Cung ứng dịch vụ công – kinh nghiệm cho Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Dịch vụ công luôn là hoạt động được người dân quan tâm và đòi hỏi chất lượng cao. Do đó, cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công và sự hài lòng của người dân có mối quan hệ mật thiết. Chất lượng dịch vụ công tốt góp phần rất lớn vào sự hài lòng của người dân, và đây cũng là mục tiêu trong cải cách hành chính ở nước ta. Tuy nhiên, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ công là điều không đơn giản trong sự phát triển của từng địa phương, trong đó có Hà Nội.

 

Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Hà Nội.

Dịch vụ công (DVC) được hiểu là những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội và người dân; vì lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội; do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân thực hiện.

Cung ứng dịch vụ được hiểu “liên quan đến việc cung cấp hàng hóa công hữu hình và bản thân các dịch vụ vô hình”1. Như vậy, DVC không chỉ thuần túy là dịch vụ do Nhà nước cung cấp, mà bản chất là sự cung ứng hàng hóa, sản phẩm hữu hình hoặc vô hình cho lợi ích công cộng. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cung ứng DVC nhưng không phải là chủ thể duy nhất cung ứng DVC. Cung ứng DVC không hoàn toàn diễn ra theo quan hệ thị trường và quy luật kinh tế.

DVC có nhiều dạng, tùy theo tiêu chí phân loại: (1) Theo chủ thể cung ứng có:  DVC do Nhà nước độc quyền cung ứng (cấp phép, cứu hỏa,…);  DVC do Nhà nước và tư nhân phối hợp cùng cung cấp (Nhà nước vẫn giữ quyền can thiệp, điều tiết bằng việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí, như: giáo dục, y tế,… ); DVC do tư nhân hoàn toàn đảm nhiệm dưới sự kiểm soát của Nhà nước (nước sạch, chiếu sáng,…). (2) Theo mức độ đóng phí của người thụ hưởng dịch vụ: DVC do người dân hoàn toàn chi trả; DVC do người dân chi trả một phần; DVC do Nhà nước hoàn toàn chi trả; (3) Theo chức năng:  dịch vụ hành chính công, dịch vụ công cộng.

Trong quá trình cung ứng DVC có nhiều mô hình xuất hiện nhưng việc các quốc gia ứng dụng mô hình nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh tế – xã hội, đặc điểm dân cư, địa lý… Thông thường hiện nay có 3 hình thức cơ bản.

Một là, Nhà nước trực tiếp cung ứng DVC thông qua các cơ quan trong bộ máy hành  chính nhà nước cung ứng DVC; các tổ chức công được ủy thác hoặc giao quyền cung ứng DVC; các doanh nghiệp nhà nước cung ứng DVC.

Hai là, tạo điều kiện để tư nhân tham gia cung ứng DVC thông qua ủy quyền cho các doanh nghiệp tư nhân hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO) cung ứng một số DVC; chuyển giao trách nhiệm cung ứng DVC cho các tổ chức (các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội…); tư nhân hóa DVC; thuê các doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ.

Ba là, Nhà nước và tư nhân hợp tác cung ứng DVC, như: xây dựng – chuyển giao (BT); xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT); xây dựng – chuyển giao – vận hành (BTO); xây dựng – sở hữu – vận hành (BOO); thiết kế – xây dựng – tài trợ – vận hành (DBFO).

Việc cung ứng DVC được chia thành khu vực cung ứng DVC cốt lõi. Theo đó, khu vực cốt lõi này sẽ cung cấp dịch vụ dựa trên cơ sở pháp lý và các nguyên tắc trong quản lý công. Đối với khu vực cung ứng DVC mở rộng, chủ yếu dựa trên nhu cầu người thụ hưởng, do đó, mang tính cạnh tranh cao. Hoạt động cung ứng DVC được thực hiện trên nguyên tắc, cái gì xã hội làm được thì “Nhà nước sẽ chuyển giao”. Nhà nước chỉ đảm nhận cung ứng các DVC cốt lõi mà không thể thay thế được.

