Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Yên Bái trong hội nhập kinh tế quốc tế

(QLNN) – Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc, nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ. Sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, diện mạo vùng nông thôn ở Yên Bái đã thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống nông dân được cải thiện, nhiều nét đẹp giá trị văn hóa được phát huy… Tuy nhiên, tại các tỉnh miền núi nói chung và Yên Bái nói riêng, xây dựng nông thôn mới vẫn còn là bài toán khó vì mức hoàn thành các chỉ tiêu còn khá khiêm tốn.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu xây dựng 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nguồn: Theo Báo Yên Bái, https://nongthonmoihatinh.vn).

Một số thành tựu đạt được trong thời gian qua

Giai đoạn 2011 – 2015 đã ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ của công cuộc xây dựng NTM ở tỉnh Yên Bái, thể hiện rõ nét qua các mặt cụ thể:

Về công tác lập quy hoạch và phát triển sản xuất

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM cho 152/152 xã (tổng kinh phí thực hiện: 17.480 triệu đồng, bình quân 115 triệu đồng/xã). Đồng thời, trên cơ sở các đề án quy hoạch được phê duyệt, năm 2013, đã hoàn thành việc phê duyệt đề án xây dựng NTM cho tất cả 152 xã trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong 5 năm qua, Yên Bái đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình sản xuất lúa chất lượng quy mô 50 ha tại huyện Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ; mô hình dâu tơ tằm tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên… Ngoài ra, còn xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân bảo đảm sản xuất hàng hóa ổn định, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nông thôn, như: mô hình trồng tre măng xã Bát Độ, huyện Trấn Yên; trồng ớt tại xã Tuy Lộc – thành phố Yên Bái…

Theo báo cáo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2014. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 50 xã, chiếm 33% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo còn 16,5%; có 20/152 xã đạt tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp mỗi năm giảm khoảng 2 – 3%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn khoảng 76% (tỷ lệ lao động nông nghiệp có việc làm thường xuyên bình quân đạt 85%); có 85/152 xã đạt tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Hình thức tổ chức sản xuất, có 136 hợp tác xã nông nghiệp, 2.500 tổ hợp tác, 19 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Đến hết năm 2015, có 65/152 xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất.

Xây dựng hạ tầng thiết yếu

– Tỉnh đã hoàn thành việc kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng với tổng chiều dài đạt trên 580 km và mở mới nền đường với chiều dài trên 1.180 km, vượt mục tiêu Đề án đề ra. Việc xây dựng đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào, được người dân nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 25/152 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

– Về thủy lợi, đã sửa chữa, nâng cấp, làm mới 405 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư là 835,4 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh có 3.403 công trình thủy lợi vừa, nhỏ và công trình tạm, cấp nước tưới cho hơn 17.000 ha lúa vụ đông xuân, 19.598 ha lúa vụ mùa. Năm 2015 có 90/152 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi.

– Về điện nông thôn, đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng thường xuyên an toàn từ các nguồn điện trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 80%, có 136/152 xã đạt tiêu chí số 4 về điện. Hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa; việc kết nối mạng internet tốc độ cao đến được hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã. Người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông phổ cập; toàn tỉnh có  110/152 xã đạt tiêu chí số 8 về bưu điện.

– Về xây dựng chợ nông thôn, đã xây dựng quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh và định hướng đến năm 2020, trong đó có 121/152 xã được quy hoạch chợ. Đến nay, toàn tỉnh có 3/152 xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn.

– Đối với trường học các cấp, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình công tác giáo dục và đào tạo liên tục phát triển, số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia khu vực nông thôn là 83/453 trường, đạt 18,3%, toàn tỉnh có 27/152 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học.

– Trong các công trình văn hóa, đã có 63 công trình văn hóa (trong đó, 57 nhà văn hóa thôn, 6 nhà văn hóa xã); 62 công trình thể thao (6 khu thể thao xã và 56 khu thể thao thôn). Hiện trên địa bàn tỉnh có 8/152 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.

Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường

– Về giáo dục, đào tạo: tỷ lệ học sinh ở các cấp học năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 45%, có 95/152 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục.

– Về y tế: việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn ngày càng được quan tâm, phục vụ tốt hơn; toàn tỉnh hiện có  83% người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, có 55/152 xã đạt tiêu chí số 15 về y tế.

– Về văn hóa và bảo vệ môi trường, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh được phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức, trên 70% thôn, xóm được công nhận làng văn hóa, 45/152 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa và 11/152 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường.

– Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị – xã hội, có 134/152 xã đạt tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị.

– An ninh trật tự xã hội được giữ vững, phong trào toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự được đẩy mạnh, có 151/152 xã đạt tiêu chí số 19 về an ninh trật tự.

Một số hạn chế trong thực hiện

Một là, điểm xuất phát của tỉnh Yên Bái khi tiếp cận triển khai chương trình là rất thấp, chủ yếu các xã mới đạt được các tiêu chí về: hệ thống chính trị, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, văn hóa, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, kinh tế phần lớn đều chưa đạt.

Hai là, cấp ủy, chính quyền ở một số cơ sở còn cứng nhắc trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình; chưa nhận thức đúng, chỉ đạo đúng về thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cụ thể, xác định xây dựng NTM là chỉnh trang lại vùng nông thôn, trên cơ sở kế thừa và phát huy những công trình hạ tầng kinh tế – xã hội hiện có chứ không phải là phá bỏ cái cũ để xây dựng cái mới.

Ba là, nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân về chương trình chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư.

Bốn là, trình độ đội ngũ cán bộ địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế so với yêu cầu xây dựng NTM.

Năm là, vấn đề phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân được xác định là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình, song quá trình triển khai thực hiện vẫn còn chậm, chưa thực sự nổi bật và còn thiếu tính bền vững.

Một số giải pháp đặt ra trong giai đoạn tới

Xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và có tác động rõ rệt đến khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vì vậy, để quá trình xây dựng NTM thành công, trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền gắn liền với cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM và phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM… Đồng thời, tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; trước mắt, ưu tiên tập trung hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho các xã điểm, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ xây dựng NTM các cấp (nhất là cán bộ cấp xã và thôn, bản).

Thứ ba, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể và đẩy mạnh liên kết sản xuất; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, điều kiện cụ thể và lợi thế sản xuất của từng nơi. Kết hợp giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và triển khai trên diện rộng. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển hạ tầng thiết yếu cho các xã đã đăng ký và có khả năng phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020.

Thứ tư, nhu cầu vốn đầu tư Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái rất lớn, nhưng là tỉnh nghèo, việc huy động nguồn vốn đầu tư của địa phương cho Chương trình còn hạn chế. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần dành kinh phí bình quân hằng năm cho tỉnh khoảng 180 – 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế trao quyền chủ động trong việc lựa chọn tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ và định mức phân bổ nguồn vốn đầu tư, xây dựng NTM tại địa phương nhằm phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/ 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái. Báo cáo tổng kết thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái. Báo cáo tổng kết công tác năm 2015.

ThS. Trần Thị Thanh Huyền
Học viện Hành chính Quốc gia