Phát huy tính tích cực của mạng xã hội trong quản trị truyền thông tại các trường đại học

(Quanlynhanuoc.vn) – Mạng xã hội là công cụ thu hút sự quan tâm của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Đã có những báo cáo chỉ ra việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội có nhiều tác động khác nhau đối với kết quả học tập của sinh viên. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan vẫn còn thiếu tính nhất quán, nội dung bài viết phân tích, đánh giá thực trạng về nhận thức, quan điểm của sinh viên khi sử dụng mạng xã hội nhằm đưa ra giải pháp giúp sinh viên quản lý thời gian và sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý phục vụ học tập hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Điện thoại thông minh, máy tính và mạng xã hội (MXH) đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay. Vì vậy, MXH trở thành một phương tiện quen thuộc với đa số người dân, trong đó có học sinh và sinh viên. Theo Báo cáo thị trường Digital Việt Nam năm 2022 cho thấy, 97,6% người sử dụng điện thoại thông minh và 64% người sử dụng máy tính xách tay để lên MXH1. Các trường đại học có thể sử dụng MXH, quản lý MXH để nắm bắt các vấn đề tiêu cực đang xảy ra, từ đó định hướng tâm lý sinh viên, ngăn chặn các nội dung, chương trình hoạt động có biểu hiện sai lệch, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và xã hội, lơ là trong học tập. Chính vì vậy, việc phát huy tính tích cực của MXH các nhà trường đối với công tác quản lý thông tin và định hướng các hoạt động học tập của sinh viên đã trở thành vấn đề mang tính cấp thiết, cần được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi.

Mạng xã hội trong quản trị truyền thông

Khái niệm truyền thông xã hội (TTXH) (Social Media) ra đời từ một vài thập kỷ trước với sự xuất hiện của mạng internet và hệ thống tin nhắn BBS (Bulletin Board System)2. Tuy nhiên, cho đến khi nền tảng web 2.0 ra đời –  công nghệ giúp người dùng tự xây dựng nội dung và kết nối với nhau thì kỷ nguyên của TTXH mới thực sự bùng nổ. Khái niệm TTXH hiện nay được hiểu là các nền tảng (platform) cung cấp cho người sử dụng internet dựa trên công nghệ web 2.0.

Các tác giả Andreas Kaplan và Michael Haenlein trong bài viết trên Tạp chí Business horizons đã định nghĩa TTXH là “những ứng dụng internet xây dựng trên nền tảng công nghệ và lý tưởng của web 2.0 mà tạo điều kiện cho việc kiến tạo và trao đổi thông tin của người dùng”3.

Theo định nghĩa của Bộ Thông tin và Truyền thông, TTXH là “hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”4.

Theo đó, tất cả các phương tiện được sử dụng để hỗ trợ trao đổi giữa mọi người, bao gồm: Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube, Telegram, Skype, Viber, Line, WhatsApp, Twitter…, để chia sẻ nội dung và diễn đàn có thể được sử dụng làm phương tiện TTXH. Chính người dùng là người quyết định, một phương tiện có được sử dụng theo cách xã hội hay không. Hầu hết các phương tiện TTXH thúc đẩy sự tương tác giữa mọi người, điều này thường được cho là có tác động tích cực đến kết quả học tập trong môi trường giáo dục đại học. Chính vì vậy, MXH trở thành một công cụ rất hiệu quả giúp nhà trường hiểu rõ quan điểm của sinh viên và nhận thức của họ về việc sử dụng MXH. Từ đó, nhà trường định hướng chủ đề thảo luận thông qua các chương trình giáo dục cho sinh viên.

Nghiên cứu này được thực hiện theo hướng tiếp cận quy nạp, với công cụ phỏng vấn sâu 10 sinh viên, 10 cán bộ Đoàn và 12 chuyên gia phụ trách công tác cố vấn học tập cho sinh viên và truyền thông trong trường để xác định kênh MXH được nhà trường cho phép sử dụng, đồng thời, đánh giá thực trạng công tác quản lý thông tin và định hướng dư luận trong sinh viên. Tiếp đến, bảng câu hỏi sử dụng Google form và bản cứng thông qua thang đo, bao gồm: các câu hỏi về xã hội học, nhân khẩu học, tâm lý học và điểm số trung bình được gửi đến 1.500 sinh viên của 5 trường đại học: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Kinh tế tài chính, Trường Đại học Tài chính Marketing và Trường Đại học Mở để thu thập các ý kiến của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau 3 tháng khảo sát, nhóm nghiên cứu thu về được 1.350 phiếu và lọc ra được 1.300 phiếu hợp lệ để phân tích (tỷ lệ trả lời 86%)5. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, các công trình nghiên cứu về MXH Việt Nam và thế giới, các chính sách, quan điểm trong việc quản lý thông tin và định hướng dư luận liên quan, nhóm nghiên cứu thực hiện các bước phân tích, so sánh, đối chiếu để cho ra kết quả sau:

Thứ nhất, thống kê mô tả mẫu nghiên cứu.

Từ 1.300 kết quả khảo sát thu thập được cho thấy, độ tuổi trung bình của người được khảo sát là 20 – 25 tuổi. Sinh viên lớn tuổi nhất là 29 tuổi (2 phiếu). Sinh viên nhỏ tuổi nhất là 19 tuổi. Nhóm sinh viên có độ tuổi 20 chiếm ưu thế trong nhóm sinh viên khảo sát (chiếm 45,77%) (xem hình 1).

Xét về cơ cấu năm học, nhóm sinh viên chiếm ưu thế là nhóm đang học năm thứ hai tại các trường đại học. Kết quả khảo sát này hoàn toàn phù hợp với nội dung và mục tiêu nghiên cứu, vì đây là nhóm sinh viên đang có thời gian theo học toàn thời gian tại các trường đại học (sinh viên năm cuối phải đi thực tập tại các doanh nghiệp). Các quan điểm, dư luận trong nhóm sinh viên năm thứ hai thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm sinh viên năm nhất mới vào trường và trở thành định kiến của mỗi cá nhân trong thời gian học tập tiếp theo sau này.

Thứ hai, MXH được sinh viên sử dụng để trao đổi thông tin.

Dựa trên kết quả khảo sát có thể thấy, sinh viên sử dụng MXH dùng để trao đổi thông tin là chủ yếu. Trong tất cả các MXH được khảo sát, sinh viên đều dùng để trao đổi thông tin theo các mức độ khác nhau, trong đó Facebook vẫn là MXH được sinh viên sử dụng để trao đổi nhiều nhất. Có 34% sinh viên sử dụng Facebook thường xuyên và 41,38% sinh viên sử dụng rất thường xuyên để trao đổi thông tin. Tiếp theo là Zalo với mức độ thường xuyên và rất thường xuyên lần lượt là 36,77% và 34,77%. Tiktok không được sinh viên sử dụng trao đổi thông tin nhiều khi chỉ có 23,08% sinh viên sử dụng thường xuyên và 19,31% sinh viên sử dụng rất thường xuyên để trao đổi thông tin6. Như vậy có thể thấy, Facebook là công cụ MXH có ảnh hưởng nhiều nhất đến các dư luận và quan điểm của sinh viên hiện nay.

Thứ ba, nội dung được sinh viên trao đổi thông tin trên MXH.

Dựa vào kết quả khảo sát cho thấy, quan điểm sử dụng các MXH của sinh viên hiện nay đối với mỗi công cụ khá rõ ràng và khác nhau. Sinh viên sử dụng Facebook chủ yếu dùng để kết nối bạn bè (60,77%) và giải trí (50,77%). Các mục đích tiếp theo sử dụng của Facebook lần lượt là bình luận về trường đang học (41,92%), bình luận về các vấn đề xã hội (41,31%) và chia sẻ tài liệu học tập (38,46%). Đối với Zalo, sinh viên để chủ yếu chia sẻ tài liệu học tập (59,31%) và tương tác với thầy cô (57,23%). Tiktok chủ yếu chỉ giúp sinh viên giải trí (50,23%).

Thứ tư, mối quan hệ giữa thời gian sử dụng MXH với kết quả học tập và cảm nhận về chất lượng đời sống sinh viên.

Như vậy, qua kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, MXH có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực lên kết quả học tập của sinh viên, tùy thuộc vào cách mà sinh viên sử dụng và quản lý thời gian của họ trên MXH.

Theo đó, các tác động tích cực của MXH bao gồm:

(1) Tăng cường kết nối: MXH cho phép sinh viên kết nối với những người có cùng sở thích hoặc chuyên môn, tạo ra cơ hội học tập và chia sẻ kiến thức mới.

(2) Truyền cảm hứng: một số trang web MXH có thể cung cấp các nguồn cảm hứng và động lực cho sinh viên học tập, giúp họ tập trung và cải thiện hiệu suất học tập.

(3) Hỗ trợ học tập: các MXH cung cấp các cộng đồng học tập trực tuyến, nơi sinh viên có thể trao đổi ý kiến, hỏi đáp và hỗ trợ nhau trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, MXH cũng có thể có tác động tiêu cực lên kết quả học tập của sinh viên, bao gồm:

(1) Phân tán sự tập trung: việc dành quá nhiều thời gian trên MXH có thể dẫn đến sự phân tán và giảm tập trung trong quá trình học tập.

(2) Mất thời gian: MXH có thể làm mất quá nhiều thời gian của sinh viên, dẫn đến việc họ không có đủ thời gian để hoàn thành bài tập và nghiên cứu.

(3) Phân tâm: các thông báo, tin nhắn và thông tin trên MXH có thể phân tâm và làm giảm khả năng tập trung của sinh viên trong quá trình học tập.

(4) Để đạt được kết quả học tập tốt nhất, sinh viên cần phải quản lý thời gian và sử dụng MXH một cách hợp lý, tránh dành quá nhiều thời gian trên MXH và tập trung vào việc học tập.

Giải pháp thực hiện

Nhóm tác giả đề xuất sử dụng hai công cụ là Google Alert và Buzzmetrics để quản lý và phân loại thông tin trên MXH ở các trường đại học.

Một là, sử dụng công cụ Google Alert để quản lý thông tin liên quan trường đại học qua MXH.

Google Alert là công cụ hoàn toàn miễn phí và dễ sử dụng. Đây là một dịch vụ được Google cung cấp, cho phép người dùng đăng ký nhận e-mail thông báo về những thông tin mới nhất về những từ khóa họ tìm kiếm.

Chọn những từ khóa để cài đặt trong công cụ Google Alert là rất quan trọng vì giúp các trường đại học thu thập được những thông tin từ sinh viên cần thiết trên MXH. Trong phạm vi của nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất sử dụng các từ khóa có liên quan đến tên trường, cụ thể: “Đại học” + “tên trường”, “Đh” + “tên trường”, “ĐH” + “tên trường”, …+ “tên trường” bằng tiếng Anh hoặc chữ viết tắt. Khi xuất hiện các thông tin chứa những từ khóa đã được cài đặt sẵn xuất hiện trên MXH thì Google Alert sẽ gửi email đính kèm những thông tin kèm đường dẫn nguồn thông tin cho bộ phận quản lý truyền thông MXH của trường đại học. Khi nhận được email từ Google Arlert, bộ phận quản lý truyền thông MXH của các trường đại học có thể phân loại và đánh giá thông tin dựa trên tính năng gắn thẻ (tag) của Gmail để dễ dàng xử lý và truy xuất khi cần.

Hai là, lựa chọn các công cụ để định hướng các chủ đề được được sinh viên bàn đến trên MXH.

Việc định hướng các chủ đề được sinh viên bàn đến không chỉ thực hiện khi gặp những sự cố trên truyền thông hay những thông tin tiêu cực từ phía sinh viên xuất hiện trên MXH. Để tạo được một nhận thức đúng đắn và tâm lý ủng hộ từ sinh viên thì nhà trường cần có hoạt động định hướng dư luận trên MXH một cách thường xuyên.

Từ kết quả khảo sát, nhóm tác giả đề xuất sử dụng ba kênh MXH phổ biến để định hướng dư luận trong sinh viên là: Facebook, Zalo và Tiktok, cùng các hoạt động được lựa chọn để định hướng tạo sự kiện (event), đăng tải các bài viết (chữ viết, hình ảnh, video), phát sóng trực tiếp (Livestream), định hướng cộng đồng (Seeding), báo cáo (Report) bài viết, các nhận xét…, sử dụng chuyên gia (KOL/KOC), trò chơi, cuộc thi (Minigame) trên Fanpage. Ngoài ra, gửi tin nhắn hàng loạt (Broadcast) đến những người theo dõi, đăng tải các bài viết (chữ viết, hình ảnh, video) thông qua Zalo…

Kết quả nghiên cứu gợi ý các trường đại học và phụ huynh cần nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của MXH và áp dụng các công cụ truyền thông trên MXH để xử lý thông tin kịp thời, tác động tích cực đến suy nghĩ và hành vi của sinh viên. Nghiên cứu xác định xu hướng hiện tại của việc sử dụng phương tiện TTXH trong sinh viên và phương tiện TTXH ảnh hưởng đến ý kiến ​​và tính cách của họ như thế nào. Qua khảo sát, các mức độ tác động khác nhau của TTXH đối với sinh viên, nhóm tác giả đưa ra các khuyến nghị để nhà trường quản lý thông tin và định hướng dư luận nhằm nâng cao hiệu quả của việc sử dụng MXH.

Chú thích:
1. We Are Social. Báo cáo thị trường Digital Việt Nam năm 2022. https://digitalvn.vn, truy cập ngày 05/3/2023.
2. Globe, Gordon. “The history of social networking”. http://www.digitaltrends.com, ngày 22/11/2013.
3. Kaplan, Andreas M., and Michael Haenlein. “Users of the world, unite! The challenges and opportunities of Social Media”. Tạp chí Business horizons 53.1 (2010), p. 59 – 68.
4. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng.
5. Kết quả khảo sát về xã hội học, nhân khẩu học, tâm lý học và điểm số trung bình đối với sinh viên, đoàn viên và cán bộ 5 trường đại học: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Kinh tế tài chính, Trường Đại học Tài chính Marketing và Trường Đại học Mở (thời gian từ ngày 15/12/2022 – 15/3/2023).
6. Kết quả khảo sát về việc sinh viên sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin tại 5 trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh (thời gian từ ngày 15/12/2022 – 15/3/2023).
TS. Nguyễn Xuân Nhĩ
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành