Đắk Lắk đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Cải cách hành chính được Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII xác định là một trong ba khâu đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2020 – 2025. Thực tiễn, trong 10 năm qua, nhất là 5 năm (2016 – 2020), Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt những kết quả khá toàn diện và nổi bật, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh tham dự Hội thảo trực tuyến toàn quốc: Công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và chỉ số cải cách hành chính năm 2020, ngày 24/6/2021.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC). Bên cạnh đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Đến nay, Trung ương đã công bố các chỉ số liên quan đến CCHC năm 2020, trong đó, các chỉ số  của tỉnh Đắk Lắk như sau: Chỉ số PAR INDEX xếp hạng 45/63 (tăng 5 bậc so với năm 2019); Chỉ số PAPI xếp hạng 50/63 (tăng 12 bậc so với năm 2019); Chỉ số PCI xếp hạng 35/63 (tăng 3 bậc so với năm 2019) thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Những kết quả nổi bật

Kết quả nổi bật nhất về CCHC của tỉnh năm qua là những con số ấn tượng. Tính đến nay, tỉnh đã triển khai Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông (hệ thống iGate) đến 34 đơn vị, gồm 19 sở, ban, ngành; 15/15 UBND huyện, thị xã, thành phố. Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đã triển khai 41 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phí, lệ phí. Có hơn 1.567 thủ tục hành chính (TTHC) được cập nhật vào cơ sở dữ liệu TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 430 dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Đã có 3.126.832 triệu lượt truy cập vào Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Thực hiện chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc: tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, minh bạch hoá quy trình, thủ tục, đẩy mạnh thực hành dân chủ, tăng cường niềm tin của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phòng, chống tham nhũng. Kết quả thực hiện công tác CCHC thể hiện nổi bật trên 6 nội dung:

Thứ nhất, về cải cách thể chế: Từ năm 2011 đến ngày 31/3/2020, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 605 văn bản, gồm 158 nghị quyết, 402 quyết định, 45 chỉ thị nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật . Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ theo đúng quy trình quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính khả thi.

Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính: Đã ban hành các quyết định công bố TTHC, danh mục TTHC, thông qua phương án đơn giản hóa TTHC. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động ngày 31/12/2019 đã tiếp nhận và trả kết quả 19 lĩnh vực TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 19 sở, ban, ngành.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông tỉnh Đắk Lắk (iGate) cung cấp 1.696 dịch vụ công trực tuyến, trong đó: mức 2: 622 (chiếm tỷ lệ 36,67%); mức 3: 638 (chiếm tỷ lệ 37,62%); mức 4: 434 (chiếm tỷ lệ 25,59%). Đã phân quyền cho hơn 520 tài khoản của cán bộ, công chức thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Thứ ba, bộ máy hành chính của tỉnh bước đầu đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Đến nay, đã giảm 21 phòng, 3 chi cục thuộc Sở và 4 đơn vị trực thuộc Chi cục. Số lượng các cơ quan chuyên môn cấp huyện được tổ chức thống nhất gồm 13 phòng, ban chuyên môn, theo đó, tổng số phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện: 195 phòng. UBND tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm theo đúng lộ trình đến năm 2021 giảm 10% so với biên chế được giao năm 2015.

Thứ tư, tỉnh xây dựng và thực hiện cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh và thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chí tinh gọn, hiệu quả. Một trong những kết quả nổi bật là thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng.

Thứ năm, cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực: Công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều đổi mới; đã đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng phân cấp, tăng cường tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; theo đó làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, về chính quyền điện tử: 100% văn bản đã được trao đổi liên thông giữa các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã qua Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành (iDesk). Có trên 46.016 tài khoản thư điện tử công vụ của cán bộ, công chức, viên chức dùng để trao đổi thông tin trong công việc trên Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh (eMail). Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cấp phát 4.610 chữ ký số cho cá nhân, tổ chức và 650 SIM PKI ký số trên các thiết bị di động…

Có thể khẳng định, CCHC trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả, những vấn đề mang tính bức xúc đã có chuyển biến tích cực… Bên cạnh những kết quả đạt được, CCHC của tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế và chưa có nhiều sáng kiến mang tính đột phá.

Một số nhiệm vụ trọng tâm

Để tiếp tục phát huy những thành quả CCHC trong thời gian qua, góp phần nâng các chỉ số PAR Index, PAPI, PCI, SIPAS, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác CCHC, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Hai là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền CCHC với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Ba là, tăng cường theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác kiểm soát TTHC, trọng tâm là hoàn thành việc rà soát, đơn giản hóa các TTHC. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp.

Bốn là, tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, trong đó cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển hệ thống nền tảng, hệ thống kho dữ liệu dùng chung, phát triển các ứng dụng dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin, nguồn nhân lực để sẵn sàng chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2025, xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số của tỉnh sẽ nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Trong lộ trình đó, giai đoạn 2021 – 2022, tỉnh chủ động xây dựng hình mẫu về chính quyền số, tập trung vào cung cấp dịch vụ công số làm nền tảng vững chắc cho kinh tế số và xã hội số.

Thúc đẩy CCHC, góp phần xây dựng nền hành chính đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Bạch Văn Mạnh
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk.