Quản lý tài nguyên nước ở thành phố Đà Nẵng

(Quanlynhanuoc.vn) – Đà Nẵng là trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, là thành phố phát triển năng động trong nhóm dẫn đầu cả ước. Trong đó, trọng điểm phát triển là các lĩnh vực: công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ. Nhu cầu sử dụng tài nguyên nước của thành phố Đà Nẵng ngày càng tăng lên nhưng nguy cơ thiếu, suy giảm chất lượng và trữ lượng tài nguyên nước ngày càng hiện hữu. Để bảo đảm an ninh nguồn nước lâu dài, việc nâng cao chất lượng quản lý tài nguyên nước ở thành phố Đà Nẵng là việc làm cấp thiết hiện nay.
Xí nghiệp cấp thoát nước Hải Châu. Ảnh: dawaco.com.vn
Một số kết quả đạt được trong quản lý hiệu quả tài nguyên nước

Từ giai đoạn 2010 – 2020, Đà Nẵng đã quy hoạch có trọng điểm hệ thống cấp thoát nước nội tỉnh chọn quy hoạch hệ thống thủy lợi cho nông nghiệp làm khâu đột phá then chốt nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước (TNN). Nguồn nước nội tỉnh phục vụ cho nông nghiệp sử dụng chủ yếu ở hai lưu vực sông chính là sông Cu Đê và sông Túy Loan cùng với 23 hồ chứa, 24 trạm bơm điện và 32 đập dâng được kết nối với hệ thống kênh mương tổng chiều dài là 907.976 m gồm 153.069 m kênh chính, 157.450 m kênh nhánh và 597.457 m kênh nội đồng1. Việc hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho nông nghiệp được nâng cao; nước mặt trong khu vực đã quy hoạch có chất lượng tốt hơn, sử dụng tiết kiệm hơn.

Từ năm 2015 –  2017, thành phố nâng khả năng tích trữ nước mưa và nước quá cảnh trên sông với tổng sức chứa nước từ 220.000 m3/ngày lên 320.000 m3/ngày và tiếp tục được duy trì tương đối ổn định trong các năm 2018, 2019 và 2020. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường khai thác nguồn nước trên sông Cu Đê cấp cho khu vực phía Bắc thành phố và khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu; khai thác nguồn nước sông Nam, sông Bắc phục vụ du lịch sinh thái và thủy điện2.

Công tác quản lý TNN dưới đất, bảo đảm ổn định nước ngầm được thực hiện theo chiến lược phát triển cấp nước trong từng giai đoạn. Cụ thể tập trung vào các biện pháp hạn chế khai thác nhằm bảo  đảm ổn định trữ lượng nước ngầm. Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát TNN trên sông Cu Đê và sông Túy Loan; tập trung khai thác thêm nước sông Bắc và sông Nam tại Nam Mỹ nhằm tận dụng tối đa nguồn nước mặt; tăng cường bổ sung mạng lưới điều tra, quan trắc TNN trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, mở rộng khả năng lựa chọn nguồn nước mặt có chất lượng tốt, khắc phục tình trạng nhiễm mặn có xu hướng tăng trên sông Cầu Đỏ và sông Cẩm Lệ; trồng rừng giữ nước đầu nguồn, duy trì hệ sinh thái thủy sinh, giảm thiểu tác hại của BĐKH.

Những bất cập, tồn tại và nguyên nhân

Một là, công tác quy hoạch phát triển của thành phố chưa dành sự quan tâm xứng đáng cho việc bảo tồn và phát triển TNN. Còn thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch phát triển nên giai đoạn 2010 – 2020, trình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Đã Nẵng ngày càng có xu hướng tăng do tác động chủ yếu từ rác, nước thải tại các khu công nghiệp và các cơ sở dịch vụ, du lịch. Điểm nóng là khu công nghiệp Hòa Khánh, (2010 – 2018), xung quanh khu công nghiệp này nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường nước ở khu vực Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và phường Khánh Hòa, quận Liên Chiểu… cũng đang ở mức báo động.

Theo kết quả phân tích chất lượng nước tại các cửa xả của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thành phố cho thấy, mật độ vi sinh vật (thông số Coliform) cao gấp 8 lần so với quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân do bị ảnh hưởng từ các chợ đầu mối; tàu cá, xe cộ ra, vào bốc dỡ hàng hóa; có nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu và xưởng sửa chữa, đóng tàu; trại giết mổ gia súc… Năm 2019 và 2020, thành phố đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm quy định bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng, đã tiến hành nhắc nhở, xử lý hành chính, phạt tiền…3.

Hai là, công tác quy hoạch TNN của thành phố chưa bảo đảm tính chiến lược, đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý và sử dụng hiệu quả TNN. Quy hoạch TNN chủ yếu tập trung vào nước mặt tự nhiên, chưa dành sự quan tâm xứng đáng đến quy hoạch vùng nước ngầm, khu nước thải, thu gom nước mưa và hạn chế xâm mặn… Sự gia tăng nước thải từ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bãi rác, các nghĩa trang, các cơ sở y tế gần lưu vực nguồn nước không được kiểm soát và thiếu các trạm, khu xử lý tập trung bảo đảm yêu cầu là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước ngọt. Quy hoạch bổ sung hệ thống thu gom, tiêu thoát nước mưa, nước thải các điểm dân cư ven các nguồn nước ngọt chưa được thực hiện đồng bộ.

Bất cập lớn nhất hiện nay là việc quản lý, sử dụng nước mưa và ngăn chặn tình trạng xâm mặn TNN ngọt chưa có giải pháp hiệu quả, tỷ lệ lãng phí nước mưa còn cao. Tình trạng bê tông hóa mặt nền các khu đô thị đã cản trở sự thẩm thấu nước mưa tự thiên vào lòng đất. Mặt khác, với địa hình dốc, dòng chảy ngắn… là nguyên nhân gây lũ lụt trong mùa mưa, nước mặn xâm nhập sâu vào sông trong mùa khô, điển hình là nguồn nước sông Cầu Đỏ, con sông chính cung cấp trực tiếp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất nước sạch chiếm sản lượng lớn của thành phố đang nhiễm mặn nặng, độ nhiễm mặn lên đến 1600 mg/lít4. Việc Công ty Cổ Phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) tăng cường lấy nước từ trạm bơm An Trạch cho nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ là những giải pháp trước mắt, tạm thời xử lý tình huống nóng về thiếu nước nguyên liệu.

Ba là, hạ tầng bảo tồn và phát triển TNN chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mặc dù Đà Nẵng đã kiên cố hóa hệ thống dẫn và trữ nước mặt nhưng cơ sở hạ tầng dẫn và xử lý nước thải nhiều khu vực xuống cấp nặng. Các điểm nóng ô nhiễm hầu như đều bị tác động bởi sự xuống cấp và thiếu đồng bộ của hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Điển hình là điểm ô nhiễm trên sông Hàn đoạn từ nút giao thông cầu Trần Thị Lý đến trạm bơm SPS15 (đầu cầu Tiên Sơn).

Bốn là, công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của chính quyền thành phố chưa phát huy được tinh thần tự chủ, ý tức chấp hành và tự quản của nhân dân trong việc bảo tồn và phát triển TNN. Vì thế, việc lãng phí TNN và xả thải bừa bãi nước và rác thải của các hộ gia đình, các hộ kinh doanh và các cơ sở sản xuất, dịch vụ… chưa được răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn kip thời, tình trạng tái phạm sau khi bị xử lý còn khá phổ biến, gây nhiều khó khăn, hệ lụy cho việc quản lý TNN ở Đà Nẵng.

Năm là, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây nhiều khó khăn trong việc quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng TNN. Đây là nguyên nhân khách quan có tác động lớn đến tình trạng khan hiếm, thiếu nước vào mùa cạn và tình trạng xâm nhập mặn, đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất ở Đà Nẵng hiện nay.

Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý tài nguyên nước ở Đà Nẵng

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng TNN theo hướng bảo đảm tính chiến lược, khoa học, trong đó, bảo đảm sự đồng bộ giữa quy hoạch nước mặt, nước ngầm, xử lý nước thải và thu gom nước mưa, ngăn chặn tình trạng xâm mặn. Điều chỉnh và bổ sung quy hoạch TNN phải bảo đảm phát triển bền vững các nguồn nước tự nhiên, tái sử dụng các nguồn nước phát sinh, hạn chế tối đa tác hại do nước gây ra, đặc biệt là các nguồn rác nước phát sinh. Bên cạnh đó, quy hoạch bảo tồn và phát triển TNN phải lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Thứ hai, nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trước hết, cần nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi dọc các sông bị lấn chiếm; ngăn chặn, giải tỏa kịp thời, cắm mốc hành lang bảo vệ các nguồn nước chưa hoàn thành; cải tạo hệ thống thu gom, tiêu, thoát nước mưa; nâng cấp, bổ sung hệ thống xử lý nước thải, xây dựng cơ chế kiểm soát nước thải đồng bộ, hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường và tranh thủ sự hợp tác của quốc tế, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát triển TNN do tác động của biến đổi khí hậu. Mở rộng diện tích trồng rừng đầu nguồn để giữ và điều hòa nguồn nước, bảo đảm khả năng thủy trên các hồ chứa và hệ thống sông lớn, bảo đảm tích trữ nước ngầm, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thứ tư, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo tồn và phát triển TNN. Xây dựng các ấn phẩm truyền thông; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến bảo vệ TNN quy mô cấp thành phố; thường xuyên cập nhật các văn bản chính sách mới, xây dựng các mô hình, tấm gương về quản lý hiệu quả và sử dụng tiết kiệm TNN. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, tạo diễn đàn mạng để thảo luận và trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng hiệu quả TNN.

Thứ năm, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nước ngọt. Thực hiện các biện pháp phát huy vai trò tự quản của các tổ chức đoàn thể trong việc chủ động làm sạch môi trường nước gần khu vực sinh sống; các doanh nghiệp, các hộ gia đình phải cam kết bảo đảm gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường nước; đồng thời, tăng cường sự giám sát của Nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến TNN; thiết lập các đường dây nóng để người dân biết kịp thời phản ánh các hiện tượng gây ô nhiễm, thất thoát và lãng phí TNN tới các cơ quan các cấp có thẩm quyền và có giải pháp ứng phó kịp thời.

Chú thích:
1, 2, 4. Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đà Nẵng năm 2019.
3. Báo cáo kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng năm 2019, 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đà Nẵng năm 2019.
2. Tình hình các nguồn nước và sản xuất nước sạch tại thành phố Đà Nẵng. https://dawaco.com.vn, truy cập ngày 15/11/2021.
3. Hệ thống cấp nước và quy hoạch cấp nước đến 2020. Đà Nẵng năm 2010.
TS. Đinh Thị Như Trang
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội