – CHLB Đức trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học hành chính công, mục tiêu của chương trình nhằm phát triển hợp tác trong ĐTBD và nghiên cứu của các bên trên cơ sở bình đẳng, hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

WUS hỗ trợ NAPA kết nối với các cơ sở giáo dục, đào tạo khác trên thế giới nhằm triển khai các hoạt động hợp tác sau: trao đổi chuyên gia, giảng viên; ĐTBD nâng cao năng lực cho giảng viên của Học viện; liên kết đào tạo cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ; tổ chức chương trình bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo; thực hiện các chương trình nghiên cứu chung; phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học; WUS giới thiệu, cử chuyên gia tình nguyện quốc tế đến giảng dạy tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Hợp tác đào tạo giai đoạn 2016 – 2018 giữa NAPA và Trung tâm Đào tạo Cấp cao (CHEMI), Cộng hòa Pháp. Chương trình hợp tác nhằm đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt là áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến trong ĐTBD cán bộ, công chức tại Việt Nam.

Chương trình liên kết đào tạo giữa NAPA và Trường Đại học Tổng hợp Tampere (Phần Lan) đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ hợp tác với Đại học Tampere – Phần Lan. Mục đích của liên kết hợp tác nhằm cung cấp Chương trình Thạc sỹ Chính sách công và Quản lý tài chính công tại Việt Nam thông qua sự hợp tác lẫn nhau. Xem xét mở rộng việc hợp tác đào tạo thêm nhiều lĩnh vực mới.

Thỏa thuận hợp tác văn hóa và khoa học giữa Trường Đại Học Sannio (I-ta-li-a) và NAPA. Hợp tác diễn ra nhằm xác định mục đích có lợi chung đối với cả hai bên, đó là sự cần thiết trong việc thiết lập một hình thức thích hợp trong chương trình trao đổi đối với lĩnh vực kinh tế và quản lý công.

Bản ghi nhớ giữa NAPA với Trường Công vụ và Môi Trường thuộc Đại học Indiana Bloomington. Mục đích của sự hợp tác nhằm nâng cao trình độ trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu quản lý nhà nước và chính sách công giữa hai tổ chức với khuôn khổ các cấu trúc và nguồn lực tài chính của hai bên.

Nhiều chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực hành chính cấp chiến lược cho đội ngũ cán bộ, công chức của Việt Nam với các đối tác chất lượng, uy tín là các tổ chức hành chính, các trường đại học có chuyên ngành chính sách công, hành chính công, quản lý nhà nước mà Học viện Hành chính Quốc gia đang nỗ lực đàm phán và đi đến ký kết hợp tác đào tạo trong tương lai gần nhằm nâng cao và hoàn thiện hơn nữa nguồn nhân lực hành chính cấp chiến lược của nước ta.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Học viện cần có sự đổi mới toàn diện và mạnh mẽ, không chỉ trong tư duy về bồi dưỡng mà cả trong xây dựng chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cách thức quản lý hoạt động bồi dưỡng và cả trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất. Để  bảo đảm giữ vững vị thế là cơ sở ĐTBD tầm quốc gia về hành chính như Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg đã xác định và để Học viện phát triển xứng đáng ngang tầm khu vực, cần nhanh chóng nghiên cứu để triển khai chương trình đào tạo này vào thực tiễn.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 269, 273.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr.10.
3. Phạm Minh Chính. 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta. https://www.nhandan.com.vn, ngày 06/5/2018.
4, 5. Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.


PGS.TS.  Đặng Khắc Ánh
Học viện Hành chính Quốc gia