Công tác quản lý nhà nước về thương mại ở tỉnh Luang Prabang, nước CHDCND Lào

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội các cấp, thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh Luang Prabang đã nỗ lực xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh để có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Tỉnh Luang Prabang, nước CHDCND Lào (Ảnh: tapchilaoviet.org)
Thực trạng quản lý nhà nước về thương mại ở tỉnh Luang Prabang

Tỉnh Luang Prabang, nước CHDCND Lào là tỉnh miền núi nhưng có cả nông thôn và đô thị, hoạt động thương mại có sự đan xen, hỗ trợ lẫn nhau. Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, là đường qua lại giữa các tỉnh miền Trung với các tỉnh miền Bắc, có biên giới giáp với tỉnh Sơn La và Điện Biên của Việt Nam. Tỉnh có nhiều điểm du lịch quan trọng, mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt du khách, chính vì vậy, Luang Prabang có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội các cấp, thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh Luang Prabang đã nỗ lực xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, như: Kế hoạch phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020 (theo Công văn số 23/2009 ngày 18/2/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển mạng lưới chợ bán lẻ, chợ tạm và triển lãm hội chợ ở nông thôn); Kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại 5 năm (2016 – 2020) (theo Quyết định số 098/TTr ngày 30/01/2016 của Tỉnh trưởng về chỉ tiêu hội nhập, tạo năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh); Chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại 10 năm (2016 – 2025) và tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định số 015/TTr ngày 10/02/2016 của Tỉnh trưởng về điều chỉnh và bổ sung chiến lược giai đoạn 2011 – 2020) cho phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh lần thứ VII, lần thứ VIII, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh để có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Về công tác quản lý đăng ký kinh doanh: thực hiện Lệnh số 02/CP ngày  01/02/2018 của Chính phủ nước CHDCND Lào về việc sửa đổi quy chế, cơ chế phối hợp hoạt động kinh doanh, do đó, công tác quản lý đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Luang Prabang được thực hiện một cách chủ động và minh bạch và thuận tiện hơn. Từ ngày 01/01/2016 – 31/12/2019, Sở Công Thương tỉnh Luang Prabang đã cấp Giấy đăng ký kinh doanh mới cho 1.576 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 6.006 tỷ kíp (đơn vị tiền tệ của Lào), trong đó lĩnh vực thương mại: 775 doanh nghiệp, chiếm 49,17%; dịch vụ: 514 doanh nghiệp, chiếm 32,61%; sản xuất nông nghiệp và công nghiệp: 287 doanh nghiệp, chiếm 18,22%. Đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có 14.684 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký trên 174.648 triệu kíp; cấp tỉnh có 10.777 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 174,262 tỷ kíp; cấp huyện là 3.907 đơn vị, với tổng vốn đăng ký trên 385,9 tỷ kíp. Đăng ký doanh nghiệp chia theo lĩnh vực đầu tư, như: lĩnh vực dịch vụ chiếm 52,93%, tương đương 7.772 doanh nghiệp; thương mại: 33,71%, tương đương 4.951 doanh nghiệp; sản xuất nông nghiệp và công nghiệp: 13,36%, tương đương 1.961 doanh nghiệp1.

Công tác quản lý giá và phân bổ chợ: thời gian qua, tỉnh đã quan tâm thúc đẩy xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại như xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và phân bổ chợ cho gọn gàng, sạch đẹp. Ngành Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức giám sát, quản lý giá cả trên thị trường nhằm chống độc quyền về giá của các thương nhân đối với các loại hàng hóa.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có được cơ hội trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, kể từ đầu năm 2016 đến năm 2020, tỉnh đã tổ chức hội chợ triển lãm được 22 lần, có 2.778 doanh nghiệp tham gia với tổng giá trị sản phẩm là 32 tỷ kíp; đồng thời, cũng dẫn dắt các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm ở các tỉnh khác được 36 lần với tổng giá trị sản phẩm đạt khoảng 6,5 tỷ kíp. Khuyến khích mỗi huyện sản xuất một sản phẩm đặc trưng (ODOP), đến năm 2020, toàn tỉnh có 8 sản phẩm được cấp phép ODOP, bao gồm 32 mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống, thiết bị gia dụng, trang sức…”2.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại và bảo vệ người tiêu dùng: căn cứ Nghị định số 508/CP ngày 04/02/2012 của Chính phủ, Quyết định số 1499/CT ngày 08/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và báo cáo của các bộ phận khác, các sở, ban, ngành liên quan đã có sự phối hợp thực hiện kiểm tra các đối tượng có hành vi vi phạm quy định về thương mại, như: tích trữ hàng hóa, can thiệp giá cả, hoạt động kinh doanh không có giấy phép, nhập khẩu hàng hóa không đóng thuế, hàng hóa không dán nhãn bằng tiếng Lào, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, hàng lậu, hàng cấm… Thông qua kiểm tra, phát hiện một số hoạt động thương mại trái pháp luật và quy chế thương mại. Đối với các vi phạm này, Sở Công Thương đã phối hợp các ban, ngành liên quan và các thương nhân xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong quản lý nhà nước về thương mại, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như:

– Việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại trên địa bàn còn dựa vào chiến lược, kế hoạch của Trung ương. Các chiến lược, kế hoạch của tỉnh còn chung chung, chỉ gắn với các kế hoạch 5 năm và hằng năm, chưa cụ thể vào các nội dung về quản lý hoạt động thương mại. Đồng thời, chưa được tổ chức triển khai một cách hệ thống và cụ thể cho các tổ chức doanh nghiệp.

– Một số văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, chồng chéo; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp chưa được chú trọng. Cải cách thủ tục hành chính tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn rườm rà, chậm đổi mới, dẫn đến hiệu quả trong quản lý đăng ký kinh doanh không cao.

– Công tác quản lý giá và phân bổ chợ chưa được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Còn xảy ra tình trạng các thương nhân tự tăng giá đối với các mặt hàng tiêu dùng và hạ giá đối với các mặt hàng nông sản mà do người bản địa sản xuất ra tiêu thụ trên thị trường.

– Việc thúc đẩy phát triển thương mại chưa được chú trọng đúng mức đáp ứng yêu cầu thực tế. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước về thương mại đã có nhiều cố gắng trong thúc đẩy phát triển thương mại nhưng so với mức độ cần thiết còn rất thấp.

– Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại và bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều yếu kém. Tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng còn xảy ra, có nhiều trường hợp hoạt động thương mại không đăng ký kinh doanh, các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế… vẫn còn là vấn đề bức xúc chưa được xử lý nghiêm.

Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về thương mại ở tỉnh Luang Prabang

Một là, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại. Tỉnh cần bổ sung hoàn thiện hệ thống các chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại đầy đủ và cụ thể hơn trong từng nội dung gắn với từng giai đoạn nhất định. Sau khi các bản chiến lược, kế hoạch được phê duyệt, các cơ quan chức năng cần sớm tuyên truyền, phổ biến một cách toàn diện cho các doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn hiểu và nắm rõ; đồng thời, hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp về thực hiện các chiến lược, kế hoạch có hiệu quả cao nhất.

Hai là, hoàn thiện hoạt động đăng ký kinh doanh. Tỉnh cần tập trung vào những vấn đề như: sắp xếp lại bộ máy quản lý đăng ký kinh doanh phù hợp với công việc thực tiễn; nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đăng ký kinh doanh đáp ứng yêu cầu thực tế; cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh một cách thuận tiện, phù hợp với quy mô, phạm vi hoạt động của mô hình tổ chức; hoàn thiện hệ thống thông tin về đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp. Bộ Công Thương cần phân cấp, phân quyền đúng theo quy định quản lý đăng ký kinh doanh cho tỉnh tự thực hiện theo phạm vi thẩm quyền.

Ba là, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định; thường xuyên giám sát, kiểm tra và sử dụng biện pháp nghiêm túc đối với các hành vi hoạt động thương mại trái pháp luật và quy chế thương mại; chấm dứt chống sự độc quyền về giá… để bảo đảm đáp ứng yêu cầu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, cũng như chiến lược phát triển du lịch của tỉnh nhằm thu hút khách du lịch đến Luang Prabang ngày càng nhiều.

Bốn là, ngành Công Thương cần chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát các hành vi buôn bán trái phép; thực hiện nghiêm công tác bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết các hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các hành vi nêu trên đúng mức đáp ứng yêu cầu trên phạm vi toàn tỉnh.

Năm là, để hoạt động quản lý nhà nước về thương mại có hiệu lực và hiệu quả hơn, tỉnh cần đầu tư trang bị những phương tiện cần thiết cho hoạt động quản lý thị trường, như: các phương tiện đi lại, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại; tăng cường việc trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về thương mại với đội quản lý thị trường để phối hợp trong hoạt động quản lý thị trường bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnhr

Chú thích:
1, 2. Sở Công Thương tỉnh Luang Prabang. Báo cáo tổng kết kế hoạch phát triển công thương tỉnh Luang Prabang 5 năm (2016 – 2020).
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ tỉnh Luang Prabang. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Luang Prabang lần thứ VIII, năm 2020.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Luang Prabang. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020) và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025).
Houavang yongkouacheuxa
NCS, Học viện Hành chính Quốc gia