Tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

(QLNN)- Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, điển hình là việc xử lý các vụ án tham nhũng lớn và hoàn thiện khung khổ pháp lý về phòng, chống tham nhũng. Tuy vậy, việc tham khảo về tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng của một số quốc gia trên thế giới cũng là việc cần thiết đối với Việt Nam.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Chủ tịch Cơ quan phòng chống tham nhũng quốc gia Italy Raffaele Cantone ký Bản ghi nhớ hợp tác song phương (Ảnh: TTXVN) 

Các mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng của một số quốc gia trên thế giới

Mô hình thứ nhất – thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ

Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ, độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước, có quyền hạn lớn, được tổ chức và chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Mô hình này có thể thấy ở những quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Hồng Kông (Trung Quốc)… Đây là mô hình chống tham nhũng được đánh giá cao và hoạt động có hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, trên thế giới hiện có rất ít nước thiết lập cơ quan chống tham nhũng theo mô hình này.

Cơ quan chống tham nhũng độc lập ở các nước trực thuộc Thủ tướng Chính phủ hoặc Tổng thống, độc lập với cơ quan hành chính và cơ quan nhà nước khác. Người đứng đầu cơ quan này do Tổng thống hoặc Nhà vua bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ trưởng không có quyền can thiệp vào hoạt động thường xuyên của cơ quan này (Ma-lai-xi-a có Ủy ban chống tham nhũng – MACC1, Xinh-ga-po có cơ quan điều tra tham nhũng – CPIB2, Hồng Kông (Trung Quốc) có Ủy ban độc lập chống tham nhũng – ICAC3). Cơ quan chống tham nhũng hầu hết đều có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất từ trung ương xuống địa phương (riêng Xinh-ga-po chỉ có cơ quan thuộc Chính phủ).

Mô hình thứ hai – thành lập đơn vị đặc biệt có chức năng chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật

Một số nước lập ra các ủy ban, đơn vị hoặc bộ phận trong cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng. Trên thế giới có khoảng 150 nước, lãnh thổ thành lập cơ quan chống tham nhũng theo mô hình này. Điển hình như, Cục điều tra chống tham nhũng của Bộ Tư pháp chính quyền Đài Loan – Trung Quốc (MJIB)4, Cục chống tham nhũng của cơ quan Giám sát hành chính Ai Cập…

Bộ phận chống tham nhũng được thành lập mang tính độc lập và chuyên môn sâu, hầu hết các nhân viên đều là những cán bộ có trình độ, chuyên môn cao, giỏi về nghiệp vụ, có bản lĩnh. Bộ phận này độc lập trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi cần thiết sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác để tiến hành công việc một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, bộ phận chống tham nhũng thường được chia thành các đơn vị nhỏ, có nhiệm vụ chống một hoặc một số loại tội phạm tham nhũng. Các đơn vị này độc lập trong tác chiến, chịu trách nhiệm từ việc lập kế hoạch đến thi hành nhiệm vụ. Ngoài ra, còn có các đơn vị nghiệp vụ, kỹ thuật, tổ chức, hành chính, văn phòng để bảo đảm hoạt động thông suốt của cơ quan này.

Tổ chức chống tham nhũng có văn phòng thường trực tại các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và một số khu vực quan trọng là những nơi dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và các loại tội phạm khác. Đồng thời, do yêu cầu công tác, còn có các đơn vị nhỏ độc lập thường trực tại một số địa phương, một số cơ quan là nơi có môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển (ví dụ như cơ quan thuế, hải quan…). Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có quyền điều tra độc lập và áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ máy chống tham nhũng tuy được thành lập ở nhiều cơ quan song ngoài tính độc lập, các tổ chức chống tham nhũng này được vận hành theo một cơ chế phân công, phối hợp khá chặt chẽ. Cán bộ của tổ chức chống tham nhũng là những người có tính liêm chính cao, có tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng nên việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ này phải được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan.

Mô hình thứ ba – trao cho cơ quan chức năng quyền hạn chống tham nhũng

Để thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, một số quốc gia không thành lập các cơ quan chuyên trách độc lập mà giao cho các cơ quan chức năng tiến hành một số hoạt động chống tham nhũng (cơ quan Thanh tra Quốc hội Thụy Điển, cơ quan Kiểm toán Thụy Điển, Ban Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc, Bộ Giám sát hành chính Trung Quốc…)5. Việc chống tham nhũng của các cơ quan này thực hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, công chức nhà nước. Nếu phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực thì tiến hành các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ rồi chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Mô hình thứ tư – không thành lập cơ quan chuyên trách hoặc cơ quan có thẩm quyền riêng về chống tham nhũng

Ở nhiều nước, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm, thuộc trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời, họ cũng không xây dựng hệ thống pháp luật riêng về chống tham nhũng, như Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp và một số nước phát triển khác… Ở những nước này, các cơ quan chức năng sử dụng các thủ tục tố tụng thông thường để giải quyết các vụ án tham nhũng giống như thủ tục giải quyết các vụ án hình sự khác.

Tuy nhiên, pháp luật chống tham nhũng ở những nước theo mô hình này có một số đặc điểm sau: các quy định về phòng ngừa tham nhũng được đặt biệt chú trọng, bao gồm các quy định về quản lý hành chính, quản lý kinh tế, chế độ chức trách, công chức, công vụ. Bởi theo quan điểm của những nước này thì nguồn gốc của tham nhũng phát sinh từ những sơ hở yếu kém trong quản lý, vì vậy, muốn tiêu diệt tham nhũng, trước hết phải xóa bỏ cơ sở nảy sinh tham nhũng bằng việc ban hành các quy định về quản lý kinh tế – xã hội một cách cụ thể, chi tiết và chặt chẽ, các quy định về thủ tục hành chính phải gọn nhẹ, quy chế công chức, công vụ phải rõ ràng, đầy đủ. Mọi thủ tục phải công khai, minh bạch, tránh các quy định tạo ra sự đặc quyền, đặc lợi cho một số người.

Những năm gần đây, do tính chất phức tạp của tội phạm tham nhũng với những biểu hiện mới, có sự cấu kết với các băng nhóm tội phạm maphia và có sự can thiệp của các đảng phái, tổ chức chính trị nên các cơ quan có chức năng đấu tranh chống tội phạm gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các tội phạm về tham nhũng. Vì vậy, nhiều quốc gia theo mô hình này đã và đang xúc tiến nghiên cứu để chuyển đổi sang mô hình thành lập các cơ quan, tổ chức chuyên trách chống tham nhũng độc lập, đồng thời xây dựng, ban hành nhiều đạo luật để trừng trị tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác liên quan đến lạm dụng chức vụ, quyền hạn…

Thông qua hoạt động của mình, các cơ quan, tổ chức chống tham nhũng phát hiện những sơ sở, yếu kém trong quản lý, những điều kiện, môi trường, ngành nghề dễ xảy ra tham nhũng, kiến nghị các biện pháp khắc phục, sửa chữa với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Ngày 29/01/2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2018, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công. Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, giảm nhẹ 2 điểm so với năm 20176. Điểm số CPI 2018 của Việt Nam được tính dựa trên cơ sở 8 nguồn dữ liệu là những khảo sát quốc tế độc lập. Về mặt thống kê, việc giảm điểm này được xem là không đáng kể. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam đang được đánh giá là khá nghiêm trọng.

Chính vì vậy, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ một số quốc gia để thực hiện công tác PCTN một cách hiệu quả:

Thứ nhất, cơ quan, tổ chức có chức năng PCTN phải có được sự độc lập cần thiết.

Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên cần phải đề cập đến bởi lẽ, đối tượng của hoạt động PCTN chính là những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đã thực hiện hành vi tham nhũng. Những người này thường nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, có thế lực, có tầm ảnh hưởng rộng và luôn sẵn sàng sử dụng những lợi thế này để chống lại bất cứ hành động nào xâm phạm tới địa vị và lợi ích của mình.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ quan PCTN phải đối mặt với nguy cơ thường xuyên chịu sự can thiệp từ nhiều phía, vì vậy, nếu không xây dựng được vị thế độc lập tương đối thì cơ quan PCTN sẽ không thể thực hiện được trọng trách của mình. Tính độc lập của cơ quan có chức năng PCTN phải được đặc biệt nhấn mạnh trên phương diện tổ chức, đây chính là cơ sở cho sự độc lập trong hoạt động của cơ quan này.

Trụ sở Thanh tra chính phủ của Việt Nam (Ảnh: thanhtra.gov.vn).

Thứ hai, cơ quan, tổ chức có chức năng PCTN phải được trao thẩm quyền đủ mạnh.

Hành vi tham nhũng mang đặc trưng là rất tinh vi, khó phát hiện, do đó, để có thể phát hiện và lần theo dấu vết của hành vi tham nhũng, cơ quan PCTN cần được pháp luật trao những thẩm quyền đủ mạnh, trong đó đặc biệt là thẩm quyền điều tra, xác minh, thu thập thông tin. Thẩm quyền này được cụ thể hóa thành rất nhiều quyền hạn, từ quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cho đến các thẩm quyền điều tra đặc biệt như tình báo tài chính… Vì trong rất nhiều trường hợp, người thực hiện hành vi tham nhũng đã dùng mọi thủ đoạn để xóa dấu vết. Và để bảo đảm hiệu lực thực thi, những thẩm quyền này cần phải được bảo đảm bằng sự cưỡng chế của pháp luật.

Hiện nay, trong số các thẩm quyển của cơ quan có chức năng PCTN, thẩm quyền thu hồi tài sản do tham nhũng mà có bằng một quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tài sản bị thu hồi là những tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Suy cho cùng, vấn đề quan trọng nhất khi xử lý vụ việc tham nhũng vẫn là vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Về thủ tục thực hiện, việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có theo một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nhiều thuận lợi hơn so với thực hiện thủ tục tố tụng tại các cơ quan tố tụng.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan, tổ chức có chức năng PCTN phải có bản lĩnh vững vàng, có năng lực, trình độ và kinh nghiệm.

Cán bộ thực hiện nhiệm vụ PCTN thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ phía các cơ quan nhà nước, từ phía xã hội và cả từ phía những người thực hiện hành vi tham nhũng có địa vị và nhiều ảnh hưởng. Tất cả những điều đó đòi hỏi người làm nhiệm vụ PCTN phải rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị uy hiếp cũng như gục ngã vì những cám dỗ. Đồng thời, người cán bộ làm nhiệm vụ PCTN phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết trong phòng ngừa và phát hiện hành vi tham nhũng. Những kiến thức, kỹ năng này còn đòi hỏi phải được trải nghiệm hay nói cách khác, cán bộ PCTN phải có được vốn kinh nghiệm nhất định.

Thứ tư, cơ quan, tổ chức có chức năng PCTN phải được bảo đảm về các phương tiện vật chất cho hoạt động.

Đây cũng một yếu tố hết sức quan trọng trong việc duy trì hoạt động của cơ quan PCTN, bởi lẽ nếu cơ quan PCTN phụ thuộc vào cơ quan hành pháp khác về mặt kinh phí hoạt động thì yếu tố đầu tiên là sự độc lập tương đối sẽ không thể được bảo đảm. Để đáp ứng được yếu tố này, cơ quan PCTN cần có nguồn kinh phí ổn định và được phê duyệt bởi cơ quan quyền lực nhà nước.

Thứ năm, cần có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng PCTN.

Trong một hệ thống có nhiều cơ quan được giao chức năng PCTN, việc xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Thứ sáu, cần áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ  vào công tác PCTN.

Ngày nay, các thiết bị công nghệ cao như thiết bị sinh trắc học đã được sử dụng tránh trường hợp chuyển khoản, thanh toán nhầm hay các phần mềm hỗ trợ người dân tố giác tham nhũng trên điện thoại thông minh tại một số quốc gia, ví dụ như  Bra-xin7.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác PCTN, điển hình là việc xử lý các vụ án tham nhũng lớn và hoàn thiện khung khổ pháp lý về PCTN (tháng 11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN mới).  Với mục tiêu xây dựng văn hóa PCTN tại Việt Nam, những nỗ lực trên, đặc biệt là việc xử lý thực sự nghiêm minh và công bằng các vụ án tham nhũng cần tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ vào công tác PCTN. Đồng thời, tăng cường liêm chính trong khu vực công, thực hiện nghiêm túc công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Chú thích:
1. General Enquiry, What is MACC and how MACC was established? http://www.sprm.gov, ngày 20/11/2019.
2. Roles & Functions. https://www.cpib.gov.sg, ngày 25/01/2016.
3. About ICAC. https://www.icac.org.hk, ngày 27/8/2019.
4. Funcions. https://www.mjib.gov.tw, ngày 16/12/2016.
5. Ombudsman system in Sweden. https://www.collectiveredress.org, ngày 24/02/2016.
6. Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2018: Tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng. https://towardstransparency.vn/cpi-vietnam-2018.
7. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phòng, chống tham nhũng. https://baomoi.com, ngày 24/4/2018.

NCS. Hoàng Đình Khuê
Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội