Công tác quản lý nhà nước bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ ở một số tỉnh phía Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Ở các tỉnh phía Nam với đặc thù mạng lưới sông ngòi dày đặc, giao thông đường thủy đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phát triển kinh tế – xã hội các địa phương. Tuy nhiên, những bất cập trong cơ chế quản lý, đầu tư đã khiến cho những nguy cơ mất an toàn giao thông luôn tiềm ẩn, trật tự xã hội trên các tuyến đường thủy nội địa phía Nam còn phức tạp.
Ảnh minh họa: mt.gov.vn.
Tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến đường thủy nội địa phía Nam

Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến đường thủy nội địa phía Nam tiếp tục được duy trì ổn định, không xảy ra các vụ việc nóng, các tình huống mất an toàn trật tự đột xuất, bất ngờ; tai nạn giao thông đường thủy tiếp tục được kiềm chế. Lưu lượng phương tiện có xu hướng giảm so với các năm, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, nhu cầu về hàng hóa ít kéo theo các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách cũng giảm theo. Lĩnh vực đường thủy nội địa vẫn là một trong những lĩnh vực giao thông trọng điểm, quan trọng, tuy nhiên do chưa có sự đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng và kết nối, liên kết với lĩnh vực giao thông vận tải khác nên chưa tạo ra nhiều đột phá, đổi mới trong phát triển kinh tế, xã hội.

Tình trạng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa vẫn diễn ra; dù đã áp dụng nhiều hình thức, biện pháp xử lý nhưng vi phạm vẫn xảy ra tương đối phổ biến, tập trung vào các lỗi: chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, không bố trí đủ định biên thuyền viên; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy…

Tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi, khoáng sản, than, quặng trên đường thủy còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 để hoạt động; tình hình buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hàng cấm, trốn thuế vẫn diễn ra, tập trung trên các tuyến giáp ranh khu vực biên giới.

Công tác quản lý của một số địa phương đã khiến cho tình trạng phương tiện không bảo đảm kỹ thuật, thậm chí cũ nát, song vẫn được sử dụng và đưa đón số lượng khách lớn. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý nhà nước về an toàn giao thông đường thuỷ vẫn bị buông lỏng. Có không ít biểu hiện tiêu cực trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chuyên trách. Nguyên nhân được viện dẫn là do các cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện; chế tài xử phạt còn nhẹ chưa tạo được sức răn đe; thiếu bến, bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm; lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng hay ý thức người tham gia giao thông chưa cao…

Bên cạnh đó, một số phương tiện quá hạn sử dụng, phương tiện hoán cải không đúng quy định, phương tiện cũ nát, phương tiện chưa đăng ký còn nhiều và vẫn chuyên chở hàng hóa, chở người trên các tuyến đường thủy, nhất là trên các tuyến sông nhỏ, trong khi việc đào tạo thuyền viên, người lái và hoạt động của các bến thủy tại một số địa phương cũng có nhiều bất cập; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ. Tình trạng phương tiện dân sinh tự đóng không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông, được người dân sử dụng để đi lại, sản xuất phục vụ đời sống còn khá phổ biến; người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức về an toàn giao thông. Điều đó khiến cho tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy phức tạp hơn.

Việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy diễn ra ở hầu hết các tuyến đường thủy nội địa, nhất là tại các khu vực qua đô thị, khu dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, gây nhiều cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác cát, sỏi trái phép là nguyên nhân làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Tăng cường các biện pháp phối hợp liên ngành

Để tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, yếu tố quan trọng là đồng thời nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và hiệu quả trong công tác quản lý thông qua các biện pháp phối hợp liên ngành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa bằng những hình thức, biện pháp sát thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng và dân trí từng nơi. Công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung ở các địa bàn, các nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm và trong thời gian cao điểm bảo đảm thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Để kiểm soát và giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất, cần thiết phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa 3 Cục (Cục Đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam) để đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không cấp phép rời cảng, bến đối với các phương tiện vi phạm chở khách quá số người quy định, chở vượt trọng tải cho phép, thiếu trang thiết bị bảo đảm an toàn.

Chú trọng rà soát, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, quy định về mức và hình thức xử phạt, như có tịch thu được phương tiện là tang vật, có hành vi vi phạm hay không? mức xử phạt vi phạm hành chính, các quy định về xử lý hình sự các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đã đủ sức răn đe chưa?… các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, bao gồm các điều kiện hoạt động của phương tiện và thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy nội địa; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện…

Thông tin, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ ký cam kết sử dụng phương tiện thủy đúng quy định; khi chở người phải có đủ chỗ ngồi ổn định, an toàn và có đủ dụng cụ cứu sinh tương ứng với số người trên phương tiện; không chở quá số người quy định; người đi trên phương tiện phải mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh.

Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa. Tập trung xử lý nghiêm các vi phạm đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1-15 tấn hoặc có sức chở từ 5-12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người; hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện, không hướng dẫn, sắp xếp hành khách ngồi trên phương tiện và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi.

Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm; xây dựng và phát triển các mô hình văn hóa như đoạn, tuyến sông văn hóa – an toàn, cụm cảng, bến văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn…

Thiếu tá Phạm Văn Khải
Cục Cảnh sát Giao thông, Thuỷ đoàn II