Bình đẳng giới trong tuyển dụng lao động- Từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai

(QLNN) – Thực tiễn qua 12 năm triển khai Luật Bình đẳng giới, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần phải xem xét, đánh giá để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, đặc biệt trong hoạt động tuyển dụng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức Hội chợ việc làm năm 2018 (nguồn: https://baogialai.com.vn).

Thực trạng vấn đề bình đẳng giới trong tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Luật Bình đẳng giới (BĐG) năm 2006 là văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm BĐG giữa nam – nữ ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, BĐG về lao động được xem là nội dung vô cùng quan trọng giúp cho nữ giới ổn định cuộc sống cũng như góp phần xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội. Thực tiễn qua 12 năm triển khai Luật BĐG, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần phải xem xét, đánh giá để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền BĐG trong lĩnh vực lao động, đặc biệt trong hoạt động tuyển dụng

Tính đến  hết ngày 31/12/2017, toàn tỉnh Gia Lai có 199.300 người lao động làm việc ở các đơn vị kinh tế, riêng khối doanh nghiệp (DN) có 60.628 người, trong đó lao động nữ (LĐN)  chỉ chiếm 23,19% 1. Số liệu này cho thấy tỷ lệ nữ giới tham gia vào các DN trên địa bàn còn rất thấp so với nam giới.

Năm 2018, tỉnh Gia Lai đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 25.500 người đạt 102,2% kế hoạch, tăng 1,9% so với cùng kỳ2.

Ảnh minh họa (nguồn: https://baogialai.com.vn).

Năm 2019, số lao động được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 25.570 người lao động, đạt 101,4% kế hoạch, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 20183. Kết quả này là sự nỗ lực của các cấp, các ngành đoàn thể và đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ việc làm, đem lại ý nghĩa quan trọng trong công tác tạo việc làm nói chung, thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực lao động nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Qua phân tích hoạt động tuyển dụng bằng các thông tin tuyển dụng được thống kê (chủ yếu tại các đơn vị kinh tế) tại Trung tâm dịch vụ việc làm Gia Lai (xem bảng số liệu cuối bài), cũng đánh giá về cung – cầu lao động tại Gia Lai qua các năm, cho thấy:

Thứ nhất, về xu hướng tuyển dụng của người sử dụng lao động (NSDLĐ) tại Gia Lai. Nhìn chung, NSDLĐ có xu hướng tuyển dụng nam giới nhiều hơn nữ giới. Phân chia theo nghề nghiệp thì chủ yếu NSDLĐ có nhu cầu tuyển nữ giới vào các ngành nghề như: may – giày da – dệt – nhuộm – thiết kế thời trang; nhà hàng – khách sạn – du lịch hay lĩnh vực giáo dục. Trong khi đó, những ngành nghề như: luật – bảo hiểm – tư vấn – bảo vệ – vận tải … lại chủ yếu là tuyển dụng nam giới. Thậm chí, ngành nghề: nông nghiệp – lâm nghiệp – khai khoáng tưởng như rất phù hợp với nữ giới nhưng thực tế NSDLĐ lại có mong muốn tuyển dụng nam giới nhiều hơn.

Thứ hai, về định hướng lựa chọn nghề nghiệp của LĐN. Dựa vào báo cáo qua các năm, có thể thấy LĐN ở Gia Lai thường lựa chọn việc làm trong các lĩnh vực như: tài chính – ngân hàng – kế toán – kiểm toán (năm 2017 chiếm 87,8%; năm 2018 là 59%; năm 2019 là 27,9) hoặc những ngành nghề như: may – giày da – dệt – nhuộm – thiết kế thời trang. Trong khi đó, nghề phi nông nghiệp như: nhà hàng – khách sạn – du lịch lại không phải là xu hướng lựa chọn của nữ giới.

Thứ ba, về nội dung đăng tuyển dụng. Hoạt động tuyển dụng của NSDLĐ được quy định tại Nghị định số 03/2014/NĐ-CP hướng dẫn Bộ Luật Lao động về việc làm quy định về trình tự tuyển dụng lao động. Theo đó, đơn vị tuyển dụng cần thông báo công khai nhu cầu tuyển dụng ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động những nội dung sau: (1) Nghề, công việc, trình độ chuyên môn, số lượng cần tuyển;(2) Loại hợp đồng dự kiến giao kết; (3) Mức lương dự kiến; (4) Điều kiện làm việc cho từng vị trí công việc. Theo quy định này, sự lựa chọn về giới không phải là yếu tố cần thông báo. Mặc dù, quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử về giới trong tuyển dụng

Lao động nữ tại Gia Lai được tư vấn việc làm và tham gia tuyển dụng (theo: https://baogialai.com.vn).

Qua nghiên cứu, tác giả thống kê được trong các năm 2018, 2019 có 361 đơn vị đăng thông báo tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm thì có tới 102 thông tin tuyển dụng có điều kiện (một số điều kiện về độ tuổi, thâm niên công tác, có smartphone phục vụ công việc đặc thù…). Trong đó, cá biệt có những trường hợp đưa ra điều kiện:“chưa có gia đình”, “ưu tiên có con cái rồi”, “phát âm dễ nghe”, “nặng trên 50kg”,“độ tuổi từ 35 trở xuống”. Mặc dù không nêu rõ tiêu chí “chỉ tuyển nam” với công việc đó, song, với những điều kiện không liên quan đến nội dung công việc như trên vô hình chung đã làm nữ giới rơi vào tình huống khó xử (hoặc làm việc hoặc kết hôn). Rõ ràng, những điều kiện này đang là biểu hiện của sự phân biệt đối xử đối với nữ giới trong cơ hội tìm kiếm việc làm.

 Đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng từ thực tiễn tỉnh Gia Lai

Tại Gia Lai, vẫn tồn tại sự chênh lệch về kết nối cung – cầu lao động giữa người lao động và NSDLĐ. Nữ giới của tỉnh luôn có nhu cầu tìm kiếm việc cao hơn nam giới, song, đơn vị tuyển dụng lại có chiều hướng tìm nam lao động hơn là nữ lao động,

Nữ giới nói chung và tại Gia Lai nói riêng đang có nguy cơ mất cơ hội tìm kiếm việc làm xuất phát từ chính những yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt những yêu cầu có liên quan đến yếu tố đặc thù về giới của LĐN. Giới hạn về độ tuổi tuyển dụng cũng là một trong những thách thức với nữ giới, khi mà khả năng tìm kiếm việc của nữ giới càng hạn chế khi tuổi càng cao và pháp luật cho phép NSDLĐ tự đưa ra điều kiện làm việc cho từng vị trí mà mình tuyển dụng.

Những phân tích trên cho thấy, tại thị trường lao động Gia Lai người phụ nữ vẫn đang bất lợi hơn so với nam giới trong việc tìm kiếm việc làm một cách bền vững. Do vậy, để góp phần thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực tuyển dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, xin đề xuất một số những giải pháp như sau:

Một là, cần có sự bổ sung quy định pháp luật về các hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong hoạt động tuyển dụng lao động. Đặc biệt nghiêm cấm khi NSDLĐ có những yêu cầu không liên quan đến nội dung thực hiện hợp đồng lao động nếu trúng tuyển. Ví dụ như sự khống chế về độ tuổi, đòi hỏi thể hiện sự kỳ thị khi nữ giới thực hiện quyền kết hôn hay quyền mang thai…

Hai là, tăng cường sự quản lý của cơ quan nhà nước. Cần có sự thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là quy định những biện pháp nhằm kiểm soát thực hiện BĐG trong tuyển dụng lao động. Nếu cần thiết, phải xử lý vi phạm, áp dụng các chế tài để răn đe NSDLĐ khi vi phạm nghĩa vụ bảo vệ LĐN về quyền có việc làm thông qua tuyển dụng lao động làm hạn chế khả năng tìm kiếm cơ hội việc làm cho LĐN.

Ba là, nâng cao nhận thức về vai trò của nữ giới khi tham gia vào phát triển kinh tế, đồng thời dần xóa bỏ định kiến về giới trong lĩnh vực lao động – việc làm để góp phần tạo điều kiện cho nữ giới được tham gia vào các quan hệ kinh tế. Đẩy mạnh tuyên truyền đối với đơn vị sử dụng lao động về các chính sách của Nhà nước liên quan đến BĐG, đồng thời khuyến khích DN có cơ chế tạo động lực cho nữ giới trở thành người lao động tại DN với những cơ hội làm việc bền vững.

Xuất phát từ những đặc điểm riêng vốn có của nữ giới cùng với định kiến giới đã tồn tại lâu đời làm cho LĐN trở thành đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, LĐN đã và chắc chắn sẽ là một lực lượng đông đảo trên thị trường lao động. Vì thế, bảo đảm bảo BĐG, không bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng chính là yếu tố đầu tiên góp phần tạo cơ hội cho nữ giới tham gia vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Chú thích:
1. Cục Thống kê tỉnh Gia Lai. Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 của tỉnh Gia Lai.
2. Báo cáo số 37 ngày 12/12/2018 của Sở Lao độngThương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019.
3. Báo cáo số131, ngày 4/11/2019 của Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai về Tổng kết công tác Lao động – Thương binh và xã hội năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Luật Lao động năm 2012.
2. Luật Bình đẳng giới năm 2006.
3. Báo cáo số 32 ngày 17/12/2017 của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai về tình hình cung cầu lao động năm 2017, dự báo năm 2018.
4. Báo cáo số 29 ngày 21/12/2018 của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai về tình hình cung cầu lao động năm 2018, dự báo năm 2019.

Trịnh Thị Thu Hiền
Trường Đại học Tôn Đức Thắng