Truyền thông nguy cơ từ thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng về sức khỏe mà còn là khủng hoảng về thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội. Hiệu quả của truyền thông nguy cơ đã thực sự phát huy rõ nét trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bài viết đánh giá hoạt động truyền thông nguy cơ tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm xây dựng chiến lược truyền thông nguy cơ bài bản, hiệu quả, ứng phó với dịch Covid-19.
Ảnh minh họa. Ngồn: tuyengiao.vn
Truyền thông nguy cơ tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Truyền thông nguy cơ (TTNC) được định nghĩa là việc trao đổi thông tin, ý kiến và các yếu tố liên quan đến nguy cơ giữa các chuyên gia đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và các bên liên quan (FAO/WHO, 1998)1. TTNC là một dạng đặc biệt của truyền thông và là quá trình tương tác giữa các cá nhân, các tổ chức và các bên liên quan về bản chất, mức độ nghiêm trọng, khả năng chấp nhận nguy cơ và các quyết định được đưa ra để quản lý nguy cơ. TTNC có thể giúp xác định và đáp ứng sự quan tâm, nhận thức của cộng đồng đối với nguy cơ, giảm sự căng thẳng giữa các bên có liên quan, cũng như cho phép truyền tải các thông tin nguy cơ đến cộng đồng một cách hiệu quả. Từ đó dẫn đến thay đổi hành vi, ý thức tuân thủ các quy định, biện pháp,… nhằm đối phó với nguy cơ.

Theo các chuyên gia, TTNC nên được thực hiện càng sớm càng tốt và không được chờ đến khi tình huống vượt tầm kiểm soát, bởi vì điều này có thể dẫn đến phản ứng bất bình rất lớn trong cộng đồng và ảnh hưởng tiêu cực lên các biện pháp quản lý nguy cơ. Ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xây dựng chiến lược TTNC toàn cầu và liên tục tập huấn TTNC về đại dịch cho các nước thành viên. Ở Việt Nam, WHO phối hợp với Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Việt Nam tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo để xây dựng bộ tiêu chuẩn TTNC và tiến hành tập huấn trên diện rộng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trên cơ sở đó, các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn TTNC cho tuyến y tế cơ sở.

Công tác TTNC không chỉ là trách nhiệm và sứ mệnh của ngành y tế mà nó đòi hỏi sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và sự tham gia phối hợp của các ban, ngành liên quan. Thực tế qua làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 vừa qua (từ ngày 27/4/2021), chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện TTNC một cách khá bài bản và hiệu quả. Việc tuyên truyền về dịch bệnh; phòng, chống dịch Covid-19 đã được các cấp chính quyền, các cơ quan ở TP. Hồ Chí Minh triển khai bằng nhiều phương tiện và hình thức khác nhau, như: truyền hình, báo chí truyền thống, báo chí mạng, họp báo, cổng thông tin, mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ (zalo, viber, youtube,…). Đa dạng trong cách thể hiện, như: tin, bài viết, bài hát, ảnh, đoạn phim ngắn… ). Từ đó mọi thông tin về dịch bệnh cần thiết truyền tải dễ dàng tới toàn xã hội và Nhân dân. Cho đến nay, đa số người dân hiểu biết về dịch Covid-19 và những cách phòng tránh phù hợp, đây là bức tranh hoàn toàn khác với những ngày đầu tiên của dịch, khi mà thông tin về đại dịch thực sự là nỗi ám ảnh.

Các cấp chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện khá tốt công tác TTNC trong làn sóng thứ 4 dịch Covid-19 (từ ngày 27/4/2021), qua nhiều kênh truyền thông, như: cổng thông tin của Ủy ban nhân dân thành phố, chính quyền các cấp, của Sở Y tế, CDC thành phố; các cổng thông tin Covid-19; cổng thông tin tiêm chủng; tổng đài liên hệ 1022; fanpage của các cơ quan/đơn vị, ứng dụng zalo… Với số lượng lớn và khá đầy đủ các kênh truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết. Các thông điệp luôn được chính quyền các cấp truyền tải sớm với nhiều hình thức tương ứng với từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh. Chính quyền thành phố thường xuyên được tổ chức các cuộc họp báo nhằm cung cấp thông tin sớm nhất đến các cơ quan truyền thông và người dân.

Lần đầu tiên những bức xúc của người dân được chính quyền TP. Hồ Chí Minh tiếp thu, trả lời và giải quyết nhờ sự tương tác trực tiếp trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” (trên fanpage). Nhờ những phương thức tiếp cận mới, kịp thời đã tạo nên sự minh bạch, tăng sự tin cậy và đồng thuận của người dân vào chính quyền thành phố.

Bên cạnh những mặt tích cực, với áp lực của đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, những bất cập trong công tác TTNC cũng bộc lộ rõ nét.

Một là, thành phố chưa xây dựng được một cơ chế hoạt động trong tình trạng khẩn cấp, chưa thiết lập được một đầu mối chỉ huy duy nhất và cao nhất trong việc ứng phó với dịch bệnh. Từ đó dẫn đến sự thiếu thống nhất, thiếu nhất quán và thiếu đồng bộ trong cách phát ngôn, cách diễn giải thông điệp của các cơ quan, cá nhân (bao gồm cả cơ quan chính quyền, cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông), cách triển khai thực hiện các biện pháp. Chính những kẽ hở này tạo điều kiện cho những thông tin tiêu cực lan truyền trên mạng xã hội.

Hai là, còn xuất hiện tình trạng thiếu sự liên kết giữa thông tin truyền thông và những hành động thực tế. Ví dụ, trong trường hợp các đường dây nóng hỗ trợ dịch bệnh, số liên lạc của các “tổ phản ứng nhanh” luôn trong tình trạng không có người trực. Tình trạng này cũng xuất hiện trong việc bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân khi thực hiện giãn cách, tạo ra những căng thẳng không đáng có.

Ba là, một số văn bản điều hành, thông điệp truyền thông còn khó hiểu, dài và nặng tính hành chính. Những điểm hạn chế nói trên phần nào làm giảm lòng tin của người dân, làm giảm hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 nói chung và công tác TTNC nói riêng. Những hạn chế này cũng tạo cơ hội cho các “tin giả”, tin không chính xác xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội và trong cộng đồng.

Những hạn chế đối với truyền thông nguy cơ trong đại dịch Covid-19 và một số đề xuất

Những hạn chế:

Thứ nhất, xuất phát từ sự không chắc chắn, phức tạp và không đầy đủ của dữ liệu về dịch bệnh, trong điều kiện dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ.

Thứ hai, từ sự ngờ vực, đó là: sự bất đồng giữa các chuyên gia, giữa các cơ quan; thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức trong quản lý TTNC; đào tạo chưa đầy đủ các chuyên gia và người phát ngôn về kỹ năng truyền thông nguy cơ, do đó TTNC chưa được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ và chuyên nghiệp

Thứ ba, từ chính các kênh truyền thông, giới hạn bởi khung quy định pháp luật và nhận thức về quy chuẩn đạo đức của người làm truyền thông. Hàm lượng trách nhiệm pháp lý và đạo đức có sự thay đổi đáng kể giữa các kênh truyền thông có tổ chức và các kênh cá nhân. Ngoài ra, hạn chế về năng lực khoa học và chuyên môn cần thiết của người làm truyền thông có thể vô tình làm sai lệch thực tế, hoặc có xu hướng gây hiểu lầm, hoặc thậm chí là sai lầm rõ ràng.

Thứ tư, sự khác biệt về các yếu tố tâm lý và xã hội ảnh hưởng đến cách mọi người tiếp nhận và xử lý thông tin về nguy cơ.

Một số đề xuất:

Một là, cần nghiên cứu xây dựng một cơ chế hoạt động trong tình trạng khẩn cấp. Trong đó cần xác định cơ quan, cá nhân chỉ huy cao nhất để thống nhất điều hành trong “tình trạng khẩn cấp”.

Hai là, mọi phát ngôn, thông tin, hành động của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan cần đồng bộ, nhất quán và thống nhất.

Ba là, các thông điệp truyền thông cần sáng tỏ, khoa học và dễ hiểu hơn. Tác động của TTNC phụ thuộc vào sự tương tác phức tạp giữa đặc điểm đối tượng tiếp nhận thông điệp, nguồn của thông điệp và nội dung thông điệp. Để tối đa hóa tác động, thông điệp truyền tải trong TTNC phải có nội dung gây được chú ý, rõ ràng, dứt khoát, dễ hiểu và diễn giải.

Bốn là, người phát ngôn, người làm công tác truyền thông cần được huấn luyện các kỹ năng về truyền thông nguy cơ. Các cơ quan truyền thông chính thống cần có các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nguy cơ.

Năm là, chính quyền cần chủ động xây dựng các kênh mạng xã hội và thực hiện TTNC trên các kênh mạng xã hội này, đồng thời với các kênh thông tin hiện có. Theo một nghiên cứu, các ứng dụng mạng xã hội sử dụng phổ biến tại Việt Nam là Facebook (96,9%), Zalo (90,5%), Youtube (64,1%),…2 (trong đó số lượng tài khoản Facebook tại Việt Nam đạt con số 66 triệu tài khoản – World Civil Review, 2021). Một nghiên cứu khác chỉ ra tác động của thành viên nhóm mạng xã hội đối với lòng tin xã hội: “Tham gia vào các nhóm do nhà nước kiểm soát sẽ nuôi dưỡng lòng tin của những người tham gia; ngược lại, tham gia vào các nhóm ít được kiểm soát hoặc tách biệt sẽ tạo điều kiện cho sự mất lòng tin.”3 Có thể thấy, mạng xã hội đóng vai trò khá lớn trong việc truyền tải các thông điệp, trong đó có truyền thông nguy cơ. Tận dụng được lợi thế của các trang mạng xã hội sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm, trở thành kênh truyền thông hiệu quả trong công tác TTNC về dịch bệnh Covid-19.

Nhìn lại 4 làn sóng đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, đánh giá về vai trò của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương các cấp trong việc TTNC về đại dịch Covid -19 để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất, xây dựng chiến lược TTNC bài bản, hiệu quả đối với các đối tượng tiếp nhận truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trong cộng đồng là một việc làm cần thiết và đặc biệt có ý nghĩa. Những kinh nghiệm, bài học và chiến lược có thể áp dụng cho chính quyền địa phương trong TTNC đối với các tình huống đặc biệt khác.

Chú thích:
1. Sổ tay hướng dẫn truyền thông nguy cơ đối với an toàn thực phẩm (PDF). Tổ chức y tế thế giới (WHO), 2016, tr.12. https://iris.wpro.who.int.
2, 3. Social Capital in Vietnam: An Analysis of Social Networks and Social Trust (PDF). https://www.researchgate.net.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Minh Hiền, Nguyễn Phương Hoa. Kiến thức về Covid-19 của nhân viên y tế tuyến cơ sở tại Hà Nội. Tạp chí Dược số 1/2021.
2. Một số vấn đề về truyền thông đại chúng, văn hóa đại chúng và văn hóa truyền thông trong kỷ nguyên số. https://tailieu.vn, ngày 14/5/2016.
3. Ngô Thanh Trúc. Thực hành thông điệp 5K trong phòng chống dịch bệnh covid -19: Một nghiên cứu tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tỉnh Vĩnh Long. Tạp chí Giáo dục số 495.
4. Trần Thảo Vi, Nguyễn Thành Nhân. Các yếu tố tác động đến sự tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội của người dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Tạp chí Y học thực hành số 6/2020.
5. Phản ứng chính sách, truyền thông xã hội và truyền thông khoa học đối với sự bền vững của hệ thống Y tế công cộng trong đại dịch Covid-19: Bài học từ Việt Nam (PDF). https://www.mdpi.com.
6. Jurger Habermas. Lý thuyết về hành động truyền thông.
7. Risk and Health Communication in an Evolving Media Environment. First published 2018 by Routledge 711 Third Avenue, New York, NY 10017 and by Routledge 2 Park Square, Milton Park, Abingdon, Oxon, OX14 4RN.
8. Elissa; M.Abrams; Mathew Green Greenhaut. Risk communication during covid -19.
9. Batya Friedman; Peter H.Kahn and Daniel.C.Howe. Trust online. Communications of the ACM số 12/2020.
10. Liwen Zhang; Huijie Le; and Kelin Chen. Effective Rick communication for Public Health Emerogency: Reflection on the Covid -19 (2019 -NcoV) outbreak in Wuhan, China. Healthcare 8/2020; mdpi.com/journal/healthcare.
11. “Social trust: its concepts, determinants, roles, and raising ways.” 25 Oct. 2019,https://www.elgaronline.com.
12. WHO. Covid-19: Global Rick Communication and Community Engagement Strategy.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh