Mục tiêu của đổi mới sáng tạo là thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra các startup

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam đang được kỳ vọng, với các mục tiêu đổi mới sáng tạo để tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại các cơ quan trung ương và địa phương; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện tại Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự hiện diện và hoạt động tại Việt Nam của nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới.
Các startup lần lượt trình bày dự án của mình tại sự kiện Vietnam Startup Day 2022 (Ảnh: baodautu.vn).

Năm 2019, Việt Nam khởi động chiến lược “Make in Vietnam” nhằm phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT trong nước hướng tới việc chuyển từ lắp ráp và gia công sang thành một ngành công nghiệp có năng lực sáng tạo và thiết kế sản phẩm tại chỗ. Việt Nam được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi như: Việt Nam xếp thứ 44 trên thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 và đứng thứ nhất trong số 34 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Người dân Việt Nam có tinh thần kinh doanh, sáng tạo, trẻ trung, có ý chí và kiên cường. Những đặc điểm này có thể giúp đất nước vượt lên trên chính mình để định hình tương lai của không gian số. Việt Nam đã và đang là một trong những quốc gia tích cực nhất trong công nghệ Internet thế hệ Web 3.0. Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên triển khai thử nghiệm 5G vào năm 2019 và đã bắt đầu triển khai 5G vào năm 2022.

Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách hệ thống pháp luật toàn diện để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và chuẩn bị cho kỷ nguyên số. Sự kết hợp của các yếu tố này sẽ tạo động lực để Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng là phát triển nền kinh tế số từ mức đóng góp 8.2% vào GDP hiện tại lên mức 20% vào năm 2025, và chuyển đổi từ nền sản xuất công nghệ thấp sang nền kinh tế định hướng dịch vụ. Tương lai Việt Nam phát triển mạnh mẽ không kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực về kinh tế xanh, về công nghệ, tạo ra hàng triệu việc làm mới, nhiều cơ hội mới cho kinh tế và xã hội phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam”, Việt Nam có một số lợi thế trong tương lai. Đầu tiên, chính phủ đã thay đổi cách tiếp cận để đối phó với Covid-19 bằng cách chọn chiến đấu chống lại đại dịch, đồng thời đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng. Quốc hội đã hỗ trợ 15 tỷ USD để phục hồi kinh tế – xã hội cho giai đoạn 2022-2023. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra các startup, từ đó mang lại cơ hội việc làm cho người dân.

Các startup đang đổi mới và cung cấp các công nghệ và giải pháp quan trọng, hỗ trợ nền kinh tế và phục vụ công chúng. Ví dụ, xu hướng này ở Việt Nam cho thấy, lĩnh vực thanh toán và bán lẻ đang hoạt động tốt.

Báo cáo eConomy SEA năm 2021 của Google, Temasek và Bain & Co. cho thấy, hơn 8 triệu người Việt Nam đã trở thành người tiêu dùng số kể từ khi đại dịch bắt đầu. Giờ đây, các startup công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường, game và tự động hóa kinh doanh đang nhận được rất nhiều nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Một số công ty đã gây quỹ và huy động hàng tỷ USD để đầu tư vào Việt Nam. Hơn nữa, công nghệ đã ăn sâu vào người dân, đến mức tỷ lệ chấp nhận cao, có nghĩa là có nhiều cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn như web 3.0 và blockchain, tiếp tục phát triển.

Hiện nay, Việt Nam được nhận định sẽ vẫn là động lực chính trong tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á. Tuy nhiên, Singapore và Indonesia cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng, qua đó thúc đẩy ASEAN.

Trần Cao Tùng
Học viện Hành chính Quốc gia