Trong quá trình cải cách hành chính xuất hiện các xu hướng cung ứng DVC mà mục tiêu lớn nhất là hướng tới khách hàng, như: thu hẹp quy mô, phạm vi lĩnh vực DVC mà Nhà nước trực tiếp cung ứng, xác định rõ phạm vi các DVC mà Nhà nước phải đảm nhận cung ứng; đổi mới tổ chức bộ máy quản lý DVC; đa dạng hóa phương pháp quản lý cung ứng DVC, như: theo mô hình 3E: tiết kiệm – kết quả và hiệu quả; theo mục tiêu (MbO); theo kết quả, quản lý chất lượng toàn bộ; xây dựng mạng lưới các tổ chức cung ứng DVC dưới hình thức tổ chức phi lợi nhuận, công ty không vì lợi nhuận; đẩy mạnh xã hội hóa DVC; xem xét tình trạng tài chính của các đối tượng thụ hưởng DVC; chọn lựa đúng đối tượng thụ hưởng và không áp dụng nguyên tắc miễn phí hoàn toàn trong thụ hưởng DVC, tăng phí dịch vụ đối với những tầng lớp dân cư có thu nhập cao, áp dụng cơ chế trả tiền đối với DVC trên cơ sở bù trừ đối với người thu nhập thấp; cung cấp DVC trực tuyến; hướng tới khách hàng…

Với tính chất đặc thù của thành phố Hà Nội – trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, số lượng dân cư đông, địa bàn rộng thì việc nghiên cứu về việc cung ứng DVC của một số quốc gia trên thế giới là cần thiết. Hiện tại, có thể đề cập một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, đối với quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ hành chính công, cần quan tâm đến đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng DVC trực tuyến; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức trong cung ứng dịch vụ hành chính công. Đây là điểm cần áp dụng vì người dân có nhu cầu thủ tục trực tuyến cao, tự nghiên cứu thông tin, thủ tục, giảm thời gian thực hiện, chờ đợi… trong khi đó đây lại là điểm khó của các địa phương khác.

Thứ hai, quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe với mô hình dịch vụ y tế theo cơ chế bao cấp (Ca-na-đa, Ốt-xtrây-li-a, Anh…); mô hình dịch vụ y tế theo cơ chế thị trường (Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật Bản…); mô hình dịch vụ y tế theo cơ chế kết hợp giữa Nhà nước với thị trường (I-ta-li-a, Trung Quốc, Hàn Quốc…). Xu thế cải cách trong lĩnh vực y tế của các nước là: kết hợp giữa các bệnh viện nhà nước và các bệnh viện tư nhân trong cung ứng dịch vụ y tế; phân cấp quản lý nhà nước về y tế; cơ cấu lại hệ thống các cơ sở y tế, chia các cơ sở y tế thành hai loại: các cơ sở y tế thu lợi nhuận và các cơ sở y tế không vì lợi nhuận; tích cực cải cách các bệnh viện công của Nhà nước, đưa cơ chế cạnh tranh vào các bệnh viện công; thu hút các nguồn lực xã hội để cùng với Nhà nước cung ứng dịch vụ y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hệ thống các bệnh viện để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thứ ba, quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ giáo dục – đào tạo. Nhà nước bao cấp cho giáo dục phổ thông, có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và hoạt động theo cơ chế thị trường trong giáo dục đại học và đào tạo nghề, quản lý hệ thống giáo dục ở các nước đều được phân cấp cho chính quyền địa phương. Nhà nước bao cấp cho giáo dục phổ thông, như các quốc gia: Đức, Ca-na-đa, Anh, Pháp, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thứ tư, quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ vệ sinh, môi trường cần quan tâm đến quyết định phân bổ nguồn tài chính cho cung ứng dịch vụ; chính quyền địa phương là đối tác trực tiếp ký hợp đồng với khu vực tư nhân để cung ứng dịch vụ vệ sinh, môi trường.

Thứ năm, quản lý và tổ chức cung ứng điện, nước sạch. Ở các nước Anh, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản… thường do khu vực tư nhân thực hiện. Người dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp; Nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách để quản lý giá nước sạch và giá điện; việc xã hội hóa có thể diễn ra theo từng công đoạn: phát điện, truyền tải và phân phối điện.

Từ những kinh nghiệm trong xu thế phát triển cung ứng DVC của nhiều quốc gia nên quan tâm đến một số nội dung sau trong phát triển cung ứng DVC của Hà Nội. Cụ thể:

Một là, thúc đẩy xã hội hóa DVC, huy động sự đóng góp của cộng đồng để phát triển các hoạt động sự nghiệp, thực hiện thí điểm xã hội hóa thêm một số loại DVC như: pháp chế, tạo việc làm, quy hoạch, bảo vệ môi trường và các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, bảo hiểm xã hội…); các hoạt động công ích điện, nước, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường…).

Hai là, cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường vai trò giám sát của người dân trong cung ứng DVC bởi khách hàng của các DVC ngày càng đa dạng và có xu hướng gia tăng, khó đoán về nhu cầu cũng như yêu cầu. Đề cao tính chất phục vụ, tạo cơ chế để tăng cường sự phản hồi của người dân đối với việc cung cấp DVC. Bên cạnh đó, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để cung cấp DVC.

Ba là, đa dạng hóa các chủ thể cung ứng, có thể đi theo một quy trình.

(1) Giao nhiệm vụ: thu gom rác thải, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường… cho một doanh nghiệp nhà nước.

(2) Đặt hàng: áp dụng trong lĩnh vực mà doanh nghiệp cung ứng có những điều kiện nhất định, đủ độ tin cậy đối với Nhà nước hay người thụ hưởng hàng hóa, dịch vụ.

(3) Đấu thầu: tìm ra được một doanh nghiệp, địa phương hay người thụ hưởng hàng hóa – DVC phải thông qua hoạt động đấu thầu như là một phương thức lựa chọn và xác định doanh nghiệp tổ chức cung ứng hàng hóa -DVC. Doanh nghiệp tham gia đấu thầu có thể thuộc các hình thức sở hữu khác nhau và thường đã được địa phương hay bên thụ hưởng xác định sau khi tổ chức đấu thầu (ví dụ như việc đấu thầu xây dựng một khu nhà công vụ, nhà từ thiện, xã hội…).

(4) Tự chủ tiến hành hoạt động kinh doanh: áp dụng trong lĩnh vực cởi mở nhất trong cung ứng hàng hóa – DVC đối với cả Nhà nước và doanh nghiệp, áp dụng trong một số lĩnh vực có quan hệ gần gũi với thị trường. Bên cạnh việc hoàn thành hoạt động phục vụ lợi ích công, doanh nghiệp còn kết hợp kinh doanh thu lợi nhuận. Vốn đầu tư có thể do địa phương, các chủ thể khác hoặc cả địa phương và chủ thể khác cùng đầu tư cung ứng (điển hình như mô hình xây dựng cầu đường mới, chất lượng cao có thu phí…)

Bốn là, nâng cao năng lực, đạo đức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức trực tiếp cung ứng dịch vụ hành chính công, quản lý DVC. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh trực tuyến.

Chú thích:
1. Nguyễn Minh Y. Từ điển Hành chính công Anh – Việt. H. NXB Thống kê, 2002, tr. 46.
Tài liệu tham khảo:
1. Về dịch vụ công và quản lý cung ứng dịch vụ công. http://quanlynhanuoc.vn, ngày 30/10/2019.
2. Kinh nghiệm cung ứng dịch vụ công của một số nước trên thế giới và một số gợi mở đối với Việt Nam. http://tapchicongthuong.vn, ngày 11/12/2019.
TS. Lê Cẩm Hà
Học viện Hành chính Quốc gia