Chuyển đổi số trong nông nghiệp – hướng đi bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”1. Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một lần nữa tái khẳng định: “Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước”2. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, tạo ra bước đi đúng đắn, vững chắc trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ảnh: https://ictvietnam.vn.
Vai trò của việc thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) là cụm từ xuất hiện khá nhiều trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho thấy, sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta nhằm thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2025 là nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. “Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức”3. Với cách tiếp cận như vậy, có thể hiểu CĐS trong nông nghiệp là quá trình thay đổi tư duy, cách làm của người nông dân đối với từng lĩnh vực, ngành nghề, cụ thể đem lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình sản xuất nông nghiệp, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, trọng tâm là áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại. Có thể khái quát vai trò của CĐS trong nông nghiệp như sau:

Một là, CĐS trong nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế và năng suất chất lượng sản phẩm cho người nông dân. Công nghệ số được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp sẽ giảm chi phí sức lao động của người nông dân, không phải tốn nhiều thời gian cho quá trình chăm bón, nuôi trồng, sản xuất. Thông qua máy móc công nghệ hiện đại sẽ giảm tải áp lực về mặt thời gian, công sức của người lao động, mọi hoạt động nuôi trồng – sản xuất – tiêu thụ được thực hiện bởi công nghệ hiện đại. Vì vậy, một sản phẩm nông nghiệp làm ra sẽ tạo hiệu ứng lan toả tốt từ mẫu mã cho đến chất lượng sản phẩm, giúp cho người sản xuất yên tâm không phải lo lắng, băn khoăn về khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thị trường. Đây là lợi thế rất lớn để người nông dân tiếp cận với công nghệ số, thay đổi tư duy và cách làm đối với từng hoạt động sản xuất nông nghiệp là tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gia đình.

Hai là, CĐS trong nông nghiệp tạo thu nhập ổn định lâu dài cho người nông dân, góp phần thúc đẩy các ngành khác phát triển. Khi CĐS được thực hiện phổ biến, rộng rãi trong nông nghiệp sẽ tạo ra thu nhập ổn định cho người nông dân, giảm thiểu những rủi ro do thời tiết đem lại, xử lý tốt những vấn đề về môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với các vùng chuyên canh, thâm canh ở các địa phương đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, giảm áp lực về vấn đề việc làm cho các cơ quan, ban, ngành địa phương, tạo ra sự liên doanh, liên kết giữa các vùng, địa phương với nhau. Đồng thời, cung cấp nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất khác như công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Ba là, CĐS trong nông nghiệp góp phần nâng cao vị thế của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế cả nước. Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”4. Vì vậy, thông qua CĐS trong nông nghiệp ở các ngành, địa phương là góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, hiện thực hoá quan điểm, mục tiêu của Nhà nước, Chính phủ vào phát triển kinh tế nông nghiệp. Nông nghiệp là một trong ba trụ đỡ của kinh tế đất nước, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, nước ta là thuần nông, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp; do đó, phát triển nông nghiệp tạo ra nguyên vật liệu, hàng hoá cung cấp cho các ngành công nghiệp chế biến, phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân và xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thế giới, qua đó, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”5.

Thực trạng chuyển đối số trong nông nghiệp ở nước ta thời gian qua

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế”6. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII cũng đánh giá: Sản xuất – kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ước tính hết năm 2021, cả nước có gần 12% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất7.

Trong trồng trọt, công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn… Thực tế đã có nhiều địa phương trong cả nước thực hiện CĐS trong nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, thay đổi bộ mặt nông thôn, đơn cử như: Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã triển khai được một số nội dung đã phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch các sản phẩm với mã QR code. Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất, tất cả các cơ sở dữ liệu về đất, thực trạng, thành phần về đất đã được cập nhật trên cơ sở bản đồ số. Ngoài ra, thành phố đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch như: Vỏ sò, sendo…

Tại tỉnh Quảng Nam, nông nghiệp là một trong 5 ngành được tỉnh chọn triển khai CĐS trong giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Quảng Nam đã đưa nông sản lên 2 sàn thương mại điện tử: Vỏ sò với 104 sản phẩm; Postmart với 109 sản phẩm…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thực hiện CĐS trong nông nghiệp còn một số hạn chế: “Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp còn thấp, chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu”8. Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng đánh giá: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Đặc biệt là việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số hoá, thiết bị phân tích…) còn thiếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên doanh, liên kết với nhau bền vững, ổn định, còn chạy theo lợi nhuận; nhất là sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác còn thiếu.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây truyền kiểm nghiệm sản phẩm…) chưa tương xứng với công nghệ số. Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế, nên khó áp dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Một số biện pháp thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp để tạo bước đi vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước

Một là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người nông dân về vai trò của CĐS trong nông nghiệp. Các tổ chức, lực lượng chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người nông dân về quan điểm, mục tiêu thực hiện CĐS của Đảng, Nhà nước ta, như: Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/6/2020; hướng dẫn, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông về thực hiện CĐS trong nông nghiệp… trên cơ sở đó, các ngành, địa phương cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ CĐS cho từng ngành, lĩnh vực phù hợp, hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Từng bước thay đổi tư duy nhận thức, cách làm của người nông dân thông qua những chương trình hợp tác, ký kết các mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển và đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác truyền thông để người dân nhận thấy sự cần thiết phải thực hiện CĐS; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến ngư, trồng trọt, chăn nuôi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân thực hiện CĐS; phổ biến, thông tin đến người nông dân lợi ích từ việc CĐS; thường xuyên phối hợp với người nông dân để lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, bất cập từ việc thực hiện CĐS, qua đó, phối hợp giải quyết, tháo gỡ “điểm nghẽn”, khai thông dòng chảy thực hiện CĐS cho từng lĩnh vực cụ thể; có bước đi thận trọng, chắc chắn khi thực hiện CĐS, ngành nào, địa phương nào có điều kiện, tiềm năng thế mạnh nhưng do hạn chế về vốn, nguồn nhân lực thì thực hiện CĐS để khai thác tối đa điều kiện thuận lợi hiện có và khắc phục khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; tích cực, chủ động cập nhật, bổ sung thông tin mới có liên quan đến thực hiện CĐS trong nông nghiệp đến với người nông dân nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hai là, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nội dung, hình thức, biện pháp CĐS trong nông nghiệp. Người đứng đầu các ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp dưới thực hiện CĐS trong nông nghiệp, xây dựng, ban hành, thành lập tổ tư vấn, tổ giúp việc thực hiện CĐS trong nông nghiệp, hàng tháng có kiểm tra, giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình CĐS ở từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể; thường xuyên bám nắm cơ sở, nhất là những chia sẻ của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện CĐS để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục hành chính, nguồn nhân lực, nguồn vốn; mở rộng quan hệ giao lưu, hỗ trợ giữa các ngành, các vùng và các địa phương để kịp thời bổ sung, hướng dẫn người nông dân thực hành CĐS và cũng mở ra những cơ hội, điều kiện mới trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, bảo đảm lâu dài, ổn định. Đội ngũ cán bộ các cấp phải trực tiếp theo dõi các hoạt động CĐS của người nông dân để có những điều chỉnh, bổ sung về nguồn lực, kỹ thuật cho hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ với người nông dân, với trung tâm nông nghiệp ở mỗi địa phương tìm ra phương án tối ưu hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người nông dân và cho xã hội. Thực tiễn cho thấy, nếu người đứng đầu năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm về những quyết sách của mình có lợi cho địa phương, các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, thu hút được các nguồn lực ở bên ngoài cho các ngành, lĩnh vực thực hiện mục tiêu CĐS. Với tinh thần này, rất cần đến chủ trương, biện pháp quyết liệt, cụ thể, nói đi đôi với làm, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu trong điều hành mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền địa phương mình; có tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động, gạt chủ nghĩa cá nhân sang một bên, hết lòng, hết sức vì sự tiến bộ phát triển bền vững của địa phương.

Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu số để quản lý việc thực hiện CĐS trong nông nghiệp một cách dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả. Các ban, ngành có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất để quản lý, theo dõi, hỗ trợ quá trình sản xuất – kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn người nông dân cách thức, biện pháp áp dụng công nghệ số vào sản xuất nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả, không quá rắc rối, phiền hà cho người sử dụng; cơ sở dữ liệu cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể theo hướng hiện đại, nhanh, gọn, đem lại hiệu quả kinh tế; hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm đầy đủ các thông tin, chỉ số dễ gần, dễ hiểu với người nông dân và được ứng dụng cụ thể vào từng ngành, lĩnh vực; từng bước đưa người nông dân tiếp cận, sử dụng thành thạo công nghệ số vào từng ngành, lĩnh vực.

Bốn là, định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết về thực hành CĐS trong nông nghiệp ở các địa phương. Thông qua sơ kết, tổng kết về thực hành CĐS trong từng lĩnh vực cụ thể, những ưu điểm, hạn chế từ việc thực hiện CĐS trong nông nghiệp; qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm bảo đảm cho việc thực hành CĐS trong nông nghiệp. Người đứng đầu địa phương và các bộ phận, lực lượng có liên quan cần phát huy dân chủ trong thảo luận, nhìn nhận, đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện CĐS trong nông nghiệp. Đồng thời, làm tốt việc biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có cách làm, bước đi thận trọng, hiệu quả trong thực hiện CĐS ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể trong nông nghiệp; chấn chỉnh, nhắc nhở, uốn nắn tập thể, cá nhân thực hiện CĐS trong nông nghiệp chưa tốt, chưa có sự đoàn kết, thống nhất, còn có biểu hiện trông chờ, ỉ nại, thiếu tính sáng tạo, không dám chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm của bản thân; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, bảo thủ.

Kết luận

Trong vài năm trở lại đây, tỷ trọng của ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm, song nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng của chiến lược dài hạn, là bệ đỡ bảo đảm cho an ninh xã hội, an dân của đất nước. Thực hiện CĐS trong nông nghiệp đã, đang và sẽ là hướng đi đúng đắn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của đất nước, sẽ ngày càng có mặt trong đời sống của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện CĐS trong nông nghiệp bền vững, hiệu quả, phù hợp với mỗi vùng sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế đất nước, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế – xã hội quốc gia.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, Sự thật, 2021, tr.107.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 28/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Chuyển đổi số trong giáo dụcNhững thách thức và nguy cơ. https://tiasang.com.vn, ngày 05/02/2021.
4,6,8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1H. NXB Chính trị quốc gia, Sự thật, 2021, tr.124, 61, 80.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 4. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 24.
7. Ban Kinh tế Trung ương. Hội thảo: Chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội, ngày 17/12/2021.
Phạm Thị Phương Thanh
Trường Chính trị tỉnh Hải Dương