Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nhằm phát triển bền vững đất nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên, kéo theo đó là tình trạng thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế trên. Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam cũng hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

 

Ảnh minh họa

Kinh tế tuần hoàn – xu hướng tất yếu để phát triển bền vững

Những năm gần đây, thế giới đang chuyển dịch từ mô hình phát triển kinh tế tuyến tính (kinh tế một chiều) sang kinh tế tuần hoàn (KTTH). Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường (dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường) thì mô hình KTTH lại hướng đến phát triển bền vững (PTBV), bảo đảm chất lượng môi trường tốt, sự thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội, đáp ứng lợi ích hiện tại và tương lai.

Có nhiều khái niệm khác nhau về KTTH, tuy nhiên, đến nay, khái niệm KTTH do tổ chức Ellen MacArthur Foundation trình bày tại Hội nghị Kinh tế toàn cầu năm 2012 được thừa nhận rộng rãi nhất: “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”1.

Như vậy, KTTH được hiểu là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đó, KTTH chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải, được thực hiện bằng nhiều hình thức, như thiết kế lại, giảm thiểu, sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê thay cho sự sở hữu vật chất. Đây là mô hình kinh tế phát triển tất yếu trên thế giới hướng tới PTBV, bởi nền kinh tế này đạt được 3 mục tiêu: (1) Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào; (2) Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; (3) Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

Ở cấp độ thấp, KTTH tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái. Ở cấp độ cao, cấp độ DN, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Thực tế cho thấy, nền KTTH mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm. Theo Cơ quan phát triển Liên hiệp quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền KTTH có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về PTBV của Liên hiệp quốc2. Việc chuyển đổi sang KTTH là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, giúp đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV.

Đồng thời, đây cũng là tiền đề để thực hiện Các mục tiêu PTBV (SDGs 2030) thông qua bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, như giảm tỷ lệ về “suy giảm” tài nguyên, gìn giữ cho đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỷ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu. Đây là con đường hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nặng. Tính toán của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, KTTH thông qua việc đo lường, kiểm soát các hoạt động từ phía nhu cầu có thể giúp giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp…

Cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Sau gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế – xã hội nhưng vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt, mặc dù chỉ là quốc gia xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Theo kết quả điều tra, đánh giá, hiện trên cả nước, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó có tới 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Tiêu thụ năng lượng trong nhiều năm trở lại đây tăng nhanh khiến kể từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá, từ năm 2015, chúng ta đã phải nhập khẩu than đá, trong đó năm 2018 là khoảng 22,9 triệu tấn; dự báo tới năm 2030, nước ta có thể phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than mỗi năm.

Ô nhiễm môi trường cũng đang gây thiệt hại nghiêm trọng: theo Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Năm 2010, biến đổi khí hậu và thiên tai đã gây thiệt hại 5,14% GDP của Việt Nam và con số này có thể lên tới 11% vào năm 20303. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu PTBV và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước.

Đứng trước cơ hội mà nền KTTH mang lại cho toàn thế giới, Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực tạo điều kiện cho mô hình KTTH phát triển. Từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, nhằm hình thành nên ngành Công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của nền KTTH. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng dự thảo Chương trình hành động quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của KTTH để thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030. Ngoài ra, còn có một số chính sách liên quan được ban hành, như: Luật Khoáng sản năm 2010; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Bảo vệ môi trường năm 2018; Chiến lược PTBV Việt Nam 2011 –  2020…

Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Thế giới về KTTH năm 2019 tại Phần Lan và tham gia Chương trình chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, tham quan các mô hình sản xuất, thực tế kinh doanh các sản phẩm từ KTTH tại CHLB Đức. Đây là những cơ hội tốt để Việt Nam có thể tiếp nhận nhiều thông tin, học hỏi những kinh nghiệm, ý tưởng thành công nhằm xây dựng các chính sách và áp dụng mô hình KTTH cho riêng mình. Đã có một số mô hình KTTH được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất định, như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ…; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng; sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang…

Hay tại Công ty Heineken Việt Nam – một trong những DN đi đầu trong việc áp dụng mô hình KTTH, có tới 99% phế thải hoặc phụ phẩm được Heineken tái sử dụng hoặc tái chế. Đặc biệt, những phụ phẩm điển hình của quá trình sản xuất bia như: bã hèm, men thừa hay bùn lắng sau quá trình xử lý nước thải đều được tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng. Tương tự, Ajinomoto Việt Nam đã đưa vào vận hành lò hơi sinh học (sử dụng trấu ép – phụ phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu) cung cấp hơi nước cho sản xuất. Việc chuyển đổi sử dụng hóa thạch sang nhiên liệu sinh học giúp cắt giảm 25% lượng khí CO2  thải ra môi trường. Công ty còn đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung và nước sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam. Chương trình “Không phát thải” bằng 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) đã thu hồi và tái chế 99,97% lượng chất thải rắn toàn công ty4.

Gần đây, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Đây là lần đầu tiên các DN có sự cạnh tranh trên thị trường, thậm chí là đối thủ của nhau nhưng cùng ngồi lại hợp tác, nỗ lực với mục tiêu chung là cải thiện môi trường Việt Nam. Các công ty tiên phong sáng lập PRO Vietnam bao gồm: TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation. Liên minh này sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước vững mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Đồng thời, PRO Vietnam cũng hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế. Liên minh này cũng hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh “Recycle – tái chế“ của bộ nguyên tắc 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng và Recycle – tái chế) thông qua quan hệ đối tác công – tư tự nguyện. Ngoài các chính sách trên, PRO Vietnam sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam5.

Gần đây nhất, ngày 02/7/2020, Viện Nghiên cứu phát triển KTTH (ICED) đầu tiên của Việt Nam đã được công bố thành lập nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chú trọng về giải pháp khoa học – công nghệ, chính sách trong phát triển KTTH tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái DN – Chính phủ – trường đại học. Về trung và dài hạn, ICED xác định tầm nhìn trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam và khu vực về KTTH trên cơ sở trở thành Trung tâm Nghiên cứu phát triển mô hình KTTH phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất chính sách trong ứng dụng và phát triển mô hình các bên liên quan. Bên cạnh đó, ICED sẽ cung cấp kiến thức và giải pháp về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho việc phát triển KTTH trong nước và khu vực; là trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp và chính sách về PTBV cho Chính phủ, DN, cộng đồng địa phương. Đồng thời, đây cũng là trung tâm kết nối DN – Nhà nước – trường đại học, liên kết lợi ích, nhu cầu giữa các bên có liên quan để hướng về mục tiêu PTBV.

Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nền KTTH, cụ thể:

Thứ nhất, KTTH hiện đang trở thành xu hướng phát triển chung trên toàn cầu và được coi là một trong những trọng tâm cần ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới nhằm hướng tới PTBV, như: EU, Thụy Điển, Pháp, Ấn Độ,… Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đã thành công trong việc phát triển mô hình KTTH và thu được nhiều lợi ích. Việt Nam có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước và rút ra bài học để áp dụng sao cho phù hợp với bối cảnh trong nước.

Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Trong khi đó, mô hình KTTH có thể đáp ứng được mục tiêu trên trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình KTTH. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ tạo cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển KTTH trong thời gian tới.

Thứ ba, Việt Nam đã và đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây.

Thứ tư, phát triển KTTH có thể giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đạt được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu thuộc các mục tiêu PTBV. Do đó, KTTH sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ toàn xã hội. Đây là một nguồn động lực rất lớn nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế này.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trên, việc phát triển mô hình KTTH cũng gặp không ít các thách thức:

Một là, khung chính sách về phát triển mô hình KTTH chưa được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Việt Nam hiện chưa có hành lang pháp lý cho phát triển KTTH. Các hoạt động thực hiện phát triển KTTH vẫn chỉ là tự phát và chịu sự điều chỉnh của động lực thị trường. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH theo ngành, lĩnh vực hoặc theo từng địa phương là rất cần thiết nhưng hiện chưa được xây dựng và ban hành.

Hai là, nhận thức về KTTH và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình KTTH còn hạn chế. Những nhận thức đúng về KTTH cần được thực hiện từ khâu thiết kế tới khâu triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng DN và người dân. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Đặc biệt, KTTH đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây cũng là thách thức lớn đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân. Trong khi đó, công tác truyền thông giúp nâng cao hiểu biết về KTTH tại nước ta còn rất hạn chế.

Ba là, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH còn yếu. KTTH phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, để phát triển KTTH đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, có thể giải quyết được các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình. Hiện nay, những chuyên gia này chưa được đào tạo nhiều và chưa có chuyên ngành đào tạo. Do đó, nguồn lực về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cũng trở thành một thách thức lớn cần phải vượt qua.

Một số đề xuất nhằm phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Để thúc đẩy phát triển nền KTTH ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, theo đó:

Thứ nhất, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng cho sự hình thành, phát triển các mô hình KTTH, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Kinh nghiệm các nước đã và đang thực hiện KTTH cho thấy họ đều có luật và quy định pháp lý rõ ràng. Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về KTTH, hướng tới thực hiện KTTH trong mọi hoạt động. Trong nền KTTH, DN được coi là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện.

Thứ hai, triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển các mô hình KTTH trong nền kinh tế từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập mô hình đến tiêu chí của mô hình KTTH vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh Việt Nam và phổ biến rộng rãi đến DN, người dân, các nhà quản lý để có một cách nhìn nhận đúng.

Xây dựng lộ trình chi tiết, rõ ràng cho quá trình chuyển đổi sang phát triển mô hình KTTH, xác định ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Kinh nghiệm của các nước Anh, Pháp, Phần Lan, Hà Lan và gần đây là Ma-lai-xi-a cho thấy, cần có lộ trình để thực hiện KTTH. Các lộ trình này thường dài từ 15 – 20 năm, nêu rõ các mục tiêu và các quy định cụ thể cho từng giai đoạn nhỏ. Theo đó, Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện KTTH của quốc tế vào lộ trình của mình.

Đó là: (1) Cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu, có thể gọi tắt là tiếp cận theo loại vật liệu: tập trung tuần hoàn một số vật liệu nhất định, khuyến khích các sáng kiến và điển hình tốt, phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực, từ đó xây dựng lộ trình “không rác thải nhựa dùng một lần” và “không rác thải”… (2) Thành lập các không gian địa lý như khu công nghiệp, các thành phố kiểu mẫu, những hoạt động kinh doanh và sản xuất trong các không gian này được thiết kế sao cho kết nối với nhau thành các vòng tuần hoàn, sau đó nhân rộng các mô hình thành công (kinh nghiệm của Đan Mạch, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ca-na-đa…).

Thứ ba, xây dựng chính sách nhằm khuyến khích phát triển theo mô hình KTTH. Ví dụ, tăng thuế đối với loại hình sử dụng nguyên liệu không thể tái chế hoặc các hoạt động khai thác tài nguyên, như đào mỏ, xây dựng và sản xuất; đồng thời, không nên áp dụng với các hoạt động nhằm duy trì, bảo tồn giá trị như việc tái sử dụng, sửa chữa và tái sản xuất. Có cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải; chất thải phải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả về khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

Thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế, như điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Trước mắt, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình KTTH, như công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình trọng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn, không phát thải.

Thứ tư, Nhà nước cần tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích DN, người dân, nhất là khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ thực hiện các mô hình KTTH, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của DN. Đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ trong lĩnh vực KTTH. Mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy các thị trường tái chế.

Thứ năm, thực hiện KTTH cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình KTTH. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc tích cực nghiên cứu và tạo ra các công nghệ thay thế là một yếu tố đặc biệt cần được chú trọng. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình KTTH hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới…, bảo đảm mục tiêu của mô hình này.

Thứ sáu, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công mô hình KTTH, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Xây dựng Chiến lược truyền thông về KTTH nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.

Chú thích:
1. Ellen MacArthur Foundation, 2012, Towards the Circular Economy Vol. 1
2. Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam. http://tapchitaichinh.vn, ngày 30/01/2019.
3. Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thập niên mới. https://baotintuc.vn, ngày 28/01/2020.
4, 5. Việt Nam hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. http://consosukien.vn, ngày 12/11/2019.
TS. Lương Thu Thủy
Học viện Tài chính