Những yếu tố tác động đến quản lý nhà nước đối với nguồn nhân lực giảng viên tại Trường Cao đẳng Sơn La

(Quanlynhanuoc.vn) – Để quản lý, xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giảng viên tại Trường Cao đẳng Sơn La, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các yếu tố tác động đến quản lý nhà nước đối với nguồn nhân lực giảng viên, đồng thời, có định hướng, chiến lược phát triển phù hợp, củng cố vị trí là cơ sở đứng đầu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh và phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngang tầm với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong nước và khu vực.
Trường Cao đẳng Sơn La
Khái quát về Trường Cao đẳng Sơn La

Trường Cao đẳng Sơn La nằm trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng của nền giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và sự quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

Trường có các chức năng về đào tạo, bồi dưỡng và liên kết, liên thông đào tạo đa ngành, đa hệ với nhiều trình độ khác nhau (đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề…) nhằm phát triển đa dạng nguồn nhân lực cho tỉnh Sơn La và các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ thực hành và tin học ứng dụng theo hình thức vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn; nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa – học công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội cho tỉnh Sơn La và góp phần phục vụ cho khu vực Tây Bắc; hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học – công nghệ với các ban, ngành, tổ chức trong và ngoài nước.

Những yếu tố tác động đến quản lý nhà nước đối với nguồn nhân lực tại Trường Cao đẳng Sơn La

Về cơ cấu tổ chức và hoạt động giảng dạy của Trường.

Tổng số cán bộ, viên chức là 250 người (cơ hữu chiếm 90%), trong đó: 90% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên; 10% giảng viên có trình độ tiến sỹ. Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng nhà trường có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng quản lý giáo dục/giáo dục nghề nghiệp do tổ chức quốc tế cấp. 100% cán bộ giảng dạy tham gia các khóa học về phương pháp giảng dạy tiên tiến và phương pháp đánh giá; 100% đội ngũ cán bộ quản lý được bồi dưỡng về quản lý giáo dục nghề nghiệp; 80% nhà giáo dạy thực hành có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 trở lên; 80% nhà giáo dạy các ngành, nghề trọng điểm đạt trình độ công nghệ thông tin nâng cao và trình độ ngoại ngữ B2; 10 cán bộ, viên chức được cấp thẻ kiểm định viên; 60% các ngành, nghề đủ điều kiện về đội ngũ để tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia từ bậc 1 đến bậc 3; 80% các ngành, nghề đủ điều kiện về đội ngũ để tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời, đề ra hoạt động: tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy có trình độ đáp ứng vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức mới. Hỗ trợ kinh phí đào tạo đánh giá viên, kiểm định viên; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên dạy các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng công việc bằng việc thiết lập tiêu chuẩn công việc và các chỉ số đánh giá KPI cho từng công việc, từng vị trí việc làm.

Việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực giảng viên giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 giúp cho Nhà trường có hướng phát triển dài hạn về công tác nhân sự, dự báo được xu thế biến động của điều kiện môi trường nhằm có được tầm nhìn tổng quan về những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức trong việc chuẩn bị sẵn sàng cho chiến lược đào tạo, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh Sơn La phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất.

Điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống các cơ sở giáo dục nói chung và Trường Cao đẳng Sơn La nói riêng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó có nội dung phát triển nguồn nhân lực (NNL) giảng viên. Cơ sở vật chất bao gồm mặt bằng đất đai, trụ sở, phòng học, sân chơi, bãi tập… cũng như tài chính từ ngân sách cấp, từ học phí và từ các nguồn thu khác đáp ứng được các nhu cầu hoạt động ngày càng tăng của Nhà trường. Hiện nay, cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Sơn La đã được đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị đáp ứng quy mô đào tạo; bảo đảm cơ bản diện tích tối thiểu để làm việc, học tập và các công trình phụ trợ cho cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên; đặc biệt là tăng cường các mô hình thực tế kết nối giữa dạy nghề, khởi nghiệp và việc làm; nhà trường đã có khu thực hành, khu lâm viên để giảng viên và sinh viên thực hành, thực tập…

Về năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Đội ngũ lãnh đạo, quản lý của Trường có tầm nhìn chiến lược, khả năng đoàn kết, tạo lập sự đồng thuận giữa các đơn vị và cá nhân để thực hiện chiến lược đào tạo. Hầu hết đội ngũ này đều có sự nhạy bén, linh hoạt trong việc đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của Nhà trường.

Về phẩm chất, năng lực của nguồn nhân lực giảng viên.

Đội ngũ giảng viên Trường luôn ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo; quy định của cơ sở giáo dục nơi công tác; có tác phong, lề lối làm việc phù hợp với công việc của môi trường giáo dục và đào tạo; luôn thể hiện được tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ và có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao;  có tinh thần cống hiến, phục vụ cho nhà trường và xã hội bằng chính năng lực của mình.

Về thể chế quản lý.

Trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, chất lượng hệ thống văn bản điều chỉnh về giáo dục và nguồn nhân lực giảng viên rất quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý quy định chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền cho hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các văn bản, chính sách Nhà nước ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động, như: Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp; Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về ban hành Điều lệ Trường Cao đẳng; Luật Giáo dục năm 2019. Tỉnh Sơn La ban hành các văn bản: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh Sơn La về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, trong đó có hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cần phát triển nhân lực đủ về số lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Từ đó, Nhà trường sẽ cụ thể hóa vào các hoạt động thông qua chiến lược, kế hoạch xây dựng và phát triển trường phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của xã hội.

Xu hướng giáo dục trong thời đại số.

Giáo dục đại học trong thời đại số chính là e-learning, học tập dựa trên sự kết nối giữa internet. Giảng viên và học viên đều có thể tham gia vào lớp học được mở trên hệ thống thông qua máy tính máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối internet. Khi đăng nhập vào hệ thống, không gian được tổ chức như một lớp học, giảng viên có thể trực tiếp giảng dạy cho người học hoặc giao bài tập, lưu trữ bài giảng, tài liệu học tập dưới nhiều định dạng khác nhau như Word, PDF, Video,… Học viên có thể theo dõi bài giảng trực tuyến hoặc có thể học tập bất cứ lúc nào, nộp bài tập cho giáo viên, thảo luận trong forum, thực hiện các bài kiểm tra trác nghiệm, tự luận, đúng sai,… Cụ thể, e-learning có những công cụ hỗ trợ giảng dạy như: sử dụng công cụ soạn bài điện tử; công cụ mô phỏng; công cụ tạo bài kiểm tra; công cụ tạo bài trình bày có multimedia; công cụ seminar điện tử,…

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Trường Cao đẳng Sơn La từ chỗ hoạt động bó hẹp chuyển sang cơ chế mở, đáp ứng yêu cầu xã hội và chịu sự giám sát của xã hội, gắn bó chặt chẽ nghiên cứu khoa học – công nghệ với ứng dụng trực tiếp và sản xuất. Thực hiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học và quản lý giáo dục bao gồm: phương pháp dạy – học, xây dựng và phát triển chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy; phát triển tổ chức và đội ngũ, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch giáo dục và quản trị cơ sở giáo dục… Đồng thời, nắm bắt xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào; nghiên cứu một số chương trình đào tạo chuẩn quốc tế vào giảng dạy, như: hướng dẫn du lịch, công nghệ thông tin…

Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Hành chính. Quản lý nguồn nhân lực xã hội. NXB Khoa học – Kỹ thuật, 2011.
2. Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 29/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
3. Luật Giáo dục năm 2019.
4. Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
5. Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp.
6. Quyết định số 681/QĐ-CĐSL ngày 12/10/2020 ban hành Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020 – 2025.
7. Quyết định số 736/QĐ-CĐSL ngày 26/10/2020 của Trường Cao đẳng Sơn La về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Cao đẳng Sơn La.
8. Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về ban hành Điều lệ trường Cao đẳng.
Nguyễn Bá Duy – Trương Thị Lan Anh
Trường Cao đẳng Sơn La