Tính đặc thù của “phẩm chất trung, hiếu” trong sĩ quan trẻ ở các đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, sự chống phá của các thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội phần nào đã tác động đến đội ngũ sĩ quan trẻ ở các đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều đó, gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến người quân nhân cách mạng nhất là “phẩm chất trung, hiếu” của sĩ quan trẻ ở các đơn vị chủ lực. Bài viết làm rõ tính đặc thù về“phẩm chất trung, hiếu” của sĩ quan trẻ ở các đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh minh họa (vnexpress.net).
Khái quát chung

Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ (SQT) là những cán bộ trực tiếp cùng ăn, ở, sinh hoạt học tập và công tác hằng ngày với chiến sĩ; là người trực tiếp chỉ huy quản lý tình hình mọi mặt của đơn vị từ con người đến cơ sở vật chất. Trực tiếp chỉ huy chiến sĩ thuộc quyền thực hiện thắng lợi nghị quyết của cấp ủy và nhiệm vụ của đơn vị, cũng như thực hiện các chế độ nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước. SQT vừa là người trực tiếp tổ chức huấn luyện, đồng thời cũng chính là người chăm lo đời sống vật chất tinh thần của bộ đội. Để làm “tròn vai” của mình đòi hỏi đội ngũ SQT ở các đơn vị chủ lục của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam phải không ngừng nỗ lực, tu dưỡng rèn luyện phấn đấu vươn lên về mọi mặt, nhất là phẩm chất “trung, hiếu” (PCTH) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

PCTH của SQT ở các đơn vị chủ lực (ĐVCL) QĐND Việt Nam là sự phản ánh những đặc điểm về nhận thức, trách nhiệm và hành vi cao đẹp của họ đối với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân theo chức trách, nhiệm vụ được giao trong một loại hình đơn vị cụ thể, xác định. Hay nói cách khác, PCTH của SQT phản ánh sức mạnh tinh thần trong đấu tranh bảo vệ lợi ích của Đảng, Tổ quốc, của Nhân dân, bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động Việt Nam.

Do vậy, PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam vừa thống nhất với PCTH của người quân nhân cách mạng vừa khu biệt ở một đối tượng cụ thể, gắn với cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, đó là SQT ở các ĐVCL. Theo đó, PCTH của SQT ở các ĐVCL gồm nhiều yếu tố tạo nên giá trị chính trị, đạo đức, giúp họ toàn tâm, toàn ý trong thực hiện mọi nhiệm vụ giao phó.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”1. Thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu nhận thức rõ những nội dung biểu hiện căn bản PCTH của SQT ở các ĐVCL; làm cơ sở đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng xây dựng lực lượng này luôn có hoài bão, có lý tưởng sống cao đẹp, trung thành kiên định, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tính đặc thù “phẩm chất trung, hiếu” của sĩ quan trẻ ở các đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới

Thứ nhất, PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐNDVN mang đầy đủ những đặc trưng phổ quát về PCTH của người quân nhân cách mạng.

Có thể thấy, PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam, đó là hình thức phát triển mới của PCTH ở một Quân đội cách mạng kiểu mới (từ “trung” với vua đến “trung” với Đảng Cộng sản; từ “hiếu” với cha mẹ đến “hiếu” với Nhân dân lao động). Như vậy, xét về cơ sở nguồn gốc lý luận của PCTH ở một Quân đội cách mạng kiểu mới là kết quả của sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo phương pháp luận Mác-xít; là kết quả kết tinh truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc ta; nét tinh túy trong tư tưởng phương Đông, nhất là tư tưởng Nho giáo vào đặc thù dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam phản ánh và thể hiện nét độc đáo, đặc sắc về PCTH của QĐND Việt Nam, một Quân đội do hoàn cảnh lịch sử đưa đến và quy định vừa mang bản chất của giai cấp công nhân, đồng thời lại mang tính Nhân dân thực sự và tính dân tộc sâu sắc. Cho nên, PCTH của người quân nhân cách mạng được hình thành trong quá trình chiến đấu và trưởng thành, phẩm chất ấy có sự phát triển liên tục, ở mỗi thời kỳ lịch sử. Cụ thể:

(1) Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. PCTH của người quân nhân cách mạng được hình thành, phát triển phản ánh những đặc điểm, yêu cầu hoạt động của họ trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Trước hết, là biểu hiện phẩm chất “trung” của người quân nhân cách mạng: Một là, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, Nhà nước và của quân đội. Hai là, dám xả thân vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, không ngại hiểm nguy, thậm chí hy sinh tính mạng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ba là,luôn là người kiên cường, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sáng tạo và chiến đấu anh dũng… Đây là biểu hiện sinh động của sự tận trung với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, tận hiếu với Nhân dân.

Cùng với đó là biểu hiện phẩm chất “hiếu” của người quân nhân cách mạng được thể hiện tập trung và rõ nét: Một là, hết lòng, hết sức bảo vệ, giúp đỡ và chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Hai là, vận động, thuyết phục Nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng, ủng hộ, giúp đỡ Quân đội. Ba là, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, “đi dân nhớ, ở dân thương”, giữ nghiêm kỷ luật trong quan hệ với Nhân dân trong quá trình chiến đấu.

(2) Thời kỳ đất nước hòa bình đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thử thách không kém phần nghiệt ngã vẫn đang đặt ra đối với PCTH của người QNCM trên trận tuyến chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Biểu hiện PCTH của người quân nhân cách mạng trong điều kiện đất nước hòa bình gồm các nội dung chủ yếu sau:

Biểu hiện phẩm chất “trung” của người quân nhân cách mạng. Một là, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hai là, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam. Ba là, tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, mệnh lệnh của người chỉ huy các cấp.

Khi đề cập đến mối quan hệ giữa quân và dân trong Điều 218 của Điều lệnh quản lý bộ đội QĐNDVN chỉ rõ: “Khi tiếp xúc với Nhân dân, làm đúng 3 điều nên: Kính trọng dân. Giúp đỡ dân. Bảo vệ dân”2. Theo đó, biểu hiện phẩm chất “hiếu” của người QNCM được thể hiện tập trung: Một là, yêu quý, kính trọng, tôn trọng, tận tụy, chu đáo, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, lấy Nhân dân làm gốc. Hai là, đề cao tinh thần phục vụ, có trách nhiệm trước Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, cơm no, áo ấm, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ba là, ý chí quyết tâm bảo vệ, giúp đỡ và luôn quan tâm đến đời sống của Nhân dân để đem lại cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.

Như vậy, thời chiến hay thời bình, PCTH này luôn đi liền nhau thể hiện một mối quan hệ thống nhất, cơ bản và quan trọng hàng đầu cấu thành một giá trị cơ bản, cốt lõi đặc trưng cho phẩm giá của họ xét về mặt chính trị, đạo đức như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”3. Theo đó, phẩm chất của người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới là: (1) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. (2) Tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh anh dũng, mưu trí, linh hoạt, tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. (3) Đồng cam cộng khổ, giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích, gắn bó máu thịt à hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân vô luận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nào.

Thứ hai, PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam thể hiện tập trung ở những đặc thù riêng cả về nhận thức, trách nhiệm và hành động trong thực hiện nhiệm vụ.

PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam luôn có sự thống nhất, được cấu thành bởi các yếu tố cơ bản, như: nhận thức, trách nhiệm và hành động của họ đối với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân nhưng mang sắc thái riêng của người SQT gắn với cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao ở các ĐVCL. Vì vậy, PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam không chỉ phản ánh những đặc trưng phổ quát mà còn thể hiện những nét khác biệt. Cụ thể:

(1) Nhận thức của SQT về PCTH: SQT ở các ĐVCL có trình độ đại học, đó là một đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, chính quy, học vấn khá cao. Họ là sản phẩm của quá trình giáo dục, đào tạo ở các học viện, trường sĩ quan quân đội và đặc biệt là quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện của chính họ ở các ĐVCL. Vậy nên, nhận thức về chức trách, nhiệm vụ được giao đối với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cũng như các yếu tố khác cần có của một người cán bộ lãnh đạo, quản lý và chỉ huy cấp phân đội đang từng bước được bồi đắp, ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy vậy, những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy và quản lý bộ đội, SQT tích lũy chưa nhiều, thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn gặp không ít khó khăn. Quá trình công tác, nhận thức về các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là lĩnh vực chính trị – xã hội còn ở mức độ nhất định, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý và chỉ huy trong giáo dục, rèn luyện bộ đội ở cấp phân đội còn hạn chế. Hơn nữa, SQT mới ra trường về các ĐVCL công tác, với đặc điểm quân hàm, thu nhập, nơi công tác, nơi ở, điều kiện quan tâm, giúp đỡ gia đình, cùng với yêu cầu nhiệm vụ và trách của người cán bộ đòi hỏi cao đã ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí làm thay đổi không chỉ về nhận thức mà còn tác động đến tâm tư, nguyện vọng, hạnh phúc gia đình, xuất hiện tư tưởng so sánh thiệt hơn với bạn bè trong và ngoài Quân đội. Những yếu tố đó đã khiến họ dao động, phai nhạt mục tiêu lý tưởng, thiếu kiên định trước sau cả trong lời nói và việc làm, ít gắn bó với đơn vị, đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích tập thể, chạy theo danh lợi, coi trọng lợi ích vật chất tầm thường.

(2) Trách nhiệm của SQT về PCTH: Với đặc thù công việc bận rộn, lợi thế không thể bỏ qua và áp lực của môi trường thực tiễn cấp phân đội ở các ĐVCL, môi trường huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở các ĐVCL đã tạo ra sự kết hợp tốt giữa huấn luyện và rèn luyện bộ đội, với phương châm “rèn cán rồi mới rèn binh”, chú trọng huấn luyện, rèn luyện cho SQT, phương pháp huấn luyện, quản lý và chỉ huy, phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cũng như công tác quản lý, chỉ huy đơn vị. Đây là điều kiện tốt để mỗi SQT có thể vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, tôi luyện mình trong thử thách, đề cao trách nhiệm trước những công việc khó, nhiệm vụ mới, đó cũng chính là quá trình trưởng thành của chính bản thân họ.

Mỗi SQT là người trực tiếp huấn luyện, giáo dục cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền về mọi mặt. Cho nên, tinh thần trách nhiệm của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

(3) Hành động của SQT trong thực hiện PCTH. Mỗi SQT ở các ĐVCL có nhiều mối quan hệ được xác định khác nhau, nhưng mối quan hệ với Nhân dân, với đất nước, với dân tộc là mối quan hệ lớn nhất, là tâm điểm. Theo đó, hành động PCTH của SQT ở các ĐVCL, thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hành động của SQT trong thực hiện PCTH là “trung” với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chữ “hiếu” không chỉ trọn đạo làm con đối với ông bà cha mẹ, mà hiếu còn là hiếu thảo với Nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ. Người SQT khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao phó ở các ĐVCL, một trong những đặc điểm mang đậm dấu ấn chủ quan của họ là nét nổi bật tâm lý lứa tuổi, có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng khả năng tự kiềm chế kém và đôi khi tỏ ra cứng nhắc trong hành động. SQT là những người đang trưởng thành nên tính độc lập và nhu cầu tự khẳng định mình khá mạnh, có khả năng vượt qua những căng thẳng về sức lực và trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Song, bên cạnh những ưu điểm và thuận lợi cơ bản đó, đội ngũ SQT lại thường hay bộc lộ những hạn chế của lớp người trẻ, đó là: sự bồng bột, thiếu kinh nghiệm, thậm chí có suy nghĩ chưa thấu đáo, hành động vội vã, hấp tấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở và căn dặn: “… nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”4. Tuổi trẻ giàu tính sáng tạo, hăng hái say mê hoạt động nhưng nhiều khi sôi nổi thái quá rất dễ rơi vào lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan, thiếu suy nghĩ cặn kẽ, sâu sắc nên dễ mắc phải sai lầm, thậm chí thất bại trong công việc. Đây chính là sự phản ánh trình độ phát triển chưa ổn định, chưa bền vững PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam.

Thứ ba, PCTH của SQT thể hiện trong kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ở các ĐVCL QĐND Việt Nam.

Đặc trưng PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam là sự thống nhất giữa các yếu tố cấu thành PCTH của họ cần phải có với hiệu quả thực hiện cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Mọi sự biến đổi của nhận thức, trách nhiệm và hành động của SQT về PCTH ở các ĐVCL không thể vượt ra ngoài sự kiểm tra của thực tiễn, được biểu hiện thông qua kết quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Nhận thức, trách nhiệm và hành động của SQT về PCTH thường xuyên chịu sự kiểm nghiệm trực tiếp của thực tiễn hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác cơ bản, như: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống; quản lý, chỉ huy đơn vị; xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; công tác đấu tranh tư tưởng lý luận; tiến hành công tác dân vận ở đơn vị….

Chính kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao ở các ĐVCL của SQT trên thực tiễn có vai trò làm tiêu chuẩn, thước đo PCTH, đồng thời, bổ sung, chỉnh sửa, điều chỉnh, sửa chữa, phát triển và ngày một hoàn thiện hơn PCTH của họ. C.Mác viết: “… xem tư duy của con người có tính chân lý khách quan hay không, hoàn toàn không phải vấn đề lý luận, mà là một vấn đề thực tiễn. Thực tiễn là nơi con người phải chứng minh chân lý, nghĩa là chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình”5. Cùng với đó, V.I.Lênin đã chỉ rõ ý nghĩa, vai trò của thực tiễn trong quá trình nhận thức: “… quan điểm thực tiễn phải là quan điểm số một và cơ bản trong lý luận nhận thức, rằng quan điểm này nhất định dẫn tới chủ nghĩa duy vật”6.

Nhờ có thực tiễn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được phân công, chúng ta phân biệt được đâu là đúng đắn và đâu là sai lầm, tức là thực tiễn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được phân công đóng vai trò là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý. Do đó, quá trình chuyển hóa những yếu tố cấu thành PCTH của SQT trên cương vị, chức trách và nhiệm vụ được giao trong thực tiễn (học tập, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống…) và lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ để kiểm chứng. Từ đây, giúp cho SQT nhận thức và thấy được cái tích cực, tiến bộ hay lạc hậu, cái gì đúng, cái gì sai lầm, cái gì phù hợp hoặc chưa phù hợp trong các yếu tố cấu thành PCTH của mình. Trên cơ sở đó, tự bản thân SQT có sự điều chỉnh những nội dung thiếu hụt, thậm chí là lệch chuẩn, giữ vững và phát huy các nội dung tiến bộ, tích cực trong cấu thành PCTH của mình đáp ứng ngày một tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao phó. Sự chuyển biến kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống; quản lý, chỉ huy đơn vị; xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; công tác đấu tranh tư tưởng lý luận; tiến hành công tác dân vận ở đơn vị… là biểu rõ nét nhất PCTH của SQT ở các ĐVCL.

Kết luận

Như vậy, bản chất cũng đồng thời là cái căn cốt trong PCTH của SQT ở các ĐVCL QĐND Việt Nam, là nhận thức và chỉ rõ những nét đặc thù cấu thành PCTH của họ. Theo đó, quá trình hình thành, phát triển PCTH của SQT ở các ĐVCL là sản phẩm tổng hợp của những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Quá trình này diễn ra hết sức phức tạp và lâu dài, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp giữa chất lượng giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện ở các ĐVCL; môi trường chính trị, đạo đức và hoạt động thực tiễn với khả năng tự giáo dục, tự rèn luyện PCTH của SQT nhằm từng bước phát triển và hoàn thiện PCTH. Qua đó, giúp SQT luôn tận hiến cho Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân, làm cho PCTH mãi mãi được tỏa sáng ở các ĐVCL QĐND Việt Nam hôm nay và mai sau.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H.NXB Chính trị quốc gia, 2021, tr. 92.
2. Bộ Quốc phòng. Điều lệnh quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam. H. NXB Quân đội nhân dân, 2015, tr.158.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 435.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 28.
5. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 42. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2000, tr. 371.
6. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 18. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 16.
Nguyễn Văn Châu – Nguyễn Văn Nhất
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng