Hoàn thiện các quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi  

(Quanlynhanuoc.vn) – Tại bất cứ quốc gia nào, người dưới 18 tuổi cũng phải tham gia vào quá trình tố tụng hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tại Việt Nam, người dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Về cơ bản, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định khá cụ thể, phù hợp và tương đồng với Bộ luật Hình sự năm 2015 về xử lý trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, về trình tự thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn còn một số điểm cần được nghiên cứu hoàn thiện.

 

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, người dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Sự điều chỉnh này diễn ra vào thời điểm người phạm tội dưới 18 tuổi là người thuộc nhóm dễ bị tổn thương cần được bảo vệ bằng pháp luật trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, từ khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án. Tuy nhiên, về trình tự thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn còn một số điểm cần được nghiên cứu hoàn thiện.

Phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

Đây là nội dung được quy định tại Điều 413 BLTTHS năm 2015 quy định phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Với quy định này, chủ thể được áp dụng thủ tục tố tụng gồm người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) (Điều 4 BLTTHS), người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi. Nhưng tại Điều 419 BLTTHS lại quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi; Điều 421 BLTTHS quy định về việc lấy lời khai người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Như vậy, về phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã thiếu vắng trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi phạm tội.

Trong thực tiễn, khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bên cạnh việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng giải quyết vụ án hình sự như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự là người dưới 18 tuổi. Về thủ tục tố tụng đối với những người này, BLTTHS quy định còn rất chung chung, chưa cụ thể, khiến cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khó áp dụng. Như vậy, để bảo đảm quyền của người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng hình sự, về phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi cần bổ sung những trường hợp nêu trên.

Về nguyên tắc tiến hành thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

Để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích giữa BLTTHS của Việt Nam với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đồng bộ với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, Điều 414 BLTTHS đã quy định 7 nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Các nguyên tắc này được BLTTHS đề ra nhằm thể hiện quan điểm, chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo điều kiện tối đa bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi trong hoạt động giải quyết vụ án hình sự, vốn là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, có tính cưỡng chế và nghiêm khắc1. Tuy nhiên, thực tế thực hiện nguyên tắc này vẫn còn những bất cập nên đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trực tiếp tiến hành thủ tục tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi phải bảo đảm thực hiện các nguyên tắc phù hợp, thân thiện với mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi.

Về chủ thể tiến hành thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

Chủ thể tiến hành thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là do cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện. Đây là những người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi (Điều 415 BLTTHS). Tuy nhiên, BLTTHS chưa quy định cụ thể hay giải thích như thế nào là “người có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi” và “có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”.

Việc chưa quy định cụ thể hay giải thích những vấn đề trên sẽ khiến cho nhiều địa phương, nhiều người có những cách hiểu, cách áp dụng vào thực tiễn khác nhau, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất. Cụ thể, người có kinh nghiệm điều tra cũng có thể hiểu là người học qua trung cấp, đã trải qua kinh nghiệm điều tra một số vụ án. Tuy nhiên, với những người như vậy khi tiếp nhận, giải quyết vụ việc, vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi liệu có bảo đảm quyền và trình tự thủ tục của người dưới 18 tuổi hay không? Bên cạnh đó, thế nào là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi thì BLTTHS năm 2015 cũng chưa quy định cụ thể. Vì nếu cán bộ điều tra chưa qua đào tạo về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi thì có được tham gia tiếp nhận giải quyết vụ án hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi hay không? Như vậy, BLTTHS năm 2015 cần hoàn thiện, quy định cụ thể như thế nào là “người có kinh nghiệm” và “có hiểu biết cần thiết” về chủ thể tiến hành thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

Về cách xác định tuổi của người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng hình sự

BLTTHS năm 2015 đã kế thừa và phát huy những quy định tiến bộ của BLTTHS năm 2003 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó đã quy định cụ thể về việc: “Xác định độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi” bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xử lý, giải quyết vụ án hình sự, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý vững chắc để xác định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong những trường hợp nhất định.

Cụ thể, Điều 417 BLTTHS năm 215 quy định cách xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi: (1) Việc tiến hành xác định tuổi của người bị buộc tội và người bị hại dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự là do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thực hiện theo quy định của pháp luật, tiến hành mọi biện pháp để xác định được ngày, tháng, năm sinh của họ, như căn cứ vào giấy chứng sinh, giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu và hộ chiếu cùng các tài liệu giấy tờ khác phải được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. (2) Khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thấy các loại giấy tờ tài liệu có mâu thuẫn về ngày, tháng, năm sinh, có nghi ngờ về độ tuổi mà đã áp dụng hết các biện pháp vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội và người bị hại thì được xác định theo 1 trong các trường hợp sau:

– Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

– Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

– Trường hợp xác định được nửa năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

– Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh. Nếu không xác định được năm thì tiến hành giám định để xác định năm sinh.

Như vậy, cách xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi về cơ bản bảo đảm phù hợp với nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội. Tuy nhiên, trong thực tiễn khi giải quyết vụ án hình sự, không đơn thuần chỉ có người dưới 18 tuổi là người buộc tội, người bị hại tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự mà còn có người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người tố giác, báo tin về tội phạm là người dưới 18 tuổi cũng tham gia vào quá trình làm rõ sự thật khách quan của vụ án, giúp cho quá trình giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật và bảo đảm quyền của người dưới 18 tuổi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Như vậy, việc xác định tuổi của người bị hại nói chung và tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng, khi tham gia tố tụng hình sự phải căn cứ vào Điều 417 BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Đây là cơ sở áp dụng chính sách về trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, tuy nhiên, quá trình áp dụng trong thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập trong việc xác định tuổi theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo đối với những vụ án hình sự.

Ví dụ như vụ án về hiếp dâm có người bị hại cần xác định tuổi theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Giả sử khi đó cần xác định bị hại là người trên hay dưới 16 tuổi mà áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo thì việc xác định tuổi theo quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 là việc bất lợi cho bị can, bị cáo chứ không phải có lợi. Do vậy, BLTTHS năm 2015 cần hoàn thiện vấn đề này để bảo đảm nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và bảo đảm quyền của người bị hại. Cụ thể, đối với việc xác định tuổi của người bị hại, nên chỉnh sửa theo hướng là:

– Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày giữa tháng của tháng đó làm ngày sinh.

– Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày giữa tháng của tháng giữa trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

– Trường hợp xác định được nửa năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày giữa tháng của tháng giữa trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

– Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày giữa trong tháng của tháng giữa trong năm đó làm ngày, tháng sinh. Nếu không xác định được năm thì tiến hành giám định để xác định năm sinh.

 Về áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi

Theo BLTTHS, chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải trong trường hợp cần thiết. Khi áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có căn cứ xác định việc áp dụng biện pháp giám sát và biện pháp ngăn chặn khác không có hiệu quả (Điều 419 BLTTHS). BLTTHS năm 2015 quy định như vậy là khá chặt chẽ về các căn cứ, thủ tục, điều kiện áp dụng, bảo đảm thuận lợi hơn cho các hoạt động tố tụng hình sự, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, BLTTHS năm 2015 quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Điều 419 là rất khó thực hiện đối với những trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và bắt quả tang người dưới 18 tuổi phạm tội. Bởi tại thời điểm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ở một số trường hợp rất khó xác định tuổi của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do thời gian tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp rất ngắn, trong khi người bị giữ có thể không hợp tác hoặc người tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp hạn chế về năng lực…

Đối với trường hợp bắt người phạm tội quả tang khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt (Điều 111 BLTTHS) – với quy định như vậy rất khó cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cụ thể là người tiến hành bắt người phạm tội quả tang, vì tại thời điểm bắt không thể xác định chính xác tuổi của người phạm tội là dưới 18 tuổi. Bởi vậy, cần nghiên cứu để sửa đổi quy định này.

Như vậy, việc hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm về quyền con người, quyền của người dưới 18 tuổi, giảm thiểu tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự ở nước ta trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Lê Văn Đông. Bàn về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 1/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2. Bộ luật Hình sự năm 2015.

ThS. Trần Thị Lan Anh
Học viện Cảnh sát nhân dân