Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật

(Quanlynhanuoc.vn) – Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về Nhà nước và pháp luật là tài sản tinh thần quý báu được gìn giữ, bảo vệ và phát huy trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay, hướng tới phát triển nhanh và bền vững nhằm hiện đại hóa đất nước. Để nhận thức được sự hình thành và phát triển những tư tưởng đó của Người cần phải tìm hiểu nguồn gốc hình thành, những tác nhân chi phối và nhất là làm rõ bản chất, đặc điểm nhà nước dân chủ – pháp quyền – nhân văn (nhân nghĩa) Việt Nam theo tư tưởng – đạo đức – phong cách Hồ Chí Minh.

 

Ngày 30/11/2020, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia năm 2020 “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” (Nguồn: https://noichinh.vn).
Tổng quan lý luận tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là một trong những nội dung cốt yếu của tư tưởng chính trị, đường lối chính trị của Người, gắn liền chính thể với xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước, với xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý nhà nước và xã hội, với đào tạo đội ngũ công chức chuyên nghiệp có kỷ luật công vụ nghiêm minh, đạo đức công chức tận tụy, trách nhiệm phục vụ nhân dân, trong sạch, liêm khiết, giữ được tín tâm trong lòng dân.

Người chủ trương, một đường lối chính trị dân chủ, phấn đấu không mệt mỏi xây dựng thể chế dân chủ pháp quyền để thực hiện và bảo vệ quyền làm chủ đích thực của nhân dân, thấm nhuần nguyên tắc bao nhiêu lợi ích thuộc về dân, bao nhiêu quyền hành cũng là của dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước thật trong sạch, thật liêm chính, thật sự vì dân. Nhân dân là chủ thể gốc của quyền lực, chủ thể ủy quyền phải phát huy được vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của mình để kiểm soát quyền lực, làm cho quyền lực không bị tha hóa, biến dạng.

Cùng với pháp luật, Hồ Chí Minh còn thường xuyên chú trọng đạo đức, giáo dục và thực hành đạo đức cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức trong các cơ quan công quyền, trong các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, giữa công chức với công dân. Trong nhiều năm ở cương vị Chủ tịch chính phủ và Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc sự kết hợp đức trị với pháp trị trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Suy rộng ra, đó là văn trị như nhận xét của Giáo sư Vũ Khiêu. Đó là văn hóa, từ văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật đến văn hóa chính trị, kết tinh ở văn hóa dân chủ. Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc. Mục đích tối cao của Nhà nước và pháp luật là vì dân, phục vụ dân, phát huy vai trò của dân trong xây dựng và bảo vệ chế độ. Đảng lãnh đạo và cầm quyền, bao gồm cả lãnh đạo xã hội và lãnh đạo Nhà nước cũng vì dân, ngoài việc phấn đấu cho lợi quyền của dân, Đảng và Nhà nước không có mục đích nào khác.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân phải trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn và sáng suốt của Đảng mà xây dựng nhà nước đồng bộ về các mặt: thể chế (Hiến pháp và hệ thống luật pháp), thiết chế (hệ thống bộ máy của Nhà nước từ trung ương tới địa phương và cơ sở như Đảng ta nói hiện nay là tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả), cơ chế, chính sách và các chế tài cần thiết, đủ mạnh, tạo động lực phát triển. Các chính sách phải nhất quán với mục tiêu con người, tức là giải phóng mọi tiềm năng của dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát triển sức dân lại phải tiết kiệm sức dân. Người trù tính phải tiến tới giảm dần sự đóng góp của dân, nhất là nông dân. Chính sách an dân, khuyến dân hướng vào dân sinh, dân trí, dân quyền và dân chủ. Đó là đạo lý và đạo nghĩa lớn nhất của chính phủ liêm chính, nhằm bảo đảm cho luật pháp, chính sách được thực hiện và nghiêm trị những biểu hiện vi phạm luật pháp, chính sách, làm suy yếu chính thể và gây tổn hại tới lợi ích và quyền làm chủ của dân, nhất là tệ quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng. Đây là những đối lập với dân chủ, gây phản cảm xã hội lớn nhất trong dân chúng.

Mấu chốt của vấn đề sức mạnh Nhà nước còn nằm ở các nguồn lực được đầu tư cho phát triển mà quan trọng, quyết định nhất là nguồn nhân lực nhà nước. Đó là đội ngũ các quan chức, công chức, viên chức được đào tạo, được bố trí vào các vị trí việc làm hợp lý nhất, được giáo dục, huấn luyện thường xuyên để tận tâm, tận lực với công việc, tận tụy, mẫn cán phục vụ dân đi liền với tính chủ động, sáng tạo, có đủ đức đủ tài, thực đức thực tài mà đức là gốc. Đội ngũ này phải thường xuyên được kiểm tra, giám sát, đánh giá của người dân, được kiểm soát, sàng lọc để cái tốt được phát huy, cái xấu, cái hư hỏng phải được loại bỏ.

Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh phải tẩy sạch lãng phí, quan liêu, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân, trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, làm gì, ở cương vị nào. Phải cư xử, ăn ở với dân như vậy mới được lòng dân, không làm điều gì trái ý dân.

Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm và sự gương mẫu của người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu một địa phương, một cơ quan, công sở. Đoàn kết phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, cộng đồng trách nhiệm, trung thực, khiêm tốn, giản dị, kính trọng lễ phép với nhân dân phải được đề cao trong mọi hoạt động, mọi mối quan hệ giữa con người với công việc. Phải thường xuyên đổi mới, dựa vào sự đóng góp, giúp đỡ của Nhân dân mà đổi mới, san bằng mọi khó khăn, trở ngại của những thói quen cũ, lạc hậu, lỗi thời, xây dựng cái mới tiến bộ, phát triển để hợp với lòng dân, thuận theo ý dân, tạo ra sự bền vững thực chất của dân chủ – đoàn kết – đồng thuận, làm cho Ý Đảng – Lòng Dân – Phép Nước là một khối thống nhất, trở thành sức mạnh tổng hợp xây dựng xã hội văn minh trên nền tảng nước mạnh, dân giàu, công bằng, dân chủ và bình đẳng được thực hiện.

Nguồn gốc hình thành và những tác động lịch sử tới tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật

Có những ngọn nguồn vừa sâu xa vừa trực tiếp tác động tới sự hình thành tư tưởng Nhà nước và pháp luật của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sau đây:

Thứ nhất, tình cảnh nước mất, nhà tan, Nhân dân sống trong cảnh bị đọa đày, đau khổ dưới ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến đã sớm thôi thúc Người tìm đường giải phóng, theo đuổi khát vọng Tự do – Công bằng – Bình đẳng cho Nhân dân mình.

Thực tiễn xã hội – lịch sử của đất nước, dân tộc và Nhân dân đã là ngọn nguồn khởi phát đầu tiên hình thành lý tưởng chính trị của Nguyễn Tất Thành. Tổ quốc phải độc lập, dân tộc phải tự do và Nhân dân phải có hạnh phúc. Đó vừa là khát vọng vừa là ý chí nuôi đưỡng tư tưởng và hành động của Người, để từng bước trong cuộc sống lao động “vô sản hóa”, trong đấu tranh, hòa mình vào quần chúng bị áp bức ở khắp mọi nơi, Nguyễn Ái Quốc định hình quan điểm và đường lối cũng như phương pháp cách mạng sau này.

Thứ hai, tội ác của thực dân, của tư bản đế quốc gây ra đối với đồng bào và đối với Nhân dân các nước thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã chứng kiến, đã nghiên cứu, khảo sát đem lại cho Người những nhận thức mới, đã củng cố niềm tin và quyết tâm tranh đấu.

Quan sát tượng Nữ thần Tự do trên nước Mỹ, trực tiếp lăn lộn trong phong trào đấu tranh của thợ thuyền và công nhân chính trên đất Pháp, nơi đã sản sinh ra những tư tưởng dân chủ và nhân quyền, dân quyền cao quý nhưng cũng lại phản bội những tư tưởng cao quý đó bằng xâm lược thuộc địa, bằng bóc lột và đàn áp người lao động từ chính quốc tới các thuộc địa… đã cung cấp chất liệu thực tế cho Nguyễn Ái Quốc rút ra những kết luận chính trị quan trọng nhất về bản chất của chế độ thực dân và tính tất yếu của cách mạng giải phóng. Công lý, pháp luật, dân chủ và quyền sống của con người là những câu hỏi lớn đặt ra cho tư duy của Người về Nhà nước và bằng con đường nào để tạo dựng thể chế nhà nước bảo vệ những quyền cơ bản của con người.

Thứ ba, Văn kiện chính trị – pháp lý đầu tiên gồm 8 Điều ký tên Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Véc – Xây năm 1919 đòi quyền tự do độc lập cho Việt Nam, đòi những quyền tự do dân chủ của con người và đặc biệt đòi ban hành các đạo luật, thay thế cho chế độ ra sắc lệnh là một bước ngoặt đối với sự hình thành tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật. Việc không có hồi âm và cách hành xử của bọn đế quốc thực dân trên đất Pháp, nhất là sự kiểm soát gắt gao của toàn quyền Đông Dương cùng với mạng lưới cảnh sát Pháp về hành tung chính trị của Nguyễn Ái Quốc càng làm cho Người ý thức rõ về bản chất Nhà nước và pháp luật tư sản, càng củng cố ở Người về lập trường tranh đấu. Từng bước một, Người nhận rõ, vấn đề Nhà nước và pháp luật cũng như dân chủ và quyền dân chủ của con người chỉ có thể được giải quyết trên tiền đề chính trị tự do và khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc. Cách mạng giải phóng dân tộc trên lập trường giai cấp công nhân là con đường và phương thức giải quyết vấn đề đó.

Thứ tư, tiếp cận tư tưởng Lênin về quyền tự quyết của các dân tộc và con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa, năm 1920 cùng với tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 – một cuộc cách mạng đến nơi và đem lại dân chủ cho đa số quần chúng trong chính thể cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã định hình tư tưởng chính trị về Nhà nước và pháp luật của Hồ Chí Minh sau này.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” năm 1925 là một công trình nghiên cứu lịch sử – lý luận viết bằng tiếng Pháp sau khi Người đã đến nước Nga, đã trực tiếp nhận thấy từ nước Nga Xô Viết xã hội chủ nghĩa “hình ảnh tương lai” của Việt Nam là một tác phẩm Mác xít có tầm cỡ của Người. Đây là lời tuyên bố pháp lý, thực sự là bản tuyên án chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Ái Quốc, để 20 năm sau, với “Tuyên ngôn Độc lập” (ngày 02/9/1945), khai sinh chế độ dân chủ cộng hòa ở Việ̣t Nam, bản án đã được thi hành, đã cáo chung chế độ thực dân ở Việt Nam trong ngót một thế kỷ.

Thứ năm, vụ án Tống Văn Sơ ở Hồng Kông và vị luật sư Lu-dơ-bai đã bênh vực cho Nguyễn Ái Quốc, họ đem nhân cách chính trực của mình bảo vệ công lý và giải thoát cho Người đã để lại ấn tượng cực kỳ sâu sắc trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc1.

Bên thềm Cách mạng Tháng Tám, mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943, Nguyễn Ái Quốc lại bị bắt ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc, bị chế độ Tưởng Giới Thạch đầy đọa suốt 14 tháng liền, giải đi qua 30 tù ngục và sống trong hoàn cảnh tồi tệ, phi nhân nhất… là trường học thực tế cho Người thêm một lần hiểu rõ vấn đề Nhà nước và pháp luật, thấm thía giá trị và ý nghĩa của tự do, dân chủ và nhân quyền. Những thực tế về cảnh ngộ và thân phận người tù được Người nói rõ trong “Ngục trung nhật ký” với 133 bài thơ viết bằng chữ Hán đã cho ta cảm nhận đầy đủ khát vọng tự do và nỗi đau khổ lớn khi mất tự do của Người như thế nào.

Thứ sáu, thực tế xây dựng chính quyền cách mạng, những hình thức phôi thai, mầm mống của chế độ mới, thể chế mới từ những ngày sục sôi khởi nghĩa, tình thế và thời cơ cách mạng chín muồi ở căn cứ địa Việt Bắc, Hội nghị Quốc dân Đại hội Tân Trào, cho đến Tuyên ngôn Độc lập và xây đắp nền móng chế độ cộng hòa dân chủ (từ ngày 02/9/1945 – 19/12/1946) khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ… đã là một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu tính hiện thực của Nhà nước và pháp luật dân chủ – pháp quyền do Hồ Chí Minh thiết kế đi liền với hành động, với những sáng tạo đặc sắc trong lý luận và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.

Trong những giờ phút khẩn trương, bộn bề công việc, trong lúc vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài, Hồ Chí Minh đã dồn toàn tâm, toàn lực cho việc xây dựng luật pháp, ban hành chính sách, củng cố bộ máy chính quyền và chú trọng dân chủ – pháp luật. Đáng lưu ý ở giai đoạn này là tác phẩm “Quốc lệnh” của Người, dùng luật pháp nghiêm trị tội ác phản dân, hại nước (năm 1946). Giai đoạn 1945 – 1946 dù rất ngắn nhưng lại rất nổi bật và điển hình cho tư tưởng và thực hành tư tưởng dân chủ – pháp quyền, Nhà nước và pháp luật của Hồ Chí Minh.

Thứ bảy, thực tế hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại (1946 – 1954) và chống đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam, gây chiến tranh phá hoại hủy diệt miền Bắc (1954 – 1975), Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân “vừa kháng chiến và kiến quốc”, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện tối đa cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam… cho đến khi Người qua đời (ngày 02/9/1969) đã thể hiện tập trung nhất tư tưởng dân chủ – pháp quyền, xây dựng chế độ nhà nước, cải cách hành chính, tư pháp của Hồ Chí Minh cũng như nỗ lực của Người rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên công chức “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đó cũng là sự thể hiện rõ rệt nhất sự kết hợp đức trị với pháp trị của Người trong hoạt động quản lý nhà nước.

Cùng với những nhân tố thực tiễn – lịch sử, vai trò của lý luận, nghiên cứu lý luận, nhất là các học thuyết chính trị – pháp lý mà Người tích lũy được cùng năm tháng đã tác động tới tư tưởng của Người trong vấn đề Nhà nước và pháp luật. Đặc biệt quan trọng là Người nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, xây dựng Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân gắn liền với tính dân tộc và tính Nhân dân, xây dựng pháp luật để thực thi và bảo vệ quyền công dân, quyền con người, phục vụ đa số Nhân dân lao động, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với nguyên tắc và chế độ tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung.

Lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, hệ tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân (Mác – Lênin), xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917 và thời đại mới, quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là nhân tố trực tiếp, quan trọng và quyết định sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Ở đây, có hai điểm cần nhấn mạnh:

Một là, Người là nhà Mác xít nhưng không biệt phái, giáo điều mà hết sức sáng tạo và hiện đại, có bản lĩnh đổi mới và hội nhập để phát triển theo quy luật tiếp biến văn hóa để tích hợp và nâng cao trong tư tưởng, chủ kiến, chủ thuyết riêng của mình về Nhà nước và pháp luật Việt Nam.

Hai là, vai trò cực kỳ quan trọng thuộc về nhân tố chủ quan của Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng, nhà tổ chức thiên tài, sáng lập ra Đảng ta, chế độ ta, Nhà nước ta. Đó không chỉ là năng lực trí tuệ mà còn là đạo đức cách mạng, là dấn thân và hy sinh của Người, là kiểu mẫu của động cơ, mục đích vì dân, vì dân tộc và nhân loại, nêu cao bản lĩnh “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”2, đứng ngoài vòng danh lợi, tuyệt đối không màng danh lợi, chỉ một lòng một dạ vì Dân, vì Nước.

Đó còn là phông văn hóa rộng rãi và kinh nghiệm sống phong phú, trải nghiệm qua mọi tình huống hiểm nguy, giữ vững niềm tin chân lý và suốt đời hy sinh phấn đấu, thực hành đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh.

Bởi thế, Người không chỉ thiết kế lý luận và tư tưởng cho Nhà nước dân chủ pháp quyền Việt Nam mà còn thực hành, hiện thực hóa tư tưởng đó trong thực tiễn cuộc sống, vì Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của toàn dân.

Những đặc trưng của Nhà nước và pháp luật Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ nhất, đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản với tư cách là Đảng cầm quyền, duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Đó là Nhà nước thực thi quyền lực nhân dân, xây dựng nền dân chủ bảo đảm tất cả mọi quyền lực Nhà nước và xã hội đều thuộc về Nhân dân, do Nhân dân làm chủ.

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trở thành mối quan hệ chính trị – pháp lý rộng lớn nhất quy định chức năng, thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của các đồng chủ thể trong xã hội Việt Nam, cùng phấn đấu theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”3. Mối quan hệ tổng quát đó chi phối các quan hệ lớn khác, phản ánh quy luật và tính quy luật phát triển của Việt Nam trong xã hội hiện đại và đương đại4. Đặc điểm hay đặc trưng này là quan điểm chính trị trong xây dựng Nhà nước và pháp luật.

Thứ hai, Nhà nước và pháp luật Việt Nam là hình thức tổ chức và điều kiện bảo đảm cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dân chủ là bản chất, mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội, của đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dân chủ và quyền dân chủ của công dân, của Nhà nước vận động trong hành lang của pháp luật dân chủ. Pháp luật trở thành điều kiện và giới hạn của dân chủ, bảo đảm cho xã hội có tổ chức, không rơi vào tự phát và hỗn loạn của tình trạng vô chính phủ, cũng như dân chủ tập trung là cần thiết tất yếu để không biến thành tập trung quan liêu trong quản lý. Tính pháp lý gắn liền với tính nhân văn, tính dân tộc, tính nhân dân không chỉ là đặc trưng của dân chủ, của pháp luật mà còn là đặc trưng của Nhà nước.

Thứ ba, thực thi vai trò và sứ mệnh quản lý, Nhà nước phải thực hiện trách nhiệm quản lý toàn diện ứng với nội dung toàn diện của dân chủ và dân chủ hóa ở nước ta. Tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó cũng là các lĩnh vực của dân chủ và dân chủ hóa, thể hiện trong các mối quan hệ giữa con người với con người, với công việc và tổ chức. Hồ Chí Minh căn dặn, đời sống có bốn mặt chủ yếu ngang nhau, không tách rời nhau, không xem nhẹ, coi nhẹ một mặt nào.

Thứ tư, nhà nước pháp quyền dân chủ trong logic tư tưởng và tổ chức hoạt động của nó trước hết phải là Nhà nước của dân. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất thuộc về bản chất và mục tiêu của Nhà nước. Dân là chủ và dân làm chủ, là định nghĩa điển hình nhất về dân chủ của Hồ Chí Minh mà cũng là tuyên bố: dân là chủ nhà nước của mình. Muốn vậy phải có dân chủ đầy đủ và thực chất, dân là chủ thể chính trị, chủ thể pháp lý cao nhất đối với Nhà nước, trao quyền, ủy quyền cho Nhà nước đồng thời kiểm soát quyền lực nhà nước. Do dân là phương thức tổ chức, là lực lượng tổ chức qua thể chế bầu, bãi miễn, miễn nhiệm của dân thông qua các đại biểu của dân (Quốc hội, Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát). Vì dân là mục đích tối cao của Nhà nước, lấy sự hài lòng, sự tín nhiệm, sự tin cậy của dân đối với Nhà nước làm thước đo quản lý, quản trị. Đây cũng là phẩm tính nhân nghĩa của Nhà nước ta, tạo nên pháp quyền nhân nghĩa.

Thứ năm, nếu dân chủ là linh hồn của nhà nước, pháp luật tạo sinh khí của Nhà nước thì công chức là người thể hiện, thực hiện, thi hành công vụ nhà nước mà mệnh lệnh tối cao là của dân, do dân kiểm soát. Đội ngũ công chức trong các tổ chức, cơ quan công quyền vì dân phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán với công việc, chức phận để làm tròn trách nhiệm, phục vụ dân. Từ Chủ tịch nước trở xuống đến nhân viên, người phục vụ đều là đầy tớ công bộc của dân.

Với công chức và người của nhà nước nói chung phải luôn đề cao và thực hiện “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại”, “phụng công thủ pháp” và “tinh thành đoàn kết”, “kính trọng lễ phép với nhân dân”.

Với Nhân dân, phải đề cao trách nhiệm, bổn phận kiểm soát Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ của người chủ. Chống quan liêu tham nhũng là trách nhiệm không chỉ từ phía Đảng, Nhà nước mà còn từ phía người dân.

Người tỏ rõ thái độ quyết liệt, trừng trị cái ác để bảo vệ cái thiện, phải giết bỏ những sâu mọt để cứu lấy cả cánh rừng xanh tốt – đó là Dân. Khi trả lời phỏng vấn: “Chủ tịch ghét điều gì nhất?”, Người trả lời “Điều ác”. “Chủ tịch yêu điều gì nhất?”, Người trả lời “Điều thiện”.

Tẩy sạch quan liêu, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân là tẩy sạch cái ác lớn nhất. Tăng cường đạo đức cách mạng, nâng cao trách nhiệm, kỷ cương là tăng cường sức mạnh của cái thiện lớn nhất trong Dân. Tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nêu trên đang rất cần phải vận dụng, phát triển sáng tạo để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền – dân chủ ở nước ta hiện nay.

Chú thích:
1. Sau này khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã mời vợ chồng luật sư Lu-dơ-bai sang thăm Việt Nam, đón tiếp thân tình, tỏ lòng biết ơn sâu sắc ân nhân của mình.
2. Đường cách mệnh năm 1927.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII (Báo cáo Chính trị).
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng kết 30 năm đổi mới (1986 – 2016).

TS. Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương