Nâng cao hiệu quả thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân

Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò làm chủ của Nhân dân, khả năng và sức mạnh của Nhân dân: Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc. Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, tiếp công dân (TCD) chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam. Thông qua việc TCD, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận những tâm tư, tình cảm cũng như bức xúc của người dân. Mặt khác, hoạt động này biểu hiện sinh động về các vấn đề từ thực tiễn, trên cơ sở đó, hoạch định những chủ trương, quyết sách đúng, hợp lòng dân. Việc đưa ra cái nhìn tổng quan về hoạt động TCD và giải quyết những thách thức đối với pháp luật Việt Nam nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả hoạt động TCD luôn có ý nghĩa về lý luận cũng như thực tiễn.

Những quy định cụ thể của pháp luật về hoạt động tiếp công dân

Kể từ khi Luật TCD năm 2013 có hiệu lực, tạo môi trường thuận lợi để công dân thực hiện đầy đủ, công khai và minh bạch quyền khiếu nại, tố cáo (KNTC). Văn bản này còn chứa đựng ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần giải quyết những hạn chế nảy sinh trong thực tiễn về công tác TCD; đồng thời, xây dựng cơ chế hữu hiệu trong tổ chức và hoạt động của công tác TCD.

Theo khoản 1 Điều 2 Luật TCD năm 2013: “Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, công tác TCD tập trung vào các nội dung cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, lắng nghe, tiếp nhận các thông tin kiến nghị, phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của các cơ quan đơn vị. Lắng nghe và tiếp nhận thông tin luôn là một trong những mắt xích quan trọng trong hoạt động TCD. Bởi chúng phản ánh cụ thể hóa quyền của công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tham gia thảo luận về các vấn đề chung của cả nước và địa phương. Vì lẽ đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặc biệt chú trọng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”1.

Thứ hai, hướng dẫn, giải thích cho công dân thực hiện quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật. Nội dung này đòi hỏi các chủ thể là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải hết lòng vì dân để nắm bắt kịp thời những tâm tư và nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật KNTC đối với quần chúng nhân dân nhằm hạn chế đáng kể tình trạng người dân khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

Thứ ba, trực tiếp tiếp nhận KNTC để xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo, quyết định xử lý tố cáo theo đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục mà pháp luật hiện hành quy định. Tiếp nhận các KNTC của công dân thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong mối quan hệ giữa Nhà nước đối với Nhân dân và góp phần khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của Nhân dân khi tham gia các nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước.

Ngoài Luật TCD  năm 2013, công tác TCD còn được điều chỉnh bởi Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TCD, Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình TCD, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.

Để các quy định về trách nhiệm của người TCD, cán bộ TCD, quyền và nghĩa vụ của người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh tại nơi TCD được tôn trọng và thực sự đi vào cuộc sống, pháp luật về TCD đã đưa ra các bảo đảm pháp lý tương đối cụ thể cho việc thực hiện các quy định này. Cụ thể, Điều 8 Luật TCD năm 2013 đã xác định rõ trách nhiệm của người TCD. Phạm vi người TCD bao hàm cả người làm nhiệm vụ TCD thường xuyên (cán bộ TCD chuyên trách) và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Do đó, quy định về trách nhiệm của người TCD được áp dụng chung cho cả cán bộ TCD chuyên trách và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khi TCD theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu khẩn cấp.

Luật TCD năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc khi xác định cụ thể những hành vi bị cấm đối với cả hai chủ thể: chủ thể TCD và chủ thể KNTC, kiến nghị, phản ánh. Những hành vi bị cấm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người TCD được quy định tại Điều 6 Luật TCD năm 2013: “Nghiêm cấm gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân”.

Trường hợp người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh tại nơi TCD có các hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật TCD năm 2013: “Trường hợp những người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có hành vi kích động, gây rối trật tự hoặc đe dọa đối với người tiếp công dân, người thi hành công vụ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc Trưởng ban tiếp công dân, người phụ trách địa điểm tiếp công dân phải kịp thời tăng cường người tiếp công dân; yêu cầu cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời”.

Như vậy, có thể nhận định pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cụ thể và rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm khi TCD tại Điều 6 Luật TCD năm 2013 nhưng lại không đưa ra các quy định cụ thể về các biện pháp, cách thức xử lý trong trường hợp vi phạm tại khoản 3 Điều 30 Luật TCD năm 2013.

Thực trạng thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân hiện nay

Trong những năm qua, pháp luật về việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác thi hành pháp luật đã đóng vai trò quan trọng. Cụ thể như Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nhận thức đúng đắn về trách nhiệm đối với công tác TCD thông qua Luật TCD, các cấp từ trung ương đến địa phương đã chú trọng thực hiện có hiệu quả, từ đó, đưa công tác TCD đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, năm 2020, trụ sở TCD trung ương đã tiếp 10.857 lượt công dân đến trình bày 2.583 vụ việc; có 347 lượt đoàn đông người; tiếp nhận 12.295 đơn thư, đã xử lý 12.117 đơn; tiếp nhận 137 văn bản phúc đáp chuyển đơn của Thanh tra Chính phủ từ các bộ, ngành, địa phương. So với năm 2019, tình hình KNTC có chiều hướng giảm trên cả ba chỉ tiêu: số lượt người, số vụ việc và số lượt đoàn đông người2. Đồng thời, công tác TCD, xử lý đơn thư tiếp tục được nâng lên, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của Ban TCD Trung ương trong lĩnh vực TCD, xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi cả nước.

Trường hợp khác, tại tỉnh Tiền Giang, theo số liệu thống kê, đã tiếp là 2.982 lượt, với 3.714 người (giảm 991 lượt so với cùng kỳ) gồm: tiếp thường xuyên 2.077 lượt, với 2.695 người, tổng số có 1.889 vụ việc; trong đó có 27 đoàn đông người với 440 người, tổng số vụ việc 22. Lãnh đạo tiếp định kỳ và đột xuất 905 lượt, với 1.019 người, số vụ việc là 913, trong đó có 5 đoàn đông người với 62 người, tổng số vụ việc 6 mới phát sinh3. Điều này chứng tỏ hoạt động TCD ngày càng đi vào thực chất và đạt hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề khúc mắc của công dân.

Qua phân tích hoạt động TCD trung ương và địa phương, có thể thấy, kết quả công tác thi hành pháp luật TCD có vai trò đặc biệt quan trọng để khẳng định tính thực thi và hiệu quả của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCD trong thực tiễn đời sống xã hội, đóng góp một phần không nhỏ trong hoạt động quản lý nhà nước về TCD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật về TCD vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế, khó khăn. Cụ thể là:

Một là, chưa bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn. Đối với nhiều địa phương, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác TCD còn hạn chế. Trong một số trường hợp còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cũng như chưa có cán bộ, công chức chuyên trách, thường xuyên thay đổi vị trí công việc. Thực tế, công tác này đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tiễn nên tính chủ động trong việc tham mưu TCD và giải quyết đơn chưa cao, dẫn đến hiện tượng chậm trễ và ảnh hưởng đến việc chỉ đạo giải quyết của các ngành cấp trên. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ TCD còn chưa tương xứng với đặc thù công việc, điều kiện làm việc và chính sách đối với cán bộ TCD để có thể yên tâm làm công việc phức tạp, khó khăn này.

Hai là, hiệu quả giải quyết KNTC chưa cao. Quá trình giải quyết KNTC chưa coi trọng công tác đối thoại và phối hợp với các tổ chức đoàn thể. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về TCD vẫn còn hạn chế ở một số phòng, ban, đơn vị. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về xử lý KNTC, kiến nghị, phản ánh.

Ba là, công tác phối hợp của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, thống nhất trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Nhiều vụ việc diễn ra phức tạp nhưng chưa được trao đổi, bàn bạc thấu đáo giữa các cấp, các ngành. Ngoài ra, phương hướng giải quyết giữa các cơ quan liên quan không đồng nhất, dẫn đến việc bế tắc hoặc khiếu kiện kéo dài, tốn nhiều thời gian của cơ quan, tổ chức và công dân. Nguyên nhân xuất phát từ một số quy định liên quan đến công tác TCD chứa đựng nhiều bất cập, chồng chéo về thẩm quyền giải quyết, về trình tự thủ tục giải quyết, về thời hiệu và thời hạn. Có thể kể đến một số quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Đất đai năm 2013, Luật Tố tụng hành chính năm 2019 có điểm chưa đồng bộ và thống nhất.

Bốn là, hoạt động thanh tra chưa đạt hiệu quả. Thời gian qua, chất lượng thanh tra vẫn chưa cao. Những thách thức đó có thể xuất phát từ việc chưa làm tròn trách nhiệm thanh tra đối với thủ trưởng của các phòng, ban chuyên môn và chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương. Nhiều báo cáo, kết luận, quyết định thanh tra chưa bảo đảm tính chính xác và khách quan. Cá biệt một số nơi còn tồn tại hiện tượng né tránh, vu cáo các cơ quan khác, để cho cán bộ tiếp dân thách thức Nhân dân, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Năm là, cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo tổng hợp từ cấp đơn vị chưa đầy đủ, kịp thời và thiếu chính xác. Do vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác TCD còn hạn chế, thiếu phương tiện tổng hợp tình hình TCD khiến việc thống kê, báo cáo còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết của các cấp lãnh đạo đơn vị. Khi TCD, cán bộ TCD thường không nắm được thông tin về việc KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân đã được cấp có thẩm quyền nào xem xét, kết luận nên việc hướng dẫn công dân nhiều trường hợp không đúng nơi có thẩm quyền.

Sáu là, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Việc công khai, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại chưa sâu rộng, chưa thường xuyên và chưa có biện pháp, hình thức cụ thể với thực tiễn. Sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng vào công tác này còn hạn chế hoặc chỉ phản ánh thông tin một chiều mà chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý kiến tôn trọng pháp luật của quần chúng nhân dân.

Một số kiến nghị

TCD là hoạt động mang tính thường xuyên và lâu dài của cơ quan nhà nước. Từ những hạn chế trên, yêu cầu đặt ra cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau để nâng cao hiệu quả hoạt động TCD, giải quyết KNTC:

Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động TCD.

Trong đó, ban hành khung pháp lý cụ thể về trách nhiệm của cán bộ TCD. Bởi nếu không quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ TCD thì sẽ dẫn đến hiện tượng vô trách nhiệm với Nhân dân trong việc giải thích và hướng dẫn công dân khi họ đến KNTC. Trong trường hợp công dân đến mà cán bộ chỉ lắng nghe dân trình bày, tiếp nhận đơn thư,  những quy trình tiếp theo như việc đôn đốc giải quyết KNTC của công dân hay không, nhanh hay chậm, đúng hay sai sẽ thuộc về ai? Nếu không phân định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính thì hoạt động TCD chỉ là hình thức, đùn đẩy trách nhiệm và rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Do vậy, cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, từng bộ phận khi tham gia vào bất kỳ quy trình nào của hoạt động TCD.

Hơn nữa, cần phải chú trọng ban hành quy định về xử phạt mang tính răn đe các hành vi vi phạm phát sinh trong quá trình TCD. Có như vậy, mới loại bỏ những cán bộ tiêu cực, tham nhũng, thiếu tinh thần trách nhiệm trong TCD và xử lý đơn thư KNTC của công dân. Thực trạng công tác cán bộ cho thấy, cán bộ vi phạm bị phát hiện nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì rất khó sử dụng nhưng không dễ loại bỏ. Mặt khác, cũng cần xử phạt nghiêm minh những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ và quyền KNTC của công dân với mục đích đến trụ sở TCD gây rối, làm mất an ninh trật tự và kích động người dân để phá hoại, trục lợi.

Thứ hai, xây dựng và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ TCD.

Đội ngũ cán bộ TCD hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém về năng lực trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn quan liêu, hách dịch cửa quyền, gây phiền nhiễu Nhân dân. Nhiều cấp, nhiều ngành bố trí cán bộ chưa phù hợp, đặc biệt là ở các cấp cơ sở. Cơ chế quản lý, giám sát và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác TCD chưa hợp lý, chưa có những chính sách thỏa đáng để tạo động lực khuyến khích cán bộ đề cao trách nhiệm, phấn đấu rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn. Những bất cập này đã và đang tác động trực tiếp đến hiệu quả của công tác TCD. Do đó, mục tiêu phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước; có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có khả năng “dân vận tốt” thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Thực hiện đào tạo và đào tạo lại cán bộ làm công tác TCD cần tập trung vào những giải pháp, như: xây dựng, hoạch định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hoàn thiện chế độ tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật phù hợp với công tác TCD; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác TCD giỏi về pháp luật, nắm vững lý luận chính trị và thực tiễn quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực có liên quan.

Thứ ba, cần ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin vào hoạt động TCD.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”4. Vì vậy, cần phải có những giải pháp cụ thể, chi tiết để đưa công nghệ thông tin vào hoạt động TCD để góp phần tích cực trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thông qua đó, nâng cao hiệu lực của công tác TCD và giải quyết KNTC.

Để thực hiện tốt hoạt động TCD, cần có phương hướng, có lộ trình và kế hoạch dài hạn. Giải quyết tốt công tác TCD thực chất là củng cố và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước – đại diện cho quyền lực của Nhân dân với một bên là Nhân dân -chủ thể của quyền lực nhà nước.

Chú thích:
1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 27, 110.
2. Ban Tiếp công dân Trung ương tổng kết công tác năm 2020. https://thanhtra.gov.vn, ngày 11/12/2020.
3. Tổng kết công tác ngành Thanh tra năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. http://thanhtra.tiengiang.gov.vn, ngày 12/01/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Khiếu nại năm 2011.
2. Luật Tiếp công dân năm 2013.
3. Luật Tố cáo năm 2018.
4. Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân năm 2013.
5. Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân.
PGS.TS. Lưu Ngọc Tố Tâm
ThS. Đỗ Huỳnh Yến Vy
Học viện Chính trị khu vực II