Quyền cư trú của công dân trong pháp luật Việt Nam  

(QLNN) – Có khá nhiều quan niệm, cách hiểu về cư trú. Có quan niệm cho rằng: cư trú là việc ở tại một nơi nào đó trong một thời gian nhất định, bao gồm cả thường trú và tạm trú; cũng có quan niệm hiểu cư trú là việc cá nhân sinh sống, làm việc, sinh hoạt hằng ngày tại một địa điểm được xác định hay cư trú là hoạt động thường trú, tạm trú, lưu trú của con người… Bài viết tập trung bàn về quyền cư trú của công dân trong pháp luật Việt Nam.

 

Khái quát về cư trú và quyền cư trú

Theo từ điển Hán – Việt, “cư” có nghĩa là ở, là động từ chỉ trạng thái dừng lại, ổn định lại vị trí; “trú” có nghĩa là ở, trọ nhưng mang nghĩa đã xác định được nơi để ở, nơi sinh sống, ăn ở thường xuyên ổn định1. Đại từ điển Tiếng Việt, thuật ngữ “cư trú” được hiểu là “ở, sinh sống tại một nơi nào đó” 2. Vì vậy, cư trú là hoạt động sinh sống của con người tại một nơi, một địa điểm được xác định cụ thể. Ở đó, con người tiến hành các sinh hoạt hằng ngày bao gồm rất nhiều hoạt động khác nhau như ăn, ở, làm việc, nghỉ ngơi… Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học thì khái niệm cư trú là “Ở thường xuyên tại một nơi nào đó” 3

Từ những quan niệm và phân tích ở trên, có thể hiểu cư trú là việc con người sinh sống, làm việc, sinh hoạt thường xuyên tại một không gian, thời gian cụ thể dưới một hình thức nhất định (có thể là thường trú hoặc tạm trú). Theo đó, QTDCT của công dân xuất phát từ quyền con người (QCN), là một trong các QCN, quyền công dân được ghi nhận trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Ở bình độ quốc gia, quyền cư trú (QCT) luôn được gắn với quyền công dân, được quy định trong hệ thống các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và bảo đảm để công dân tự do lựa chọn nơi cư trú của mình theo đúng các điều kiện, trình tự, thủ tục và hình thức nhất định.

Trên bình diện quốc tế, QCT được xác định với QCN, quyền này được quy định trong các văn kiện pháp lý quốc tế, được các quốc gia thành viên phê chuẩn và cam kết kết thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền tự do cư trú (QTDCT) luôn gắn với quyền đi lại của mỗi cá nhân trong một quốc gia (quyền của công dân) cũng như trong khu vực (như Liên minh châu Âu) hoặc trên thế giới. Điều đó nghĩa là công dân (hoặc cá nhân) có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về nước. Các quyền này được quy định trong Hiến pháp, đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của mỗi quốc gia và tiếp tục được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước.

Quyền tự do đi lại và cư trú trong pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Trong luật pháp quốc tế, quyền tự do đi lại và cư trú đã được quy định trong nhiều văn kiện, công ước. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 đã sớm khẳng định về quyền này tại Điều 13: “Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình”.

Tiếp đó, quy định này đã được tái khẳng định và tiếp tục ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 12 và 13 của Công ước. Đây là quyền có ý nghĩa quan trọng vì nó tạo tiền đề để một cá nhân hưởng thụ các quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa khác. Trong đó, quy định quyền này không chỉ được áp dụng với các công dân mà còn với người nước ngoài đang cư trú hoặc hiện diện hợp pháp trên lãnh thổ nước khác. Việc cho phép nhập cảnh và tư cách hợp pháp của một người nước ngoài trên lãnh thổ của một nước phụ thuộc vào quy định pháp luật quốc gia và phù hợp với những nghĩa vụ quốc tế của nước đó.

Ngoài Công ước quốc tế về nhân quyền (UDHR), Việt Nam còn là thành viên của các công ước quốc tế ghi nhận QTDCT của cá nhân như sau: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR); Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả người lao động di trú và thành viên gia đình họ năm 1990; Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN năm 2012; các cam kết về QTDCT của Việt Nam trong việc thành lập cộng đồng chung AEC.

Nhìn chung, QTDCT gắn liền với quyền tự do đi lại của công dân, được ghi nhận cả trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Theo đó, trên cơ sở quy định của pháp luật, mọi người đều có QTDCT hợp pháp và lựa chọn nơi cư trú trên lãnh thổ của nước mà mình là công dân cũng như trên lãnh thổ nước ngoài (theo các công ước quốc tế). Đồng thời, để bảo đảm việc cư trú được thực hiện, mọi người dân đều có quyền tự do đi lại trong lãnh thổ quốc gia mà mình cư trú, tự do đi ra khỏi bất kỳ nước nào kể cả nước mà mình là công dân hay nước ngoài và tự do trở về nước mình.

Quản lý cư trú và quyền tự do cư trú của cá nhân theo pháp luật Việt Nam

Lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước

Cư trú và quản lý cư trú là một trong những vấn đề quan trọng của đời sống xã hội và có lịch sử hình thành, phát triển gắn liền với hoạt động quản lý của Nhà nước. Nội dung quản lý nhà nước (QLNN) về cư trú rất đa dạng, phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề như hộ khẩu, hộ tịch với các hình thức thường trú, tạm trú, tạm vắng và gắn liền với quyền tự do đi lại của con người. Ở Việt Nam, pháp luật về cư trú cũng được đặt ra từ rất sớm, trước năm 1945, nhà nước phong kiến đã có những quy định chặt chẽ về cư trú của mỗi cá nhân trong xã hội. Dưới thời Trần (1226 – 1400), ngay từ năm Mậu Tý niên hiệu Kiến Trung đời vua Trần Thái Tông (1228) đã quy định quản lý dân số theo hộ4.

Đến thời nhà Hồ (1400 – 1407), vào năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương cho làm sổ hộ khẩu trong cả nước. Thời Lê Sơ (1428 – 1527), ngay sau khi lên ngôi vua, Lê Thái Tổ đã lệnh cho các địa phương trong cả nước làm sổ hộ khẩu. Đến năm Canh Dần niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (1470), định lệ ba năm một lần làm sổ hộ tịch, gọi là tiểu điển, sáu năm một lần gọi là đại điển. Thời Lê Trịnh tiếp tục thể lệ này. Các triều Tây Sơn, nhà Nguyễn cũng có các quy định về hộ tịch, hộ khẩu như các vương triều trước5.

Nhà nước phong kiến cũng có những quy định khác nhau về cư trú đối với dân cư ở nông thôn và dân cư ở đô thị. Chẳng hạn, ở thời Lý – Trần, pháp luật của nhà nước phong kiến có những quy định “mang tính đẳng cấp” cho cư dân ở kinh thành Thăng Long. Song nhìn chung, Nhà nước đều quy định cho cư dân địa phương được phép về kinh thành Thăng Long sinh sống, làm ăn trên cơ sở tuân thủ các quy định chung về an ninh, trật tự, phòng hỏa, thực hiện các nghĩa vụ về thuế và lực địch6

Kế thừa các giá trị về QCT của công dân trong nhà nước phong kiến, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước ta đã ghi nhận QTDCT của công dân trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và xác định tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân tại Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Với quy định này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc bảo đảm QCT của công dân.  Tuy nhiên, Nhà nước vẫn nhận thức nhất quán về cư trú là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của công dân và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1959: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do đi lại và cư trú”.

Nhằm cụ thể hóa QCT của công dân trong Hiến pháp, ngày 27/6/1964, Chính phủ đã ra Nghị định số 104/CP ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu (gồm 21 điều). Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Nhà nước ta có quy định riêng đối với lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ khẩu. Đến ngày 29/02/1968, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 32/CP về việc thống nhất công tác đăng ký hộ khẩu, hộ tịch và thống kê dân số nhằm cải tiến và tăng cường hiệu lực công tác QLNN đối với công tác đăng ký hộ khẩu, hộ tịch ở nước ta, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn này.

Bộ Công an chọn phương án quản lý dân cư bằng số định danh thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú (Ảnh internet).

Sau năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp năm 1980 quy định: “Quyền tự do đi lại và cư trú của công dân được tôn trọng theo quy định của pháp luật”. Để QCT của công dân được bảo đảm trong đời sống xã hội, ngày 07/01/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Chính phủ) đã ra Nghị định số 04/HĐBT ban hành Điều lệ đăng ký, quản lý hộ khẩu. Cùng với Hiến pháp năm 1980, Nghị định số 04/HĐBT được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước về QCT của công dân.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, đất nước bước vào thời kỳ mới, chuyển từ nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung” sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) với nhiều quy định mới thể hiện bước ngoặt, sự đổi mới về tư duy trong lịch sử lập hiến Việt Nam.

Nhiều chế định mới được ghi nhận, trong đó có QTDCT của công dân quy định tại Điều 68: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội ban hành Luật Cư trú năm 2006 và các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản dưới luật (như Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về biểu mẫu, quy cách, cách ghi và quản lý biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú…) nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn áp dụng thống nhất Luật Cư trú, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện QCT theo nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của mình.

Pháp luật Việt Nam hiện nay về quyền cư trú của công dân

Từ những năm đầu thế kỷ XX, tư tưởng về QCT của công dân được Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đề cập trong bản Tuyên ngôn Độc lập của một dân tộc thuộc địa bị áp bức với toàn thể thế giới về khát vọng tự do, bình đẳng và quyền được hưởng tự do bình đẳng đó. Trong đó, quyền tự do được nhắc đến nhiều nhất gồm các quyền: tự do về báo chí và ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do học tập… và có QTDCT7. Sau khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức đúng đắn, đề cao và bảo đảm các QCN, quyền công dân và xác định QCT của công dân là quyền tự do, công dân có thể tự mình lựa chọn nơi cư trú phù hợp với điều kiện thực tế của mình.

Kế thừa và phát triển những tư tưởng về QCN, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013 (với 11 chương, 120 điều), các QCN, quyền công dân tiếp tục được kế thừa và phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Theo đó, QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương 2 (thay cho Chương 5 Hiến pháp năm 1992) với 36 điều (từ Điều 14 – 49). QTDCT của công dân được quy định tại Điều 23: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Mặc dù QCT vẫn được quy định với nội dung như Hiến pháp năm 1992, song điều đó thể hiện sự nhất quán trong nhận thức của Đảng, Nhà nước đối với QCN nói chung và QTDCT của công dân nói riêng, các quyền này luôn được hoàn thiện trong hệ thống pháp luật, được Nhà nước tôn trọng và thông qua các cơ chế pháp lý để công dân thực hiện QCT của mình, Nhà nước chỉ hạn chế các quyền này trong trường hợp cần thiết và trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Để QTDCT của công dân quy định trong Hiến pháp năm 2013 kịp thời đi vào đời sống xã hội, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hẳn một mục riêng quy định về nơi cư trú của cá nhân (từ Điều 40 – 45) làm căn cứ pháp lý để bảo vệ QTDCT của công dân. Luật Cư trú năm 2006 cũng được sửa đổi, bổ sung vào năm 2013 với một số điểm mới nhằm quản lý cư trú hiệu quả hơn. Đồng thời, cùng với các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Cư trú như: Nghị định số 31/2014/NĐ-CP, Thông tư số 35/2014/TT-BCA, Thông tư số 36/2014/TT-BCA của Bộ Công an, theo đó, điều kiện đăng ký thường trú được quy định rõ ràng hơn, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Các quy định về việc tách khẩu và chuyển khẩu cũng được quy định chi tiết để người dân có thể dễ dàng thay đổi nơi cư trú và các thông tin trong sổ hộ khẩu. Mặc dù có những quy định để người dân dễ dàng thực hiện được QCT của mình, các quy định pháp luật mới về cư trú cũng quy định chặt chẽ hơn về các nghĩa vụ của người dân trong việc khai báo thông tin cư trú. Quy định này là để bảo đảm trật tự quản lý của Nhà nước và thông qua đó, Nhà nước sẽ có những kế hoạch bám sát với đặc điểm cư dân của từng khu vực.

Pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia đều có quy định sự hạn chế quyền này vì các lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội. Chẳng hạn, khi công dân vi phạm pháp luật bị áp dụng hình phạt hoặc bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh hay trong một số trường hợp vì lý do quốc phòng – an ninh, sự an toàn của xã hội, lợi ích của cộng đồng mà cơ quan có thẩm quyền buộc công dân phải di dời khỏi nơi cư trú, đến một nơi cư trú mới…

Qua nghiên cứu và phân tích trên, từ góc độ pháp lý, QTDCT của công dân là một trong các quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế, được các quốc gia thừa nhận, quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, được Nhà nước bảo đảm thực hiện trong đời sống xã hội.

Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tự do cư trú của cá nhân

QCT của công dân là quyền cơ bản, thiết yếu của con người, luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện QCT theo đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình một cách tốt nhất. Nhất là sau hơn 13 năm Luật Cư trú năm 2006 đi vào cuộc sống đã tạo bước chuyển biến quan trọng về việc thực hiện QCT của công dân, nâng cao nhận thức QLNN về cư trú.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu to lớn đã đạt được cũng còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định trong quy định của Luật Cư trú cần được khắc phục kịp thời để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ nhất, Luật Cư trú ra đời đã kịp thời cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thể hiện sự kế thừa, phát triển các quy định về QCT của công dân trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Với những quy định tiến bộ trong Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng về cư trú, đi lại của công dân và yêu cầu QLNN về cư trú trong điều kiện đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập.

