Hoàn chỉnh chính sách hòa nhập xã hội của người khuyết tật ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Người khuyết tật và hòa nhập xã hội đối với người khuyết tật đã và đang là vấn đề lớn được Nhà nước và cộng đồng xã hội chung tay giải quyết. Bài viết chỉ ra những rào cản trong quá trình hòa nhập xã hội của người khuyết tật, từ đó đưa ra gợi ý chính sách giúp các nhà hoạch định chính sách có đủ căn cứ và cơ sở cho việc xây dựng chính sách phù hợp với người khuyết tật ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Ảnh minh họa
Một số vấn đề về hòa nhập xã hội đối với người khuyết tật

Người khuyết tật (NKT) là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”1. Định nghĩa này mới chỉ dừng ở các khiếm khuyết trên góc độ y tế chứ chưa đề cập đến các khó khăn mà NKT gặp phải khi tiếp cận các dịch vụ công hay khi tham gia các hoạt động xã hội. Hiện nay, Việt Nam có 6,2 triệu người là NKT.

Bên cạnh đó, có 13% dân số – gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có NKT. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số. Những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn so với các hộ gia đình khác, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho NKT cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với NKT2.

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tình trạng phân biệt đối xử với NKT vẫn diễn ra như một phản ứng tự nhiên của xã hội. Kỳ thị đối với NKT bao gồm: (1) Kỳ thị do NKT cảm nhận thấy trong tương tác với xã hội; (2) Tự kỳ thị là định kiến mà NKT nội hóa vào suy nghĩ của mình và các suy nghĩ này quay lại chống lại bản thân NKT.

Để NKT không bị kỳ thị, phân biệt, đối xử và có được cuộc sống như những người bình thường khác, khái niệm “Hòa nhập xã hội” đã được bàn đến rất nhiều ở cả trong giới nghiên cứu, học giả và trong quản lý điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Hòa nhập xã hội (social inclusion) thường được hiểu một cách chung nhất là quá trình mà trong đó cá nhân hoặc nhóm xã hội nào đó được tạo các điều kiện thuận lợi để tham gia một cách tích cực vào đời sống xã hội trong sự bình đẳng với các thành viên khác của xã hội.

Các giá trị cơ bản của hòa nhập xã hội được tiếp cận trên những khía cạnh sau:

Một là, giá trị của sự thừa nhận, nghĩa là hướng đến việc thừa nhận và tôn trọng cá nhân/nhóm, các giá trị chung và sự khác biệt.

Hai là, sự phát triển cá nhân, đề cập việc nuôi dưỡng tài năng, khả năng và sự lựa chọn của trẻ em và người lớn để sống cuộc sống mà họ cảm thấy có giá trị và tạo ra được những đóng góp cho xã hội.

Ba là, sự tham gia và gắn kết liên quan đến việc cá nhân có quyền và được trợ giúp cần thiết để tham gia vào việc ra quyết định liên quan đến bản thân họ, đến gia đình và cộng đồng, cùng gắn kết vào cuộc sống của cộng đồng.

Bốn là, giá trị về sự gần gũi, liên quan đến việc chia sẻ không gian và xã hội nhằm tạo các cơ hội để tương tác và làm giảm khoảng cách giữa các cá nhân.

Năm là, sự thoải mái về vật chất, nghĩa là có được các nguồn lực vật chất cho phép trẻ em và các bậc cha mẹ tham gia một cách đầy đủ vào các hoạt động của cộng đồng.

Những rào cản đối với quá trình hòa nhập xã hội của người khuyết tật

Thứ nhất, chưa có nguồn tài nguyên, vốn dành cho NKT.

Tài nguyên ở đây được hiểu bao gồm việc làm, các công cụ, phương tiện… có thể không có sẵn, không đủ số lượng và cơ hội cho NKT như vấn đề nhà ở, việc làm và cơ hội có việc làm cho NKT, bởi đa phần trong số họ là người nghèo, người có mức thu nhập thấp do phần lớn họ phải sống nương nhờ người khác; một số công cụ có thể được thiết kế với các giá trị và giả định của xã hội trong điều kiện cụ thể, nhưng không phù hợp với họ, chẳng hạn việc tuyển dụng lao động có trình độ phổ thông nhưng đối với NKT, nhất là NKT sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, lại chỉ được phổ cập giáo dục tiểu học hoặc thậm chí là mù chữ. Nguồn tài nguyên vốn có thể không được tiếp cận vì chi phí, thủ tục, nghèo, vùng sâu, vùng xa, thiếu công khai minh bạch… Chẳng hạn, một trung tâm đào tạo nghề ở quá xa nơi cư trú của những NKT như giữa tỉnh này với tỉnh khác sẽ tạo một gánh nặng lớn cho NKT về chi phí tài chính và thời gian, đôi khi không bảo đảm an toàn trong quá trình di chuyển…

Trường hợp khác, chính sách cho vay ưu đãi đối với các NKT thuộc hộ nghèo có lúc chưa thực sự phát huy hiệu quả bởi thời gian cho vay ngắn, không kịp thu hồi tiền vốn, thủ tục vay rườm rà, số tiền vay nhỏ, không đủ để trang trải các khoản chi phí đầu tư… Điều này cũng khiến cho NKT không thể hoặc không muốn tiếp cận chính sách.

Thứ hai, sự kỳ thị của xã hội đối với NKT.

Trên thực tế, sự kỳ thị của xã hội đối với NKT được thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau. Sự kỳ thị với NKT cũng khác biệt tùy theo loại khuyết tật, theo tuổi, giới và học vấn. Những NKT về mặt trí tuệ, giao tiếp và không tự chăm sóc được bản thân có tỷ lệ bị kỳ thị cao hơn những người có các khiếm khuyết khác. Người trẻ tuổi bị kỳ thị cao hơn so với những người lớn tuổi hơn. Người có trình độ học vấn cao có xu hướng ít gặp kỳ thị hơn.

Thăm dò xã hội học cho thấy, hơn 98% số người trong cộng đồng được hỏi cho rằng NKT “đáng thương”, 65% cho rằng “NKT bị như vậy là do số phận” của họ, thậm chí có tới 17% cho rằng “gặp phải NKT là gặp vận đen”. NKT là người trẻ tuổi có cảm nhận kỳ thị cao hơn so với những người cao tuổi. Trong đó, những người từ 18 – 38 tuổi có tỷ lệ cảm nhận bị kỳ thị tới 62%, người từ 59 tuổi trở lên có tỷ lệ cảm nhận bị kỳ thị chỉ chiếm 15%, phần còn lại 23% của nhóm người từ 39 – 58 tuổi.

Tỷ lệ người trẻ tuổi có cảm nhận bị kỳ thị cao, bởi lẽ đây là những người thuộc nhóm có nhu cầu và thực hiện tiếp xúc xã hội cao hơn những nhóm còn lại, họ tiếp xúc xã hội thông qua cuộc sống hằng ngày, học tập, tìm kiếm việc làm và các quan hệ xã hội khác. Những người thuộc nhóm tuổi cao hơn có tỷ lệ cảm nhận bị kỳ thị thấp dần do nhu cầu và khả năng tiếp xúc xã hội ít hơn hoặc đã quen hay “thích ứng” với sự kỳ thị của xã hội đối với họ. Trong các loại khuyết tật, tỷ lệ người khiếm thị cảm nhận kỳ thị là cao nhất 41%, tiếp theo là NKT vận động 28%, người có khuyết tật về tự chăm sóc ít có cảm nhận kỳ thị hơn các nhóm khác 9%3.

Thứ ba, thể chế quản lý dành cho NKT.

Hệ thống thể chế đóng vai trò dẫn đường trong việc thực hiện hòa nhập/tái hòa nhập xã hội cho NKT. Tuy nhiên, thể chế luôn là sản phẩm của con người và nó bị chi phối, tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một đạo luật dành cho NKT được ban hành cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng mọi yếu tố tác động và cần có sự tham gia trong quá trình xây dựng dự thảo của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của cộng đồng và của chính đối tượng mà nó điều chỉnh.

Trong nhiều trường hợp, pháp luật tưởng chừng tạo điều kiện nhưng thực ra là cản trở sự hòa nhập. Chẳng hạn, Nhà nước ưu tiên các nhóm yếu thế trong việc tiếp cận các dịch vụ công như: y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội…, nhưng vì thủ tục quá rườm rà, phức tạp, đi lại tốn kém…, nên vô hình chung đã không thỏa mãn được mong muốn khi ban hành thể chế. Thêm vào đó, các văn bản hiện đang có sự chồng chéo cũng như chưa có sự thống nhất về nhận thức trong các cơ quan cung cấp hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho NKT. Vì những lý do này, quyền được trợ giúp pháp lý nhiều khi chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm thực thi có hiệu quả trên thực tế.

Thứ tư, tâm lý tự kỳ thị của NKT.

Tự kỳ thị là tự đánh giá thấp mình, là trạng thái mà con người cảm thấy mình luôn yếu kém trước người khác về một vấn đề nào đó. Những người tự kỳ thị rất khó thành công trong cuộc sống, tự kỳ thị làm cho họ khó có thể hòa nhập được với tập thể, nhóm và cộng đồng. Tự kỳ thị không những làm ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ mà còn ảnh hưởng đến thể chất của con người, là bức tường lớn gây trở ngại cho sự phát triển nhân cách, phát triển toàn diện.

Như vậy, NKT tự kỳ thị là người có ít hoặc không có tương tác với xã hội xuất phát từ sự e ngại, mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân một cách vô thức. Từ đó, tạo ra rào cản vô hình đối với quá trình hòa nhập/tái hòa nhập xã hội của NKT.

Một số gợi ý đổi mới chính sách trong thời gian tới

Một là, phải bảo đảm nguyên tắc chủ động hòa nhập và hòa nhập bền vững. Đối với NKT, Nhà nước và cộng đồng cần bảo đảm hòa nhập bằng cách cung cấp những trợ lực cần thiết, cơ bản ban đầu để họ loại bỏ dần những yếu tố gây ra tổn thương cho họ, nhất là trong mối tương quan giữa NKT với những người khác trong tìm kiếm việc làm, duy trì thu nhập.

Hai là, các biện pháp trợ giúp của Nhà nước thông qua chính sách, mặc dù mang tính nhân văn và là một tiền đề quan trọng nhưng phải được tính toán trên cơ sở hiệu quả kinh tế và NKT phải là chủ thể về mặt thực tiễn của quá trình hòa nhập.

Ba là, các nhà hoạch định chính sách phải tính toán, cân nhắc việc sử dụng các công cụ của chính sách để bảo đảm quyền lợi cho NKT, tránh những mặt trái của chính sách. Ví dụ, trong việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho NKT phải bảo đảm một mức tiền đủ để NKT trang trải các khoản chi dùng cho nhu cầu thiết yếu trong một khoảng thời gian được tính toán nhất định, bảo đảm cho họ đến khi tìm được một công việc mới. Tuy nhiên, mức tiền quá lớn lại là một nguy cơ giảm bớt sự kích thích đối với NKT tái tham gia thị trường lao động.

Bốn là, các công cụ cơ bản mà Nhà nước cần sử dụng trong chính sách cho NKT có thể thuận lợi hòa nhập xã hội là; an sinh xã hội; nhà ở và bảo đảm cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu.

Năm là, ưu tiên sử dụng các phương thức phù hợp với khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ của NKT là hoàn toàn cần thiết trong cung cấp hàng hóa và dịch vụ công. Việt Nam cần phát huy hơn nữa những nguồn lực xã hội trong việc bảo đảm hòa nhập xã hội cho NKT. Như vậy sẽ vừa giảm bớt áp lực về ngân sách cho Nhà nước, vừa tránh lãng phí các nguồn lực xã hội.

Chú thích:
1. Luật Người khuyết tật năm 2010.
2. Tổng cục Thống kê và UNICEF. Báo cáo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam, 2019.
3. Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE). Xóa bỏ kỳ thị, quan điểm và đánh giá của cộng đồng và người khuyết tật, 2019.

TS. Nguyễn Đức Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia