Kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công tỉnh An Giang

 (QLNN) – Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là cơ quan đầu mối tập trung thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, tổ chức giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định được thành lập theo Quyết định số 1140/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh An Giang 1.

Khu làm việc của Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang (nguồn: http://tthanhchinhcong.angiang.gov.vn).

Công tác thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua

Thứ nhất, về công khai, niêm yết hồ sơ và phối hợp trong giải quyết, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC).

Trung tâm luôn chủ động và tích cực thực hiện công khai, minh bạch thông tin về TTHC và giải quyết TTHC bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực trong hoạt động, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin về TTHC, từ đó việc giải quyết TTHC được thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng hơn và góp phần rút ngắn thời gian, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, trước hạn.

Chẳng hạn, Trung tâm đã tham mưu Văn phòng UBND tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm (thay thế Quyết định số 412/QĐ-UBND ngày 28/02/2018 của UBND tỉnh An Giang), trong đó, thực hiện đúng theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, quy định cụ thể, chi tiết về nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm của Trung tâm, trách nhiệm của sở, ban, ngành thuộc tỉnh và các cơ quan ngành dọc trong quá trình phối hợp giải quyết TTHC. Qua đó, số TTHC được công bố năm 2018 là: 1.312 thủ tục với 124 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ban, ngành tỉnh và số thủ tục không thực hiện tiếp nhận tại Trung tâm là 177 thủ tục (Quyết định số 2377/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)2.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã giải quyết 1.401 thủ tục với 129 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 18 sở, ban, ngành tỉnh và cơ quan ngành dọc, số thủ tục không thực hiện tiếp nhận tại Trung tâm là 116 thủ tục. Trung tâm cũng đã triển khai đồng bộ các dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC như: ngân hàng Vietinbank thu hộ phí, lệ phí giải quyết TTHC cho các sở, ban, ngành tỉnh và cơ quan ngành dọc trong 6 tháng đầu năm 2019 khoảng 4 tỷ đồng; Bưu điện thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ 3.373 hồ sơ và chuyển kết quả 5.833 hồ sơ3.

Thứ hai, về đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khi đến thực hiện TTHC tại Trung tâm.

Việc triển khai hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của Trung tâm thời gian qua đạt kết quả tích cực về tỷ lệ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hài lòng khi giải quyết TTHC tại Trung tâm. Trung tâm đã nhận được 2.928 lượt ý kiến đánh giá của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC tại Trung tâm. Kết quả nhận được đa số đều đánh giá hài lòng về chất lượng dịch vụ (884 lượt), hài lòng về thái độ phục vụ (2.003 lượt), số còn lại không hài lòng với nghiệp vụ của nhân viên (19 lượt) và không hài lòng về thời gian giao dịch (9 lượt)4. Hoạt động của Trung tâm ngày càng phát huy hiệu quả, xây dựng được lòng tin và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, góp phần làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh An Giang (Ảnh: HỮU HUYNH)

Thứ ba, về ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC.

Công tác tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Trung tâm được thực hiện thông qua phần mềm một cửa điện tử IGate của Viễn Thông An Giang, kết nối từ Trung tâm đến các sở, ban, ngành bảo đảm liên thông. Quy trình theo dõi việc giải quyết hồ sơ TTHC được thực hiện trên phần mềm một cửa điện tử, bảo đảm thông suốt từ khâu hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đến trả kết quả hồ sơ, vừa mang lại tiện ích cho công dân, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Phần mềm một cửa điện tử của tỉnh bảo đảm cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo quy định của Chính phủ.

Ngoài hệ thống phần mềm một cửa điện tử IGate, tại Trung tâm còn triển khai các phần mềm hỗ trợ như: hệ thống camera giám sát; hệ thống tra cứu thông tin bằng mã vạch; hệ thống công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục; hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân đến thực hiện TTHC; hệ thống quản lý thu phí, lệ phí, kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến.

Thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận 22.906 hồ sơ. Lĩnh vực giải quyết hồ sơ nhiều nhất thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, Sở Công thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư. Lĩnh vực giải quyết hồ sơ ít nhất là Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý khu kinh tế, Sở Tài chính và Sở Thông tin và Truyền thông, trong đó: hồ sơ đã xử lý và trả kết quả là 21.818 hồ sơ (đúng hạn 21.793 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 99,8%; trễ hạn 25 hồ sơ, tỷ lệ 0,2%); hồ sơ TTHC tiếp nhận và xử lý theo phương thức trực tuyến: mức độ 2 (13.181 hồ sơ, tỷ lệ 57,5%), mức độ 3 (9.499 hồ sơ, tỷ lệ 41,5%) và mức độ 4 không đáng kể (226 hồ sơ, tỷ lệ 1%).

Một số sở, ban, ngành tỉnh có sự điều chỉnh cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm như: Sở Tư pháp (1 người), Sở Xây dựng (1 người), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1 người). Tiếp nhận thêm viên chức của Bảo hiểm xã hội (1 người). Trung tâm đã bảo đảm máy móc, trang thiết bị và các điều kiện khác để Bảo hiểm xã hội tỉnh về thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm. Bên cạnh đó, xây dựng quy chế và tiến hành nhận xét, đánh giá công chức, viên chức sở, ban, ngành tỉnh làm việc tại Trung tâm. Cử viên chức Trung tâm luân phiên mỗi ngày (02 người) để hỗ trợ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp kê khai hồ sơ giấy và nộp hồ sơ trực tuyến khi thực hiện TTHC tại Trung tâm. Kết quả có hơn 2.000 hồ sơ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp được hỗ trợ kê khai hồ sơ giấy và nộp trực tuyến, thủ tục, nhiều nhất là lý lịch tư pháp5.

Với sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đã nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính công khai, minh bạch cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đặc biệt, cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm đã phát huy được năng lực, phẩm chất, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa, văn minh công sở, tác phong, lề lối làm việc khoa học, lịch sự, chuyên nghiệp, thân thiện nên hoạt động của Trung tâm đã phát huy hiệu quả, mang lại niềm tin, tình cảm và sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế

Thời gian qua, hoạt động của Trung tâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể là:

– Các phần mềm quản lý chuyên ngành liên quan đến giải quyết TTHC của các bộ, ngành Trung ương không tận dụng được dữ liệu sẵn có của tỉnh, không kết nối liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu được với phần mềm một cửa điện tử của tỉnh nên khó khăn trong công tác quản lý.

– Việc giải quyết hồ sơ TTHC còn để quá hạn, chưa thực hiện nghiêm quy định về việc có văn bản nêu rõ lý do, xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết hồ sơ quá hạn; một số hồ sơ TTHC còn trễ hạn mà tập trung ở các sở như Sở Công thương, Sở Xây dựng và Sở Tư pháp.

– Số lượng hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp; chưa triển khai thực hiện việc giải quyết hồ sơ TTHC theo nguyên tắc 4 tại chỗ.

– Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại Trung tâm của một số sở, ban, ngành tỉnh chưa thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh…

– Trong triển khai cách thức giải quyết TTHC qua bưu chính công ích mặc dù được đánh giá là giải pháp quan trọng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không cần thiết, tuy nhiên, số lượng hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ này là chưa nhiều.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ, mặc dù đã chắt lọc kinh nghiệm từ trung tâm của các tỉnh lân cận nhưng việc triển khai hoạt động của Trung tâm vẫn còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, chưa có văn bản pháp lý cho mô hình này, việc xác định địa vị pháp lý, loại hình hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ, chính sách còn lúng túng, hoặc giải quyết hồ sơ còn trễ hạn là do các cơ quan phối hợp trong quá trình thực hiện TTHC liên thông còn chậm, chưa ứng dụng triệt để phần mềm một cửa điện tử để giải quyết và một số ít cán bộ chuyên môn xử lý hồ sơ TTHC còn yếu về trình độ, chuyên môn và kỹ năng.

TTHC trên một số lĩnh vực còn phức tạp, quy trình còn phải trải qua nhiều bước thực hiện, một số sở, ban ngành chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo xử lý hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh nên tình trạng hồ sơ xử lý trễ hạn trên hệ thống một cửa điện tử vẫn còn, mặc dù hồ sơ giấy xử lý đúng hạn.

Một số đề xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính

Để hoạt động của Trung tâm ngày càng phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/10/2018, trong thời gian tới, Trung tâm cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan ngành dọc thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp theo đúng phương châm “chuyên nghiệp – thân thiện và trách nhiệm”.  Trong đó, cần rà soát, đơn giản hóa TTHC, đặc biệt là cắt giảm hơn nữa thời gian giải quyết so với quy định để trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố thực hiện. Trên cơ sở đó, Trung tâm phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan ngành dọc trong việc rà soát quy trình giải quyết TTHC và cập nhật lên phần mềm một cửa điện tử tỉnh để phục vụ công tác quản lý và giúp cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu, theo dõi quá trình giải quyết TTHC tại Trung tâm.

Hai là, thường xuyên thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC của các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan ngành dọc được quy định thực hiện tại Trung tâm trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Trung tâm và niêm yết bằng văn bản tại trụ sở Trung tâm; bảo đảm việc công khai TTHC chính xác, rõ ràng, đầy đủ các TTHC và bộ phận cấu thành TTHC theo quy định, gỡ bỏ kịp thời các TTHC đã hết hiệu lực thi hành; đồng thời, có những đề xuất các nhiệm vụ, sáng kiến, giải pháp đơn giản hóa các TTHC, tham gia xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm bảo đảm phù hợp, nhanh chóng, chính xác, khoa học, thuận tiện.

Ba là, tham mưu Văn phòng UBND tỉnh trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả giải quyết TTHC (4 tại chỗ) tại Trung tâm, bảo đảm ít nhất 20% số TTHC thường xuyên phát sinh tại Trung tâm. Theo đó, có đề xuất Văn phòng UBND tỉnh chuyển nhiệm vụ trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cho viên chức Trung tâm thực hiện (thay vì công chức, viên chức sở, ban, ngành tỉnh và cơ quan ngành dọc thực hiện) nhằm giảm bớt khối lượng công việc cho công chức, viên chức sở, ban ngành tỉnh và cơ quan ngành dọc (để hướng tới tập trung cho việc thẩm định, xử lý hồ sơ) cũng như hạn chế được sự gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch năm 2019 đã đề ra. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chủ động hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách thức tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đa dạng dưới nhiều hình thức. Trường hợp tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đến nộp hồ sơ TTHC trực tiếp tại Trung tâm đối với các TTHC nằm trong danh mục TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thì cán bộ, công chức, viên chức sở, ban, ngành tỉnh và Trung tâm có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tự lập và gửi hồ sơ qua mạng ngay tại Trung tâm.

Năm là, cần xây dựng kế hoạch và tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng, sự cần thiết phải đổi mới công tác cải cách TTHC về hoạt động của Trung tâm, trong đó cần phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo An Giang và Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Sáu là, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa, văn minh công sở và việc giải quyết TTHC của cán bộ, công chức tại Trung tâm; tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến đánh giá của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết TTHC tại Trung tâm, xử lý kết quả khảo sát theo quy định gắn với công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, tăng cường công tác rà soát, lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức cử đến làm việc tại Trung tâm đáp ứng tiêu chuẩn, thời hạn cử đến làm việc theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, thời hạn cử đến làm việc tại Trung tâm từ 6 tháng đến không quá 24 tháng.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Báo cáo số 62/BC-TTHC ngày 23/7/2019 của Trung tâm Hành chính công tỉnh An Giang về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 548/KH-UBND ngày 06/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nguyễn Thị Ngọc Xuân
Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang