Một số đề xuất phát triển huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) theo mô hình đô thị sinh thái thông minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời gian tới, việc kiên định định hướng phát triển huyện Củ Chi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, biến tiềm năng, lợi thế thành các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội to lớn, mang lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho người dân, bảo đảm “người dân là trung tâm của đô thị”. Bài viết trình bày một số đề xuất phát triển huyện Củ Chi theo mô hình đô thị sinh thái thông minh hướng tới phát triển bền vững, cung cấp những tiện ích và môi trường sống tốt cho người dân trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hiện có của huyện.
Khu trung tâm huyện Chủ Chi. Ảnh: tuoitre.vn
Mô hình đô thị sinh thái

Đô thị sinh thái (ĐTST) là đô thị mà trong quá trình tồn tại và phát triển không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, không làm suy thoái môi trường, không gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận tiện cho mọi người sống, sinh hoạt và làm việc trong đô thị1. Đặc điểm của ĐTST là: (1) Nguyên liệu và năng lượng được sử dụng có hiệu quả; (2) Ô nhiễm và chất thải phải ít hơn nhiều so với những thành phố bình thường; (3) Tái sử dụng, tái chế chất thải; (4) Sử dụng có hiệu quả cao nguồn năng lượng và tài nguyên; (5) Thân thiện với thiên nhiên.

Theo Jennie Moore (tác giả người Ca-na-đa) và các cộng sự cho rằng: ĐTST là khu định cư của con người được tổ chức theo cấu trúc và chức năng tự duy trì và có khả năng phục hồi của các hệ sinh thái tự nhiên. Một ĐTST sẽ bảo đảm sức khỏe dồi dào cho cư dân mà không tiêu tốn đến tài nguyên; không tạo ra nhiều chất thải hơn bằng cách tái chế cho các mục đích sử dụng mới hoặc thiên nhiên có thể hòa tan và hấp thụ một cách vô hại cho chính đô thị về các hệ sinh thái lân cận. Các tác động sinh thái của cư dân phản ánh lối sống hỗ trợ hành tinh; phản ánh các nguyên tắc cơ bản về công bằng, bình đẳng, hợp lý và đồng thuận ở các mức độ hạnh phúc. Qua đó, đưa ra 15 tiêu chí để đánh giá tiêu chuẩn ĐTST2 (xem sơ đồ cuối bài).

Như vậy, ĐTST là mô hình đô thị được tổ chức bảo đảm cân bằng giữa phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) với bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên, bảo đảm cuộc sống cư dân có chất lượng cao nhưng sử dụng ít nhất các tài nguyên thiên nhiên. Nói đến ĐTST gồm có: (1) Quy hoạch, kiến trúc bảo đảm, khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên để phục vụ người dân; (2) Mật độ dân cư và mật độ đô thị thấp (so với mặt bằng chung các đô thị); (3) Không gian đô thị được bao phủ bởi tỷ lệ cao cây xanh và các hệ sinh thái tự nhiên; (4) Các hoạt động công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh…

ĐTST thông minh là đô thị được xây dựng, phát triển theo mô hình ĐTST; đồng thời, khai thác, tối đa hóa hiệu quả trong ứng dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý, tổ chức phát triển KTXH. Xu hướng này phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, biến khoa học – công nghệ thành nguồn lực quan trọng trong phát triển KTXH trên cơ sở thúc đẩy phát triển 3 trụ cột: chính quyền số – kinh tế số – xã hội số. Xây dựng ĐTST thông minh được coi là giải pháp ưu tiên trong tiến trình đô thị hóa, bảo đảm cho các đô thị phát triển bền vững trong tương lai.

Vài nét về phát triển kinh tế – xã hội của huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh

Huyện Củ Chi là huyện ngoại thành, nằm về phía Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 33 km, với diện tích tự nhiên 43.496 ha (bằng diện tích của 19 quận, huyện khác ở TP. Hồ Chí Minh cộng lại3, dân số  462.047 người (tính tại thời điểm ngày 01/4/2019)4. Huyện Củ Chi có thị trấn Củ Chi và 20 xã.

Về KTXH, Củ Chi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đạt 16,16%, vượt 0,48% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; trong đó công nghiệp tăng 16,6%, chiếm tỷ trọng 77,46%; thương mại – dịch vụ tăng 19,4%, chiếm tỷ trọng 14,93%; nông nghiệp tăng 8,05%, chiếm tỷ trọng 7,61% so với cùng kỳ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ cao5.

Về thu ngân sách nhà nước: 6.878,092 tỷ đồng, đạt 217,87% so với Nghị quyết đề ra, tốc độ tăng bình quân hằng năm 22,63%, tăng 171,24% so với đầu nhiệm kỳ, trong đó 3 năm cuối đạt bình quân trên 1.500 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người: 63,48 triệu đồng/người/năm, đạt 105,8%6.

Công tác giáo dục – đào tạo có sự tập trung, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 95,52%, trong đó tỷ lệ nữ đạt 50,2%, giải quyết việc làm mới đạt 131,69% góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp7.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,21%, hộ cận nghèo còn 1,18% theo tiêu chí mới giai đoạn 2019 – 2020 của thành phố8.

Công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công hoặc hỗ trợ các đối tượng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện tốt. Do đó, các tiêu chí này đã dần đạt theo các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc.

Tuy nhiên, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã chỉ ra một số hạn chế ở giai đoạn 2015 – 2020, đó là: (1) Kinh tế mặc dù đạt mức tăng trưởng đã đề ra, chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng nhưng chất lượng chưa cao, thiếu bền vững, chưa phát huy đúng tiềm năng, lợi thế của huyện. (2) Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị còn hạn chế, chưa đồng bộ, thiếu ổn định để phát triển lâu dài. (3) Văn hóa – xã hội còn nhiều vấn đề cần quan tâm, như: giáo dục, giữ gìn và phát huy văn hóa, truyền thống, nhất là thế hệ trẻ; tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra nhiều; hoạt động của các nhà văn hóa, nhà thiếu nhi còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân… (4) Các chương trình trọng điểm, như: chương trình quy hoạch chỉnh trang lại trung tâm huyện lỵ và các xã cụm kinh tế kỹ thuật, chương trình xây dựng hình thành các khu nhà vườn sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, kết nối chuỗi tham quan du lịch những địa danh lịch sử, làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn… còn nhiều nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu.

Định hướng, tiềm năng, cơ hội phát triển của Củ Chi theo mô hình đô thị sinh thái thông minh

Qua nghiên cứu các chỉ số phát triển KTXH của huyện Củ Chi, có thể nhận thấy hiệu quả phát triển KTXH chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Do đó, trong thời gian tới, việc kiên định định hướng phát triển huyện Củ Chi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, biến tiềm năng, lợi thế thành các nguồn lực phát triển KTXH to lớn, mang lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho người dân, bảo đảm “người dân là trung tâm của đô thị”. Bên cạnh đó, việc xác định nhất quán, rõ ràng còn có ý nghĩa quan trọng, giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển KTXH; giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Vì vậy, định hướng phát triển Củ Chi trong tương lai cần xác định như sau:

Một là, về mô hình của đơn vị hành chính, nên phát triển huyện Củ Chi thành thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh. Củ Chi sẽ tiếp tục giữ được tỷ lệ đất nông nghiệp hợp lý và giữ được khoảng xanh, môi trường. Việc phát triển huyện Củ Chi thành thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh được xem xét, đánh giá toàn diện bảo đảm tính khoa học, khả thi trong việc thực hiện.

Củ Chi nên xác định phát triển huyện theo mô hình ĐTST thông minh hướng tới phát triển bền vững, cung cấp những tiện ích và môi trường sống tốt cho người dân trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hiện có của huyện: (1) Thành tựu của khoa học – công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; (2) Định hướng, cơ chế, chính sách phát triển KTXH, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh của Đảng, Nhà nước và TP. Hồ Chí Minh; (3) Định hướng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong đổi mới, phát huy, khai thác các tiềm năng, lợi thế của thành phố trong phát triển (Chương trình đột phá “Đổi mới quản lý TP. Hồ Chí Minh”; Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh…); (4) Kinh nghiệm phát triển của các đô thị trong nước và ngoài nước; kinh nghiệm xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức…

Hai là, về động lực phát triển chính của Củ Chi trong tương lai là:

(1) Công nghiệp chế biến. Khi phát triển công nghiệp chế biến sẽ phát huy hiệu quả trong khai thác, chế biến các sản phẩm nông nghiệp của Củ Chi và các vùng lân cận. Hơn nữa, phát triển công nghiệp chế biến giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng sức hấp dẫn để thu hút đầu tư trên địa bàn huyện.

(2) Nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp Củ Chi phát huy lợi thế truyền thống của huyện là nông nghiệp; đồng thời, khai thác, ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ vào nông nghiệp.

(3) Du lịch sinh thái.  Xây dựng Củ Chi là trung tâm du lịch sinh thái của TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở khai thác thế mạnh về văn hóa, du lịch truyền thống kết hợp với xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch thông minh.

Các quan điểm trên được đưa ra trên cơ sở Củ Chi là vùng chuyển tiếp giữa vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và là vùng sản xuất nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh.

Một số khuyến nghị phát triển Củ Chi thành thành phố theo mô hình đô thị sinh thái thông minh thuộc TP. Hồ Chí Minh

Một là, xác định nhất quán mô hình phát triển của huyện trong tương lai. Nghiên cứu mô hình phát triển cần tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả kết hợp với phát huy vai trò tham vấn của các bên liên quan. Trên cơ sở đó, Đảng bộ và chính quyền huyện cùng các cơ quan, tổ chức xác định lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong từng giai đoạn một cách khoa học, khả thi.

Hai là, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về định hướng phát triển. Đảng bộ, chính quyền huyện cần rà soát, có lộ trình thực hiện các tiêu chí mô hình ĐTST thông minh đã được xác định (theo đánh giá, hiện nay, huyện Củ Chi đã đạt được 23/30 tiêu chí của quận theo Nghị quyết số 1210/2016/ UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị).

Trong giai đoạn 2020 – 2030, huyện Củ Chi quyết tâm phát triển lên thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi chính quyền huyện cần phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở9.

Ba là, quy hoạch không gian phát triển khoa học, hợp lý làm cơ sở để thu hút đầu tư phát triển, trong đó, cần quy hoạch mạng lưới giao thông để Củ Chi thực sự đóng vai trò là trung tâm kết nối của khu vực; hướng đến kết nối với các địa phương lân cận. Đồng thời, cần quy hoạch phân khu để tổ chức phát triển cũng là nhiệm vụ quan trọng để khai thác hợp lý, hiệu quả quỹ đất; giữ gìn mảng xanh trong tiến trình phát triển.

Quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả vừa bảo đảm khai thác, biến đất đai – nguồn lực lớn nhất của huyện thành động lực, phát triển kinh tế, vừa bảo đảm giữ được khoảng xanh trong tiến trình phát triển hướng tới xây dựng ĐTST. Đối với không gian “ảo”, cần có sự quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch thông minh. Từ đó, tiến hành xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là dòng vốn đầu tư “thế hệ mới” vào phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái thông minh.

Bốn là, quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường. Cần xác định rõ nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển hài hòa 3 trụ cột kinh tế – văn hóa xã hội – môi trường trong tiến trình phát triển. Từ đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp để huyện Củ Chi trở thành thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh theo mô hình ĐTST thông minh.

Chú thích:
1. Nguyễn Trọng Phượng. Môi trường và đô thị. H. NXB Xây dựng, 2008, tr. 20.
2. Jennie Moore and Partners. International Ecocity Standard – IES, British Columbia Institute of Technology, Ecocity Builders, 2017, page. 3.
3. Đầu tư cho Củ Chi là đầu tư cho phát triển Thành phố. https://tuoitre.vn, ngày 20/11/2020.
4. Dân số huyện Củ Chi tăng cơ học nhanh trong 10 năm qua. http://www.cuchi.hochiminhcity.gov.vn, ngày 17/10/2019.
5, 6, 7, 8. Đảng bộ huyện Củ Chi. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Củ Chi lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
9. Đưa Củ Chi lên thẳng thành phố. https://tuoitre.vn, ngày 28/02/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 20/01/2022 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về xây dựng đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh) giai đoạn 2021 – 2030.
2. Hội thảo khoa học định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Củ Chi do Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi  phối hợp cùng Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/02/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.
3. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
TS. Bùi Ngọc Hiền
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh