Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng ở Tỉnh ủy Ninh Bình

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, giám sát chặt chẽ việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết; coi trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Đảng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Qua nghiên cứu công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản của một số tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng, bài viết tập trung phân tích, làm rõ thực trạng và những kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu tổ chức thực hiện các văn của Đảng ở Tỉnh ủy Ninh Bình.
Ảnh minh họa (internet).
Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng ở Tỉnh ủy Ninh Bình

Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó, xây dựng danh mục các nhiệm vụ trọng tâm kèm theo, nêu rõ các nghị quyết, chương trình, chỉ thị, đề án, kết luận và được cụ thể hóa bằng Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể để ban hành các chỉ thị, nghị quyết và thông báo kết luận về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm thực hiện tốt công tác học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; tổ chức hội nghị quán triệt bằng nhiều hình thức phù hợp, tăng cường hình thức trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã; mở rộng thành phần dự hội nghị, nhất là các đối tượng trực tiếp thực hiện. Gắn việc tổ chức quán triệt với xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị để sớm đưa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đi vào cuộc sống. Các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện được đưa ra thảo luận và thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bảo đảm giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy và tình hình thực tiễn của địa phương.

Căn cứ các quy định mới của Trung ương, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động, kịp thời chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy chế, quy định của tỉnh, như: Quy chế làm việc số 08-QC/TU ngày 12/10/2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh (khóa XXII), nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quy định số 1835-QĐ/TU ngày 26/3/2020 về phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ; Quy định số 1836-QĐ/TU ngày 26/3/2020 về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…; Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 22/6/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tỉnh ủy Ninh Bình đã quán triệt tinh thần chỉ đạo: chỉ ra nghị quyết khi thật sự cần thiết, không ra quá nhiều nghị quyết trong một nhiệm kỳ, bảo đảm về lý luận, tính nguyên tắc, định hướng; đồng thời, đáp ứng đòi hỏi giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, có tính khả thi cao. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành 9 nghị quyết, như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 -2030, định hướng đến năm 2045; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030…

Về việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được thực hiện đúng theo Quy định số 66-QĐ/TW ngày 06/02/2017 của Ban Bí thư về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng và Hướng dẫn số 22-HD/VPTW ngày 22/3/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về ban hành một số văn bản của các cơ quan lãnh đạo Đảng cấp tỉnh và các quy định liên quan.

Các nghị quyết, chỉ thị được đầu tư nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị, dự thảo, góp ý đến việc ban hành. Quy trình các bước như sau:

(1) Đối với các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy.

Căn cứ chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác năm và kế hoạch phân công, các đơn vị chuẩn bị các nội dung trình hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh uỷ được giao xây dựng dự thảo nghị quyết, chỉ thị đã chủ động xây dựng đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết của nghị quyết, chỉ thị. Bộ phận giúp việc thu thập tài liệu, tiến hành khảo sát tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh, yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp tài liệu, số liệu và xây dựng dự thảo nghị quyết, chỉ thị. Thực hiện tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự thảo nghị quyết; cơ quan được phân công chủ trì tiếp thu hoàn thiện dự thảo và thống nhất trong tập thể lãnh đạo, sau đó gửi trực tiếp văn bản dự thảo về Tỉnh ủy trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy trước khi trình kỳ họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, cơ quan được giao chủ trì tiếp thu hoàn chỉnh tờ trình, dự thảo nghị quyết, chỉ thị trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành xem xét, thông qua. Văn phòng Tỉnh ủy thẩm định, hoàn chỉnh trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành (đối với nghị quyết) trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành (đối với chỉ thị).

(2) Đối với các Ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc (gọi chung là tổ chức đảng).

Căn cứ chương trình công tác hằng năm và kế hoạch phân công, các đơn vị chuẩn bị các nội dung trình hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức đảng được phân công chủ trì chuẩn bị dự thảo văn bản nghiên cứu kỹ nội dung, yêu cầu của văn bản; tập hợp tư liệu, số liệu, chủ động xây dựng, soạn thảo dự thảo văn bản. Sau khi hoàn thành dự thảo, tổ chức đảng được phân công chủ trì tiến hành tổ chức hội thảo hoặc gửi dự thảo văn bản xin ý kiến trực tiếp để thống nhất ý kiến của các cơ quan, tổ chức đảng hoặc các ngành liên quan về nội dung văn bản. Văn bản sau khi thống nhất trong tập thể lãnh đạo gửi trực tiếp văn bản dự thảo về Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy) để Văn phòng Tỉnh ủy thẩm định, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước khi trình các hội nghị. Sau hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, tổ chức đảng được phân công chuẩn bị dự thảo tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa văn bản và gửi về Văn phòng Tỉnh ủy. Văn phòng Tỉnh ủy thẩm định, hoàn chỉnh, trình ký ban hành.

Mặc dù việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản của Tỉnh ủy Ninh Bình trong những năm gần đây đã có nhiều đổi mới, khoa học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn có một số hạn chế cần được tháo gỡ, đó là:

Thứ nhất, công tác tổng kết, đánh giá việc xây dựng, ban hành văn bản chưa thường xuyên.

Công tác nghiên cứu lý luận chưa giải quyết thấu đáo vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, của tỉnh theo hình thức trực tuyến bên cạnh mặt tích cực, ưu điểm thì vẫn còn hạn chế. Do tất cả đối tượng đều học chung nên chưa làm sâu sắc được việc vận dụng, liên hệ phù hợp với ngành, lĩnh vực cũng ảnh hưởng một phần đến công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thứ hai, việc tổ chức, thực hiện văn bản còn có những bất cập.

Thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có một số nghị quyết chiến lược nhưng chưa đủ nguồn lực tổ chức thực hiện. Vì vậy, trong quá trình thảo luận còn có những khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp để tạo ra sự đột phá cũng như chuyển biến tích cực. Yêu cầu đối với việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị nhiều và dồn dập nên có thời điểm, có nơi còn chuẩn bị chưa kỹ, chưa sâu; chưa có đánh giá chính xác, khách quan chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản.

Yêu cầu phát triển của tỉnh hiện nay rất lớn, nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong khi nguồn lực địa phương còn hạn chế, đặt ra những khó khăn trong xác định, lựa chọn lĩnh vực ban hành nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Một số nghị quyết vẫn chưa sát thực tiễn nên chậm đi vào cuộc sống.

Thứ ba, trình độ, năng lực của một số cấp ủy, cơ quan tham mưu, cán bộ, đảng viên còn hạn chế.

Do trình độ, năng lực của một số cấp ủy, cơ quan tham mưu, cán bộ, đảng viên còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến chất lượng, kỹ thuật xây dựng văn bản Đảng; đến công tác sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Chất lượng triển khai trong thực tế chưa đồng bộ ở các cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là cấp cơ sở. Mặt khác, các quy định, hướng dẫn của trung ương về công tác soạn thảo, ban hành văn bản mới chỉ tập trung chủ yếu vào vấn đề thể thức văn bản. Điều đó, cũng đặt ra nhiều vấn đề thực tiễn cần phải nghiên cứu, tìm ra giải pháp hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng ban hành văn bản

Một là, nâng cao chất lượng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận.

Sơ kết, tổng kết, đánh giá là một yêu cầu không thể thiếu đối với việc tổ chức, thực hiện các văn bản của Đảng. Công tác này được tiến hành thực chất, sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan tham mưu cấp ủy các cấp và trung ương tổng hợp và hoạch định đường lối, chủ trương cho những giai đoạn tiếp theo hoặc đánh giá hiệu quả các kế hoạch đề ra. Cần đi sâu đánh giá, kiểm điểm những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là những nội dung thuộc về nguyên nhân chủ quan. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại các địa phương, cơ quan, đơn vị làm cơ sở, căn cứ cho việc rà soát, ban hành văn bản mới.

Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc ban hành, thực hiện các văn bản của Đảng.

Kiểm tra, giám sát cũng là một khâu của quy trình lãnh đạo. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, cấp ủy các cấp nên chọn vấn đề cần giải quyết ở địa phương, đơn vị mình để ra nghị quyết, chỉ thị phù hợp với tình hình. Việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải bảo đảm đúng quy trình, nhìn từ thực tế kết quả đạt được nhằm góp phần nâng cao chất lượng các văn bản, tránh các biểu hiện thành tích, nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Ba là, coi trọng công tác  tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ cán bộ.

Để công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản Đảng được tốt, cần chú trọng tuyển dụng cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan tham mưu có đủ năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm hoặc cán bộ trẻ xuất sắc được đào tạo đúng chuyên ngành theo các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng tùy tính chất công việc và vị trí việc làm. Trường hợp cần thiết, có thể nghiên cứu đặt hàng đào tạo cán bộ, để việc đào tạo gắn với sử dụng hoặc phối hợp với cơ sở đào tạo để lựa chọn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hoặc cán bộ có chuyên môn của ngành/lĩnh vực đi đào tạo về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu và các cơ quan tham mưu giúp việc cho cấp ủy.

Cán bộ tham mưu cần thường xuyên bám sát, nắm bắt thực tiễn, kịp thời phát hiện những vấn đề, những mâu thuẫn, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; chú trọng phân tích, đánh giá, tổng kết thực tiễn để làm rõ các vấn đề lý luận còn chưa sáng tỏ. Tổng kết thực tiễn phải được coi là phương pháp cơ bản làm cơ sở cho việc tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả và sát thực tiễn đối với các các nghị quyết, chỉ thị, kết luận.

Ngoài ra, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy phải rất rõ ràng để bảo đảm không bị chồng chéo, làm cho công tác tham mưu ban hành văn bản được thuận lợi, rõ người, rõ việc, rõ cơ quan, rõ đối tượng và dự kiến nguồn lực, thời gian thực hiện khả thi.

Năm là, nhận thức đúng đắn về đặc điểm, tầm quan trọng của các văn bản quan trọng của Đảng.

Để có cơ sở lý luận và khoa học vững chắc, cần phải đề ra được những quan điểm mang tính lý luận trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, tôn trọng các quy luật khách quan, kiến thức về khoa học lãnh đạo và khoa học tổ chức để vận dụng. Đồng thời, phải khảo sát, đánh giá đúng tình hình thực tế của địa phương, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để lựa chọn vấn đề, nội dung, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đó chính là cơ cở chính trị và thực tiễn quan trọng cho các văn bản của Đảng, cần coi đó là những thành phần bắt buộc của mỗi nghị quyết, chỉ thị, kết luận.

Việc đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp hoặc nhóm nhiệm vụ, giải pháp phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và phải tôn trọng các quy luật khách quan, vận dụng sáng tạo các kiến thức về quản lý, kinh tế – xã hội để xây dựng và ban hành nghị quyết bảo đảm tính khoa học, nhân văn, hiệu quả, khả thi thực hiện trước mắt và lâu dài. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, lấy thực tiễn của đất nước, địa phương làm điểm xuất phát và điểm đến, nơi kiểm nghiệm của nghiên cứu lý luận trong việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và phải đặt trong tổng thể để thực hiện đường lối, cương lĩnh của Đảng.

Kết luận

Ninh Bình đã và đang quyết tâm thực hiện khát vọng trở thành trung tâm du lịch của khu vực và của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện được mục tiêu này, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình cùng chính quyền và Nhân dân đang nỗ lực, tập trung sức người, sức của, đồng lòng nhất trí, thực hiện tốt các định hướng, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong cơ quan lãnh đạo và các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy. Việc thẳng thắn đánh giá và đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản của Tỉnh ủy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của Nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nêu gương của các cấp ủy Đảng trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 92 – BC/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy Ninh Bình về kết quả công tác ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong 10 năm (2010 – 2020).
2. Chương trình số 03-CTr/TU của Tỉnh ủy Ninh Bình về Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Hướng dẫn số 22-HD/VPTW ngày 22/3/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về ban hành một số văn bản của các cơ quan lãnh đạo Đảng cấp tỉnh.
5. Hướng dẫn số 36-HD/VPTW ngày 03/4/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản của Đảng.
6. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
7. Quy định số 29-QĐ/VPTW ngày 25/12/2013 của Văn phòng Trung ương Đảng về công tác văn thư trong các tỉnh ủy, thành ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương.
8. Quy định số 66-QĐ/TW ngày 06/02/2017 của Ban Bí thư về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng.
TS. Hoàng Văn Vĩnh
Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình
ThS. Nguyễn Thị Yến
Học viện Hành chính Quốc gia