Phát triển chương trình đào tạo tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, xu thế mới của giáo dục thế giới là phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận phát triển năng lực người học. Do vậy, chương trình đào tạo tiếng Anh cũng cần chú trọng tới phát triển năng lực người học, bao gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ, chú trọng mối quan hệ gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành… để người học đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Bài viết gợi mở một số vấn đề về phát triển chương trình đào tạo tiếng Anh hiện đại, từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng quy trình phát triển chương trình đào tạo môn tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Có rất nhiều định nghĩa về năng lực và khái niệm này vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Theo cách hiểu thông thường, năng lực là sự kết hợp của tri thức,  kỹ năng và thái độ có sẵn hoặc ở dạng tiềm năng có thể học hỏi được của người học. Năng lực hay khả năng, kỹ năng trong tiếng Việt có thể xem tương đương với các thuật ngữ trong tiếng Anh.

Đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực (TCNL) hay được gọi là đào tạo dựa trên năng lực, là một cách tiếp cận để giảng dạy và học tập, được sử dụng thường xuyên trong việc học các kỹ năng cụ thể hơn việc học trừu tượng. Mô hình này được hình thành và phát triển rộng khắp tại Mỹ vào những năm 70 thế kỷ XX và phát triển mạnh mẽ trong những năm 90 ở các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp tại Mỹ, Anh, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân.

Việc áp dụng phương pháp TCNL lấy người học làm trung tâm và giảng viên giữ vai trò như người hướng dẫn đã giúp người học chủ động hơn trong việc đạt được năng lực cần phải có theo yêu cầu đặt ra phù hợp với từng điểm mạnh, điểm yếu của từng học viên. Phương pháp TCNL là hướng tiếp cận tập trung vào đầu ra của quá trình dạy và học, trong đó nhấn mạnh mỗi người học cần đạt được các mức năng lực như thế nào sau khi kết thúc một chương trình đào tạo. Nói cách khác, chất lượng đầu ra đóng vai trò quan trọng nhất đối với đào tạo TCNL.

Phát triển chương trình đào tạo tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực

Một là, đổi mới phương thức đào tạo tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung theo hướng TCNL.

Theo hướng đổi mới này, cơ hội tiếp cận, giao lưu với thế giới ngày càng rộng mở. Có thể nói, với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, việc giảng dạy ngoại ngữ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn do cơ hội giao lưu ngày càng dễ dàng, liên tục. Việc giảng dạy, đào tạo những kỹ năng cơ bản không còn bị bó hẹp trong khuôn mẫu sư phạm hay trong những giáo trình khô cứng mà được mở rộng qua kinh nghiệm thực tiễn lẫn thực tế sinh động từ những  thay đổi của tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế.

Khoa học – công nghệ ngày càng phát triển hỗ trợ tích cực cho phương thức giảng dạy, đặc biệt là xu thế công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu to lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, các hoạt động đào tạo nói chung và phương thức giảng dạy ngoại ngữ nói riêng sẽ phải thay đổi. Đây là xu hướng tất yếu và có lợi cho người học nếu biết tận dụng lợi thế này.

Hai là, quy trình phát triển chương trình đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL.

Quy trình phát triển chương trình đào tạo tiếng Anh gồm các bước:

Bước 1. Nhận diện các năng lực cốt lõi từ nhu cầu chuẩn đầu ra trong đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL.

Chương trình đào tạo theo hướng TCNL cần giúp người học phát huy tính năng động và sáng tạo trong học tập, rèn các năng lực, như: tự học, năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ, năng lực hiểu biết và phát triển bản thân, năng lực phản biện, năng lực tư duy độc lập…

Bước 2. Xây dựng đề cương chi tiết đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL.

Các bước xây dựng đề cương chi tiết đào tạo tiếng Anh theo TCNL:

(1) Giới thiệu chung về môn học và về giảng viên.

(2) Xác định đề cương đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL tiến hành từng bước: thứ nhất, xác định mục tiêu chung của việc đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL là gì, vấn đề này đòi hỏi giảng viên phải xác định được mối tương quan giữa mục tiêu môn học với chuẩn đầu ra theo hướng TCNL nói chung, từ đó khái quát thành những mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà người học có được sau khi học tiếng Anh; thứ hai, cần xác định mục tiêu cụ thể của đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL, việc làm này là căn cứ để đánh giá chất lượng đào tạo trong và sau quá trình giảng dạy môn học.

(3) Xác định nội dung kiến thức cơ bản của đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL gồm: tóm tắt nội dung môn học và phân loại nội dung của các học phần. Các học phần phải bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, trang  bị cho người học hầu hết các kiến thức và kỹ năng nền tảng, cần thiết nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong giảng dạy và đạt tiêu chuẩn đầu ra sau chương trình đào tạo.

(4) Lựa chọn các tài liệu học tập.

Đối với tài liệu bắt buộc: là tài liệu được sử dụng chính thức trong quá trình giảng dạy, do vậy, bắt buộc người học cần phải có để phục vụ cho quá trình học tập ở nhà cũng như ở trên lớp.

Đối với tài liệu tham khảo: là tài liệu dùng để bổ trợ thêm cho tài liệu chính thức. Giảng viên giới thiệu và hướng dẫn học viên tìm đọc để bổ trợ, mở rộng kiến thức cho bài học, điều này rất hữu ích trong tiếng Anh.

(5) Lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL.

Thay đổi phương pháp giảng dạy. Quan điểm giáo dục “lấy người học làm trung tâm” và TCNL người học đòi hỏi người dạy phải giảm thiểu phương pháp thuyết trình mà vận dụng linh hoạt các phương pháp thực hành hiện đại, thảo luận nhóm, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin để trình chiếu bài luận và trao đổi ý kiến trong bài học… nhằm nâng cao năng lực giao tiếp; tư duy sáng tạo bằng tiếng Anh vào thực tiễn đời sống.

(6) Chính sách đối với đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL.

Đó là yêu cầu của người dạy đối với người học về chuẩn bị tài liệu học tập, phương tiện học tập, tham gia các buổi học và việc hoàn thành các bài tập được giao… trong quá trình học tiếng Anh để bảo đảm việc học là hiệu quả trong quá trình học cũng như đầu ra.

(7) Xác định phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập tiếng Anh theo hướng TCNL.

Bao gồm các phần sau: tham gia học tập trên lớp; phần tự học, tự nghiên cứu; nêu rõ tiêu chí đánh giá cho mỗi hình thức kiểm tra, đánh giá (thông thướng có 3 hình thức: kiểm tra – đánh giá thường xuyên; kiểm tra – đánh giá định kỳ và kiểm tra – đánh giá tổng kết môn học).

Bước 3. Thử nghiệm và đánh giá chương trình.

Bản thiết kế chương trình đào tạo tiếng Anh theo hướng TCNL cần được tổ chức thử nghiệm nhằm đánh giá tính hợp lý và khả thi. Việc đánh giá chương trình cần được thực hiện trên cơ sở kết quả thử nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia giáo dục, đội ngũ giảng viên và sinh viên, các học viên tham gia học tiếng Anh.

Những thách thức đặt ra trong đào tạo tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực

Hiện nay, tại các trung tâm giảng dạy tiếng Anh và các trường đại học, do số lượng học viên, sinh viên rất đông nên phần nào ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng lẫn hiệu quả của các hoạt động giảng dạy tiếng Anh cũng như những ngoại ngữ khác. Chất lượng thiết bị các phòng lab, phòng học dịch chưa tốt, bên cạnh đó, nhiều trung tâm, cơ sở giảng dạy cũng như các trường đại học đầu tư cơ sở vật chất dàn trải, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế đề ra của quá trình giảng dạy.

Trong phương thức giảng dạy, không ít trung tâm, trường đại học đang có cách tiếp cận chưa hợp lý. Chẳng hạn, học viên, sinh viên Việt Nam thường được khuyến khích hiểu bài học thông qua việc vận dụng các quy tắc ngữ pháp và tra từ điển, máy móc, khiến cho các kỹ năng nói và viết của sinh viên bị hạn chế. Ngoài ra, người học vẫn bị bắt buộc học từ mới một cách máy móc, tách biệt với tình huống cụ thể, không liên quan hành động thực tế. Nhiều bài thi phần lớn câu hỏi hoàn toàn thiếu ngữ cảnh. Chính điều này khiến người học rất khó hiểu, khó ghi nhớ bài học.

Ngoài các nguyên nhân từ các trung tâm, cơ sở đào tạo tiếng Anh thì một trong những yếu tố tác động quan trọng khác bắt nguồn từ giảng viên. Có nhiều giảng viên mặc dù có kinh nghiệm nhưng ngại thay đổi, thậm chí ngay cả các giảng viên trẻ cũng có xu hướng ngại tìm hiểu và ứng dụng các phương thức giảng dạy hiện đại trong các buổi lên lớp.

Một số kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển chường trình đào tạo tiếng Anh theo hướng tiếp cận năng lực đạt hiệu quả cao.

Thứ nhất, đối với cơ sở đào tạo.

Tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện giảng dạy, học tập, hỗ trợ giảng dạy cho các giảng viên. Trong đó, các phòng học cần có internet để phục vụ cho các buổi trao đổi, thảo luận hoặc thực hành kỹ năng đạt chất lượng, hiệu quả cao, dễ dàng hỗ trợ người dạy trong việc tìm kiếm các ví dụ minh họa cụ thể, thiết thực trên internet.

Đổi mới giáo trình hướng đến các nội dung thiết thực. Tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về các phương thức giảng dạy hiện đại với các cơ sở đào tạo tiếng Anh trong và ngoài nước. Cần đưa mô hình giáo dục – đào tạo thời kỳ công nghệ 4.0 làm mô hình giáo dục thông minh, liên kết cơ sở đào tạo – nhà quản lý – doanh nghiệp với nhau, đưa tiến bộ khoa học – công nghệ vào dạy học để nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp việc dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi.

Thứ hai, đối với giảng viên.

Xây dựng động cơ học tập cho người học. Muốn hội nhập và khai thác nguồn tri thức tiên tiến trên thế giới, nếu có chuyên môn giỏi và tiếng Anh tốt, sẽ là ứng cử viên sáng giá cho việc xét tuyển vào các vị trí làm việc. Ngoài ra, học tiếng Anh giúp cho người học phát triển nhiều kỹ năng: kỹ năng giao tiếp tốt hơn, tư duy nhanh hơn, phản ứng nhanh hơn, có kỹ năng phán đoán, khái quát… sẽ có cơ hội hội nhập với thế giới về phương pháp làm việc.

Xây dựng phương pháp học ngoại ngữ cho người học. Trong việc xây dựng phương pháp học ngoại ngữ cho người học, người dạy cần hướng dẫn cho người học cách thức học tập, cách thức tiếp cận các nguồn tài liệu trên mạng, trong đó, chú trọng xây dựng cho mình các cách thức tự học thông qua mạng xã hội do hiện nay tỷ lệ dùng các thiết bị thông minh và internet của giới trẻ Việt Nam hiện ở mức cao. Bên cạnh đó, dù mỗi người học có phương pháp học riêng nhưng người dạy nên gợi ý phương pháp học từ vựng, ngữ pháp và các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; luyện cho người học kỹ năng đoán từ trong ngữ cảnh; xây dựng cách thức thực hành nhiều theo cặp, theo nhóm. Ngoài ra, giảng viên cũng có thể tổ chức hoạt động ngoại khóa, trò chơi mới, giúp người học chủ động trong việc học tập và trở thành trung tâm của lớp học. Từ đó, giảng viên sẽ là người quan sát, điều phối, và quản lý các hoạt động, và không khí lớp học sẽ luôn sinh động, hào hứng và thoải mái.

Theo định hướng TCNL cá nhân, chương trình đào tạo tiếng Anh cần được thiết kế mềm dẻo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu cá thể hóa. Với người học, tiến trình đào tạo có thể co dãn tùy theo nhu cầu và khả năng của họ với nỗ lực đạt được các năng lực theo chuẩn đầu ra. Trong quá trình này, người học được lựa chọn các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích cá nhân… Với người dạy, từ những hoàn cảnh, những điều kiện cụ thể được linh hoạt điều chỉnh chương trình đào tạo trong phạm vi nhất định, được chủ động lựa chọn sử dụng các phương pháp, cách thức giảng dạy khác nhau… nhằm giúp người học đạt được các mục tiêu về năng lực theo chuẩn đầu ra.

Chương trình mở giúp người học phát huy tính năng động và sáng tạo trong học tập, rèn các năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ, năng lực hiểu biết và phát triển bản thân, năng lực phản biện, năng lực tư duy độc lập…, giúp họ được đối thoại, tranh luận, diễn thuyết một cách chủ động, tự tin… Việc xây dựng chương trình mang tính mở hướng đến việc đánh giá năng lực và kỹ năng của người học chứ không chú trọng kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ. Vì thế, cách đánh giá tại cơ sở đào tạo cũng bảo đảm đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tài liệu tham khảo:
1. Wentling T (1993). Planning for effective training: A guide to curriculum development. Published by Food and Agricultural Organization of the United Nation.
2. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. https://hachium.com, ngày 13/9/2020.
3. Phát triển chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh theo định hướng tiếp cận năng lực. https://text.123docz.net, ngày 20/9/2021.
ThS. Lê Thị Thanh Hương
Học viện Hành chính Quốc gia