Luật sửa đổi một số điều của Luật Cư trú được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2013 tại kỳ họp thứ năm và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 nên có những quy định không còn phù hợp hoặc chưa cụ thể hóa được những nội dung cơ bản về QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có QTDCT và tự do đi lại được quy định tại Chương II Hiến pháp năm 2013. Điều đó cho thấy, khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành và có hiệu lực thì nhiều luật chuyên ngành đã sửa đổi, bổ sung ngay sau đó nhưng Luật Cư trú đến nay chưa được pháp điển hóa kịp. Vì vậy, nhiều quy định của Luật Cư trú (sẽ được phân tích ở các hạn chế tiếp theo) vẫn chưa có thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay.

Thứ hai, Điều 18 Hiến pháp năm 2013 không chỉ dừng ở việc bảo đảm quyền công dân mà còn mở rộng bảo đảm QCN và đặc biệt là người Việt Nam nói chung (bao gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam theo khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008). Hiện nay, về đối tượng áp dụng, Luật Cư trú quy định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống.

Vì vậy, cần sửa Điều 2 Luật Cư trú về đối tượng áp dụng là: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và người Việt Nam”. Với quy định như trên, đối tượng áp dụng sẽ chỉ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn mang quốc tịch Việt Nam hồi hương, trở về sinh sống hẳn ở Việt Nam mà không áp dụng đối với các trường hợp người gốc Việt Nam hoặc người Việt Nam trở về thăm thân nhân, thăm dò khả năng hợp tác đầu tư… Đây là vấn đề chưa phù hợp với thực tế cũng như điểm mới của Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, nên thay đổi phạm vi đối tượng áp dụng của Luật Cư trú tới mọi người dân Việt Nam và sẽ có các quy định riêng biệt đối với nhóm người gốc Việt Nam trong các quy định cụ thể của Luật Cư trú.

Thứ ba, về điều kiện, thủ tục đăng ký Luật Cư trú quy định điều kiện và thủ tục đăng ký thường trú tại các tỉnh rất đơn giản và thuận tiện (Điều 19), không phân biệt giữa địa bàn nông thôn với địa bàn đô thị ở tỉnh. Đối với điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương, ngoài chỗ ở hợp pháp, công dân phải cư trú liên tục tại thành phố đó từ 01 năm trở lên. Về thủ tục đăng ký thường trú, được quy định rất rõ tại Điều 21 Luật Cư trú.

Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp và hướng về cơ sở, việc quy định như trên thể hiện sự không phù hợp và thiếu thống nhất. Do đó, cần nhận thức đầy đủ và mạnh dạn cải cách hành chính trong công tác đăng ký thường trú đối với các thành phố trực thuộc trung ương cũng có thể nộp hồ sơ tại công an xã, phường, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi tham gia thủ tục đăng ký thường trú. Việc quy định như vậy thể hiện sự phân cấp cho công an xã, phường, thị trấn ở cấp cơ sở, nơi gần dân nhất, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết nhanh chóng, kịp thời các công việc QLNN đối với công dân, góp phần hạn chế số cấp thực hiện thủ tục hành chính và quy định thống nhất đối với QLNN về đăng ký thường trú.

Thứ tư, sớm sửa đổi Luật Cư trú, tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về QCN, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, rà soát loại bỏ các quy phạm lạc hậu, ban hành bổ sung những quy phạm mới về cư trú trong Luật Cư trú và có các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Cư trú với các văn bản pháp luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở…

Thứ năm, cùng với các quy định của pháp luật về cư trú, cần có những bảo đảm về nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc… và quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện tích hợp dữ liệu quản lý dân cư và quản lý cư trú để loại hoặc giảm bỏ những tài liệu, giấy tờ không cần thiết hoặc không còn phù hợp với phương thức quản lý trong điều kiện khoa học – công nghệ phát triển hiện nay. Qua đó, thực thi công khai, minh bạch, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm và kịp thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về cư trú.

Chú thích:
1. Phan Văn Các. Từ điển Hán – Việt. H. NXB Dân trí, 2014, tr. 358.
2. Đại từ điển Tiếng Việt. H. NXB Văn hóa Thông tin, 1999, tr. 489.
3. Giải thích thuật ngữ Luật học. H. NXB Công an nhân dân, 1999, tr. 23.
4, 5, 6. Nguyễn Ngọc Anh (chủ biên) – Trần Thế Quân – Bùi Xuân Đính – Nguyễn Thị The – Đỗ Văn Cương. Tìm hiểu Luật Cư trú. NXB Hồng Đức, 2008, tr. 7, 8, 9.
7. Văn phòng Quốc hội. Hiến pháp năm 1946 những giá trị lịch sử (sách chuyên khảo). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 16.

TS. Tạ Quang Ngọc
Trường Đại học Luật Hà Nội