Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại Thuỷ đoàn II

(Quanlynhanuoc.vn) – Lĩnh vực đường thủy nội địa là một trong những lĩnh vực giao thông trọng điểm, quan trọng, tuy nhiên do chưa có sự đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng và kết nối, liên kết với lĩnh vực giao thông vận tải khác nên chưa tạo ra nhiều đột phá, đổi mới trong phát triển kinh tế – xã hội. Tình trạng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trên đường thủy nội địa vẫn diễn ra dù đã áp dụng nhiều hình thức, biện pháp xử lý nhưng vi phạm vẫn xảy ra tương đối phổ biến. Bài viết nghiên cứu thực trạng, dự báo tình hình và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại Thuỷ đoàn II thời gian tới.
Hiện trường khai thác cát trái phép. Ảnh: cand.com.vn.
Kết quả thực hiện một số công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ tại Thuỷ đoàn II

Quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và trật tự xã hội (TTXH) trên đường thủy nội địa, Thủy đoàn II đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông ký ban hành Kế hoạch số 215/KH-C08-TĐII ngày 15/01/2021 về tổ chức lực lượng, phương tiện của Thủy đoàn II tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo đảm TTATGT; phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên đường thủy nội địa các tỉnh thành phía Nam; đã xây dựng và báo cáo lãnh đạo Cục phê duyệt thực hiện 5 kế hoạch về thanh tra, kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT-TTXH trên đường thủy.

Thuỷ đoàn II đã ban hành 41 kế hoạch chỉ đạo về công tác chuyên môn; 6 kế hoạch về thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm để triển khai, cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Tiếp tục chỉ đạo các Đội, Thủy đội, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) chấp hành nghiêm các quy định về điều lệnh Công an nhân dân, quy trình công tác; chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid – 19; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, thông qua hoạt động TTKS, xử lý vi phạm hành chính, Thủy đoàn II đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT-TTXH trên đường thủy nội địa; tập trung vào các văn bản: Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản…; tuyên truyền về các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quy định về khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trên đường thủy; quy định về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đến 24.249 lượt người tham gia giao thông.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, gắn với việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Người đi đò mặc áo phao”,…

Trong năm 2021, Thủy đoàn II đã xây dựng và báo cáo lãnh đạo Cục phụ trách duyệt thực hiện 5 Kế hoạch, phương án về bố trí lực lượng, phương tiện tiến hành TTKS, xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT trên đường thủy. Đã tổ chức 950 ca TTKS, huy động 2.850 lượt CBCS, kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 954 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1.298.450.000 đồng. Quá trình TTKS, đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ con người trên phương tiện, qua đó góp phần giúp chính quyền địa phương quản lý tốt việc di chuyển, đi lại của Nhân dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi nhập cảnh trái phép, hành vi di chuyển không khai báo giữa các địa phương, bảo đảm thực hiện theo quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ảnh: cand.com.vn.

Trong hoạt động kiểm tra cảng, bến thủy nội địa, đã phối hợp kiểm tra 15 cảng, bến thủy nội địa; lập biên bản, ra quyết định xử phạt 01 bến vi phạm quy định về trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, phạt tiền 2.500.000đ (Công an địa phương xử phạt); các bến còn lại cơ bản chấp hành nghiêm túc các quy định; lực lượng liên ngành đã yêu cầu các cảng, bến tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các quy định và quy định về phòng chống dịch bệnh Covid -19.

Công tác nghiệp vụ cơ bản, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chỉ đạo của lãnh đạo Cục về thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, xây dựng và báo cáo lãnh đạo Cục phụ trách duyệt thực hiện nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Cục về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, Thủy đoàn II đã ban hành nhiều Kế hoạch, chương trình công tác cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Cục về nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung – Tây Nguyên và Tây Nam. Năm 2021, Thuỷ đoàn II đã xác định được 3 đầu mối vụ việc vi phạm TTATGT đường thuỷ nội địa, báo cáo lãnh đạo Cục chỉ đạo đẩy mạnh nắm tình hình phục vụ công tác phòng ngừa và đấu tranh, xử lý. Thông qua hoạt động TTKS, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ việc liên quan đến hành vi khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trái phép trên đường thủy; bắt giữ 4 phương tiện với 5 đối tượng; sau đó đã phối hợp và bàn giao lại cho Công an địa phương xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.

Nhìn chung, những vi phạm tập TTATGT đường thuỷ nội địa trung vào các lỗi: chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, không bố trí đủ định biên thuyền viên; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy. Vi phạm pháp luật chủ yếu liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi, khoáng sản, than, quặng diễn biến phức tạp. Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid để hoạt động buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hàng cấm, trốn thuế tập trung trên các tuyến giáp ranh khu vực biên giới. Để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trên đường thủy nội địa, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến quần chúng nhân dân, đẩy mạnh thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện nhiều kế hoạch, phương án về cao điểm bảo đảm TTATGT-TTXH; tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo chuyên đề…

Nhiệm vụ trọng tâm đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trên đường thủy nội địa

Hiện nay, tình hình an ninh trật tự nói chung trên các tuyến đường thủy nội địa phía Nam cơ bản được duy trì ổn định; một số lĩnh vực vẫn còn vi phạm và có thể diễn biến phức tạp như: vi phạm bảo đảm TTATGT đường thủy; khai thác, kinh doanh cát sỏi trái phép; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; nhập cảnh trái phép vào Việt Nam… Do vậy, thời gian tới đòi hỏi lực lượng Cảnh sát đường thủy phải tăng cường thực hiện các biện pháp, giải pháp để duy trì, bảo đảm TTATGT-TTXH, kịp thời phát hiện, đấu tranh và sẵn sàng ứng phó với các tình huống đột xuất, bất ngờ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chị thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Chỉ thị số 01/CT-BCA ngày 09/01/2019 của Bộ Công an về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.

Hai là, trực tiếp bố trí lực lượng, phương tiện hoặc tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành TTKS, xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT-TTXH thực hiện các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT-TTXH và tấn công, trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông; các chuyên đề về kiểm tra, xử lý trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi, khoáng sản; vi phạm trong hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên đường thủy; bảo đảm TTATGT các hội nghị, sự kiện chính trị kết hợp với việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid – 19.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, trong đó tập trung đi sâu thực hiện công tác điều tra cơ bản tuyến, lĩnh vực ven biển, đổi mới công tác nghiệp vụ cơ bản khác, xác lập chuyên án đấu tranh đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên đường thủy.

Bốn là, đẩy mạnh các mặt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông trên đường thủy. Phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông và lực lượng Cảnh sát đường thủy địa phương đưa tin, bài, phóng sự tuyên truyền về an toàn giao thông đường thuỷ và hoạt động bảo đảm TTATGT của lực lượng. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao” cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”,…

Năm là, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc năm 2022 gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào, cuộc vận động khác của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông phát động. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí, trụ sở, phương tiện, tài sản, thiết bị kỹ thuật, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, phục vụ tốt công tác chiến đấu, xây dựng lượng lượng, phòng ngừa lãng phí; duy trì chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện định kỳ theo quy định.

Trung tá Phạm Văn Khải
Phó Thuỷ đoàn trưởng Thuỷ đoàn II