Tôn trọng và lắng nghe ý kiến người dân

(QLNN) – Việc ban hành và thực thi Kế hoạch số 305-KH/TU ngày 29/8/2019 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về “Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước”(Kế hoạch 305) đã mang lại hiệu quả, thể hiện rõ tinh thần cầu thị và tôn trọng nhân dân của lãnh đạo thành phố.
Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh với chủ tịch 322 phường xã, thị trấn của thành phố, diễn ra ngày 18/1/2020. (Ảnh minh họa)
Lắng nghe Nhân dân – rõ và thực chất

Trong năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII nói chung, chuyên đề năm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nói riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị triển khai nghiêm túc, góp phần đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong đó, việc ban hành và thực thi Kế hoạch 305, thể hiện rõ tinh thần cầu thị, tôn trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp nhân dân để phát triển thành phố.

Để việc lắng nghe dân thực chất, có chiều sâu và phát huy tinh thần dân chủ, thực chất, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các sở, ban, ngành và cả hệ thống chính trị thành phố cùng phối hợp triển khai, thực hiện Kế hoạch 305, tổng hợp ý kiến và báo cáo định kỳ hằng tuần cho Thường trực Thành ủy. Thành ủy tổ chức các buổi lãnh đạo thành phố gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Chủ trì những buổi gặp là Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan. Thời gian lấy ý kiến đại biểu theo chuyên đề, lĩnh vực, các giới là mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần (đến hết tháng 12-2019). Mỗi cuộc tiếp xúc kéo dài khoảng ba giờ. Đại biểu được mời lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân thành phố (5-8 đại biểu/buổi), bao gồm: cán bộ nghỉ hưu, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà quản lý, đoàn viên, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân, phụ nữ, doanh nghiệp, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, độc giả, khán thính giả trong và ngoài nước… Người dân có thể góp ý trực tiếp thông qua cấp ủy cơ sở, các đoàn thể chính trị – xã hội đại diện các giới, các ngành, các lĩnh vực; hoặc gửi ý kiến trực tiếp về Ban Tuyên giáo Thành ủy theo địa chỉ số 127 Trương Định, phường 7, quận 3 hoặc gửi vào hộp thư điện tử vp.btgtu@tphcm.gov.vn. Người dân có thể tham gia ý kiến trên diễn đàn báo chí thông qua các chuyên trang, chuyên mục, các chương trình triển khai trên tất cả các loại hình báo chí của các cơ quan báo chí thành phố và một số cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Việc góp ý thông qua những diễn đàn tổ chức trên báo chí là từ tháng 9-2019 đến tháng 3-2020.

Bám sát vấn đề người dân quan tâm

Theo tinh thần của Kế hoạch 305, tất cả ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân đều được nghiên cứu, tổng hợp, phân loại để trình lãnh đạo thành phố xem xét chỉ đạo và phân công các cơ quan liên quan giải quyết thấu đáo. Cụ thể là về các giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng xã hội, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa – thể thao, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo gắn với giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân như: ngập nước, kẹt xe, an toàn giao thông, cải tạo kênh rạch, xử lý rác thải, tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách hành chính….

Theo Kế hoạch 305, để có thêm các kênh tham gia khảo sát, tiếp nhận ý kiến nhân dân, thành phố sẽ tổ chức hai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội về kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 và những kỳ vọng của nhân dân thành phố trong nhiệm kỳ 2020-2025. Việc thu thập thông tin được thực hiện bằng 3 hình thức: phiếu xin ý kiến; phỏng vấn sâu; phân tích vấn đề. Ngoài ra, cuộc khảo sát còn sử dụng hình thức khảo sát trực tuyến. Cụ thể, gửi thu thập ý kiến ngẫu nhiên thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo… hoặc các ứng dụng như: Viber, iMessage, Facebook, Messenger,…

Hằng tuần, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổng hợp và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất tiếp thu những ý kiến phù hợp, xác đáng; đề xuất giải pháp triển khai các ý tưởng, nội dung góp ý của người dân để tham mưu Thường trực Thành ủy; đồng thời, cùng các sở, ban, ngành thành phố tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung đề án, chương trình, kế hoạch phục vụ công tác biên soạn văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Với những ý kiến mang tính giải pháp đột phá, thiết thực, những hiến kế có giá trị cao, lãnh đạo thành phố trực tiếp gặp, lắng nghe và cùng trao đổi với người dân. Cùng với đó,  Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các đơn vị có liên quan để thẩm định, đề xuất với lãnh đạo thành phố hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với những sáng kiến, góp ý thiết thực, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và luôn sáng tạo đi đầu cùng cả nước, vì cả nước.

Cùng với việc thực hiện Kế hoạch 305, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cũng đã mở fanpage “Cổng tiếp nhận ý kiến nhân dân” trên mạng xã hội Facebook và tài khoản: “Cổng tiếp nhận ý kiến nhân dân” trên mạng xã hội VCNET, để tiếp nhận, ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Thông qua các kênh thu thập nêu trên, lãnh đạo thành phố không chỉ lắng nghe ý kiến đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã đề ra mà còn mong muốn tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp và trân trọng các ý kiến mang tính giải pháp, những sáng kiến thiết thực, khả thi, những văn bản, chuyên đề, kế hoạch hoặc bài viết có giá trị với mục đích chung vì sự phát triển của thành phố, góp phần xây dựng văn kiện chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 phù hợp thực tiễn địa phương.

Nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác

Việc thực hiện Kế hoạch 305 đã cho thấy, lắng nghe ý kiến nhân dân là một trong những yếu tố góp phần nâng cao năng lực công tác của mỗi cán bộ, đảng viên; đồng thời, thể hiện trách nhiệm của những người được ủy thác trọng trách đối với sự tín nhiệm của người dân. Bám sát địa bàn cơ sở, hướng về nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân được thể hiện thông qua nhiều kênh tiếp xúc, trao đổi, giải quyết đơn thư, hội nghị lấy ý kiến cử tri; từ các phương tiện truyền thông, các diễn đàn đối thoại với người dân trong hơn 3 tháng qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của lãnh đạo thành phố.

Thông qua đó, góp phần khắc phục một số biểu hiện “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch 305 và để việc lắng nghe ý kiến nhân dân tốt hơn, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, các cấp, các ngành chức năng của thành phố công khai, minh bạch thông tin về các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…; cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời đến công chúng để không chỉ góp phần định hướng dư luận xã hội mà còn giúp người dân nắm bắt, chủ động tham gia tích cực trong quá trình giám sát và phản biện. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, hạn chế các luồng thông tin không chính thống, bóp méo và xuyên tạc tính đúng đắn của các chính sách.

Hai là, tăng cường việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi, rộng rãi để người dân được nói lên ý kiến của mình để lan tỏa hơn nữa hoạt động đối thoại với nhân dân. Đổi mới hình thức tiếp xúc với nhân dân thông qua đối thoại trực tiếp; trong đó, muốn được nghe hết ý kiến của nhân dân, khi tiếp dân, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ cần có thái độ khiêm nhường, hòa nhã, tôn trọng mà còn phải thể hiện sự chia sẻ, cảm thông, sẵn sàng hợp tác, tránh những thành kiến ban đầu và các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, trịch thượng.

Ba là, để được nghe đúng, nghe hết, hiểu đúng, hiểu hết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên khi tiếp dân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định trong mọi tình huống; có phong cách làm việc “gần dân, trọng dân, sát dân”, có kỹ năng lắng nghe để được “nghe đúng, nghe đủ, nghe đa chiều” trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan. Trong công tác và khi tiếp dân phải luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, thống nhất giữa nói và làm, khắc phục các biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, hành chính hóa để được “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, các chuyên trang chuyên mục như: Diễn đàn “Thành phố Hồ Chí Minh lắng nghe để phát triển” trên báo Sài Gòn Giải Phóng; “Tiếp nhận ý kiến của nhân dân xây dựng phát triển thành phố” trên báo Tuổi Trẻ;  “Nghe người dân hiến kế” trên báo Người Lao Động; “Góp ý, hiến kế xây dựng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” của báo Phụ nữ Thành phố; nội dung “Hiến kế xây dựng Thành phố phố Hồ Chí Minh” trong phần Sự kiện trên báo Pháp Luật Thành phố. Đồng thời, tăng cường tuyến tin bài như: “Cần thêm các giải pháp chống ngập”, “Nghe dân để phát triển vì dân”, “Tiếp nhận ý kiến của nhân dân đóng góp cho xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” trên báo Công An Thành phố và “Tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sáng tạo đi đầu”, “Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận các đề xuất, sáng kiến của nhân dân góp phần phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”, “Góp ý xây dựng Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vững mạnh, đô thị thông minh”, “Từng công dân phải có trách nhiệm với thành phố” trên Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố… để không chỉ tiếp thu những ý kiến của nhân dân mà còn góp phần khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống chính trị của thành phố.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện Kế hoạch 305 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của lãnh đạo thành phố nói riêng và cả hệ thống chính trị thành phố nói chung. Những đổi thay tích cực từ sự lắng nghe nhân dân, bám sát những gì người dân tâm tư, mong muốn của cán bộ, đảng viên và lãnh đạo thành phố cũng chính là sự thấm nhuần lời dạy của Bác và thể hiện tốt hơn vai trò “công bộc” đối với nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển thành Hồ Chí Minh văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình cùng cả nước, vì cả nước./.

Huỳnh Ngọc
Nguồn: Tuyengiao.vn