Quản lý nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản bằng ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước của quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có một số hạn chế trong công tác quản lý. Bài viết phân tích thực trạng và một số bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đối với đầu tư xây dựng cơ bản, từ đó, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động này trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (internet).
Quản lý nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Những năm qua, công tác quản lý đầu tư xây dựng (ĐTXD) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều dự án, công trình xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội (KTXH), như:

(1) Xây dựng được trụ sở làm việc mới Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các trường học, trụ sở làm việc trên địa bàn một số phường, góp phần phục vụ phát triển KTXH, tạo niềm tin cho Nhân dân; giải quyết nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội cho Nhân dân.

(2) Công tác ĐTXD công trình trên địa bàn quận đến nay chưa phát hiện có tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Đây được đánh giá là thành tích nổi bật của UBND quận Hoàn Kiếm. Các đoàn kiểm tra, thanh tra, như: Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ xây dựng, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra thành phố Hà Nội,… đã đánh giá cao công tác quản lý dự án ĐTXD sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) của UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn đầu tư.

Để có được kết quả này, UBND quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy mạnh công tác ĐTXD, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng các dự án đúng tiến độ, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB); tăng cường công tác kiểm tra ở tất cả các giai đoạn để kịp thời phát hiện, uốn nắn các biểu hiện sai phạm; luôn tuân thủ các quy định về quản lý dự án đầu tư XDCB bằng vốn NSNN.

(3) Quản lý nhà nước (QLNN) về đầu tư XDCB trên địa bàn quận có tiến bộ từ khâu lập dự án, tổ chức triển khai thực hiện và đưa công trình vào khai thác sử dụng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiến độ, chất lượng, kiểm tra các dự án sau đấu thầu đã được các ngành, các cấp quan tâm; chất lượng công trình được chú trọng; đồng thời phát huy vai trò giám sát của HĐND, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân đối với hoạt động đầu tư trên địa bàn quận.

(4) Về quản lý các hoạt động đầu tư XDCB. Trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án ĐTXD luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý nguồn vốn, thủ tục hồ sơ ĐTXD, công tác thanh quyết toán theo các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, các nghị định của Chính phủ và các quy định, hướng dẫn của các sở, ban, ngành, như: công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế – kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán… được phê duyệt đúng thẩm quyền và tuân thủ các quy định hiện hành về đầu tư XDCB. Các dự án ĐTXD phù hợp với quy hoạch chung tổng thể của quận và được Sở Kế hoạch  và Đầu tư, Sở Xây dựng, phòng Kinh tế thẩm tra, thẩm định.

Công tác đấu thầu được tuân thủ theo các quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầuvề lựa chọn nhà thầu,…

Công tác quyết toán vốn đối với các dự án đầu tư XDCB từ vốn NSNN được UBND thành phố hết sức chú trọng, chỉ đạo quyết liệt, đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực quyết toán vốn đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông. Chất lượng hồ sơ báo cáo quyết toán của các chủ đầu tư bảo đảm cho công tác thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021, quận Hoàn Kiếm có một số công trình chưa được thẩm định quyết toán, trong đó có 9 công trình XDCB thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa. Kết quả thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư XDCB cũng cho thấy, trong giai đoạn này, quận Hoàn Kiếm có tổng cộng 21 công trình cần phải điều chỉnh và bổ xung dự toán. Hầu hết các công trình này đều được điều chỉnh tăng lên so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu1.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do sự biến động của thị  trường về giá nguyên vật liệu, nhân công, máy thi công, dẫn đến phải điều chỉnh dự toán, giá gói thầu ảnh hưởng đến công tác quản lý hồ sơ ĐTXD. Một số đơn vị tư vấn được lựa chọn không thực sự đủ năng lực phải chỉnh sửa thiết kế, dự toán nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cũng như bất cập trong thi công làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ.

Những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước

Thời gian qua, công tác QLNN đối với đầu tư XDCB đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như:

Một là, các quyết định QLNN về đầu tư XDCB cấp quận đôi khi còn lúng túng, chậm trễ hoặc mang tính chủ quan, như: một số quy hoạch chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ; một số quy hoạch ngành, lĩnh vực chậm được bổ sung, điều chỉnh (quy hoạch cấp nước, thoát nước) dẫn đến việc triển khai các dự án đầu tư cụ thể gặp nhiều khó khăn và thiếu thống nhất; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các công trình, đặc biệt là các công trình trọng tâm, trọng điểm và công trình giao thông có tổng mức đầu tư lớn.

Hai là, công tác lập dự toán ở cấp dưới còn mang tính hình thức; việc phân bổ kinh phí không giao tự chủ và các khoản hỗ trợ đơn vị ngành dọc còn mang tính chủ quan; hạn chế về nguồn kinh phí làm giảm hiệu quả của hoạt động quản lý ngân sách; kế hoạch đầu tư giao đầu năm thực hiện tốt, trong năm có phát sinh dự án mới gây khó khăn trong việc thẩm định và cân đối vốn đầu tư theo quy định; đa số các đơn vị cấp quận chưa thực hiện thẩm định nguồn vốn trước khi quyết định đầu tư…

Ba là, việc kiểm tra, xét duyệt quyết toán chi NSNN của cơ quan tài chính tại các đơn vị không thực hiện được 100%, do đó, rất dễ bỏ qua sai sót của đơn vị; quyết toán vốn đầu tư XDCB một số công trình chậm trễ, xảy ra tình trạng dự án đã đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn tất thủ tục bàn giao; dự án kém chất lượng hoặc thiết kế không phù hợp chức năng sử dụng nên không đủ điều kiện bàn giao, kéo dài thời gian thanh toán vốn,… Việc giải ngân vốn đầu tư từ các nguồn vốn thành phố phân cấp còn bị động. Công tác tư vấn xây dựng còn nhiều bất cập, năng lực chuyên môn còn hạn chế, hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán, chất lượng còn thấp, dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh, bổ sung quy mô, tổng mức đầu tư gây khó khăn trong quá trình thực hiện và làm chậm tiến độ ĐTXD công trình.

Bốn là, một số cán bộ, công chức làm công tác quản lý tài chính hạn chế về năng lực; động cơ, thái độ làm việc không đúng đắn hoặc không hiểu hết tầm quan trọng của quản lý tài chính, quản lý ngân sách. Công tác tổ chức bộ máy QLNN về lĩnh vực đầu tư XDCB chưa hiệu quả, một số chủ đầu tư có nhận thức chưa đầy đủ hoặc bất chấp các quy định của pháp luật, thông đồng với nhà thầu trong công tác thi công, nghiệm thu nhằm rút ruột công trình, tham nhũng tài sản của Nhà nước… Việc công khai minh, bạch trong hoạt động đầu tư chưa thực hiện triệt để, chưa được công khai rộng rãi.

Năm là, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chưa phát hiện hết các sai phạm tại đơn vị được kiểm tra, tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra ở những đơn vị khác. Sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra còn xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm giảm hiệu lực, hiệu quả QLNN. Với mục tiêu cải cách nền hành chính theo tiêu chí “phục vụ” như hiện nay, những hạn chế này cần được khắc phục triệt để thì công cuộc cải cách mới có thể thành công.

Một số kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, tăng cường công tác quy hoạch đầu tư XDCB bằng NSNN.

Để thực hiện tốt giải pháp này, quận Hoàn Kiếm cần rà soát, đánh giá tình hình triển khai các quy hoạch, bảo đảm có sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch phát triển KTXH với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy hoạch để đáp ứng nhiệm vụ phát triển KTXH địa phương theo từng giai đoạn. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của thành phố, chú trọng công tác dự báo và cung cấp thông tin đầy đủ, đa chiều cho các ngành, các cấp; tuân thủ các quy luật của thị trường; nâng cao chất lượng của tổ chức tư vấn; có chế tài đủ mạnh gắn quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức tư vấn quy hoạch đối với sản phẩm quy hoạch; chú trọng tính kết nối giữa các loại quy hoạch trên địa bàn quận.

Huy động sự tham gia rộng rãi của đội ngũ khoa học, chuyên gia kỹ thuật và mọi tầng lớp nhân dân vào việc lập quy hoạch. Công khai, minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sự tham gia của cộng đồng với quy hoạch. Các báo cáo quy hoạch phát triển KTXH, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm và hằng năm cần có sự tham gia của các tầng lớp dân cư nhằm tập hợp trí tuệ tập thể, hạn chế sai sót. Công khai bản đồ quy hoạch để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận, sử dụng trong quá trình nghiên cứu các dự án đầu tư phát triển KTXH.

Thứ hai, hoàn thiện các văn bản pháp lý có liên quan đến đầu tư XDCB bằng NSNN.

