Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Cán bộ, công chức cấp xã là những người làm việc trong bộ máy chính quyền cấp xã; trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Qua việc đánh giá thực trạng về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh Thái Nguyên, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh: tuyengiaothainguyen.org.vn

Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ; phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn; phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang; phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính gồm 3 thành phố: (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện: Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương; với 178 xã, phường, thị trấn. Dân số gần 1,3 triệu người, với nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.

Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Thái Nguyên

Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã, thông qua việc ban hành và thực hiện các chính sách thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD)… nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Vì thế, đội ngũ CBCC cấp xã tăng dần về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết giữ vững phẩm chất cách mạng, luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng; là tác nhân quan trọng góp phần lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Năm 2021, toàn tỉnh hiện có 3.432 CBCC cấp xã, số lượng CBCC cơ bản đáp ứng đầy đủ vị trí công tác; trong đó, số lượng đảng viên là: 3.274 người, chiếm 95,4%; CBCC nữ là: 1.188 người, chiếm 34,6%; CBCC là người dân tộc thiểu số: 1.082 người, chiếm 31,5%; CBCC cấp xã có độ tuổi từ 31 – 40 là: 1.281 người, chiếm 37,3%; từ 30 tuổi trở xuống: 183 người, chiếm 5,3%.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ CBCC có trình độ từ đại học trở lên tăng rõ rệt, đạt: 2.743 người, chiếm 79,92%; trong đó thạc sỹ: 167 người, chiếm 4,87%. Song, vẫn còn một số CBCC có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo là 35 người. Theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với CBCC xã, phường, thị trấn và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, tỉnh Thái Nguyên cơ bản có đội ngũ CBCC cấp xã đã đạt chuẩn, chỉ còn 35 cán bộ chưa đạt chuẩn.

Về trình độ lý luận chính trị, số lượng CBCC có trình độ cao cấp, trung cấp tăng lên 2.759 người, chiếm 80,39%; sơ cấp: 207 người, chiếm 6,03%; chưa qua đào tạo: 466 người, chiếm 13,58%. Tuy nhiên, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ này theo vị trí việc làm chưa đồng đều, hiện vẫn đang tập trung ưu tiên bồi dưỡng cho các chức danh lãnh đạo, quản lý của địa phương, như: bí thư Đảng ủy, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, còn lại các chức danh khác đạt tỷ lệ chưa cao.

Về bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, tin học và ngoại ngữ, việc bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước năm 2021 tăng lên 2.856 người, chiếm 83,22%, tăng 23,23%; trình độ tin học là 3.160 người, chiếm 92,07%; trình độ ngoại ngữ là: 3.160 người (trong đó tiếng Anh: 3.062 người, ngoại ngữ khác: 98 người), chiếm 92,07%. Ngoài ra, số CBCC cấp xã có chứng chỉ tiếng dân tộc là 30 người, chiếm 0,87%.

Về cơ bản, đội ngũ CBCC cấp xã có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nên việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đúng quy trình, quy định của Nhà nước. Đội ngũ CBCC cấp xã của tỉnh đã và đang được nâng lên về năng lực và rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong xử lý đối với công việc được giao, có thái độ đúng đắn trong quá trình thực thi công vụ; thể hiện rõ tính tích cực, tự giác, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; ít xảy ra hiện tượng sách nhiễu, phiền hà trong thực thi công vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ CBCC cấp xã của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, đó là, CBCC còn thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống trong thực tiễn, tinh thần học hỏi chưa cao nên việc xử lý công việc thiếu chính xác; công tác tham mưu còn chậm; việc phối hợp với các bộ phận trong thực thi công vụ có lúc, có nơi chưa hiệu quả, còn có một số ít CBCC có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết công việc.

Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới

Một là, CBCC cấp xã phải nâng cao ý thức tự rèn luyện, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Quá trình tự hoàn thiện, tự giáo dục, tự rèn luyện không phải nhất thời, mà là quá trình tự giác phấn đấu thường xuyên, liên tục, có mục đích, có kế hoạch, bám sát tình hình thực tiễn để điều chỉnh, thích nghi với thời cuộc và yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, tính chất quản lý ngày càng phức tạp, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước cần phải sát, đúng, trúng trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn. Vì vậy, đội ngũ CBCC cấp xã cần có kỹ năng thực hành tổng hợp, có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực để có thể giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trực tiếp nảy sinh ở cơ sở.

Hai là, đổi mới công tác tuyển dụng CBCC cấp xã. Việc tuyển dụng CBCC cấp xã là khâu đầu tiên trong quá trình quản lý công chức. Do đó, việc tuyển dụng CBCC cấp xã phải gắn với chỉ tiêu biên chế, chuyên ngành đào tạo, phù hợp với vị trí việc làm. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển công chức cấp xã nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, chống tiêu cực trong thi cử.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác ĐTBD. Chính quyền cấp xã cần chủ động xây dựng kế hoạch ĐTBD cho từng năm và cho cả nhiệm kỳ. Gắn ĐTBD với sử dụng CBCC, đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của cơ quan và chức danh của mỗi CBCC. CBCC công tác ở xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài yêu cầu theo tiêu chuẩn chức danh cần được ĐTBD về tiếng dân tộc để phát huy năng lực thực thi công vụ.

Các cơ quan, đơn vị cần chú trọng ĐTBD tin học và ngoại ngữ cho CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Bốn là, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với đội ngũ CBCC cấp xã. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá của CBCC cấp xã phải được thực hiện thường xuyên, kết hợp kiểm tra đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cấp xã, cũng như thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Đặc biệt, cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tinh thần tương thân tương ái, tuyệt đối không lợi dụng công tác kiểm tra, giám sát để moi móc, cố ý trù dập lẫn nhau. Đối với những CBCC cấp xã yếu kém về năng lực, phẩm chất, không đáp ứng được yêu cầu công việc thì có kế hoạch luân chuyển sang vị trí khác phù hợp hoặc động viên xin thôi việc để bố trí, tuyển dụng người có đủ năng lực đáp ứng vị trí công tác.

Bên cạnh đó, cần có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời đối với những CBCC được Nhân dân tín nhiệm; đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm minh đối với CBCC không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định trong thực thi công vụ.

Năm là, thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện cần chủ động xây dựng các chương trình, đề án về công tác cán bộ. Trong đó, cần chú trọng thực hiện luân chuyển cán bộ nhằm từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương. Việc thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ các phòng, ban của huyện về giữ các chức danh chủ chốt ở cấp xã; đồng thời, luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện nhằm kết hợp ĐTBD cán bộ cấp xã dự nguồn các chức danh chủ chốt ở cơ sở.

Ngoài ra, thực hiện việc luân chuyển ngang các chức danh lãnh đạo (bí thư Đảng ủy, phó bí thư Thường trực Đảng ủy, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân) giữa các đơn vị hành chính tương đồng để nhiều cán bộ cấp xã tiếp tục được thử thách làm việc trong môi trường mới.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 103/SNV-XDCQ&CTTN ngày 20/01/2022 của Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên về việc báo cáo thống kê số lượng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã năm 2021.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh Bạc Liêu. https://www.tcnn.vn, ngày 17/02/2021.
3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. https://www. truongchinhtri.camau.gov.vn, ngày 15/9/2020.
4. Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
5. Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Hoàng Huy Vĩ
Ủy ban nhân dân huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên