Giải pháp tăng cường tương tác giữa giảng viên và học viên trong chương trình bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Sự thay đổi về hình thức giảng dạy từ trực tiếp trên lớp tới giảng trực tuyến đòi hỏi sự thích nghi và nhiều tìm tòi, công phu để làm sao giảng viên vẫn giao lưu, giao cảm với người học, đồng thời, vẫn đáp ứng được nội dung chương trình với những kỳ vọng cao, hiệu quả trong mỗi buổi lên lớp. Bài viết gợi mở những giải pháp tăng cường tương tác giữa giảng viên và học viên trong chương trình bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức.
TS. Hoàng Quang Đạt – giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đang giảng bài trực tuyến tại Học viện Tư pháp.
Từ đối tượng học viên…

Trong các chương trình bồi dưỡng kỹ năng, đối tượng học viên là lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, huyện và tương đương… họ là những người đã được đào tạo cử nhân chuyên sâu của một ngành nào đó, nhiều người còn học ở bậc cao hơn; đã được tập huấn và bồi dưỡng các chương trình quản lý hành chính và các kỹ năng lãnh đạo khác nhau; đồng thời, cũng đã trải nghiệm qua các vị trí công việc khác nhau trước khi trở thành người lãnh đạo, quản lý. Như vậy, thực tế người học vừa có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, điều hành quản lý hành chính hằng ngày, va đập và phải xử lý các khó khăn, các tình huống, thậm chí các xung đột phát sinh trong hoạt động công vụ. Do đó khi đến với lớp học, học viên thường muốn khám phá cái mới, phương pháp tư duy, tầm nhìn và khả năng dự báo phát triển từ những phương pháp giảng dạy và tri thức được truyền đạt của giảng viên để hoàn thiện các kỹ năng quản lý trong công việc và cuộc sống.

…Tới mục tiêu của bài giảng

Mục tiêu đào tạo cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ có đề ra: trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

Như vậy, một mặt ngoài việc trang bị kiến thức thì trong bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cần hướng vào các hoạt động huấn luyện kỹ năng và phương pháp làm việc (trong giảng dạy trực tuyến sẽ hạn chế mục tiêu và các hoạt động này) và tạo hứng thú cho người học áp dụng những vấn đề trên lớp vào trong thực tiễn lãnh đạo, điều hành hiệu quả hơn.Mặt khác, mục tiêu giảng dạy vẫn luôn hướng tới lấy người học là đối tượng trung tâm, vì thế các thông tin, kiến thức được khai thác, vận dụng nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn, coi trọng những đóng góp về tri thức và thực tiễn của học viên trong quá trình giảng dạy.

Sự khác biệt trong học trực tuyến

Thông thường lớp học trên lớp, giảng viên và học viên cùng các hoạt động giảng dạy trong một không gian 50mvà rộng hơn; người học và giảng viên được giao lưu, kết nối trực tiếp thông qua những trao đổi, các hoạt động nhóm và sự giao cảm này là thường xuyên, liên tục, vì thế các nội dung, kỹ năng tới các học viên sinh động và hấp dẫn; sự tương tác qua lại sẽ giúp cho học viên hiểu biết rõ ràng và cụ thể về nội dung, kiến thức mà giảng viên muốn truyền đạt, tạo lên những cung bậc cảm xúc và gắn bó hơn giữa giảng viên với người học.

Nhưng với hình thức giảng trực tuyến lại hoàn toàn khác, không gian mà người học khi tham dự ở nhiều địa phương, tỉnh thành khác nhau; trong một không gian ảo này, giảng viên thì xuất hiện trên màn hình liên tục, nhưng học viên thì phần lớn là “ẩn” trong các khuôn hình, chỉ khi nào họ tham gia trao đổi thì lúc đó mới có sự tương tác giữa người giảng và người học; phần lớn thời gian là giảng viên độc thoại một chiều. Điều này sẽ hạn chế sự tương tác và giảm sự hứng thú giữa giảng viên với học viên, vì vậy sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả mỗi giờ giảng. Đây chính là thách thức đối với các giảng viên trong giảng dạy trực tuyến.

Lựa chọn nội dung và phương pháp phù hợp trong dạy học trực tuyến

Thời lượng giảng mỗi chuyên đề của các chương trình bồi dưỡng nêu trên thường chỉ 8 tiết/chuyên đề, trong khi đó chuyên đề lại có nhiều nội dung khác nhau; tất nhiên, các nội dung đó đều logic và liên quan đến nhau tạo thành một xâu chuỗi gắn kết phục vụ cho chủ đề. Như vậy, sẽ có hai cách triển khai nội dung, cách thứ nhất là, truyền đạt tất cả các nội dung của chuyên đề, cách này sẽ làm cho nội dung dàn trải thiếu điểm nhấn và dễ dẫn đến sự nhàm chán của người học; cách thứ hai, là lựa chọn một hoặc hai nội dung trọng tâm, nòng cốt để giảng, nội dung này phải quán xuyến và chi phối cho các nội dung khác của chuyên đề, với cách lựa chọn và triển khai như vậy thì giảng viên sẽ cùng học viên khai thác, trao đổi sâu sắc và thú vị hơn trong giờ lên lớp. Với những nội dung còn lại thì chúng ta có thể giới thiệu để học viên có hướng tiếp cận và nghiên cứu.

Trong quá trình giảng trực tuyến, nếu giảng viên chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình thì cách truyền tải thông tin một chiều này sẽ triệt tiêu mối quan hệ qua lại với người học, làm hạn chế sự tham gia của học viên và cũng đồng thời không huy động được kiến thức, kinh nghiệm và những ý tưởng độc đáo từ phía người học, ảnh hưởng trực tiếp hiệu quả trong giảng dạy.

Vì thế, giảng viên cần cải thiện và bổ sung một số phương pháp sư phạm để khắc phục cách giảng một chiều như trên đã nêu.

Như chúng ta đã biết, một số vấn đề lớn có tính bao quát trong nội dung chuyên đề, khi thiết kế câu hỏi cho học viên, nếu như đối với giờ giảng trực tiếp trên lớp thì có thể triển khai các phương pháp, như: làm việc nhóm, bể cá… để học viên thảo luận nhóm và trả lời, thì trong giờ giảng trực tuyến chúng ta cần thay đổi phương pháp cho phù hợp. Đơn cử như khi đặt một câu hỏi mở hoặc đưa ra một tình huống, giảng viên sẽ yêu cầu học viên suy nghĩ và làm việc độc lập (lưu ý rằng, giảng viên cần quy định thời gian suy nghĩ và trả lời trong bao nhiêu phút).

Nhiều khi học viên ngại trả lời, nhất là khi họ ngồi sau các màn hình máy tính, khi mà giảng viên không quan sát trực tiếp được với người học. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể khuyến khích học viên tham gia trả lời, luận bàn về những vấn đề đó?

Đây là một kỹ năng đòi hỏi sự mềm mỏng và kiên trì của giảng viên.

Học viên sẽ vui hơn khi nhớ tên và sẽ nhắc tên họ khi các vấn đề mà chúng ta thuyết trình có liên quan đến những câu trả lời của các học viên đó.

Với một số cách triển khai nêu trên, chúng ta sẽ tạo được bầu không khí lớp học vui vẻ và thân thiện, tạo sự tương tác tích cực đóng góp cho giờ giảng thú vị và hiệu quả hơn.

TS. Trịnh Thanh Hà
Học viện Hành chính Quốc gia