Giải pháp này được đề xuất căn cứ trên những bất cập, hạn chế của chính sách quản lý của Nhà nước về đầu tư XDCB bằng vốn nhà nước. Theo đó, cần rà soát lại toàn bộ các nội dung liên quan đến các chính sách QLNN về đầu tư ở địa phương, xác định ưu, nhược điểm cụ thể ở từng chính sách để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm chất lượng, khoa học, kịp thời và đồng bộ.

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các bên liên quan, cụ thể hóa từng công việc với bộ phận đảm trách công việc đó. Ngoài ra, cần hệ thống các văn bản, như: quy chế quản lý đầu tư XDCB bằng vốn nhà nước, quy chế đấu thầu, các định mức và các đơn giá xây dựng,… để xây dựng nội dung một cách chi tiết và rõ ràng, tạo hành lang pháp lý thực hiện QLNN về đầu tư XDCB bằng vốn nhà nước một cách hiệu quả

Thứ ba, quan tâm đến việc kiện toàn bộ máy quản lý đầu tư công, nâng cao năng lực và trình độ đội ngũ quản lý.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đầu tư công từ NSNN thông qua công tác đào tạo và đào tạo lại nhằm bổ sung kiến thức về lý thuyết, kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, đặc biệt là quản lý vốn đầu tư từ NSNN; phân bổ hợp lý nguồn cán bộ quản lý phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt… Đổi mới công tác tuyển dụng và đãi ngộ nhằm thu hút những chuyên gia, cán bộ giỏi nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý đầu tư, kỹ sư định giá, cán bộ kỹ thuật,…

Thứ tư, tăng cường công tác xử lý nợ đọng XDCB trong các dự án ĐTXD sử dụng vốn NSNN trên địa bàn quận.

Để từng bước nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB trên địa bàn quận cầnthực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công. UBND quận tăng cường chỉ đạo các ban, ngành chức năng tập trung quản lý chặt chẽ việc đầu tư các công trình; các chủ đầu tư tích cực quy hoạch các khu đấu giá đất để tạo nguồn trả nợ XDCB; đôn đốc các nhà thầu khẩn trương lập hồ sơ quyết toán để thẩm tra, phê duyệt quyết toán nhằm xác định chính xác nợ XDCB. Các chủ đầu tư cần phân loại dự án thành các nhóm, ưu tiên những nhóm đủ hồ sơ, đủ căn cứ thẩm tra để triển khai thực hiện trước. Đối với nhóm hồ sơ không có khả năng tập hợp đủ căn cứ trình thẩm tra, chủ đầu tư sớm lập danh sách và tổng hợp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, đề xuất giải pháp tháo gỡ. UBND quận hạn chế khởi công mới các công trình khi chưa có nguồn vốn cụ thể.

Thứ năm, nâng cao công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư XDCB bằng NSNN ở quận Hoàn Kiếm.

Hội đồng nhân dân quận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, kết hợp giám sát định kỳ với giám sát đột xuất đối với một số dự án trọng điểm của thành phố, giám sát hoạt động tại các dự án đầu tư trong những trường hợp cụ thể nhằm phát hiện, uốn nắn những sai phạm trong quá trình quản lý và thực hiện ĐTXD để bảo đảm công tác ĐTXD mang lại hiệu quả cao.

Tăng cường quy định trách nhiệm cá nhân đối với người có thẩm quyền quyết định đầu tư, xử lý kỷ luật, đồng thời xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư nếu không chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch hoạt động tại các dự án ĐTXD sử dụng NSNN.

Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ, đề cao vai trò giám sát của cộng đồng, các đoàn thể, hiệp hội, các cơ quan báo chí tại các dự án nhằm phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống, tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN.

Chú thích:
1. Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư các năm: 2016, 2017, 2018, 2019, 2020 của UBND quận Hoàn Kiếm.
Tài liệu tham khảo:
1. Võ Văn Cần. Nghiên cứu cơ chế kiểm tra, giám sát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, 2014, Hà Nội.
2. Luật Đấu thầu năm 2013.
3. Luật Đầu tư công năm 2014.
4. Luật Ngân sách năm 2015.
5. Luật Xây dựng năm 2014.
6. Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu.
7. Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
8. Nghị định số 84/2016/NĐ-CP ngày 30/9/2016 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.
9. Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
10. Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
11. Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Phan Trọng Khánh
UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội