Quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban lãnh đạo, với nỗ lực của các phòng, ban, đơn vị, UBND 18 phường, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân, trong thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có những chuyển biến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả nhất định.
Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Ảnh: hanoimoi.com.
Thực trạng quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay

Thực hiện Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg ngày 09/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội; Quyết định số 5621/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Quyết định số 3406/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (TTXDĐT) trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội; Quyết định số 3104/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 của UBND quận Hoàn Kiếm về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 2318/QĐ-UBND ngày 02/8/2018 của UBND quận Hoàn Kiếm về thí điểm thành lập Đội Quản lý TTXDĐT trực thuộc UBND quận Hoàn Kiếm. Đội Quản lý TTXDĐT quận gồm 20 tổ: Tổ Hành chính tổng hợp, Tổ Kiểm tra cơ động và 18 tổ quản lý TTXDĐT tại 18 phường. Theo đó, đội có 54 người, trong đó: 52 công chức và 2 hợp đồng lao động1.

So với những năm trước, tình hình TTXDĐT trên địa bàn quận đã có chuyển biến tốt, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận cơ bản đã được kiểm soát. Đến nay, tổng số công trình thi công: 103 công trình (trong đó: có 15 dự án, 88 nhà ở riêng lẻ, công trình khác); tổng số công trình xây dựng phát sinh: 103 trường hợp; số trường hợp vi phạm đã được xử lý: 6 trường hợp; đang tiếp tục xử lý: 3 trường hợp2. Do dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới diễn biến phức tạp, nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng để tự ý sửa chữa bên trong, gây khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, Đội Quản lý TTXDĐT quận đã phối hợp với các phòng, ban và UBND 18 phường áp dụng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ đình chỉ có hiệu lực đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong số những kết quả đạt được, phải kể đến công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện sau khi cấp phép xây dựng đã được đồng bộ hơn nhiều. Lực lượng làm quản lý TTXDĐT của quận và UBND các phường đã đáp ứng yêu cầu công tác, thường xuyên kiểm tra và phát hiện vi phạm kịp thời. Việc giám sát đình chỉ, ngăn chặn vi phạm có hiệu quả, góp phần thực hiện cho công tác quản lý TTXDĐT trên địa bàn đi vào nề nếp.

Ngay từ đầu năm 2021, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quận ủy, UBND quận và lãnh đạo Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Quản lý TTXDĐT quận Hoàn Kiếm đã tiếp thu, thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Lãnh đạo đơn vị đã quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, lao động hợp đồng trong đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; công tác thanh kiểm tra, thiết lập hồ sơ vi phạm ngay từ ban đầu; đề xuất UBND các phường xử phạt, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Lãnh đạo đơn vị đã cùng các phòng, ban của quận và UBND các phường thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, tham mưu UBND quận ban hành các quyết định về quản lý TTXDĐT, qua đó, nâng cao được trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền và nhận thức pháp luật của Nhân dân. Công tác quản lý TTXDĐT trên địa bàn quận cơ bản đã được kiểm soát. Đến nay, các tổ quản lý TTXDĐT 18 phường đã ổn định hoạt động, đã phân công theo dõi địa bàn các tuyến phố đối với 18/18 tổ.

Đội Quản lý TTXDĐT quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các tổ quản lý TTXDĐT phường và Tổ Kiểm tra cơ động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các chủ đầu tư có hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, an toàn lao động, hạ tầng kỹ thuật. Đội Quản lý TTXDĐT quận và Tổ Quản lý TTXDĐT của 18 phường đã tham mưu UBND quận và UBND phường ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu ngân sách nhà nước với tổng số tiền phạt là 418.500.000 đồng. Công tác thu thuế xây dựng tính từ ngày 01/01/2021 – 30/10/2021, đã thu được tổng số tiền là 972.184.710 đồng3.

Một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý TTXDĐT trên địa bàn quận. Mặc dù số lượng công trình xây dựng giảm mạnh do dịch bệnh nhưng thời gian gần đây những vi phạm trật tự xây dựng lại diễn biến phức tạp. Có thể kể đến các trường hợp vi phạm xây dựng sai phép đã vi phạm chiếm tỷ lệ lớn và có xu hướng gia tăng. Số công trình có vi phạm năm 2021 là 9 trường hợp4. Các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã có quyết định xử lý của UBND quận nhưng việc thực hiện của UBND phường còn chậm, không đạt tiến độ đề ra, chưa hiệu quả, chưa kiên quyết. Công trình nhà ở có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng về số tầng, sai thiết kế, mật độ làm mất mỹ quan, phá vỡ quy hoạch phố cổ, phố cũ nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Những vi phạm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân sau:

Trước hết, quận Hoàn Kiếm là khu vực bị hạn chế về phát triển xây dựng ở cả 4 khu vực: khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu vực ngoài đê sông Hồng. Trong khi đó, nhu cầu về xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch vẫn là nhu cầu bức thiết. Mặc dù, công tác quản lý về TTXDĐT, bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn quận luôn được Quận ủy – Hội đồng nhân dân, UBND quận quan tâm sát sao, song vẫn  không tránh khỏi những khó khăn trong quản lý.

Thứ hai, công tác quản lý nhà nước chưa nghiêm, cụ thể là lãnh đạo các phường và lãnh đạo quận, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực; vẫn còn tình trạng môi giới, “cò” bán đất, nhà trái pháp luật; các doanh nghiệp, đội xây dựng vi phạm pháp luật chưa được xử lý kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng ở nhiều nơi chưa đúng mức, chưa nhận rõ trách nhiệm trước Nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng và tiêu cực ở địa phương; sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng còn chồng chéo, sơ hở, thiếu hiệu quả; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TTXDĐT còn yếu…

Đội ngũ nhân sự trực tiếp tham gia vào công tác quản lý TTXDĐT còn thiếu về số lượng, thường xuyên phải điều động, tăng cường; lực lượng tổ quản lý trật tự xây dựng trên mỗi địa bàn mỏng và thường xuyên phải bổ sung. Việc thiếu nhân sự cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc chậm được xử lý, xử lý không dứt điểm.

Thứ ba, tâm lý chủ quan, thiếu ý thức chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận người dân, vì lợi ích, như: nhu cầu về chỗ ở, kinh doanh, dịch vụ của mình mà sẵn sàng vi phạm pháp luật, bất chấp khả năng bị xử lý, xử phạt, cưỡng chế, cố tình vi phạm pháp luật vì lợi ích kinh tế đạt được lớn hơn nhiều lần giá trị kinh tế bị xử phạt; thiếu hiểu biết, hay hiểu biết chưa đầy đủ, chính xác về pháp luật, cố tình gây cản trở, có thái độ thiếu hợp tác thậm chí phản ứng lại cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm.

Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Một là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các công trình xây dựng trên địa bàn, bảo đảm 100% các công trình xây dựng được kiểm soát, tuyệt đối không để tái diễn các vi phạm về TTXDĐT trên địa bàn quận; tiếp tục giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư công trình thực hiện việc tháo dỡ các phần vi phạm theo nội dung quyết định cưỡng chế của UBND quận đã ban hành.

Hai là, cấp ủy đảng, chính quyền 18 phường tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm từng người, nhất là người đứng đầu đơn vị. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Quận ủy, UBND quận khi để xảy ra vi phạm TTXDĐT mới phát sinh; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể cùng Nhân dân giám sát trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức của đơn vị, đặc biệt kiện toàn tổ chức các tổ công tác tại các phường để thực hiện tốt và có hiệu quả trong công tác quản lý TTXDĐT trên địa bàn.

Ba là, các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm quy định pháp luật về TTXDĐT, có yếu tố trục lợi, nhất là các trường hợp cán bộ, công chức bao che xây dựng trái phép, các cá nhân tiêu cực… Đối với các trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng có trách nhiệm liên đới thì phải áp dụng nghiêm các biện pháp kỷ luật đảng, đồng thời chuyển sang công tác khác, địa bàn khác. Kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm cần công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bốn là, tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ và kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý TTXDĐT trên địa bàn. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý TTXDĐT.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong trật tự xây dựng bằng nhiều hình thức, trong đó đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nếu bản thân đảng viên hoặc người thân có vi phạm thì cần xử lý nghiêm về kỷ luật đảng. Đặc biệt, với các nơi là điểm “nóng” về sang nhượng đất đai, xây dựng nhà ở, chính quyền địa phương cần bám sát địa bàn để vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm. Báo cáo kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng năm 2021.
Ngô Văn Đạt
Ủy ban nhân dân phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội